Nhân vật mang số phận bất hạnh

Số phận bất hạnh là gì

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Nhân vật mang số phận bất hạnh

“Đây là loại nhân vật gặp nhiều sóng gió và bị xô đẩy bởi những xung đột trong đời sống”[ 28, tr107]. Thông qua loại nhân vật này, cuộc sống hiện ra sống động hơn với muôn hình vạn trạng của nó chứ không phải là hiện thực được lí tưởng hóa. Trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy những nhân vật mang số phận bất hạnh rất nhiều và hầu như ở tác phẩm nào của chi cũng có. Mỗi nhân vật là một cuộc đời, một số phận nhưng họ chẳng bao giờ có được những niềm hạnh phúc trọn vẹn.

Nhân vật Súa trong truyện ngắn Lặng yên dưới vực sâu thể hiện rõ bi kịch tình yêu. Súa có một tình yêu đẹp nhưng Súa lại chẳng bao giờ được sống với người mình yêu mà phải sống với người mà trái tim chị chưa từng bao giờ rung động. Súa lặng lẽ sống kiếp làm vợ, làm mẹ. Trái tim luôn khát khao cháy bỏng những giây phút của tình yêu nhưng điều đó chỉ là ước mơ xa vô cùng xa vời với Súa bởi cô phải chấp nhận hiện thực phũ phàng đó của cuộc đời mình:

“Gió vẫn rít từng cơn qua rừng nguyên sinh toàn lim, sến hàng trăm năm tuổi trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Những ngôi sao đầu tiên của đêm tối đã xuất hiện trên cao, ánh sáng le lói của nó hắt xuống khiến cho đáy vực xuống sâu thêm chút nữa, khoảng cách từ chỗ Súa đứng đến nơi người đàn ông kia nằm lặng yên cũng xa thêm một đoạn… Cuộc sống đã dừng lại. Súa chỉ cảm thấy duy nhất điều đó, khi gió từ đáy vực đang thốc ngược lên”[42,tr139]. Súa đã tha thứ cho Phống và chấp nhận Phống, mong muốn được xây dựng hạnh phúc cùng với Phống, lần đầu tiên tha thứ ấy cũng là lần cuối cùng. Phống chết dưới vực sâu, cuộc sống lại một lần nữa với Súa như dừng lại. Và, Súa biết từ đây cuộc đời Súa sẽ càng bất hạnh hơn, đau khổ hơn trong nỗi dằn vặt khôn nguôi.

Nhân vật Mai trong truyện ngắn Cạnh bếp có cái muôi gỗ thể hiện rõ nỗi bất hạnh của một người phụ nữ không đẻ con trai cho chồng và thế là người chồng đã ra đi để kiếm đứa con trai với người phụ nữ khác. Bi kịch ấy khiến cho nhiều người phải xót xa. Ở cuối truyện suy nghĩ của người bạn – nhân vật Tôi đã bộc lộ rõ hoàn cảnh đáng thương và tội nghiệp của Mai: “Tôi định hỏi, Mai không biết thật hay là Mai nói dối bạn. Mai sợ bạn thương hại Mai. Tôi còn định kể lại chuyện ăn thắng cố ở chợ huyện trước khi về Thài Phìn Tủng, nhưng cái mặt cúi gằm, tóc xù ra ngoài vành khăn lại không mở miệng được”

