Ngày thành lập Sư đoàn 325 (Đoàn Bình – Trị – Thiên)

Ngày thành lập Sư đoàn 325 (Đoàn Bình – Trị – Thiên)

Sư đoàn 325 ở đâu

Video Sư đoàn 325 ở đâu

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 5-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế diễn ra ngày 5-12

Sự kiện trong nước

Ngày 5-12-1922, đoàn xiếc Việt Nam của Tạ Duy Hiển đã công diễn tại chợ Hàng Da, mở đầu cho trào lưu xiếc bản địa có quy mô lớn gồm nhà bạt, sân khấu tròn, với dàn diễn viên đông đảo cùng đoàn xiếc thú, báo hiệu sự bắt đầu cho một thời kỳ mới của xiếc Việt Nam – xiếc Việt Nam hiện đại.

Ngày 5-12-1952, trên chiến trường Bình Trị Thiên, Sư đoàn 325 (Đoàn Bình – Trị – Thiên) được thành lập, và là một trong sáu đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảng bộ Sư đoàn 325 được thành lập từ các tổ chức đảng có tiền thân thuộc Đảng bộ Mặt trận Bình – Trị – Thiên, gồm các đảng bộ trung đoàn 101, 95, 18 đã từng lãnh đạo đơn vị lập nhiều chiến công trên các chiến trường Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế… Ngày khai trận 11 tháng 3 năm 1951 đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Bình – Trị – Thiên, Đại đoàn 325. Những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia như: Trận Thanh Hương – Mỹ Xuyên, Chiến dịch Trung – Hạ Lào, mở đường Hồ Chí Minh, Chiến dịch Mậu Thân 1968, Quảng Trị 1972, Trị Thiên Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh…. có ý nghĩa rất quan trọng trong thế chiến lược của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 thực hiện nhiệm vụ trong diễn tập. Ảnh: Qdnd.vn

Trong thời kỳ đổi mới, tình hình chính trị trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ Sư đoàn 325 luôn trung thành tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực học tập, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Sư đoàn được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2011); có 4 trung đoàn, 3 tiểu đoàn và 8 đại đội trực thuộc được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ngày 5-12-1986, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc hội nghị quốc tế địa chất khu vực Đông Dương. Có 22 nước và tổ chức quốc tế tham gia.

Linh vật và Biểu trưng của SEA Games 22. Ảnh: Vtv.vn

Tối ngày 5-12-2003, tại Hà Nội diễn ra buổi lễ khai mạc hoành tráng Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22), quy tụ trên 5000 vận động viên, có 11 quốc gia tham dự và tranh tài ở 42 môn. Linh vật SEA Games là Trâu vàng. Linh vật chú Trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên SEA Games được tổ chức tại Việt Nam, SEA Games 22 có 32 môn thi và 435 bộ huy chương. Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn với tổng sắp 346 huy chương, trong đó có 158 huy chương vàng, 97 huy chương bạc và 91 huy chương đồng. SEA Games 22 đã làm thay đổi cơ bản diện mạo và vị thế của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực.

Ngày 5-12-2011, tại Hà Nội, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ký Tuyên bố chung về ý định hợp tác trong hoạt động hàng không và vũ trụ dân dụng. Đây là thỏa thuận cơ bản đầu tiên giữa Việt Nam và NASA và là cơ hội mở ra những triển vọng hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và NASA trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ.

Ngày 5-12-2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Việc Ðờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận đã cho thấy thế giới đánh giá rất cao loại hình âm nhạc này ở miền Nam của Việt Nam, và sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới.

Sự kiện quốc tế

Ngày 5-12-1492, Cristoforo Colombo trở thành người châu Âu đầu tiên đặt chân lên hòn đảo Hispaniola. Ngày 5-12-1936, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Ngoại Kavkaz giải thể, chia tách thành ba nước cộng hòa Armenia, Azerbaijan, và Gruzia.

Walter Elias Disney, cha đẻ phim hoạt hình và giải trí cho trẻ thơ. Ảnh: Disney Park

Ngày 5-12-1901, ngày sinh Walt Disney, hoạ sĩ, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Mỹ, cha đẻ phim hoạt hình và giải trí cho trẻ thơ. Ông có phim hoạt hình như: Chú chuột Mickey, Người lái tàu, Chú vịt Donald, chó Pluto, gấu Ballo, Beo Baghera… Ông mất ngày 15-12-1966.

