Sống Ở Đâu Vẫn Cứ Là Đáng Sống – Scholarship Planet

Sống Ở Đâu Vẫn Cứ Là Đáng Sống – Scholarship Planet

Sống ở đâu

Video Sống ở đâu

CHUYỆN THỨ NHẤT

Ngày mình quay lại Mỹ học Thạc sĩ. Mẹ kêu mình lại đi chỗ khỉ ho cò gáy rồi. Kì thực mình ở Fort Worth, Texas một thành phố hẳn hoi nhưng vẫn có vườn thú rất lớn, sông ngòi và bãi cỏ. So với hồi mình ở một làng nhỏ trong vòng đai tuyết Michigan thì tiện hơn chán vạn. Tuy vậy, mẹ vẫn thực sự không hiểu nổi tại sao một đứa từ bé đến lớn ở thành phố như mình lại chọn chỗ không nhiều tiện lợi như vậy.

CHUYỆN THỨ HAI

Mình thì lại rất hiểu bản thân. Ngôi nhà mình lớn lên lúc nhỏ là nhà một tầng mái bằng, lại ở trong năm tầng ngõ, mà mình gọi là “xóm hơi liều”. Mái nhà nào cũng bằng nhau chỉ lệch tầm hai chục phân gì đó nên trộm mà có trèo từ nhà khác vào cũng chịu chết. Cơ mà năm bảy tuổi mình ở nhà quét nhà nấu cơm rửa bát phơi quần áo. Mình rất nhanh nhận ra rằng nếu xin trèo sang nhà hàng xóm mình sẽ ra ngoài chơi được dù mẹ khóa trái cửa ngoài. Haha. Tuổi thơ của mình giữa cái “xóm hơi liều” vẫn bình yên và nghịch ngợm như thế đấy.

CHUYỆN THỨ BA

Không lâu sau đó nhà mình chuyển sang căn nhà “hộp diêm” mới. Diện tích đất nền có 36 mét vuông thôi, mặt tiền cũng gần ba mét, nhưng xây cao nên rất rộng rãi. So với căn bếp ba mét vuông mà mình ngủ hồi bé thì mình sướng đến không ngủ được. Tuy nhà mới nằm trên ngõ vào phố lớn, nhưng lúc đó nhà mình vẫn chỉ được tính là vùng ven đô thị. Cách hai ngõ phía sau là một cái ao bèo to đoạch với ruộng lúa cũng khá mênh mông trong mắt mình. Mấy đứa trong xóm hay lôi cây bèo lục bình lên để cắt chơi đồ hàng, còn vui hơn đồ nhựa xịn xịn bây giờ rất nhiều. Cứ như vậy một hội trẻ con trong xóm chơi đuổi bắt, trốn tìm, nhảy dây (song phi) rồi tập xe đạp với nhau suốt thủa thơ bé. Cái ao bèo và ruộng lúa chỉ mấy năm sau đã lên thành chung cư, hàng quán tấp nập lại vui theo kiểu “giờ mình tuổi teen mà gần nhà nhiều thứ để làm”

CHUYỆN THỨ TƯ

Nhưng cũng chính vì lớn lên trong môi trường chật hẹp nên khi sang Mỹ mình lại cứ thích chọn chỗ nhiều đất hơn. Cậu mình lúc được Fulbright cũng cương quyết chọn trường ở DC mà học. Còn anh họ mình thì nhảy thẳng vào cái nơi đất chật người đông nhưng nhiều đồ ăn Việt là Cali vậy đó. Mình thì lại thích “Góc sân và khoảng trời” nên lúc ở Fort Worth mẹ đã kêu là “khỉ ho cò gáy” thì lúc chuyển sang Knoxville, Tennessee (một thành phố chỉ khoảng 300,000 người) làm Tiến sĩ thì chắc trong đầu mẹ là “chó ăn đá, gà ăn sỏi.” Vậy nên cứ mấy hôm mẹ lại bảo học xong thì chọn chỗ nào ít nhất có cái sân bay lớn để mẹ đỡ chuyển tiếp nhiều.