[42, tr161]. Hay nhân vật “Nàng” trong truyện ngắn Đàn bà đẹp lại là một kiểu bất hạnh khác của cuộc đời. Người phụ nữ này giàu có và đẹp, vẻ đẹp ngày càng được “tu sửa” một cách hoàn hảo, nàng chẳng thiếu một thứ vật chất gì, nàng muốn gì được nấy, nhưng chua xót thay có một thứ vô cùng bình dị mà nàng chẳng có được đó là tình yêu, là hạnh phúc và sự ấm áp bên người chồng mà nàng thương yêu. Đây là nỗi đau của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Con người cứ chạy theo những vinh hoa phú quý để rồi đánh mất đi những khoảng lặng tâm hồn, những giây phút bình yên và hạnh phúc bình dị. Còn trong truyện ngắn Chiếc hộp khảm trai là nỗi niềm của người phụ nữ không thể có con. Bình là một người phụ nữ có hạnh phúc khá trọn vẹn, Bình được chồng và mẹ chồng thương yêu, được sống trong một ngôi nhà chan chứa tình yêu thương. Nhưng Bình lại chẳng thể có con, và bất hạnh là ở chỗ mãi đến khi mẹ chồng mất đi lúc đó Bình mới biết nguyên nhân thực sự việc Bình không thể có con, để mãi mãi sau đó Bình sẽ phải sống trong nỗi day dứt khôn nguôi. Day dứt vì bản thân mình không thể có con, day dứt với người mẹ chồng đã mất đôn hậu hiền hòa giàu tình yêu thương.

Hình ảnh người chị dâu trong tác phẩm Sau những mùa trăng của Đỗ Bích Thúy cũng ám ảnh người đọc rất nhiều bởi những bất hạnh trong tình yêu, trong cuộc sống. Chị là cô gái xinh đẹp giỏi giang nhưng sớm góa chồng. Người phụ nữ đó cam chịu nhẫn nhịn trong cuộc sống làm dâu, thậm chí hy

sinh bản thân mình sống cho nhà chồng. Tận sâu thẳm trái tim chị vẫn khát khao một tình yêu, một cuộc đời hạnh phúc, nhưng chị hiểu bổn phận và trách nhiệm của mình. Điều đó khiến cho người đọc thấy vô cùng cảm thương. Có những lúc chị khóc thầm vì số phận mình không may mắn, nhưng rồi cũng nhanh chóng quay trở về với hiện thực cuộc sống. Nhưng người phụ nữ ấy vẫn đẹp, đẹp đến mức bao nhiêu chàng trai suốt ngày chỉ muốn thổi sáo theo chị, chỉ muốn chờ đợi và ngắm nhìn chị khi chị qua con suối. Rồi người mà thương thầm trộm nhớ chị, khắc lòng nỗi lòng khi đi xa trở về lúc ở bên cạnh chị lại chính là người em chồng. Và chị dường như cũng xao xuyến bồi hồi trước tình cảm đó. Những tình cảm đó chỉ là sự chông chênh, mênh mang trong tâm hồn, đẹp như ánh trăng sáng lấp lánh qua những con suối nhưng mơ hồ và ảo ảnh, huyễn hoặc và xa xôi… Những khát vọng đó của các nhân vật trong truyện dù chỉ là mơ hồ, xa xôi nhưng nó đã thể hiện rất rõ cái nhìn giàu giá trị hiện thực và giàu tính nhân văn của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Đó là khát vọng sống, khát vọng tình yêu mãnh liệt của những trái tim khao khát yêu thương. Trong những mất mát và những đắng cay của cuộc đời người, phụ nữ ấy vẫn ấp ủ một ngọn lửa yêu đương nồng nàn, tha thiết dù không thể nói thành lời. Câu chuyện dừng lại ở đó và cũng tạo nên sự chông chênh trong lòng người đọc, nhưng trên hết ta vẫn thấy được chất nhân văn tỏa sáng, đó là tình yêu người, yêu đời tha thiết dù cuộc sống có vất vả, bộn bề và thậm chí là mất mát, thiệt thòi đến đâu.

Những nhân vật bất hạnh trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy thường là bi kịch trong tình cảm, đặc biệt là người phụ nữ với trái tim yêu mãnh liệt nhưng không bao giờ trong cuộc đời có được hạnh phúc trọn vẹn. Bởi tình yêu có lẽ là thứ tình cảm khiến con người ta luôn thấy khó nắm bắt và khó lí giải nhất. Viết về lĩnh vực này, Đỗ Bích Thúy đã nói đến những uẩn khúc, những trạng thái tâm lí dằn vặt của con người mà nhiều khi như một vòng luẩn quẩn, con người cố thoát ra nhưng lại bị nó lôi vào. Khi miêu tả những bi kịch trong

lòng người, nhà văn đã tìm cho mình một cách đi riêng, khám phá tâm hồn con người ở bề sâu của nó với những thổn thức suy tư dai dẳng.

