Dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh, mỗi ngày có hàng triệu ca mắc mới trên thế giới. Phương pháp test nhanh đã giúp mọi người sớm phát hiện Covid-19 để bảo vệ bản thân và gia đình. Thế nhưng, bạn đã thật sự hiểu giá trị C và T trong test Covid trên bộ kit test?
Tổng quan về phương pháp test nhanh
Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện các biến thể mới, gần đây là Omicron và Omicron tàng hình. Để kiểm tra bản thân có đang nhiễm SARS-CoV-2 hay không, mọi người thường dùng 2 phương pháp: Test nhanh và Test PCR.
Xét nghiệm PCR được thực hiện bằng kỹ thuật sinh học phân tử Real-time, xác định virus trong cơ thể bằng cách lấy dịch tỵ hầu, dịch mũi đưa vào hệ thống máy xét nghiệm. Sau khi phân tích, máy sẽ cho kết quả âm hay dương tính với SARS-CoV-2. Hiện nay, hệ thống BVĐK Tâm Anh sử dụng hệ thống máy xét nghiệm Alinity M hiện đại bậc nhất của Mỹ để chẩn đoán chính xác virus gây bệnh bằng kỹ thuật PCR và cho kết quả chưa đến 6 giờ.
So với test nhanh xét nghiệm Covid-19 bằng PCR có giá thành cao hơn, thời gian cho ra kết quả lâu hơn, độ chính xác cao hơn và được thực hiện ở các cơ sở y tế. Trong khi đó, phương pháp test nhanh có giá thành thấp, đơn giản dễ thực hiện, độ chính xác không bằng test PCR nhưng là cách phổ biến giúp hàng triệu người dân biết tình trạng có hay không nhiễm Covid-19 trong thời gian ngắn. Nhân viên y tế, bác sĩ hay người dân, ai cũng có thể thực hiện được test nhanh để kiểm tra có hay không việc nhiễm Covid-19 ngay tại bất cứ đâu.
Người dùng sẽ lấy dịch tỵ hầu hoặc dịch mũi hòa vào dung dịch được kèm theo trong bộ kit test của nhà sản xuất, sau đó cho dịch vào khay test. Căn cứ vào giá trị C và T trong test Covid, bạn sẽ biết được mẫu dịch đó có nhiễm SARS-CoV-2 hay không.
Giá trị C và T trong test Covid nghĩa là gì?
Trên kit test Covid-19 của bất kỳ nhà sản xuất nào cũng thể hiện hai giá trị C và T. Vậy chữ C và T trong test nhanh covid là gì? Giá trị C và T trong test nhanh Covid có nghĩa là gì?
Chữ C
Vạch C (Control line) là vạch chứng. Có nghĩa, khi nhỏ mẫu dịch vào ô nhận mẫu (S) mà vạch C này hiển thị màu đỏ thì cho thấy kit test này hoạt động bình thường. Chỉ cần khay test đã thấm đủ lượng dịch mẫu thì vạch C luôn hiển thị. Nếu kit test chỉ thể hiện vạch C thì hiểu rằng bạn âm tính (không nghiễm Covid-19) ngay tại thời điểm thực hiện. (1)
Trường hợp vạch C mờ thì lượng dịch mà bạn nhỏ vào ô nhận mẫu (S) là chưa đủ. Lúc này, kết quả ở vạch T có thể bị ảnh hưởng nếu lượng dịch chiết quá ít, không thể thấm và di chuyển đến vị trí này để phản ứng.
Chữ T
Vạch T (Test line) là vạch thử. Nếu sau khi nhỏ mẫu dịch, vạch T không hiện màu đỏ thì bạn âm tính tức là không nhiễm bệnh tại thời điểm thực hiện, cũng có thể do bạn đang trong giai đoạn sớm của bệnh, nồng độ virus còn thấp chưa đủ ngưỡng để phát hiện. Do đó, bạn cần theo dõi sức khỏe và nhiều khi cần phải test lại để biết xem mình có nhiễm Covid-19 hay không.
Nếu sau khi nhỏ mẫu dịch, vạch T hiển thị màu đỏ thì bạn dương tính (nhiễm Covid-19). Vạch T có thể đậm hoặc nhạt, nhưng không thể hiện số lượng virus trong cơ thể nhiều hay ít như xét nghiệm PCR.
Lưu ý, nếu sau khi nhỏ dịch mẫu, khay test không hiện 2 vạch hoặc chỉ hiện 1 vạch T thì bạn nên thực hiện lại, do kết quả không có giá trị. Điều này có thể do test không chuẩn hoặc bạn thực hiện sai sót.