CHUYỆN THỨ NĂM

Cơ mà nhà mình ở Tennessee không đắt. Lúc chồng mua là có gần 200,000 USD thôi mà 3 phòng ngủ, 3 phòng tắm, 2 bếp, 1 garage, 1 sảnh sau lớn bằng gỗ rất chắc chắn và ở giữa rừng. Thực sự thì trên sảnh sau đó, mình có thể kê bàn ghế đãi tiệc tối gần 20 khách, chăng đèn vàng lấp lánh và ngắm cảnh rừng – Cái mà mình không làm được dù ở Hà Nội hay Sài Gòn. Vì nhà có hai cửa vào và bếp riêng cho hai tầng nên tầng dưới bọn mình cho thuê như căn hộ riêng, đủ tiền trả góp căn nhà luôn. Việt Nam chắc chắn không có cửa nào ít tiền mà sở hữu được bất động sản kiểu như thế.Đã vậy, nhà mình vẫn gần siêu thị, cách khu phố chính và trường Đại học có 15 phút lái xe. Cách sông nhỏ để câu cá và chèo thuyền 20 phút và chỉ cần lái 30 phút là đến cổng một công viên quốc gia để leo núi và ngắm cảnh nổi tiếng của Mỹ. Vậy thì nguyên cớ gì mà không thích cơ chứ.

CHUYỆN THỨ SÁU

Ấy vậy mà mình vẫn nghĩ mẹ mình thì không hẳn sẽ thích đâu. Đợt mẹ sang Texas thăm mình, mẹ sang chơi cả với anh họ mình nữa. Cali phồn hoa, nhiều đồ ăn ngon, nhiều người nói tiếng Việt. Nên mẹ vẫn cho Texas là làng hơn rất nhiều. Hồi đó, mình cũng dẫn mẹ sang DC chơi với bạn mình và bạn cậu nữa. Hệ thống phương tiện công cộng của những thành phố này đúng là thích thật nên ở vùng ven đất rộng và rẻ hơn thì vẫn có thể làm việc ở DC như thường. Vậy nên mẹ kêu mình muốn ở vùng quê hẳn là “lý do lý trấu.”

CHUYỆN THỨ BẢY

Bản thân mình cũng vẫn là gái phố. Mình vẫn nhớ cái cảm giác có căn hộ ngay quận Nhất, sáng mở mắt ra có quán Bún bò Huế nổi tiếng trước cửa. Đi bộ năm phút là đến chợ Tân Định. Chạy sang bờ kè là tới Phan Xích Long. Đồ ăn thì miên man các vùng: Lẩu mắm miền Tây, bánh tráng phơi sương cuốn thịt, bánh mì ba rọi, mỳ vịt tiềm, hải sản Rạn biển, ốc Sài Gòn nữa chứ. Mà nào chỉ có đồ Việt Nam, gần nhà có một quán Mỳ chuẩn Ý rất ngon, bánh ngọt kiểu Pháp trên Hai Bà Trưng, còn nếu chịu đi xa nữa thì đồ Tàu không thiếu. Cơ mà nhớ nhất là mình nhét nguyên công ty khởi nghiệp hơn chục người vào cái căn hộ. Sáng bật dậy bàn làm việc cách 3 bước chân. Tối thì vác còn bạn thân chạy dọc đường Nguyễn Trãi từ quận Nhất sang quận Năm … chỉ để ngắm đèn.Kì thực sống đời sống thành phố ở Việt Nam hay châu Á nói chung khi bắt đầu có đủ thu nhập rất dễ khiến mình bị chiều hư. Gần nhà có bệnh viện và khách sạn chó mèo. Xa xa hơn nữa có phòng nha, mà chỉ vào mười phút là có lịch lấy cao răng. Đâu đó có 10 hay 15USD một lượt. Sang Mỹ thì ôi thôi, bên này “làm sạch sâu” đúng là kĩ hơn nhưng mỗi lần tốn gần 300USD cho một nửa hàm (1000USD nếu không có bảo hiểm). Với một đứa có bạn thân và người nhà liên quan đến nha khoa ở Việt Nam như mình thì thực ra thấy hơi phiền.