Đỗ Bích Thúy đã cho người đọc cảm nhận được một điều, trong không gian mênh mang của núi rừng đại ngàn kia, có những khung cảnh mơ mộng nên thơ, nhưng cũng có những đắng cay vất vả của những con người miền núi cần cù chịu thương chịu khó. Những người phụ nữ dù trong những khổ đau bất hạnh, họ vẫn âm thầm chịu đựng và vẫn luôn khát khao cháy bỏng những niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời. Cũng giống như cô Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, cứ tưởng rằng những cường quyền của bạo lực và những thần quyền hủ tục đã khiến cho người phụ nữ xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc kia gục ngã. Nhưng sau trong tâm hồn vẫn là một ngọn lửa âm thầm cháy, chỉ cần một cơn gió thổi qua cuộc đời, ngọn lửa ấy sẽ bùng cháy mãnh liệt. Thế mới nói rằng, người phụ nữ miền núi trong gian khổ cay đắng, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên và cuộc sống thì họ vẫn vùng lên một cách quyết liệt, thậm chí đến ương bướng, ngang ngạnh. Những người phụ nữ trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy giúp chúng ta học được rất nhiều điều ở họ, đó là những vẻ đẹp bên trong tâm hồn với những niềm khát khao hạnh phúc, yêu thương.

Không chỉ là nỗi bất hạnh của những người phụ nữ gặp nhiều trắc trở trong hôn nhân, hạnh phúc. Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy còn khai thác bi kịch của những cặp vợ chồng không có con, không có được một hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Truyện ngắn Tráng A Khềnh nói về nỗi đau đó. Người mẹ già cả một cuộc đời sống trong nỗi dày vò vì nghĩ mình không thể có con. Khi người chồng đi tìm một đứa con và đổi một con bò để lấy đứa con ấy, người vợ giận lắm, nhưng yêu con, yêu chồng, người phụ nữ ấy vẫn thấy được trong bất hạnh những niềm hạnh phúc lớn lao. Người chồng qua đời trước, rồi người mẹ đẻ kia cũng qua đời, khi lời trăn trối cuối cùng dặn lại cho người mẹ không con bất hạnh kia là thằng Tráng A Khềnh không phải con của chồng bà, nó không phải họ Tráng, nó họ Vàng. Vậy là bí mật của cuộc đời một cậu bé đã khép lại,

người cha tưởng đổi được cậu chỉ bằng một con bò kia đã mất từ lâu, rồi người mẹ đẻ của cậu cũng ra đi, cậu ở lại trên đời với người mẹ chẳng phải đẻ ra mình, nhưng lại nuôi mình từ lúc lọt lòng, yêu thương mình thậm chí hơn chính bản thân bà. Những sự hiểu lầm ấy có thể coi là bất hạnh của cuộc đời không? Có lẽ đó là một bi kịch ngọt ngào nhất cho số phận của những con người giàu tình yêu thương. Câu chuyện thực sự xúc động người đọc, giúp cho chúng ta hiểu trong cuộc đời, sự chấp nhận và tha thứ, sự bao dung mở rộng lòng mình để đón nhận những yêu thương trong cuộc đời là những điều thật tốt đẹp và có ý nghĩa.

