Vào năm 2007, chính sách giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng chủ đề “sống có trách nhiệm” để làm chủ đề chính cho năm học, nhằm giúp học sinh rèn luyện tư chất bản thân và nâng cao kỹ năng sống, tinh thần trách nhiệm vốn có. Khi làm đoạn văn nghị luận, bài văn nghị luận, nhiều học sinh cũng được yêu cầu viết về sống có trách nhiệm.
Vậy sống có trách nhiệm là gì? cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Thế nào là sống có trách nhiệm?
Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị-xã hội, công dân của một nước, thành viên của một cộng đồng dân tộc và rộng nhất là nhân loại.
Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với xã hội, trường lớp, gia đình và bản thân…, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân.
Sống có trách nhiệm là biết hành xử đúng đắn, biết phân biệt phải trái, biết đối nhân xử thế, giữ lời hứa, dám làm dám chịu hậu quả, tích cực và tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động làm những việc cần làm, không né tránh hay thờ ơ hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, có ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công việc.
Vì sao phải sống có trách nhiệm?
Làm rõ sống có trách nhiệm là gì? nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao phải sống có trách nhiệm? Phải sống có trách nhiệm bởi:
Thứ nhất: Sống có trách nhiệm được xem là chuẩn mực đạo đức, để đánh giá nhân cách, phẩm chất của mỗi người
Thứ hai: Sống có trách nhiệm được xem là một lối sống đẹp, phẩm chất đáng quý, cần thiết mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ chủ nhân tương lai của đất nước.
Thứ ba: Sống có trách nhiệm là hành động khẳng định giá trị bản thân, là dấu hiệu cơ bản, quan trọng của việc hòa nhập với cộng đồng và giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp, đất nước phát triển giàu mạnh, tiến bộ hơn.
Thứ tư: Sống có trách nhiệm là một trong những đặc tính quan trọng của người thành công. “Khi nói là làm, dám chịu trách nhiệm về những gì bản thân thực hiện thì không chỉ lấy được lòng tin từ người khác mà còn nâng cao giá trị bản thân. Chính điều đó sẽ khiến dễ thành công, giàu có, có được nhiều mối quan hệ chất lượng hơn.
Biểu hiện của sống có trách nhiệm
Để giúp Quý vị hiểu rõ hơn về sống có trách nhiệm là gì? chúng tôi đưa ra những biểu hiện của sống có trách nhiệm.
Ở mỗi đối tượng khác nhau, sống có trách nhiệm có những biểu hiện cụ thể khác nhau như:
Thứ nhất: Đối với cán bộ, công chức và những người có chức vụ, quyền hạn khác
– Thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm với đảng và nhà nước giao, không được né tránh, hay trốn tránh công việc chẳng hạn như việc có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước khi nước nhà lâm nguy,…
– Không được lạm dụng chức quyền mà làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, không vì tư lợi cá nhân mà làm gây hại đến người khác.
Thứ hai: Đối với công dân
– Nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật của nhà nước
– Có trách nhiệm trong công việc, trong tập thể
– Luôn sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
– Biết cảm thông, sẻ chia, giúp đỡ mọi người, biết sống yêu thương mọi người
– Có tinh thần tự giác trong hoạt động tập thể, không đùn đẩy trách nhiệm, chỉ biết sống cho riêng mình
– Biết yêu thương bản thân, tích cực tập thể dục thể thao, tạo cho mình thói quen, nếp sống lành mạnh để có thể học tập tốt, tinh thần thoải mái, sống tích cực
– Biết nhận sai, sửa lỗi không trốn tránh trách nhiệm, có trách nhiệm trong lời ăn tiếng nói, hành động.
– Sống có trách nhiệm với ba mẹ, anh chị em, có trách nhiệm lời ăn tiếng nói hằng ngày.
Thứ ba: Đối với thế hệ trẻ hiện nay
– Chăm chỉ học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, không ngừng nâng cao trí thức, trau dồi kiến thức chuyên môn và văn hóa.
– Tuân thủ, thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định của trường, lớp.
– Tính tự chủ, tự giác trong học tập, không gian lận trong thi cử, có kế hoạch mục tiêu định hướng nghề nghiệp rõ ràng, đó là có tinh thần trách nhiệm với bản thân.
