Mục tiêu SMART (SMART Goals)
Định nghĩa
Mục tiêu SMART hay nguyên tắc SMART trong tiếng Anh là SMART Goals hay SMART Principle.
Mục tiêu SMART thực chất là những nguyên tắc được thiết lập để định hình và thực hiện mục tiêu trong tương lai. Chúng ta sẽ biết được khả năng của mình có thể làm được gì và xây dựng kế hoạch cụ thể cho chúng.
SMART là tên viết tắt của những chữ cái đầu, được xây dựng để thiết lập mục tiêu, đảm bảo cho các mục tiêu đã đề xuất được hoàn thành.
Nội dung của mục tiêu SMART
S – Specific (simple, sensible, significant): Tính cụ thể, dễ hiểu
– Một mục tiêu thông minh đầu tiên phải được lên kế hoạch một cách cụ thể, rõ ràng. Mục tiêu càng cụ thể, rõ ràng càng thể hiện rõ quyết tâm và nỗ lực thực hiện.
– Một trong những cách mà người ta thường dùng để xác định một mục tiêu cụ thể là tưởng tượng về chúng.
Chẳng hạn, mục tiêu của bạn trong 10 năm tới là mua một ngôi nhà đẹp, nhưng ngôi nhà này chưa đủ cụ thể. Bạn hãy nhắm mắt lại, hình dung ra ngôi nhà tôi đang ở sẽ to như thế nào? Màu sơn là gì? Có bao nhiêu phòng? Những vật dụng trang trí trong phòng gồm những thứ gì? Xung quanh ngôi nhà sẽ được thiết kế như thế nào? Bạn càng hình dung ra rõ ràng mục tiêu của mình, bạn càng sẽ biết chính xác những gì bạn cần làm để đạt được nó.
M – Measurable (meaningful, motivating): Có thể đo lường được
– Nguyên tắc này hàm ý rằng mục tiêu phải được gắn liền với những con số. Nguyên tắc SMART đảm bảo mục tiêu của bạn có sức nặng, cụ thể là có thể cân, đo, đong, đếm được.
Chẳng hạn, bạn muốn có một nguồn thu nhập ổn định, thì “ổn định” với đối với bản thân bạn là như thế nào? Có thể là mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng hoặc hơn thế nữa?
Những con số cụ thể mà bạn đặt ra cho mình cũng tựa như đòn bẩy thúc đẩy tinh thần, động lực của bạn lên cao để nỗ lực hết mình đạt được điều mình muốn. Nếu không, không những bạn không tạo cho mình niềm mong muốn cháy bỏng để tập trung vào mục tiêu, mà còn cảm thấy chán nản, không được khích lệ và dễ dàng dẫn đến bỏ cuộc.
A – Atainable (agreed, achievable): Tính khả thi
– Tính khả thi cũng là một yếu tố rất quan trọng khi ta đưa ra một mục tiêu. Nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ về khả năng bản thân trước khi đề ra một chỉ tiêu quá xa vời nếu không muốn bỏ cuộc giữa chừng.
– Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn chỉ lập ra cho mình một mục tiêu dễ dàng, đơn giản, qua loa mà bỏ qua cơ hội được thử thách với những điều to lớn hơn.
R – Realistic (reasonable, realistic and resourced, results-based): Tính thực tế
– Mục tiêu bạn thiết kế cho mình cũng không nên quá xa vời so với thực tế. Bạn có thể tận dụng các nguồn lực của mình để đảm bảo chúng sẽ đi đến nơi cần phải đến.
T – Time bound (time-based, time limited, time/cost limited, timely, time-sensitive): thiết lập thời gian
Giống như một cuộc hẹn, bất cứ một mục tiêu lớn nhỏ nào cũng cần được xác định một thời gian cụ thể để thực hiện. Nguyên tắc này tạo cho bạn một cột mốc xác định thời điểm bạn bước lên đỉnh chiến thắng. Trong quá trình thực hiện, bạn biết được mình đang đi đến đâu trong cuộc hành trình và kịp thời điều chỉnh khi cần thiết.
(Tài liệu tham khảo: Ivyprep; Mindtools)