CHUYỆN THỨ TÁM

Khi ở Mỹ, chồng mình liên tục thắc mắc tại sao mình sợ đi phòng nha như vậy. Thực ra ảnh không biết mấy lần mình đi, mấy bạn phụ tá phòng nha toàn làm mình xấu hổ đến cứng cả mặt luôn. Tới giờ nghĩ lại còn kiểu bị ám ảnh. Mình còn nhớ mình vừa vào, họ hỏi mình đã “làm sạch sâu” bao giờ chưa? Nha khoa hai nước khác nhau nên mình bảo chưa. Ai ngờ bạn phụ tá đó gào ầm lên hỏi mình bao nhiêu tuổi rồi và ngồi tính cho mình kiểu nạt nộ “Bằng từng này tuổi là phải từng này lần làm sạch sâu rồi.” Sau đó bác sĩ mới chớm ở cửa, bạn này đã kêu thật to: “Không thể tin nổi. Con bé này chưa làm sạch sâu bao giờ” kiểu như mình hủi lắm. Hãi hùng luôn. Vốn mình cũng tưởng chỉ là phòng nha đó hoặc bạn phụ tá tệ thôi.Ai ngờ đi hội thảo ngồi ăn, một bạn Trung Quốc và một bạn Columbia lại nói về nỗi sợ phòng nha. Lúc đó mình mới biết chuyện như mình tuy ít nhưng chưa đến mức hiếm.Lúc mình hội thảo về, chồng mình xách thẳng mình đến phòng nha cũ. Nhìn cái mặt trắng, tóc vàng cộng thân hình mét tám của hắn tự dưng thái độ của mọi người ở đó với mình khác hẳn. Cơ mà thôi, có thể mình chỉ là một trong những đứa rất hi hữu có trải nghiệm xấu thôi.

CHUYỆN THỨ CHÍN

Thực ra Mỹ trừ cấp cứu, thì các bệnh thường thức khác có khi lên lịch nhiều ngày nhiều tháng. Từ nha sĩ đến tâm lý, lịch đều xếp dài quá cửa. Nhiều hôm vợ chồng mình đến phòng khám buổi chiều, đợi một lèo hết ba giờ vì bác sĩ của tụi mình có một ca khó với bệnh nhân trước. Ừ thì đàng nào cũng tính là mất một buổi rồi thì đợi. Cơ mà ngày nghỉ phép, nghỉ ốm ở nhiều công ty Mỹ khá eo hẹp. Như chồng mình chế độ công ty rất tốt chỉ có hơi kiểu cũ, được 10 ngày phép và 24 giờ nghỉ ốm nguyên năm. Nhiều bạn nghĩ Mỹ Giáng sinh sẽ được nghỉ luôn đến năm mới, nhưng đa số chỗ chỉ nghỉ 24 25 rồi mùng 1 thôi. Tết âm thì mình không có rồi.

CHUYỆN THỨ MƯỜI

Có người hỏi: “Bạn ở Mỹ chi mà nói xấu Mỹ ghê vậy?” OK. Không nói xấu nữa khen đây. Nếu không phải ở Mỹ, mình có lẽ sẽ không bao giờ biết đến cụm từ chuỗi cung ứng hay vận hành. Cái mình được học và nghiên cứu không chỉ là khái niệm mới nhất mà còn được dùng thử nó dựa trên những công nghệ hiện đại nhất nữa.Mỹ là đất nước không ngừng phát triển. Khi bạn muốn nghiên cứu hay làm một cái gì đó thì bạn luôn có tư liệu mới nhất hoặc nguồn lực tốt nhất kể cả về tài chính để thực hiện.Lúc mình trẻ hơn, sức nhiều hơn bây giờ mình ham hố lắm, vác cả lều ra cắm trại 24/7 ở nhà kho luôn. Thành tích cao tiền nhiều là một chuyện nhưng bản thân mình mở mang cả một chân trời kiến thức mới.Cách tự học tự làm tự phát triển của mình có 20% là giáo dục triết học phương đông từ gia đình tại Việt Nam thì có đến 80% được trau đồi, trải nghiệm, và tăng cường tuyệt đối tại Mỹ.

CHUYỆN THỨ MƯỜI MỘT

Mình cứ cặm cụi thế cho đến một ngày. Rõ ràng thành tích mình cao gấp đôi một người mà người đó được thăng chức. Tới giờ nhìn lại mình vẫn luôn thấy mình là đứa chăm chỉ cũng khéo léo giao tiếp, lại thân nhiều sếp cả trong và ngoài ban thế mà vẫn ngồi im. Mình lẳng lặng vác hồ sơ cầm về châu Á cho một công ty lớn khác. Đến ngày mình thông báo nghỉ việc thì tự dưng công ty Mỹ có đề xuất “thăng” cho mình. Hì hì cũng đã quá muộn rồi phải không. Thẻ xanh còn không giữ nổi trái tim Á Đông của mình nữa là thăng chức.