Trong sáng tác của Đỗ Bích Thúy những nhân vật mang số phận bất hạnh không chỉ là những người phụ nữ với những đau khổ trong hôn nhân hay trong tình yêu, mà còn cả những số phận bất hạnh bởi cái nghèo cái khổ của người dân miền núi trong sự thay đổi của cuộc sống hiện đại. Truyện ngắn

Khách quý thể hiện rõ nỗi bất hạnh sự tuyệt vọng của một người mẹ nghèo bất lực nhìn theo đứa con gái ra đi mà trong lòng cảm thấy vô cùng đau đớn xót xa. Khách đã lạnh lùng mang đứa gái lớn đi theo: “Nghe đứa gái nhỏ hát, tiếng hát buồn bã như tiếng con gà lạc mẹ, bà May chỉ biết cúi đầu giữa hai đầu gối, mặc nước mắt ngấm ngầm chảy. Đứa gái lớn đã đi thật rồi. Nó còn đi xa hơn phố huyện. Bạn nó nói gặp hai người ở chợ huyện, đứa gái lớn bảo. Hai người sẽ đi thật xa, qua cả biên giới, bên ấy kiếm tiền dễ lắm. Mỗi tháng có thể kiếm được ba triệu, năm triệu. Ầy, ở nhà thì một năm cũng không kiếm được một triệu. Nó còn nói thêm, kiếm được nhiều đủ tiêu cả đời thì sẽ về. Khi về mang theo cả con rể, cả cháu ngoại luôn. Và bà, ngày nào cũng muốn gọi: Cháu ngoại ơi, cháu ngoại ơi. Mang mẹ về cho bà với chứ. Nghĩ thế nhưng không dám tin thế”[42,tr28].

Thiên nhiên núi rừng mặc dù nên thơ trữ tình nhưng cũng hùng vĩ dữ dội, điều đó cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân miền núi. Họ xa với thị trấn, với đô thị khiến cho những nhận thức về cuộc sống hiện đại

còn nhiều hạn chế. Cái đói, cái nghèo dường như vẫn còn bao phủ lên cuộc sống vốn đã nhiều khó khăn và thiếu thốn của họ, khiến họ có những ảo vọng về cuộc đời. Người con gái trong truyện ngắn Khách quý, vì những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã khiến cho cô bỏ nhà ra đi theo khách để đến một nơi xa xôi lắm, để có thể kiếm được nhiều tiền, để không phải sống trong đói, cái nghèo mãi nữa. Nhưng rồi cô sẽ đi đâu, cô sẽ làm gì, liệu có thể giàu sang phú quý không, hay cuộc đời sau đó sẽ chuốc lấy những bất hạnh, cay đắng. Câu chuyện khép lại với những câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhưng người đọc thấy rưng rung xúc động cho hoàn cảnh của người mẹ và của cô em gái nhỏ. Hiện thực ấy có lẽ sẽ có rất nhiều ở trong cuộc sống này mà không chỉ riêng ở những người dân miền núi. Các nhà văn hiện đại cũng viết rất nhiều về hiện thực này, nhưng lối viết của nhà văn Đỗ Bích Thúy thực sự độc đáo. Nhẹ nhàng nhưng thâm thúy sâu cay, miêu tả ít nhưng gợi tả thì nhiều. Hơn ai hết nhà văn hiểu những suy nghĩ của người dân miền núi, bởi đó là nơi chị sinh ra, lớn lên và đã từng làm việc, nhưng có lẽ điều cơ bản nhất chính là trái tim nhân hậu, sự bao dung là tình yêu thương con người sâu sắc.

Các nhà văn bao giờ cũng là những nhà nhân đạo đầu tiên và lớn nhất. Bởi đã gọi là tác phẩm văn học thì điều cốt lõi nhất của tác phẩm chính là phản ánh hiện thực và bày tỏ tình yêu thương của con người với con người trong cuộc sống. Vì thế trên những trang văn của Đỗ Bích Thúy, những trang viết phân tích về hiện thực cuộc sống sâu sắc, đa chiều, nhưng tất cả đều dựa trên tinh thần nhân đạo lớn lao.

Bằng giọng điệu chậm rãi có phần lạnh lùng khi miêu tả nhân vật với những số phận đầy bất hạnh, đầy sự éo le trong cuộc đời nhà văn đã chạm đến tận sâu nỗi đau của những số phận ấy trong cuộc đời, đặc biệt là số phận bất hạnh của những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại.