Phân Biệt Giữa Dấu Hiệu (Sign) & Triệu Chứng (Symptom)

Symptoms là gì

Đối với những người không chuyên, dấu hiệu và triệu chứng dường như trở thành hai thuật ngữ được dùng thay thế cho nhau khi mô tả các tình trạng bệnh. Khi đi khám, đa số mọi người sẽ cảm thấy thấy việc nói rằng “tôi có dấu hiệu phát ban” hay “tôi có triệu chứng phát ban” là như nhau. Trên thực tế, có sự phân biệt rõ ràng giữa hai từ này. Để biết chúng khác nhau như thế nào, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Dấu Hiệu (Sign) Là Gì?

Định Nghĩa

Dấu hiệu là một phản ứng vật lý (biểu hiện) liên quan đến các vấn đề hoặc đặc điểm y tế được bác sĩ, y tá hoặc thiết bị y tế phát hiện trong quá trình kiểm tra bệnh nhân. Đây có thể là các dấu hiệu quan sát được bằng mắt thường (ví dụ như phát ban trên da biểu hiện bệnh chàm, âm thanh khàn khàn của một cơn ho viêm phế quản hoặc các vòng đỏ quanh mắt do viêm da gây ra) hoặc cần kiểm tra bằng thiết bị y tế. Các dấu hiệu có thể được xác định bởi bất kỳ ai, nhưng cần được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên nghiệp, những người được đào tạo và có kinh nghiệm để xác định nguyên nhân có thể của chúng. Chúng thường có thể đo được và phép đo này là trọng tâm để chẩn đoán một vấn đề y tế. Kể từ những năm 1800, y học và khoa học đã có những bước phát triển nhảy vọt trong việc giúp các bác sĩ xác định rõ ràng các dấu hiệu. Một loạt các thiết bị đã ra đời để giúp các bác sĩ xác định và phân tích các dấu hiệu như ống nghe, máy đo phế dung, máy chụp X-quang, máy đo huyết áp,…

Người bệnh có thể nhận biết hoặc không nhận biết được các dấu hiệu bệnh của mình.

Dưới đây là 4 loại dấu hiệu chính:

  • Dấu hiệu chẩn đoán (Diagnostic signs): Những dấu hiệu này giúp bác sĩ nhận biết và xác định một vấn đề sức khỏe ở hiện tại. Ví dụ, mức độ cao của kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) trong máu của nam giới có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt hoặc một vấn đề về tuyến tiền liệt.

  • Dấu hiệu bệnh lý (Pathognomonic signs): Đây còn có thể coi là dấu hiệu đặc trưng, tức là nó cho phép bác sĩ có thể liên kết dấu hiệu với tình trạng bệnh một cách hoàn toàn chắc chắn. Ví dụ, sự hiện diện của một loại vi khuẩn nhất định trong mẫu máu có thể chỉ ra một bệnh nhiễm vi rút cụ thể.

  • Dấu hiệu tiên lượng (Prognostic signs): Đây là những dấu hiệu chỉ ra tiên đoán về bệnh trong tương lai. Thay vì chỉ ra bản chất của bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu này để dự đoán kết quả cho bệnh nhân, chẳng hạn như những gì có thể xảy ra với họ và mức độ nghiêm trọng của bệnh trong tương lai.

  • Dấu hiệu bệnh sử (Anamnestic signs): Những dấu hiệu này chỉ ra các tình trạng bệnh lý trước đây của một người. Ví dụ, sẹo trên da có thể là bằng chứng của tình trạng mụn trứng cá nặng trong quá khứ.

Ý Nghĩa

Dấu hiệu cung cấp những hình dung có cơ sở và căn cứ về căn bệnh mà người bệnh đang mắc phải. Vì nó có thể đo lường và kiểm tra được bằng các thiết bị y tế nên dấu hiệu thường rõ ràng, khách quan và khá đáng tin cậy. Dấu hiệu cũng cho phép phát hiện sớm các loại bệnh không biểu hiện triệu chứng.

Cách Sử Dụng

Thường được sử dụng để phát hiện và chẩn đoán bệnh.

Tham Khảo: Dấu hiệu rối loạn lo âu xã hội

Triệu Chứng (Symptom) Là Gì?

Định Nghĩa

Triệu chứng là trải nghiệm chủ quan của người bệnh về một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mà các chuyên gia không thể quan sát được. Ví dụ như co thắt, đau nhói do căng thẳng hoặc cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, ớn lạnh. Bác sĩ không thể nhìn, nghe, cảm thấy hoặc ngửi thấy bất kỳ vấn đề nào trong số những vấn đề này, điều này khiến các trải nghiệm trên trở thành triệu chứng chứ không phải dấu hiệu. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng, bạn là người duy nhất có thể cảm nhận và mô tả chúng.