CHUYỆN THỨ MƯỜI HAI

Cũng phải nói kiến thức thực chiến của trời Tây cộng với sự mềm mại hiểu chuyện rèn trong văn hóa châu Á chính là cái khiến mình lên như diều gặp gió.Không chỉ cơ hội việc làm, mà cơ hội làm ăn và thuận lợi khởi nghiệp cũng liên tục tới. Bận đó mình cứ tháng ở Sài Gòn hai tuần. Vì yêu thích công việc nên làm như đi chơi. Cuối tuần kéo bạn ra Mũi Né hoặc Vũng Tàu ăn hải sản, ngắm biển, tốn không là bao mà rất thư giãn. Hôm nào chán chán, khó ngủ, mình có thể ngồi Đen Đá Pasteur từ đêm tới 5 giờ rồi kéo nhau đi ăn sáng luôn. Mình cầm tấm ván kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới mượn đà của nó và đi tới những bến bờ rất xa.

CHUYỆN THỨ MƯỜI BA

Cơ mà cũng phải nói không phải cái gì ở Việt Nam hay châu Á cũng tốt. Có lần mình đang ngồi làm việt, kế toán của chị đối tác thân gọi điện hỏi xem mình có quen ai bên Sở thuế không. Ảnh nói: “Anh nghĩ anh cũng làm chuẩn chỉ nhưng năm nay nếu bị thanh tra thì cẩn thận vẫn hơn.” Mình quả tình có quen biết bên Thuế và nhiều người sẽ gọi đây là tham nhũng nhưng sự tình nếu nhìn một cách đa chiều thì phức tạp hơn rất nhiềuKhung pháp lý của Việt Nam còn rất non trẻ, đặc biệt là về tài chính. Nhiều khi doanh nghiệp hoàn toàn không có ý định gian dối mà mắc một lỗi tính nhầm rất thật thà, là thiếu thuế 200 triệu. Mà với số tiền này, nhiều khi giám đốc hoặc kế toán trưởng có thể bị bỏ tù theo luật rồi. Với cá nhân thì có vẻ 200 triệu lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam doanh thu chục tỉ thậm chí hàng nghìn tỉ không thiếu, 200 triệu nếu nói là lỗi thật thà cũng vẫn có thể. Vì vậy đôi khi “quen biết”, “có quan hệ” là để cho bên các quan chức cho doanh nghiệp quay lại sửa lỗi này. Và hiển nhiên không ít người lợi dụng để mà tạo ra đường dây tham nhũng sâu và rộng hơn.

CHUYỆN THỨ MƯỜI BỐN

Về khoản này thì đúng là Mỹ hơn nhiều thật. Luật thì mở doanh nghiệp cũng dễ mà có cả luật phá sản để giúp chủ doanh nghiệp giải thể bình an và tránh được một cơ số nợ nếu doanh nghiệp không còn hiệu quả. Nhưng không chỉ luật, những phần trong chuỗi cung ứng kinh doanh Mỹ cũng rất phát triển để nếu một NGƯỜI MỸ có ý tưởng là chỉ như cắm nối dây điện vào nhau là chạy.Ví dụ, ở Mỹ chỉ cần một bạn Mỹ nghĩ ra một sản phẩm túi thủ công có thiết kế, bạn này bán chạy qua kênh trực tuyến hoặc Etsy một thời gian mà muốn mở rộng thêm thì rất dễ dàng. Bạn ấy có thể liên hệ với nhà máy ở Bangladesh, thường nhà máy này có trung chuyển sẵn để đến Mỹ rồi kết nối trực tiếp đến Amazon, hoặc đi chào ở các chuỗi bán lẻ. Sau đó thì thậm chí bạn ấy không cần chạm tay vào bất cứ sản phẩm nào, chuỗi cứ tự động chạy còn việc của bạn ấy là đi bán hàng.Việt Nam thì ở tầm live stream bán hàng không khó nhưng đến tầm phát triển đủ to, cần sản xuất cần kho vận chuyên nghiệp thì phải tự xây, tự mua xe giao hàng. Chi phí đầu tư cho những thứ này so với việc có sẵn chuỗi và luật như ở Mỹ là cao hơn.

