Dù chỉ là một trong số hàng trăm con sông thuộc đồng bằng Bắc Bộ, nhưng sông Kinh Thầy lại được rất nhiều người Việt Nam xưa nay biết đến qua bài “Hạt gạo làng ta”của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đây là một trong những bài thơ – bài hát thuộc nằm lòng của nhiều thế hệ Việt Nam.
“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay …”
Dòng chảy của sông Kinh Thầy uốn lượn quanh núi, bồi đắp nên những đồng ruộng màu mỡ.
Sông Kinh Thầy, hay còn gọi là sông Kinh Thày là điểm nối giữa sông Thái Bình và các sông vùng Đông Bắc. Sông có chiều dài 44,5 km, sông tách ra từ sông Thái Bình đoạn ở thôn Lâu Khê, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương), chảy theo hướng Đông Nam, giữa thị xã Chí Linh và huyện Nam Sách. Điểm cuối của sông Kinh Thầy chính là bến Lục Đầu Giang lịch sử.
Bao phen giặc ngoại xâm từ đường thủy qua cửa Bạch Đằng vào sông Kinh Thầy rồi tập kết ở sông Lục Đầu trước khi tấn công vào kinh thành Thăng Long. Do vậy, nơi đây được chọn là điểm quyết chiến chiến lược, có nhiều cuộc thủy chiến dữ dội xảy ra trong lịch sử mà lớn nhất là chiến thắng mang tên Vạn Kiếp năm 1285 của quân dân thời nhà Trần trước giặc xâm lược Nguyên Mông. Sông Kinh Thầy cùng sông Lục Đầu trở thành mồ chôn của biết bao quân thù.
Anh hùng Mạc Thị Bưởi bơi qua sông Kinh Thầy để làm trinh sát.
Dưới thời kháng chiến chống Pháp, sông Kinh Thầy là quê hương của chị Mạc Thị Bưởi. Khi ấy, chị Mạc Thị Bưởi tham gia du kích, xây dựng cơ sở kháng chiến, làm liên lạc, trinh sát, nhiều lần vượt sông Kinh Thầy ban đêm bằng thuyền và bơi lặn.
Có lần gặp tàu giặc tuần tiễu, chị đã lấy bèo tây đội lên đầu che mắt địch để đưa đón cán bộ qua sông. Đội du kích của chị tổ chức nhiều trận đánh phục kích tiêu diệt địch. Hình ảnh người nữ du kích đầu chít khăn vuông, tay vung mã tấu “xuất quỷ nhập thần” như một huyền thoại, làm cho quân giặc ăn không ngon ngủ không yên.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, biết bao lớp người đã lớn lên và trưởng thành nhưng dòng sông Kinh Thầy vẫn thế. Sông vẫn hiền hòa trôi đi mang về phù sa màu mỡ bồi đắp cho đất đai trải dưới nắng tháng bảy, mưa tháng ba, dưới bàn tay lam lũ của những người mẹ, người chị, “hạt gạo làng ta” dẻo thơm ngọt ra đời.
Rau muống mắm cáy – bữa cơm thanh đạm nhưng đậm đà tình quê của người dân sông Kinh Thầy.
Cuộc sống bên dòng sông Kinh Thầy thanh bình và giản dị. Nếu như người Bắc Ninh có bánh đa cay, người Thái Bình có bánh cáy, người dân bên sông Kinh Thầy chỉ có cơm trắng, rau muống luộc, mắm cáy cùng bát canh chua. Món ăn tuy thanh đạm mà khiến bao nhiêu người con xa quê nhớ thương khắc khoải. Cơm dẻo ngọt, mắm cáy đậm đà như chính tấm lòng của người dân nơi đây: vừa thảo thơm vừa thắm đượm tình của người dân quê.
Phiên chợ Tết bên sông Kinh Thầy họp từ lúc tinh mơ.
Có một câu chuyện thú vị về cuộc sống của người dân bên dòng sông Kinh Thầy rằng: Ở xã Phúc Thành, Kinh Môn, Hải Dương, một xã có số làng giáp ranh sông Kinh Thầy đi chợ Tết trong đêm khuya. Các cô dâu mới gả về đây đều kinh ngạc trước cảnh tượng: Tầm 1h đến 2h sáng, ngoài đường đã râm ran tiếng người đi chợ bán hàng tết. Người gánh gồng chuyện trò, tiếng xe máy chở lợn, tiếng kẽo kẹt của xe thồ rau, hàng mã nhộn nhịp đến từng ngõ, xóm, cộng thêm tiếng chó sủa khiến những người trong nhà khó có thể yên giấc ngủ.
Sông Kinh Thầy – con sông anh dũng, con sông hiền hòa, con sông dịu dàng như lời mẹ ru đã đi vào tâm thức của những người con đất Hải Dương.
“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già”.
Phương Thảo