- Hành chính
Đồng bằng sông Cửu Long là phần cuối cùng của châu thổ, bao gồm địa phận 13 tỉnh thành là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, chiếm 79% diện tích toàn châu thổ và bằng 5% diện tích lưu vực sông Mê Công. Đồng bằng sông Cửu Long được giới hạn bởi (a) phía Bắc là biên giới Việt Nam-Campuchia; (b) phía Tây là biển Tây; phía Đông là biển Đông; và (c) phía Đông-Bắc là sông Vàm Cỏ Đông và thành phố Hồ Chí Minh.
- Hệ thống sông suối
Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá phong phú, bao gồm hệ thống sông thiên nhiên và kênh đào.
Sông Tiền và sông Hậu: Hai dòng chính sông Tiền và sông Hậu chi phối mạnh mẽ sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. Sông Tiền đóng vai trò quan trọng ngay sau khi phân lưu từ dòng chính Mê Công tại Phnôm-Pênh do chuyển tải một lượng nước lớn hơn sông Hậu (86%/14%). Sau khi sông Tiền chia bớt nước sang sông Hậu qua Vàm Nao, hai sông mới tạo lập được thế cân bằng (49%/51%). Sau Mỹ Thuận, sông Tiền lần lượt có các phân lưu lớn kế tiếp nhau là sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Cửa Đại và Cửa Tiểu. Sông Hậu chỉ chia 2 trước khi đổ ra biển chừng 30 km qua cửa Định An và Trần Đề.
Hệ thống sông Vàm Cỏ: Hệ thống sông Vàm Cỏ bao gồm 2 nhánh Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, đều bắt nguồn từ Campuchia, chảy qua vùng phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, đến Cầu Nổi thì nhập lại để cùng chảy ra hạ lưu sông Đồng Nai (sông Nhà Bè) trước khi ra biển qua cửa Cần Giờ. Sông Vàm Cỏ Đông có nguồn sinh thủy độc lập, gắn với miền Đông Nam bộ, sông Vàm Cỏ Tây gắn liền với Đồng bằng sông Cửu Long khi nhận nước từ sông Mê Công sang trong cả mùa lũ lẫn mùa kiệt.
Hệ thống sông Cái Lớn-Cái Bé: Hệ thống sông Cái Lớn-Cái Bé hoàn toàn là các sông vùng chịu ảnh hưởng triều, xuất phát từ trung tâm Bán đảo Cà Mau và đổ ra biển qua cửa Cái Lớn. Do nối với sông Hậu bởi nhiều kênh đào lớn nên chế độ dòng chảy của hệ thống sông Cái Lớn-Cái Bé cũng chịu ảnh hưởng chế độ dòng chảy từ sông Hậu.
Sông Giang Thành: Sông Giang Thành có nguồn một sông nhỏ xuất phát từ vùng núi phía Tây-Nam Campuchia, sau đó chảy dọc theo biên giới Việt Nam-Campuchia và đổ ra biển qua đầm Đồng Hồ tại thị xã Hà Tiên.
Các sông nhánh khác: Dọc theo sông Tiền và sông Hậu còn có rất nhiều sông rạch lớn nhỏ nối với nội đồng, tuy ít nhiều đã bị biến dạng và dần mất đi tính tự nhiên do hoạt động của con người, nhưng vẫn còn mang những nét thiên nhiên vốn có, như rạch Hồng Ngự, rạch Cần Lố, rạch Ruộng…, rạch Cả Nai, sông Măng Thít, rạch Cần Chông…, sông Ô Môn, sông Cần Thơ… Đặc điểm các sông rạch này là có cửa vào lớn, sâu nhưng thu hẹp rất nhanh khi vào nội đồng. Dọc biên giới Việt Nam-Campuchia cũng có một số sông rạch chảy vào ĐBSCL, như sông Châu Đốc, sông Sở Thượng-Sở Hạ…
Hệ thống kênh đào ở Đồng bằng sông Cửu Long: Được phát triển chủ yếu trong vòng hơn 1 thế kỷ nay, với mục đích chính là phát triển nông nghiệp và giao thông thủy. Đến nay, hệ thống kênh đào đã được đan dày ở cả 3 cấp là kênh trục, kênh cấp I, kênh cấp II, kênh cấp III nội đồng. Hệ thống kênh trục phát triển nối sông Hậu với biển Tây (vùng Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau), sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây (vùng Tây sông Hậu) và sông Tiền với sông Hậu (Giữa sông Tiền và sông Hậu), đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn nước trực tiếp từ sông chính vào đồng. Hệ thống kênh cấp II được mở rộng trên nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các vùng thâm canh lúa dọc sông Tiền và Hậu, nối các kênh trục với nhau, có nhiệm vụ phân phối nước tưới và tiêu nước thừa cho từng khu vực trong nội đồng. Kênh cấp III (hay còn gọi là kênh nội đồng) là cấp kênh nhỏ nhất nhưng lại rất quan trọng, vì đây là hệ thống kênh trực tiếp dẫn nước tưới đến và tiêu nước thừa đi cho từng thửa ruộng. Các cấp kênh trên đây hợp thành một hệ thống kênh mương khá dày, với mật độ 8-10 m/ha.