CHUYỆN THỨ MƯỜI LĂM

Vậy tại sao không bê nguyên luật, công nghệ và ứng dụng ở các nước phát triển về làm ở Việt Nam cho nhanh. Công nghệ và ứng dụng thì cần tiền để mà chuyển giao về Việt Nam. Luật được ban hành là một chuyện, muốn thực thi luật hiệu quả thì phụ thuộc vào văn hóa và mức độ phát triển kinh tế mỗi nước.Ví dụ như ở Mỹ, nếu bỏ một đứa trẻ bảy tuổi ở nhà một mình rửa bát, quét nhà, nấu nướng thì đó là sai lè so với luật luôn. Thế nhưng mình chính là đứa trẻ đó. Nếu năm đó mình không ở nhà một mình để bố mẹ đi làm cả thì chắc cả nhà mình chết đói. Thế nhưng khi kinh tế Việt Nam qua mấy chục năm đã phát triển hơn nữa thì nhiều bạn cũng thấy đó: Các điều luật về trẻ em về bạo hành gia đình được chính xã hội quan tâm hơn để mà thực hiện.

CHUYỆN THỨ MƯỜI SÁU

Hơn nữa, nếu cứ máy móc áp các khung luật nước ngoài vào Việt Nam thì sẽ vô tình kìm hãm phát triển kinh tế, đặc biệt với các mô hình kinh doanh quá mới. Ví dụ, nếu luật thương mại điện tử Việt Nam mà nhiều bảo mật giống kiểu Mỹ thì chắc chắn Việt Nam không thể phát triển được một số phương án vận hành về “thu tiền mặt khi giao hàng” được. Mỹ người ta dùng thẻ cả chứ Việt Nam là chưa nhìn thấy hàng thì chưa đém tiền nha.Vậy nên luật chưa lên khung hẳn vì điều chỉnh khung sẽ khó hơn là để các doanh nghiệp thử nghiệm rồi điều chỉnh dần từng ngày. Mỗi ngày luật sẽ một tốt lên chứ không kém đi đâu. Vậy nên nếu các bạn có ý tưởng khởi nghiệp công nghệ cao hoặc mô hình vận hành mới thì bạn có thể sẽ là người tiên phong định hình các luật mới ở Việt Nam đấy.Như thằng em mình, ngày xưa học code mà ra trường lương không quá cao. Cơ mà nó đón đúng làn sóng thương mại điện tử tự lập cái sàn riêng chỉ chuyên chú cho phụ tùng ô tô. Giờ ngày nào nó cũng hỏi mình: “Chị ơi làm sao để tuyển được kế toán chuẩn ạ?”

CHUYỆN THỨ MƯỜI BẢY

Ngược lại ở Mỹ thì cũng có những lúc luật cứng nhắc và khó sửa. Bạn nào từng phải đương đầu với quá trình nhập cư đều có thể thể nghiệm vấn đề này. Không chỉ luật mà nhiều mảng khác của xã hội cũng cứng nhắc. Mình đi nha sĩ, đúng ra có thể làm sạch sâu trong một buổi nhưng vì điều kiện bảo hiểm của mình là tách ra làm hai lần nên mình phải đi làm sạch sâu một bên hàm trước, rồi mình làm bên kia sau hai hôm. Còn nếu không thì mình trả gấp ba lần chi phí.Ở Việt Nam, mình nhớ có lần mẹ mình phát hiện ra hạch cổ thế là hôm sau đi khám, hôm sau nữa đi mổ và làm sinh thiết luôn. Tốc độ kiểu đó gần như chỉ có ở châu Á mà thôi.

