Những điều bạn chưa biết về Super Bowl Halftime Show

Super bowl là gì

Super Bowl HalfTime Show được biết đến là show diễn giữa giờ nghỉ trong trận Chung kết Siêu cúp Bóng bầu dục nước Mỹ. Tuy nhiên, sau 52 mùa giải, Super Bowl Halftime Show đã vượt xa khỏi khuôn khổ chương trình văn nghệ giải lao, mà trở thành một trong những sân khấu được mong đợi nhất nước Mỹ, niềm tự hào của các nghệ sỹ hàng đầu khi được trở thành người biểu diễn.

Để biết được những điều bất ngờ về SuperBowl Halftime Show, trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu về giải đấu Super Bowl.

Super Bowl (tạm dịch: “Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ”) là trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL – National Football League), hiệp hội hàng đầu của bóng bầu dục Mỹ, kể từ năm 1967 và thường được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên của tháng Hai dương lịch, gọi là Super Bowl Sunday (“Chủ nhật Siêu Cúp”).

Trong văn hóa của Mỹ, bóng bầu dục là môn thể thao vua, cho nên ngay khi Super Bowl được tổ chức, nó đã trở thành chương trình truyền hình đắt khách nhất nước Mỹ. Với lượng khán giả lên đến hàng trăm triệu người. Cùng với đó, đây cũng là chương trình thu hút quảng cáo đắt tiền nhất tại Mỹ (có những giải đấu tiền quảng cáo đã lên đến khoảng 5 triệu USD cho 30 giây phát sóng).

Ăn theo Super Bowl, Super Bowl Halftime Show được biết đến là show diễn giữa giờ nghỉ trong trận Chung kết Siêu cúp Bóng bầu dục nước Mỹ cũng không hề kém cạnh về sức hút khán giả.

1991 – dấu mốc đưa Super Bowl Halftime Show trở thành show diễn được mong chờ nhất năm

Chương trình ca nhạc giữa giờ Super Bowl Halftime Show là một phần của sự kiện kể từ khi Super Bowl đầu tiên được tổ chức và phát sóng vào năm 1967. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu của Super Bowl Halftime Show, Super Bowl được tổ chức tại sân vận động của các trường đại học xuyên suốt nước Mỹ, cho nên phần lớn các màn biểu diễn sẽ do các ban nhạc sinh viên thực hiện, với những cái tên tiêu biểu như: Grambling (1967) và Up With People (1982). Địa điểm tổ chức Super Bowl là các trường đại học cũng ảnh hưởng đến trào lưu nhạc pop được biểu diễn vào Halftime Show – một dòng nhạc được giới trẻ ưa chuộng tại Mỹ và trở thành truyền thống sau này của Super Bowl. Được biết từ 1967 – 1990, các chương trình Super Bowl Halftime Show hầu hết chỉ mang tính chất “giải lao giữa giờ”, với các chủ đề xung quanh giải đấu và liên quan trực tiếp đến các trường học đại diện.

Năm 1991 là dốc mốc đưa Super Halftime Show trở thành show diễn được mong chờ nhất năm khi có sự tham gia tài trợ của những nhãn hàng lớn, điển hình là Pepsi. Vì vậy, Super Bowl Halftime Show được đầu tư quy mô hơn, mang tính chất quảng cáo – giải trí và có màu sắc âm nhạc rõ rệt hơn. Chương trình liên tục mời lên sân khấu những ngôi sao lớn của làng âm nhạc như: Michael Jackson, Bruno Mars, Lady Gaga, Katy Perry, Justin Timberlake… Địa điểm tổ chức cũng được chuyển sang các sân vận động danh tiếng, có sức chứa lên đến cả trăm triệu người.

Cũng từ thời điểm Super Bowl Halftime Show được nâng lên thành sân khấu âm nhạc của các ca sỹ nổi tiếng, không chỉ Pop mà những thể loại âm nhạc như Rock, EDM cũng được các nghệ sỹ chú trọng thể hiện. Những cá tính âm nhạc lần lượt xuất hiện trên sân khấu mang lại nhiều thông điệp về nước Mỹ (tôn giáo, chủng tộc, những vấn đề nhức nhối khác của xã hội) và thông điệp về tình yêu với môn thể thao Vua. Đây cũng chính là lý do khiến cho Super Bowl Halftime Show ngày càng có sức hút mãnh liệt, đặc biệt là với thời đại công nghệ phát triển như ngày nay.

Sân khấu danh giá của giới nghệ sỹ

Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NTL) đã cho biết, sân khấu âm nhạc giờ giải lao (Super Bowl Halftime Show) lần thứ LI, với sự xuất hiện của Lady Gaga là “sự kiện âm nhạc được xem nhiều nhất mọi thời đại” đạt 150 triệu người xem truyền hình.

