“Vui chơi không ngơi nghỉ” chính là phong cách sống của các bạn “bươm bướm xã hội” (social butterfly) – nghe thì hay ho đấy nhưng tất cũng phải có những bất cập riêng của nó. Bạn muốn “nhập đàn” ư, hãy đọc tiếp bài viết này để tìm hiểu về các dấu hiệu của một “bướm xã hội”, cùng với cách tốt nhất để “bướm xã hội” có thể cân bằng giữa lối sống bận rộn và sức khoẻ nhé.
“Bướm Xã Hội”?
Đây là cụm từ thường được dùng để miêu tả những người có xu hướng xã hội, cởi mở, cùng với đó còn rất duyên dáng và cuốn hút. Nếu có ai đó đã từng gọi bạn bằng danh xưng này, thì có lẽ là do họ thấy bạn dường như lúc nào cũng sự kiện nọ hội hè kia, hoặc do cách ứng xử của bạn với người xung quanh khiến ai nấy đều phải chú ý.
Theo nhà tâm lý học chuyên về trẻ em và gia đình Nicole Beurkens, các “bướm xã hội” sẽ ưu tiên và chủ động tham gia vào những hoạt động hay những cuộc đối thoại giúp họ kết nối với người khác. Đa số đều là người hướng ngoại, chuyên gia tâm lý Alicia Muñoz khẳng định, bởi người hướng ngoại, tương tự như “bướm xã hội”, thường nạp năng lượng thông qua những lần giao thiệp và ăn chơi chè chén, chính vì vậy cũng có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các sự kiện như vậy.
Nét Tính Cách Đặc Trưng
-
Hướng Ngoại
Như đã nói ở trên, người hướng ngoại và “bướm xã hội” thích ở trong những cảnh đông vui xôm tụ hơn là quạnh quẽ hắt hiu. Mỗi ngày trong cuộc đời họ dường như lúc nào cũng ngập tràn các kế hoạch gặp gỡ, hoặc chí ít là nói chuyện cùng với ai đó. Họ yêu thích tiệc tùng, chẳng ngại ngần gì việc phải bắt chuyện cùng ai, đồng thời sẽ chẳng bao giờ chịu bó gối ngồi cùng một nhóm bạn – phải hai, phải ba, phải nhiều hơn thế kia.
-
Nói Nhiều
Đi kèm với khả năng “tâm sự cùng người lạ”, các “bướm xã hội” còn có “chuyên môn tán dóc”. Bất kể đối tượng có là người chưa gặp bao giờ, đối tác hay hội nhóm, các “bướm” vẫn sẽ chẳng ngại ngần gì mà nói hoài, nói mãi, nói đến bao giờ cũng được.
-
Duyên Dáng
Là người hướng ngoại và nói nhiều thì chưa chắc đã duyên dáng, nhưng “bướm xã hội” thường sẽ đáp ứng đủ cả ba tiêu chí trên – tất nhiên phải thân thiện và ấm áp chứ, sở thích của họ là dành thời gian với mọi người kia mà. Và cũng chính nhờ vào cái nét tính cách dễ thương ấy, sẽ chẳng ai có thể quên mời họ trong một dịp vui nào – lợi cả đôi đường, đúng không?
Khó Khăn
Dẫu các “bướm xã hội” thực ra cũng chỉ đang hành động theo đúng bản năng của mình, thì sự hướng ngoại của họ tất cũng phải tiềm ẩn nhiều trở ngại:
-
Quản Lý Thời Gian
Theo Beurkens, cái thói mê mải giao thiệp ấy của người hướng ngoại có thể sẽ khiến họ chểnh mảng đi với những nhiệm vụ cấp thiết hơn. “Ở chốn công sở, có rất nhiều ‘bướm’ cảm thấy bản thân chỉ năng nói chuyện với đồng nghiệp chứ chẳng chịu làm việc. Đồng thời, giờ giấc họp hành cũng cùng với đó trở nên vất vả hơn nhiều, bởi giả sử đang hớt hải chạy đến phòng họp, nhưng tự dưng lại gặp người quen trên đường chẳng hạn, nên quen thói cứ phải dừng lại chào hỏi vài câu cái đã; hoặc, ngay cả khi đã muộn giờ lên lớp, họ vẫn cứ nấn ná muốn trò chuyện cho xong cùng người bạn thân qua điện thoại, vân vân và mây mây.”
-
Ranh Giới Cá Nhân
Bởi lúc nào cũng phải là người bạn tâm tình cho cả anh A, B, C, D…, các “bướm” có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đề định ra ranh giới cá nhân, dẫn đến khả năng bị “ngợp” trong mớ bòng bong của quá trời những yêu cầu và than vãn kể lể của người khác, Beurkens cho hay. Cùng với đó, việc luôn luôn phải có mặt trong mọi cuộc tiệc tùng hội hè thậm chí sẽ còn khiến họ chìm sâu hơn nữa vào cảm giác choáng ngợp ấy.
-
Bốc Đồng
Với lịch trình dày đặc, các “bướm” thường dễ bị coi là không đáng tin bởi đâu phải lúc nào cũng có thể ba đầu sáu tay đi tới mọi cuộc hẹn đã đề ra từ trước được. Beurkens cho biết, “họ thường chỉ ‘nước đến chân’ mới quyết định xem bản thân liệu có nên đi đến đám này đám nọ không, chứ chẳng kĩ càng chuẩn bị từ trước như chúng ta, và điều này có thể sẽ khiến rất nhiều người cảm thấy khó chịu.”