CHUYỆN THỨ MƯỜI TÁM

Mỹ ấy mà, hẹn chăng dây internet chắc cũng 3 ngày là sớm nhất. Có chị bạn của bạn mình kêu: “Chị kêu trả tiền mà các bạn ấy cũng không em ạ. Chị không liên lạc được với con mấy ngày. Lo lắm.” Một chị khác thì thủng thẳng: “Ồi ở Việt Nam nhà tận ba giúp việc. Sang đây chị làm Oshin. Mình thì cứ cười lăn cười bò.Cơ mà bê thói quen ở Việt Nam sang Mỹ thì cũng không được tốt lắm. Mình mới sang Mỹ, điểm tín dụng thấp, nhiều khi mua nhà hơi phiền. Thế là mình đòi chuyển hết tiền Việt Nam sang mua tiền mặt 100%. Chồng mình mới rú lên: “Em phải học cách làm người bình thường đi.” Lúc đó mình cũng hơi xấu hổ, đúng là ở Việt Nam nhiều thứ có một ít tiền thì còn giải quyết được chứ Mỹ thì nhiều người, trong đó có mình chưa giàu đến mức đấy. Vậy nên, phải học cách làm người bình thường thôi.

CHUYỆN THỨ MƯỜI CHÍN

Nhưng mà học làm người bình thường cũng hay. Những chuyện sửa nhà cửa ở Việt Nam chưa bao giờ mình phải quan tâm lắm vì có thợ đến thì trông thợ thôi. Bên này cái gì cũng phải tự làm, từ sửa đèn đuốc, sơn nhà, đóng lại cầu thang. Cũng may là đồ sửa chữa bên này khá chuẩn hóa nên với mình thì việc này giống như chơi Lego phiên bản người lớn vậy. Cũng có cái thú riêng.Đôi khi những việc sửa nhà quá to thì bọn mình cũng mượn thợ, nhưng chắc phải đến cả vài tháng mới có báo giá xong để làm. Vậy nên cái gì mượn thợ bọn mình cân nhắc lắm.

CHUYỆN THỨ HAI MƯƠI

Thực ra tới giờ mình vẫn thích Việt Nam hơn. Nhiều người cứ nghĩ phải ra nước ngoài mới có cơ hội đổi đời. Nhưng mình lại thấy Việt Nam nếu chăm chỉ, linh hoạt thì cũng có nhiều cửa đi lên lắm. Như thằng em làm sàn phụ tùng ô tô mà mình nói ở trên là quên Sơn La, nhà dân tộc, làm gì có tiền đâu. Năm nào em ấy biếu quà mình cũng là mấy trái xoài cóc cực ngon trên vùng đó. Thế nhưng vì có ý chí, chịu xây dụng quan hệ, và chấp nhận rủi ro một cách có hiểu biết, giờ em ấy vẫn có một khoảng trời riêng. Tới bây giờ nếu muốn làm chủ hoặc lãnh đạo cao trong công ty, mình vẫn thấy Việt Nam không chỗ nào hơn được.

CHUYỆN THỨ HAI MỐT

Yêu Việt Nam là Vậy nên nhiều bạn sẽ hỏi mình thế tại sao vẫn đi Mỹ? Khoảng năm năm trước khi mình vẫn đang hào hứng khởi nghiệp ở Việt Nam. Thế nhưng đến khi gây vốn khá thành công thì mình lại nhận ra một việc là rất nhiều người Việt Nam khi bắt đầu có chút tiền thì lo đánh nhau để chia tiền hơn là tiếp tục phát triển giá trị. Cái đó chính là cái khiến mình quyết định đi làm Tiến sĩ thay vì tiếp tục ở lại chiến đấu.Khi vào tới giới học thuật rồi thì mình lại càng quyết định không trở về. Cách nghiên cứu ở Việt Nam vẫn tập trung số hơn chất (chưa có nhiều giá trị). Rất nhiều bạn mình về nước nghiên cứu cũng phải chạy theo chế độ này. Thiếu tiền nghiên cứu, thiếu sự cảm thông (ngay cả từ những trường có yếu tố quốc tế hơn). Mà thực sự khác với doanh nghiệp, giáo dục Việt Nam đã có cơ chế cực kì cứng nhắc và thay đổi khó hơn rất nhiều. Vậy nên mình một mặt khâm phục những người cắn răng trở về xây dựng đất nước (với nguy cơ bị bào mòn cao), mặt khác thấy mình đủ già để hèn không về nữa. Nếu có về thì mình sẽ quay qua làm doanh nghiệp.