– Có tinh thần hòa nhập cộng động, tập thể, có lòng yêu nước sâu sắc,…
Ý nghĩa của sống có trách nhiệm
Với bản thân mỗi người, sống có trách nhiệm giúp cho chúng ta hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao, giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình. Người sống có trách nhiệm chắc chắn sẽ được mọi người xung quanh tin tưởng, yêu quý, kính trọng và giúp đỡ. Sống có trách nhiệm giúp chúng ta đảm bảo lợi ích của bản thân, đạt được thành công trong công việc và cuộc sống.
Với những người xung quanh và xã hội, sống có trách nhiệm đảm bảo quyền, lợi ích của những người xung quanh, góp phần giữ gìn và phát triển đất nước, xã hội trở nên văn minh hơn.
Dẫn chứng về sống có trách nhiệm
– Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sống có trách nhiệm. Trách nhiệm với mình, với người, với việc được thể hiện trong tư tưởng, lẽ sống của Người. Trong bối cảnh đất nước bị đô hộ, Bác đã thể hiện là người có trách nhiệm đối với Tổ quốc, là sự tự thôi thúc trong bản thân mình, trách nhiệm của một người dân mất nước phải tìm con đường để cứu nước, giành lại nền độc lập cho dân tộc – một trách nhiệm gần như mang tính di truyền, bẩm sinh của người Việt Nam.
Khi tìm được con đường cứu nước rồi, Bác tự xác định trách nhiệm là phải truyền con đường đó, tinh thần đó, chủ nghĩa đó để tạo ra phong trào, để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Suốt 10 năm vừa lao động kiếm sống vừa tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và truyền thụ vào trong nước qua những kênh báo chí, tuyên truyền, qua kênh đào tạo cán bộ, qua các kênh khác nhau để chuẩn bị về tư tưởng, về tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực tiễn lịch sử 85 năm qua cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với nhân dân đi đầu trong cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập cho dân tộc, đấu tranh giành lại chính quyền, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Những năm chiến tranh ác liệt, kẻ thù muốn đưa chúng ta trở lại thời kỳ đồ đá, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào để cuối cùng chúng ta giành chiến thắng hoàn toàn, đất nước thống nhất.
Khi ở vị trí người đứng đầu của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm mình là một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào ra trước mặt trận. Là một thành viên trong một tổ chức, nhất là người đứng đầu, khi mà Đảng, Nhà nước mắc khuyết điểm thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước dân, chịu trách nhiệm trước Đảng, đứng ra xin lỗi nhân dân, hứa quyết tâm sửa chữa khuyết điểm.
– Trước việc 6700 cây xanh bị chặt hạ, những người dân Hà Nội đã phát động chiến dịch cây, buộc những chiếc nơ vàng lên thân cây è Thể hiện trách nhiệm của công dân đối với môi trường sống.
– Trước việc chuẩn bị xây cáp treo ở Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, khiến cảnh quan nơi đây có nguy cơ bị hủy hoại, cư dân mạng Việt Nam đã lập ra chiến dịch bảo vệ hang Sơn Đoòng, tuyên truyền tới mọi người giá tri của Sơn Đoòng và kêu gọi mọi người bảo vệ thắng cảnh vô giá ấy.
Viết đoạn văn 200 chữ về sống có trách nhiệm
Quý vị có thể tham khảo đoạn văn sau đây:
Tinh thần trách nhiệm là một trong những phẩm chất đáng quý của con người. Vậy tinh thần trách nhiệm là gì? Đó chính là ý thức thực hiện tốt nghĩa vụ, công việc của bản thân, không ỷ lại, dựa dẫm hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Trong công việc và cả cuộc sống, tinh thần trách nhiệm chiếm một vai trò vô cùng quan trọng. Nó là nguồn động lực thúc đẩy ta nỗ lực và hoàn thiện bản thân, nâng cao các kỹ năng giải quyết tình huống cũng như trình độ chuyên môn. Đồng thời, nhờ có phẩm chất này, ta có thể chiếm được lòng tin, sự tôn trọng và yêu quý từ bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh, từ đó dễ dàng vươn tới thành công hơn. Trong thời đại 4. 0 là nơi của sự kết nối và truyền tải, nếu bạn không muốn dễ dàng mất điểm trước mọi người một cách công khai nhanh chóng, thì chính bạn đã dám làm thì cần phải có can đảm chịu trách nhiệm trước điều đó. Vì vậy việc bạn cần làm chính là xây dựng tinh thần trách nhiệm từ những điều nhỏ nhất: tự hoàn thành bài tập, tuân thủ nội quy nhà trường, luật an toàn giao thông, dũng cảm nhận và sửa lỗi khi phạm sai lầm… Bởi khi bạn biết chấp nhận trách nhiệm cho hành động của bản thân thì có lẽ đó cũng là lúc bạn bắt đầu trưởng thành.