Triệu chứng đôi khi khá mơ hồ và lẫn lộn. Một điều khó khăn hơn là chúng không thể đo lường được bằng các loại máy móc thiết bị y tế. Vì vậy nếu mỗi người không cảm nhận được triệu chứng gì thì cũng không có nghĩa là cơ thể họ hoàn toàn khỏe mạnh, Một số bệnh như ung thư hay cao huyết áp có thể không biểu hiện triệu chứng gì cho đến giai đoạn muộn, khi bệnh đã trở nên trầm trọng.

Dưới đây là ba loại triệu chứng chính:

  • Triệu chứng thuyên giảm (Remitting symptoms): Xảy ra khi các triệu chứng được cải thiện hoặc hết hoàn toàn. Ví dụ, các triệu chứng của cảm lạnh thông thường có thể xảy ra trong vài ngày và sau đó tự khỏi mà không cần điều trị.

  • Triệu chứng tái phát (Relapsing symptoms): Đây là các triệu chứng đã xuất hiện trong quá khứ, hết rồi tái phát. Ví dụ, các triệu chứng trầm cảm có thể không xuất hiện trong nhiều năm nhưng sau đó có thể trở lại.

  • Triệu chứng mãn tính (Chronic symptoms): Đây là các triệu chứng kéo dài hoặc tái phát. Các triệu chứng mãn tính thường thấy trong các bệnh đang diễn ra, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, hen suyễn và ung thư.

Ý Nghĩa

Triệu chứng cung cấp cho chính người bệnh những thông tin ban đầu về việc cơ thể của họ không ổn. Triệu chứng cũng chính là hình dung ban đầu giúp các chuyên gia hiểu được cảm giác của người bệnh cũng như đoán biết được họ đang gặp phải vấn đề, hay sự không tốt ở vùng nào trên cơ thể trước khi thực hiện các phép đo chỉ số. Triệu chứng cũng có thể kết hợp với các dấu hiệu khác để nhận biết căn bệnh.

Cách Sử Dụng

Thường được sử dụng để phát hiện vấn đề cơ thể và mô tả chúng với các chuyên gia, bác sĩ.

Tham khảo: Triệu chứng tâm thần phân liệt

So Sánh Giữa Dấu Hiệu Và Triệu Chứng Bệnh

Vì Sao Cần Phân Biệt Giữa Dấu Hiệu & Triệu Chứng?

Biết cách phân biệt giữa dấu hiệu và triệu chứng sẽ giúp mỗi người có cái nhìn tổng quát hơn về tình trạng cơ thể của mình. Bệnh nhân và các chuyên gia y tế có thể nhìn nhận một cách khách quan và cả chủ quan về căn bệnh, ví dụ họ có thể sớm phát hiện bệnh mới hoặc phát hiện chẩn đoán sai nếu thấy triệu chứng của bệnh nhân khác lạ so với dấu hiệu bệnh họ chẩn đoán ra. Thêm vào đó, các căn bệnh có thể có mức độ nguy hiểm khác nhau với triệu chứng giống nhau. Vì vậy dấu hiệu như là một cách để bác sĩ tìm ra chính xác vấn đề đó hơn. Ví dụ các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt như đau ngực, mệt mỏi, cáu gắt có thể giống hệt với triệu chứng của việc mang thai, hay triệu chứng của cảm cúm có thể giống với triệu chứng của Covid-19. Lúc này, phải dựa vào các dấu hiệu và phép đo thì bác sĩ mới xác định được chính xác chủ thể gặp vấn đề gì.

Tham Khảo: Dấu hiệu hành vi bất thường ở trẻ vị thành niên

Kết Bài

Mặc dù có sự khác biệt giữa dấu hiệu và triệu chứng, nhưng cuối cùng cả hai đều là cách thức mà cơ thể sử dụng để thông báo các vấn đề sức khỏe và khuyến khích thân chủ tìm kiếm giải pháp. Điều quan trọng là chúng ta không được bỏ qua bất kỳ các triệu chứng hoặc dấu hiệu nào. Nếu phát hiện ra các bất thường và cảm thấy không ổn, hãy đến các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời.

Bài viết tổng hợp từ các nguồn:

  1. GoodRx Health – Are Symptoms and Signs the Same?

  2. Toppr – Difference Between Signs And Symptoms

  3. Medical News Today – Why do signs and symptoms matter?

  4. Wikipedia – Signs and Symptoms

  5. NIH – National Cancer Institute – Definition of symptom