- Dân số
Qua kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 17,3 triệu người, tăng 1 triệu người so với năm 2009, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 22% và nhóm dân số từ 65 tuổi trở chiếm 8,4%. Điều này có nghĩa là Đồng bằng sông Cửu Long đang trong thời kỳ dân số vàng.
- Kinh tế
Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn đóng góp trên 12% cho Tổng sản phẩm nội địa cả nước. Riêng nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% Tổng sản phẩm nội địa toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước. Tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người năm 2019 đạt 51,3 triệu đồng, thấp hơn 18% so với trung bình cả nước là 62,7 triệu đồng.
Do bản chất thuần nông của nền kinh tế vùng, tỷ trọng của các ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu Tổng sản phẩm nội địa ở mức cao 31,5%. Ngành công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm dưới 25,3% tổng sản phẩm của Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2019. Ngành dịch vụ chiếm 41,2% Tổng sản phẩm nội địa của Đồng bằng sông Cửu Long, tương đương với mức bình quân cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (18,8 tỷ Đô-la Mỹ) và 3,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (8,5 tỷ Đô-la Mỹ) của Việt Nam.
- Tài nguyên nước
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có lượng mưa trung bình khoảng 1.600-1.800 mm, ven biển Tây từ 2.000-2.400 mm và ven biển Đông từ 1.400-1.600 mm. Mưa được phân thành 2 mùa: mùa mưa từ tháng V đến tháng X, mùa khô từ tháng XI đến tháng IV năm sau.
Tháng VIII-X là các tháng có lượng mưa lớn nhất trong năm, thường đạt từ 250-300 mm mỗi tháng. Tháng I-III là các tháng có lượng mưa ít nhất trong năm, thường là không mưa hoặc mưa không đáng kể. Số ngày mưa trong năm đạt từ 100-140 ngày mưa, chủ yếu tập trung vào các tháng mùa mưa, với 15-20 ngày mỗi tháng. Lượng mưa trung bình mùa mưa chiếm khoảng 90-92% tổng lượng mưa năm, còn lượng mưa trung bình mùa khô chỉ có 8-10%
a. Tài nguyên nước mặt
Đồng bằng sông Cửu Long lấy nước ngọt từ sông Mê Công và nước mưa. Cả hai nguồn này đều đặc trưng theo mùa một cách rõ rệt. Trong những năm gần đây, lượng nước bình quân của sông Mê Công chảy vào Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 410 tỷ m3. Khoảng 17% tổng lưu lượng nước chảy qua sông Hậu tại Châu Đốc và 83% qua sông Tiền tại Tân Châu. Càng về phía hạ lưu, phân bổ lượng nước này càng tiến gần đến tỷ lệ phân đều 50:50 vì một phần nước từ sông Tiền chảy ra sông Hậu qua sông Vàm Nao.
Với một hệ thống sông kênh rạch lớn nhỏ đan xen, nên rất thuận lợi cung cấp nước ngọt quanh năm. Về mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, sông Mê Công là nguồn nước mặt duy nhất. Về mùa lũ, thường xảy ra vào tháng 9, nước sông lớn gây ngập lụt.
Chế độ thuỷ văn của Đồng bằng sông Cửu Long có 3 đặc điểm nổi bật:
+ Nước ngọt và lũ lụt vào mùa mưa chuyển tải phù sa, phù du, ấu trùng.
+ Nước mặn vào mùa khô ở vùng ven biển.
+ Nước chua phèn vào mùa mưa ở vùng đất phèn.