Người dân Mỹ có một câu nói rằng: không phải người Mỹ nào cũng xem ca nhạc, nhưng mọi người Mỹ đều xem Super Bowl. Super Bowl được tôn lên thành một ngày lễ toàn dân tại Mỹ. Chính vì vậy, Super Bowl Halftime Show đã trở thành sân khấu danh giá của giới nghệ sỹ, được so sánh còn vinh dự hơn giải Grammy.

Super Bowl Halftime Show không trao giải, không ghi nhận thành tựu nào của các nghệ sỹ, nhưng khi được mời biểu diễn tại Super Bowl cả nước Mỹ sẽ biết đến. Chưa kể đến, màn biểu diễn được kết hợp với sân khấu được thiết kế và hội tụ công nghệ đỉnh cao, bùng nổ sẽ ghi dấu ấn rất sâm đậm trong lòng người dân Mỹ. Đơn cử như màn biểu diễn của Lady Gaga tại Super Bowl Halftime Show lần thứ 51 (2017). Cô bắt đầu mở màn của buổi trình diễn trên nóc sân thượng của sân vận động với hai bài hát “God Bless America” và “This Land is Your Land”.

Phần mở màn này được hỗ trở bởi hàng chục chiếc máy bay trực thăng xếp hình lá cờ Hoa Kỳ rồi chuyển thành hình chim bồ câu trước khi cô bay từ nóc sân vận động xuống sân khấu tiếp tục màn trình diễn. Âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu, giọng ca và cả sự hỗ trợ từ đội ngũ cầm đèn led phía dưới khán đài đã làm người dân Mỹ choáng ngợp về sự đầu tư trong màn trình diễn của mình tại Super Bowl Halftime Show. Sau Michael Jackson, Lady Gaga đã được ghi danh vào sanh sách những màn biểu diễn hay nhất mọi thời đại của Super Bowl. Thậm chí, bà Hilary Clinton cũng đã khen ngợi màn trình diễn của Laydy Gaga trên trang Twiter của mình.

Năm 2015, Katy Perry sau khi biểu diễn ở Super Bowl Halftime đã xăm hình XLIX (cách viết số La Mã của số 49, tương trưng cho Super Bowl lần thứ 49) ngay trên cánh tay để ghi nhớ một dấu mốc trong sự nghiệp của mình.

Từ setup sân khấu đến biểu diễn chỉ gói gọn trong nửa giờ

Độ dài của một giờ nghỉ giải lao trong thi đấu bóng bầu dục thông thường là 12 phút. Tuy nhiên, khi Super Bowl Halftime Show được nâng lên thành sân khấu ca nhạc, độ dài cho màn biểu diễn đã được nâng lên thành… 30 phút cả lắp ráp và tháo dỡ sân khấu.

Không chỉ là một sân khấu trong mơ của các nghệ sỹ, Super Bowl Halftime Show cũng sẽ trở thành sân khấu để đời của các đạo diễn, agency làm sự kiện khi sự thách thức về thời gian thi công các hạng mục sân khấu, âm thanh, ánh sáng, visual, biểu diễn và dọn sạch sẽ chỉ diễn ra trong đúng 30 phút.

Nếu ai đã từng xem bộ phim tài liệu về những câu chuyện đằng sau hậu trường màn trình diễn của Katy Perry tại Super Bowl 49, mọi người có thể cảm nhận được tốc độ làm việc, sự phối hợp nhịp nhàng của các team backstage. Tại màn biểu diễn để đời của giọng ca “Roar”, có khoảng 10 tấn thiết bị sân khấu được chia thành 25 phần khác nhau và hơn 600 người làm nhiệm vụ lắp ráp chỉ trong vòng 6 PHÚT. Và màn biểu diễn kéo dài 12 phút, như vậy team backstage chỉ còn lại khoảng 8 phút để tháo dỡ và vận chuyển hết thiết bị, trả lại mặt bằng cho các vận động viên thi đấu hiệp sau.

Video toàn cảnh thi công sân khấu biểu diễn của Katy Perry tại Super Bowl Halftime Show lần thứ 49

Mặc dù màn biểu diễn giữa giờ chỉ diễn ra trong vòng hơn 10 phút, nhưng từ cách chuẩn bị, sự đầu tư về hình ảnh và sự mong chờ của toàn dân Mỹ về môn thể thao vua, Super Bowl Halftime Show sẽ còn ghi nhận nhiều màn biểu diễn hoành tráng, công phu và đẹp mắt.

Super Bowl lần thứ 53 sẽ được diễn ra vào ngày 3/2/2019. Nhiều thông tin đã cho rằng Maroon 5 hoặc Selena Gomez sẽ được NFL lựa chọn.

Xem thêm: Màn trình diễn bùng nổ của Sakira & J.Lo trên sân khấu Super Bowl 2020

J.B