-
Sự Thân Mật
Cuối cùng, theo Beurkens, mặc dù đối với các “bướm” thì việc tìm bạn tìm bè cũng dễ dàng thật đấy, nhưng chuyện đào sâu các mối quan hệ đã thiết lập thì lại không thuộc về sở trường của họ, “thế nên thường chúng chỉ dừng lại ở mức xã giao chứ hiếm khi hơn được.”
“Bướm” Nên Chăm Sóc Bản Thân Như Thế Nào?
Hẳn các bạn cũng đã đoán được phần nào rồi, chu trình chăm sóc bản thân sẽ đòi hỏi ở “bướm” khả năng quản lý thời gian và thiết lập ranh giới cá nhân. Beurkens cho rằng các “bướm’ rất nên sử dụng các công cụ trên điện thoại như ứng dụng lập kế hoạch hằng ngày hay chế độ báo thức, từ đó kiểm soát được lịch trình của mình – lợi cho cả bản thân các “bướm” lẫn người xung quanh. Thêm vào đó, “nếu bạn biết mình thường đi làm muộn chỉ vì cứ trót tám chuyện với bất cứ ai dọc đường, hãy ra khỏi nhà từ sớm hơn nữa, sau đó dành khoảng thời gian dôi ra ấy mà tán dóc.” Các “bướm” ngoài ra còn rất nên xác định trước mốc thời gian mở – đóng của “quầy tiếp dân”, “để đỡ phải điên đầu 24/24 vì vấn đề của người khác”. Cũng biết là nói thì dễ hơn làm, nhưng nếu bạn đã muốn đảm bảo cho tinh thần luôn luôn được khoẻ mạnh thì phải cắn răng thôi.
Và cuối cùng, để ngưng lại cái thói xao nhãng, chưa xong việc mà đã lảng ra ngồi lê đôi mách, Beurkens khuyên bạn nên liệt kê ra xem mình cần và không cần ưu tiên làm thứ gì, để thỉnh thoảng cò mở ra xem lại. Chẳng hạn, chưa học xong lớp yoga ư, thế thì gọi cho bạn bè sau vậy! Tựu chung, hãy thử áp dụng bất cứ phương pháp gì có thể khiến bạn nghĩ trước khi đâm đầu vào chơi bời, vậy là được!
Cách Để Khiến Cho Lũ “Bướm” Trong Đời Hạnh Phúc
Cho dù “bướm” ấy có là bạn bè, người thân hay người yêu, bạn vẫn có thể áp dụng các cách dưới đây để duy trì cho họ trạng thái vui vẻ:
-
Thấu hiểu Và Tôn Trọng Tính Hướng Của Họ
Nếu bạn không phải là “bướm”, thì hẳn cũng đã có lúc thấy bực dọc lắm về những lần họ cho mình leo cây (vì trùng hẹn hay chỉ đơn giản không muốn đi), hoặc chí ít là đến muộn. Vậy, hãy thành thật nói cho họ nghe về sự bất bình ấy của bạn, nhưng cũng đồng thời phải biết nghĩ rằng à, mấy con “bướm” thì lúc nào mà chẳng nhiều bề nhiều vẻ, bản năng và lại còn rất “máu”. Giữa hai luồng ý kiến trên tất phải có sự cân bằng, như sau…
-
Tìm Ra Điểm Cân Bằng
Beurkens cho hay, việc tìm ra điểm cân bằng giữa “cương” và “nhu” như đã nói ở trên thật sự rất quan trọng, nhất là khi bạn là người hướng nội, hoặc ít nhất là không hăng hái bằng họ. Phải rắn lên nếu bạn muốn họ nghe lời, nhưng cũng đừng lo buồn nếu họ “mèo lại hoàn mèo” – chẳng phải vì họ ghét bỏ hay coi khinh gì bạn đâu.
-
Việc Giao Tiếp Là Vô Cùng Quan Trọng
Đương nhiên rồi, giao tiếp lúc nào mà chẳng quan trọng, cho dù mối quan hệ ấy có tình tứ hay không. “‘Bướm’ buộc phải biết nếu những hành động và quyết định của họ đang làm tổn thương người khác. Khi thẳng thắn tỏ bày cùng họ, bạn cũng đã đồng thời cho họ cơ hội được sửa sai và hàn gắn lại mối quan hệ đang trên bờ vực rạn vỡ.”
Lời Kết
Nói chuyện và ngoại giao thì đã là những thế mạnh trời sinh của các “bướm xã hội” rồi, tuy nhiên họ vẫn sẽ phải tập trung cải thiện những thiếu sót như quản lý thời gian hay thiết lập ranh giới cá nhân, bởi khi và chỉ khi đã thoả mãn được cả nhu cầu giao thiệp lẫn các nhiệm vụ đời sống, họ mới có thể thực sự trở thành trung tâm trong bữa tiệc cuộc đời mình.
–
Dịch giả: Nguyễn Hà Anh
Biên tập: Dung Lê
Nguồn ảnh: unsplash.com
Link bài gốc: What It Really Means If You’re A Social Butterfly & How To Thrive
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả – Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.
(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.