Bài văn nghị luận về sống có trách nhiệm
Quý vị có thể tham khảo bài văn dưới đây:
Con người là một thành phần trong xã hội. Con người góp phần vào việc đổi mới và xây dựng xã hội. Chính vì thế mà con người cần phải có ý thức và tinh thần trách nhiệm để xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh. Một lối sống có trách nhiệm sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Việc sống trách nhiệm là việc mà con người làm tròn phẩn phẩn của mình với xã hội, với gia đình và với chính bản thân mình. Con người dám làm, giám chịu trách nhiệm với chính hành động của bản thân thế mới là trách nhiệm. Trách nhiệm của một người học sinh đó là phải trau dồi nhiều kiến thức, rèn luyện tâm hồn để hoàn thành nghĩa vụ với bản thân và trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Biểu hiện của việc sống có trách nhiệm rất đa dạng và phong phú. Hành động có trách nhiệm có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như đi ngủ đúng giờ để đảm bảo sức khỏe bản thân, không bỏ bữa sáng, lễ phép và kính trọng mọi người….. Mỗi một hành động nhỏ hàng ngày sẽ góp phần tích lũy thành một thói quen hàng ngày, trở thành một lối sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, việc sống trách nhiệm với bản thân không chỉ đơn giản là làm những việc có ích cho chính bản thân mình mà việc làm ấy phải gắn với lợi ích của gia đình và xã hội. Nếu chỉ biết sống có trách nhiệm với bản thân thì đó không phải là lối sống trách nhiệm mà đó sẽ trở thành lối sống ích kỷ hẹp hòi. Chính vì thế con người cần phải hòa mình vào xã hội, phải biết san sẻ yêu thương và làm nhiều việc có ích cho mọi người thì đó mới gọi là người có trách nhiệm.
Xã hội đang dần phát triển từng ngày, và học sinh cũng cần phải góp phần vào sự phát triển của xã hội. Chúng ta phải có trách nhiệm với nơi mà chúng ta tồn tại. Mỗi người chỉ cần làm những hành động nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định, không hút thuốc, uống rượu, giữ gìn vệ sinh chung… cũng là đóng góp cho xã hội. Hay những hành động tình nguyện vào dịp hè của thanh niên cũng là một hành động có trách nhiệm với bản thân. Họ đi về vùng sâu vùng xa giúp đỡ những người già neo đơn, sửa lại cầu đường, lợp lại mái lá… tất cả những nghĩa cử đó đều thể hiện rõ rệt những cống hiến của họ đối với xã hội, mong muốn một đất nước tốt đẹp hơn.
Là học sinh, mỗi ngày chúng ta cần phải có trách nhiệm với việc học của mình. Trước khi đi học cần phải hoàn thành bài tập của ngày hôm qua và chuẩn bị bài mới cho ngày hôm sau. Trên lớp học, mỗi người nên chuyên tâm vào các bài giảng của thầy cô trên lớp và học hỏi thêm nhiều kiến thức ở bên ngoài để làm phong phú vốn tri thức của chính mình.
Mỗi người nên có trách nhiệm với chính lời nói của mình. Tuy đây chỉ là một việc rất nhỏ nhưng nó có thể trở thành một thói quen và hình thành nhân cách của bạn sau này. Khi bạn làm điều sai và bạn biết đó là sai thì không nên chối cãi, cố tình lảng tránh vấn đề mà nên có trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm. Đó chính là cách để mỗi người có thể định hình được phương châm sống lâu dài cho mình.
Lối sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội sẽ giúp cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Khi bạn sống có trách nhiệm thì bạn sẽ cảm nhận được rằng mình không chỉ sống có ích cho bản thân mình mà còn sống có ích cho người khác, có ích cho toàn xã hội.