Sổ vàng đất đai thường ít được nhắc đến trong các giao dịch liên quan đến nhà đất so với sổ trắng, sổ đỏ và sổ hồng. Tuy nhiên, đây vẫn là loại giấy tờ có ý nghĩa quan trọng đối với việc chứng minh quyền sử dụng đất.
Thực tế hiện nay cho thấy, dù đang trong quá trình đồng bộ hóa, hướng đến việc chuyển các loại giấy chứng nhận cũ sang mẫu mới nhất hiện hành nhưng pháp luật vẫn tạo hướng mở, thừa nhận giá trị của các loại giấy tờ này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các gia đình, cá nhân và tổ chức. Bởi không hẳn trong trường hợp nào, họ cũng nắm rõ các quy định và thủ tục liên quan.
Sổ vàng đất đai là gì?
Không có văn bản nào ghi nhận lại cụ thể sổ vàng đất đai là gì. Hầu như đây là tình trạng chung của các loại sổ (giấy) chứng nhận cũ, tương tự như sổ xanh, sổ trắng,… Tuy nhiên, có thể hiểu dựa trên việc nghiên cứu sổ trắng, sổ xanh là gì; sổ vàng cũng là một trong các loại giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu.
Theo đó, khi đăng ký đất đai lần đầu, người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu có màu vàng hoặc màu xanh hay màu khác mà không phải là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Xét về bản chất, sổ vàng đất đai cũng mang ý nghĩa ghi nhận quyền sử dụng, sở hữu đối với đất đai, tài sản trên đất của cá nhân; nhưng đây chỉ có thể xem là một trong các căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không hoàn toàn mang những đặc điểm, giá trị pháp lý như mẫu sổ mới gần đây.
Đăng ký đất đai lần đầu là gì?
Khoản 1 Điều 95 Luật Đất đai 2013 có nêu rõ “Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu”.
Đồng thời, khoản 2 Điều 3 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT cũng quy định: “Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là việc thực hiện thủ tục lần đầu để ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với một thửa đất vào hồ sơ địa chính”.
Mục đích của việc đăng ký đất đai lần đầu là để Nhà nước quản lý và là thủ tục bắt buộc, có ý nghĩa quan trọng đối với việc cấp Giấy chứng nhận khi có nhu cầu.
Đăng ký lần đầu được thực hiện trong các trường hợp sau (khoản 3 điều 95 Luật Đất đai 2013):
- Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng;
- Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký;
- Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký;
- Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đăng ký.
Thủ tục đăng ký đất đai lần đầu
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Thành phần hồ sơ
- Đơn đăng ký theo Mẫu số 04a/ĐK;
- Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (bản sao).
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất – nếu có (bản sao).
- Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
Thẩm quyền giải quyết
- Hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo quy định của UBND cấp tỉnh.
- Có thể nộp tại UBND cấp xã với người đăng ký là hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.
Như vậy, sổ vàng đất đai là khái niệm gắn với thủ tục đăng ký đất đai lần đầu. Cá nhân, hộ gia đình nên phân biệt rõ tính chất pháp lý với Giấy chứng nhận hiện hành nhằm tiến hành đầy đủ các thủ tục để quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất được ghi nhận một cách hợp pháp.
Xem thêm:
- Thủ tục đổi giấy trắng sang sổ hồng (Mới nhất)
- Số tờ số thửa là gì? Cách xem chính xác nhất
- Đất sổ xanh có chuyển sang sổ đỏ được không?