CHUYỆN THỨ HAI HAI

Nhưng thực ra mình vẫn nghĩ làm chủ ở Việt Nam hay châu Á thì còn có cửa thở chứ nhân viên thì ở đâu cũng dễ bị bóc lột. Bạn làm cùng mình ở Trung Quốc hôm rồi mới gọi điện than: “Này dạo này công ty chuyển từ 996 sang 007 rồi đấy?” 996 là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối cho đỡ giờ cao điểm tắc đường, 6 ngày 1 tuần. 007 còn kinh khủng hơn vậy, làm từ nửa đêm hôm trước đến nửa đêm hôm sau, nghỉ một ngày rồi quay lại làm như thế. Cứ như vậy một người làm 72 đến 84 giờ một tuần chứ không còn là 40 nữa.Việt Nam thì chưa đến nỗi thế và hi vọng không học tập. Mỹ thì không bao giờ có tiền ngoài giờ, ngày nghỉ thì như mình nói đấy, ít hơn Việt Nam. May ra mấy nước châu Âu hay Úc thì khá hơn chứ mình thấy bóc vẫn hoàn bóc. Cơ mà nói đi cũng phải nói lại, hồi mình còn làm nhân viên quèn mình chơi quả 7’10’7 là bình thường nha. Lúc Trung Quốc có 996 thì mình lên làm sếp mất rồi.

CHUYỆN THỨ HAI BA

Với cả mọi người hay nói về lợi ích bình ổn giá ở mấy nước phát triển chứ mình thấy nhiều thứ giá cả ở Mỹ cũng không còn giữ nguyên nữa. Ngôi nhà 200K của bọn mình giờ có giá gần gấp đôi (sau 4 năm). Ngoài việc bất động sản Mỹ nói chung tăng phi mã thì nhiều công ty bắt đầu chuyển hệ thống vận tải về gần nhà mình. Cho thấy đô thị hóa thì đi kèm với giá tăng ở bất cứ đâu.Tiền đi chợ của mình cũng tăng từ 80 đến 120 USD một toàn cho tới giờ là 160 đến 180, gần gấp đôi do COVID. Giá Việt Nam cũng có thể tăng theo đợt nhưng chắc chưa kinh khủng đến thực phẩm gần gấp đôi như thế. Vậy nên thời buổi và vật giá cũng thay đổi thôi. Không có gì là hoàn hảo cả

ĐẾN KẾT LẠI MÌNH YÊU VIỆT NAM HAY YÊU MỸ

Có hôm mình ngồi ở Sài Gòn than với bạn: “Nhớ tôm hùm đất Texas ghê.” Bạn mình, một người cũng đi và ở rất nhiều nơi, cười cười: “Những người như chúng ta sẽ không thực sự trọn vẹn khi ở đâu cả. Ngồi Việt Nam thì nhớ Mỹ, mà ngồi Mỹ thì đầu bay tận Trung Quốc.” Nói chung mình thấy ở đâu cũng có hay có dở, nếu các bạn có năng lực, chịu xây dựng quan hệ, và ý chí thì ở đâu cũng có chỗ cho các bạn phát triển.Mấy ông cậu nhà mình lúc trẻ thích nhà ở gần phố, xây một khu căn hộ 9 tầng (mỗi tầng 120m) cách Hồ Gươm 5 phút xe máy thôi. Thế nhưng đến già thì lại thích ra Hưng Yên, mỗi ông một mảnh to to gần sân golf. Có người hỏi nhà cãi nhau à? Thì không. Chỉ đơn giản là già rồi nên thích bình yên thay vì phố thị thôi.Hưng Yên hay Hà Nội thì cũng giống Việt Nam hay Mỹ với mình thôi. Trẻ mình thích cái mới, cái năng động của Mỹ. Hơn một xíu thích cái châu Á mới nổi để củng cố sự nghiệp. Chững lại mình lại muốn quay về làm cái bình yên nhất ở Mỹ là nghề dạy học nghiên cứu. Sông có khúc người có lúc. Bạn thấy phù hợp với bạn và gia đình ở thời điểm bạn ra quyết định là được. Nhưng đừng cố thuyết phục người khác.Hơn nữa còn nhiều người ở Việt Nam và không có cơ hội đi. Họ vẫn sống và sống tốt đó thôi. Khi bạn chê quê hương mình quá đáng, những người ở lại cũng rất chạnh lòng đó .

Chúc mọi người bình an dù đang ở nơi đâu nhé.

Nguồn :