Đòng sông Lam (còn gọi là sông Cả) có chiều dài hơn 400 cây số, chảy dài từ miền Tây, qua gần 10 huyện trên đất Nghệ An rồi đổ ra biển, được coi như một long mạch xứ Nghệ.
Cũng như con người sinh ra có cha, mẹ, có quê hương, những dòng sông cũng có nguồn cội của mình. Đầu nguồn sông Lam chính là điểm hợp lưu của hai dòng sông Nậm Nơn, Nậm Mộ. Điểm giao cắt giữa ba con sông này được người dân địa phương đặt cho một danh từ rất ấn tượng: Cửa Rào.
Theo tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là nước. Có người bảo “mộ” có nghĩa là “ông” còn “nơn” có nghĩa là đục, có người lại bảo rằng: “nậm mộ” nghĩa là tổ tiên của dòng sông, còn “nơn” có nghĩa là “chàm”, ý bảo dòng sông đục như chàm, vì trong tiếng Thái, “nậm nin” là thứ nước dùng để nhuộm quần áo. Dòng Nậm Mộ có chiều dài 28 km bắt đầu từ xã Mường Típ, huyện Kì Sơn, chảy qua Lưu Kiền đổ về Cửa Rào – xã Xá Lượng. Dòng Nậm Nơn dài 102 km, bắt nguồn từ Xiêng Khoảng, Lào chảy qua Kỳ Sơn và 7 xã thuộc huyện Tương Dương đến Cửa Rào hợp lưu với Nậm Mộ thành sông Cả. Những câu chuyện truyền thuyết về hai dòng Nậm Nơn – Nậm Mộ được nhân cách hoá như số phận của hai con người.
Quả thực, dòng Nậm Nơn khúc khuỷu với nhiều gềnh thác, hai bên bờ đá dựng đứng lên như thách thức với dòng nước xiết, nước đục ngầu tung bọt trắng xoá, mạnh mẽ như một chàng trai thì dòng Nậm Mộ lại tỏ ra hiền hoà hơn, nhỏ bé hơn trông giống như một cô gái. Nơi đây vẫn đang lưu giữ những huyền thoại rằng, xưa, ở ngoài đại dương xa xôi có một cặp thuồng luồng. Một hôm, đôi thuồng luồng bơi ngược dòng sông Cả đến vùng Cửa Rào đùa giỡn. Đúng lúc đó, trên đỉnh Pù Xai Lai Leng, các quan nhà trời đang tổ chức một bữa tiệc linh đình, đang ăn uống, vui chơi thì thấy đôi thuồng luồng đến phá bĩnh, nhà trời tức giận sai Thiên Lôi đem lưỡi thép nung đỏ phóng xuống đôi thuồng luồng khiến cả hai con đều bị thương. Con thuồng luồng cái bị thương nhẹ hơn khoét núi chạy và tạo thành dòng Nậm Mộ, còn thuồng luồng đực bị nặng trở nên hung dữ rất nhiều cũng khoét núi tạo thành dòng Nậm Nơn…
Một huyền thoại khác lại cho rằng: Xưa kia có một người con gáixinh đẹp yêu một người con trai dưới núi. Họ yêu nhau thắm thiết nhưng vì gia đình ngăn cấm nên không thể lấy nhau được, người con gái đứng trên núi cao mà khóc suốt mấy ngày đêm, hai dòng nước mắt của cô đã tạo thành hai dòng sông Nậm Nơn và Nậm Mộ. Người con trai thương người yêu quá đã hứng lấy hết hai dòng nước mắt dồn lại thành một dòng sông lớn đó chính là sông Cả ngày nay.
Mỗi câu chuyện có một cách giải thích khác nhau về sự hình thành của ngã ba sông nhưng đều rất có ý nghĩa, điều đó đã khiến cho nơi đây không chỉ đẹp, thơ mộng mà còn huyền bí, linh thiêng. Nơi ngã ba sông, cái dữ dội, phá phách của dòng Nậm Nơn không còn, lòng sông sâu, dòng nước được điều hoà nên chảy rất êm đềm. Bên dòng sông, cây rừng toả bóng xuống xanh ngát, ven bờ những chiếc thuyền nhỏ neo đậu san sát nhau; nhà cửa, xưởng mộc, hàng quán đang dần mọc lên theo quá trình đô thị hoá. Cảnh vật đang dần dần thay đổi theo sự đi lên của đời sống con người. Chiếc cầu treo Cửa Rào ở ngã ba sông được coi là biểu tượng, là niềm tự hào của Tương Dương về tinh thần đoàn kết, và là một điểm nhấn trong bức tranh thuỷ mặc được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước bằng chính sự đóng góp sức lực, tiền vàng của hàng vạn người dân. Ngày khánh thành chiếc cầu là một ngày hội lớn ở Tương Dương, người khắp các bản làng và vùng lân cận đã đổ về đây vui và tràn đầy niềm tự hào. Ngày công trình thuỷ điện Bản Vẽ được khởi công xây dựng, một cây cầu mới bằng bê tông cốt thép vững chãi hơn thuận tiện cho các xe trọng tải lớn đã được dựng lên, chiếc cầu treo chấm dứt “sứ mạng lịch sử” của nó.
Đứng trên chiếc cầu đang rên rỉ dưới những mũi khoan, chúng tôi hướng ánh mắt sang phía giáp lưu với ba con sông, đền Cồn thấp thoáng hiện ra sau những tán cây cổ thụ. Xưa, đền có ba gian làm bằng gạch ngói, do bị chiến tranh tàn phá nên từ năm 1950 đền trở thành phế tích. Dấu tích của ngôi đền giờ chỉ còn lại ở chiếc cổng phụ và trong ký ức của những người cao tuổi nơi đây. Có điều cho đến nay, người ta vẫn chưa biết đền Cồn xây dựng nên để thờ ai, chỉ biết đền rất thiêng. Khi con đường giao lưu chủ yếu bằng thuyền, dân vạn chài khắp nơi đi qua đây đều lên đền thắp hương để cầu an. Nay Đền Cồn Cửa Rào đã được khôi phục lại khá khang trang.
Dòng nước nơi ngã ba sông không biết đã bao nhiêu lần đổi dòng? Thiên nhiên bao giờ cũng huyền bí, nhưng không câm lặng mà luôn có tiếng nói riêng. Những di vết của lịch sử (cầu Cửa Rào, đền Cồn…) cũng đã can qua bao thời đại và đang dần đổi thay, con người và thời gian đã, đang và sẽ viết nên lịch sử cho nó. Trong tương lai, khi công trình thuỷ điện Bản Vẽ hoàn thành, mô hình du lịch sinh thái và du lịch văn hoá sẽ được mở ra, khi đó ngã ba sông – nơi kết thúc của dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ, nơi khởi đầu của dòng sông Lam sẽ trở thành một trong những điểm đến của khách du lịch.
Hoàng Hảo – Nguyễn Phương Thuý – K50 Văn học, ĐH KHXH&NV Hà Nội