Theo dấu chân Người

Ngày 5-12-1940, trên tờ “Cứu vong nhật báo” đăng bài “Mắt cá giả ngọc trai” của Nguyễn Ái Quốc kêu gọi cảnh giác trước âm mưu quân Nhật Bản gài người để phá hoại các tổ chức cách mạng. Bài báo chỉ rõ: “Đối với nhân dân Việt Nam, đối với phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, chúng ta phải giúp đỡ bằng mọi khả năng có thể. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải cẩn thận, phải vạch trần cái trò mắt cá giả ngọc trai đó”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông nâng ly chúc tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, tháng 8-1957. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Ngày 5-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Chủ tịch Mao Trạch Đông mừng ngày thành lập Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bức điện có đoạn: “Hai dân tộc Việt – Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hòa bình lâu dài”.

Ngày 5-12-1962, báo “Nhân Dân” đăng bài viết “Cần phải nâng cao chất lượng hàng hoá”, với bút danh “T.L.”, Bác phê phán nhiều mặt hàng phục vụ sinh hoạt hằng ngày của nhân dân “đã không bảo đảm được chất lượng do một số cán bộ, công nhân kém tinh thần trách nhiệm, làm ẩu, làm dối, chỉ biết chạy theo số lượng… trái hẳn với chính sách của Đảng và Chính phủ, đã làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân” và yêu cầu “mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Ngày 5-12-1962, báo “Nhân Dân” đăng bài viết “Cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa”, với bút danh “T.L.”, Bác yêu cầu“mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình”.

Đây là thời điểm miền Bắc nước ta đang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (1961-1965) nhằm không ngừng phát triển kinh tế – xã hội để trở thành hậu phương lớn chi viện cho chiến trường miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai ngụy quân, ngụy quyền giành thắng lợi, thống nhất đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến 10-9-1960. Ảnh: Longbien.hanoi.gov.vn

Bài viết nêu cụ thể trên một chục mặt hàng phục vụ sinh hoạt hằng ngày của nhân dân, từ chiếc kim khâu cho đến chiếc xe đạp “Thống Nhất” đã không bảo đảm được chất lượng do một số cán bộ, công nhân kém tinh thần trách nhiệm, làm ẩu, làm dối, chỉ biết chạy theo số lượng. Theo Bác, những khuyết điểm đó “đã trái hẳn với chính sách của Đảng và Chính phủ, đã làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân” và đề nghị bộ chủ quản và các hợp tác xã thủ công nghiệp phải có biện pháp sửa chữa, một mặt phải giáo dục cán bộ, công nhân và xã viên về ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, một mặt phải thi hành nghiêm chỉnh kỷ luật “làm hỏng thì phải làm lại” và thực hành chế độ “mỗi xí nghiệp, mỗi hợp tác xã phải bảo đảm chất lượng những sản phẩm của mình”.

Thấm nhuần lời Bác dạy, việc kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng được cấp ủy, chỉ huy các cấp, mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực triển khai thực hiện trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Lực lượng quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế luôn chủ động đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của đơn vị bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần tăng nguồn thu, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, bổ sung kinh phí cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Với địa bàn đóng quân trải rộng khắp cả nước, các xí nghiệp quân đội đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở những khu vực, địa bàn, vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh; thiết thực góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, nhất là ở các địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; từ đó, xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc.

Các xí nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp quân đội còn tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại và đối ngoại quốc phòng, góp phần củng cố, nâng cao hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế, thực hiện tốt chính sách đối ngoại kinh tế, đối ngoại quốc phòng thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 5-12-1959, trang bốn Báo Quân đội nhân dân đăng hình ảnh các Anh hùng Quân đội hân hoan quây quần chung quanh Hồ Chủ tịch, các lãnh tụ Đảng và Chính phủ trong dịp lễ tuyên dương Anh hùng lần thứ 3 (tháng 5-1956).

Trang 4 Báo Quân đội nhân dân ngày 5-12-1959.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 5-12-1984 đăng trang trọng hình ảnh Bác Hồ gặp mặt thân mật và chụp ảnh kỷ niệm với các đội bóng dự giải vô địch bóng đá SKDA lần thứ 3 (12-1963).

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân ra ngày 5-12-1984 đăng trang trọng hình ảnh Bác Hồ gặp mặt thân mật và chụp ảnh kỷ niệm với các đội bóng dự giải vô địch bóng đá SKDA lần thứ 3 (12-1963).

THÙY ANH (tổng hợp)