Thu hút du khách bởi nét hoang sơ và thơ mộng, rừng ngập mặn Rú Chá Huế trở thành điểm đến trải nghiệm của nhiều khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ. Nếu một lần đặt chân đến xứ Huế mộng mơ, đừng bỏ lỡ cơ hội đắm chìm vào không gian thiên nhiên tuyệt vời này.
Độc đáo từ cái tên
Rừng ngập mặn Rú Chá hay còn gọi là rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá – là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang. Có lẽ điểm gây ấn tượng mạnh đầu tiên của khu rừng ngập mặn này chính là cái tên độc đáo: Rú Chá. Thoạt nghe cái tên nghe vừa có vẻ hoang sơ, lại vừa có chút gì đó bí ẩn và ma mị. Theo tiếng địa phương Huế, “rú” ở đây nghĩa là rừng núi, còn “chá” là tên một loài cây mọc chiếm 90% diện tích nơi đây. Cái tên cũng từ đó mà ra đời, nghe dân dã quê mùa, nhưng lại rất đỗi gần gũi thân thương.
Đường đến Rú Chá Huế
Chỉ nằm cách trung tâm Huế chừng 15km, rừng ngập mặn Rú Chá (thuộc làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Huế) không phải quá khó tìm. Xuất phát từ trung tâm, bạn chỉ cần chạy dọc theo đường quốc lộ 49 hướng về biển Thuận An, rẽ trái qua cầu Tam Giang qua đập Thảo Long sẽ đến rừng Rú Chá. Từ trên quốc lộ 49 phóng tầm mắt về xã Hương Phong, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rừng nguyên sinh Rú Chá bởi những cụm cây chá xanh sừng sững, đan bện vào nhau.
Nếu bạn đã ở cảng cá Thuận An, thì có thể đến chơi rừng nguyên sinh Rú Chá bằng ghe hoặc tàu đánh cá. Sau khi vượt qua cửa biển, đến cuối thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong, huyện Hương Trà), Rú Chá sẽ hiện ra trước mắt du khách với bạt ngàn mênh mông một màu xanh.
Tìm về màu xanh
Đến với rừng ngập mặn Rú Chá ở Huế, điều hút mắt nhất chính là một màu xanh của cây cỏ. Màu xanh ngát của cây chá phủ mênh mông trên mặt đầm với diện tích rộng khoảng 5ha. Một màu xanh mát mắt rất kích thích vào mùa hè, cho du khách đến đây được đắn chìm vào cảm giác sảng khoái, tươi mát và thư giãn nhất.
Đường vào Rú Chá là một con đường đất gồ ghề. Con đường này do người dân lấy đất đắp lên cao. Hai bên lối đi này là hàng cây chá sừng sững khẳng khiu với bộ rễ lớn bám chắc vào lòng đất, cành chá mọc đan xen quyện hòa vào nhau thành một khối tạo thành một đường cung vòng lên bao lấy con đường. Cây đan cây, cành đan cành quyện hòa nên một không gian xanh ngắt mát lịm. Ở đường đi không có nắng, chỉ có những vệt nắng li ti xuyên theo kẽ lá chiếu xuống trong thật lung linh.
Khám phá Rú Chá
Người ta đến Rú Chá với những mục đích khác nhau. Nhiều người, nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến đây để thực địa nghiên cứu thế giới nguyên sinh nơi đây. Nhiều người lại chọn đây làm nơi giải tỏa những căng thẳng và bộn bề của cuộc sống hằng ngày.
Bạn có thể đến đây, tản bộ trên con đường nhỏ được đổ bê tông hoặc con đường đất để chiêm ngưỡng những bộ rễ cây trăm năm tuổi, cũng như hít hà lấy mùi rừng núi, sông nước, mùi cỏ cây nơi đây. Chỉ cần hít căng tràn lồng ngực không khí mát lành dịu nhẹ, thu hết vào tầm mắt một màu xanh trải dài quyến rũ, thì những mệt mỏi lo toan của guồng quay cuộc sống bỗng chốc sẽ bay biến đi.
Gần đây, ban quản lý đã cho xây dựng tháp bê tông cao kiên cố ở giữa rú. Đây vừa là nơi để quan sát, quản lý Rú Chá, vừa là nơi lý tưởng cho những góc chụp mới của những kẻ đam mê nhiếp ảnh. Đứng trên cao, rừng Rá Chá sẽ hiện lên hùng vỹ trước mắt, bao bọc nó là vùng đầm phá Tam Giang mênh mông dường như được thu nhỏ. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp hiện ra trước mắt.
Các bạn trẻ cũng thường đến rừng ngập mặn Rú Chá Huế để check-in, chụp ảnh cưới, bởi ở đây góc nào cũng có thể cho ra đời những bức hình “sống ảo” lung linh. Mùa thu về, toàn bộ lá cây chuyển sang sắc vàng, rồi từ vàng sang đỏ, nhìn từ trên cao là những mảng màu xanh vàng đỏ đan xen tuyệt đẹp.
Bức bình phong của đất liền
Không chỉ mang giá trị du lịch, rừng Rú Chá còn là nơi cư ngụ của nhiều loài thủy sinh vùng đầm phá. Rừng ngập mặn Rú Chá có một hệ thống sinh vật khá phong phú như cá, tôm, cua… tạo điều kiện cho người dân nơi đây nuôi trồng thủy sản, tạo kế sinh nhai.
Người ta ví rừng ngập mặn Rú Chá như một bức bình phong án ngữ che chắn cho đất liền nơi biển Thuận An. Người dân ở đây bảo rằng, khi có bão lũ thì ở trong rừng ít bị tổn hại hay ảnh hưởng nhiều, nên đây cũng là nơi tránh lũ của bà con mỗi mùa nước nổi.
Trên rú hiện nay chỉ có ông Nguyễn Ngọc Đáp (72 tuổi) sống cùng vợ trong một căn nhà nhỏ. Gia đình ông đã tình nguyện bỏ phố, về rừng, ở đây giữ gìn và bảo vệ Rú Chá hơn ba mươi năm nay. Người ta gọi ông với cái tên trìu mến: “Người giữ rú”.
Nếu bạn muốn rời phố thị ồn áo náo nhiệt để tìm về một vùng thanh vắng, thì rừng ngập mặn Rú Chá là một điểm tuyệt vời. Hãy đến rừng ngập mặn Rú Chá một lần trong đời, để thấy được bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ thơ mộng nhưng cũng rất đỗi dịu dàng của Huế.
Xem thêm bài viết: Đầm Lập An – Một cõi mơ “rất Huế”