Chất lượng nước mặt trên dòng chính sông Mê Công được đánh giá theo chỉ số Chất lượng nước (Theo Quy định của Bộ Tài nguyên và Mô trường) phần lớn ở mức 90-100 cho vùng nước ngọt: có thể sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên có một số vị trí như khu vực nước chua phèn vào mùa mưa ở vùng đất phèn, hay vùng nước lợ thì chỉ số Chất lượng nước chỉ đạt 60-80: có thể sử dụng cho sinh hoạt sau khi xử lý. Ngoài ra có một số khu vực vùng nước mặn ven biển thì hầu như không thể sử dụng nguồn nước mặt cho sinh hoạt hay tưới tiêu.
b. Tài nguyên nước dưới đất
Kết quả điều tra bổ sung và biên tập bản đồ gần đây ở tỷ lệ 1:200.000 đã tính toán được trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất nhạt toàn vùng là 22.513.989m3/ngày. Trong đó, trữ lượng có thể khai thác an toàn 4.502.597m3/ngày, hiện nay đang khai thác 1.905.782 m3/ngày. Trữ lượng còn có thể khai thác an toàn 2.596.815 m3/ngày. Tỉnh Bạc Liêu có giá trị lớn nhất là 3.403.710m3/ngày, tỉnh Bến Tre có giá trị nhỏ nhất là 213.727 m3/ngày và kế đến tỉnh Vĩnh Long là 308.863 m3/ngày.
Tầng n22 có trữ lượng tiềm năng lớn nhất là 7.575.821 m3/ngày và tầng n21 có giá trị nhỏ nhất là 5.498.734 m3/ngày. Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất nhạt của các tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long rất hạn chế. Các tỉnh Bạc Liêu Đồng Tháp và Long An có tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất nhạt lớn so với các tỉnh còn lại trong vùng điều tra.
Chất lượng nước dưới đất theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước dưới đất (Quy chuẩn Việt Nam QCVN 09-MT:2015/BTNMT) ở vùng ĐBSCL khá tốt. Hầu hết đáp ứng được các tiêu chí của Quy chuẩn Việt Nam cho sử dụng vào các mục đích sinh hoạt và tưới.
c. Sử dụng nước
Lúa là cây trồng chính chiếm khoảng 93% so với tổng diện tích đất cây hàng năm. Tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 4,2 triệu ha, trong đó vụ Đông Xuân là 1,6 triệu ha (chiếm 38%); vụ Hè Thu: 1,7 triệu ha (chiếm 40%); vụ Thu Đông là 0,7 triệu ha (chiếm 17%) và vụ Mùa: 0,2 triệu ha (chiếm 5%). Tổng nhu cầu nước cho ngành nông nghiệp ước tính khoảng 17,91 tỷ m3
Tổng đàn gia cầm chăn nuôi hàng năm dao động trong khoảng 80-81 triệu con, tổng nhu cầu nước cho ngành chăn nuôi ước tính khoảng 0,45 tỷ m3
Với dân số khoảng 17,3 triệu người, tổng nhu cầu nước cho sinh hoạt ước tính khoảng 0,58 tỷ m3
Hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 53.000 doanh nghiệp; 78 khu công nghiệp đang hoạt động, bao gồm 50 khu công nghiệp và 28 khu chế xuất, tổng nhu cầu nước cho công nghiệp ước tính khoảng 5,93 tỷ m3
Nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng; từng bước phát triển thành một nghề sản xuất quy mô hàng hóa, có tính cạnh tranh cao, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ dao động ở mức 691 ngàn ha và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 106 ngàn ha tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm, tổng nhu cầu nước cho thủy sản ước tính khoảng 21,06 tỷ m3
- Nhận định chung
Trước việc các nước thượng lưu sẽ ngày càng tăng cường khai thác nguồn nước sông Mê Công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của mình, Việt Nam nằm ở cuối nguồn sẽ phải chịu tác động có tính nguy cơ sống còn về đất đai ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, về môi trường sinh thái, lũ lụt, v.v…Tác động của việc khai thác sử dụng nước thượng nguồn, phát triển thủy điện hay các công trình thuỷ lợi (có thể làm đổi hướng dòng chảy trong mùa lũ) là một quá trình “động”, là một thách thức ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam
Tuy vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn tài nguyên nước phong phú, nhưng nguồn nước mặt trên lưu vực được đánh giá là dễ bị tổn thương trước những thay đổi phía thượng lưu. Nhất là trong bối cảnh hiện nay chưa thể biết rõ và cụ thể lượng nước đến các quốc gia thượng lưu trong lưu vực trong trung và dài hạn cả về số lượng và chất lượng. Đây có thể nói là một rủi ro lớn cho cấp nước và an ninh kinh tế xã hội trung và dài hạn đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Do vậy, phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần hài hòa 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Để có thể giữ gìn chất lượng môi trường, việc phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải quyết định dựa trên cơ sở khoa học và nhận thức về vai trò tối quan trọng của nguồn nước đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.