Cách đọc kết quả test âm tính hoặc dương tính
Sau khi cho mẫu dịch vào khay test, bạn nên chờ khoảng 10 đến 15 phút theo hướng dẫn của nhà sản xuất và đọc kết quả. (2)
Các trường hợp xảy ra như sau:
- Chỉ có vạch C hiện màu đỏ, mẫu thử âm tính Covid-19
- Cả hai vạch C và T đều hiện màu đỏ, mẫu thử dương tính Covid-19
- Chỉ có vạch T hiện màu đỏ, mẫu thử thất bại, bạn cần phải thực hiện lại.
Lưu ý: kết quả trên khay test chỉ thể hiện có hay không nhiễm Covid-19 tại thời điểm test. Do đó, nhiều trường hợp trong cùng 1 ngày thực hiện test, nhưng buổi sáng kết quả âm tính, buổi chiều kết quả dương tính.
Phương pháp test nhanh có chính xác không?
Phương pháp test nhanh có giá thành khá rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, thao tác dễ dàng và cho ra kết quả nhanh chóng. Do đó, để sớm phát hiện Covid-19, hàng triệu người dân trên thế giới và cả Việt Nam đã dùng kit test nhanh.
Tuy nhiên, độ chính xác của test nhanh lại không quá cao, nhất là việc mua kit test không đạt chuẩn. Giá trị hiển thị trên vạch C và T chỉ có giá trị tại thời điểm thực hiện. Xét nghiệm PCR có thể cho biết mẫu thử dương hay âm tính ngay cả khi nồng độ virus SARS-CoV-2 thấp. Trong khi đó, nếu tải lượng virus thấp, test nhanh có thể không cho ra kết quả dương tính. Đồng thời, độ nhạy của kit test cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
- Thứ nhất, nếu bạn test vào những ngày đầu phơi nhiễm, kết quả thường sẽ cho âm tính do tải lượng virus trong cơ thể chưa đủ để phát hiện.
- Thứ hai, thao tác trong quá trình test cũng ảnh hưởng đến kết quả. Do đó, bạn cần đọc và làm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất kit test. Sau khi cho dịch mẫu vào khay test, bạn nên đọc kết quả sau 15 đến 30 phút để đảm bảo chính xác.
- Thứ ba, chất lượng kit test cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả. Các kit test đã cũ, giả, kém chất lượng đều cho kết quả không đúng, đặc biệt là với các biến thểthể mới như Omicron.
Hướng dẫn cách thực hiện test nhanh tại nhà đúng cách và chính xác
Test nhanh là phương pháp dễ dàng thực hiện để xác định có hay không nhiễm Covid-19. Sau khi đã biết các thông tin về test nhanh, cũng như chữ C và T trong test covid là gì, bạn dễ dàng kiểm tra mình có nhiễm Covid-19 hay không. Dưới đây là cách sử dụng test nhanh.(3)
Bước 1: Chuẩn bị
Trước hết, bạn cần chuẩn bị bộ kit test nhanh Covid-19 của nhà sản xuất uy tín và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, mang khẩu trang, sát khuẩn tay để đảm bảo an toàn. Mỗi kit test sẽ có: khay test, ống đựng dung dịch đệm, que test.
Bước 2: Trước khi lấy mẫu
Lấy khay test ra khỏi túi đựng, đặt lên mặt phẳng nằm ngang. Lưu ý chỉ nên dùng kit test đã mở trong vòng không quá 1 giờ. Trường hợp test cùng lúc nhiều người, bạn cần ghi tên mình lên khay test để tránh nhầm lẫn. Tiếp theo, lấy que ngoáy tỵ hầu ra khỏi túi đựng và thực hiện các bước lấy mẫu tiếp theo.
Bước 3: Lấy mẫu
Đối với kit test lấy mẫu dịch tỵ hầu:
- Bạn ngồi yên ở tư thế đầu hơi nghiêng ra sau một góc 70 độ. Nếu là trẻ nhỏ thì nên đặt con ngồi lên đùi, ôm và giữ chặt tay con, ngả đầu trẻ về phía sau.
- Tiếp đó, dùng que lấy mẫu đưa vào lỗ mũi, vừa đẩy vừa xoay đến vạch chỉ điểm có sẵn trên que. Nên xoay que 3 lần, tiếp tục giữ yên thêm 5 giây để lấy đủ dịch. Nếu không lấy đủ mẫu hoặc thao tác sai thì kết quả sẽ bị ảnh hưởng.
- Sau đó, bạn nhẹ nhàng rút que lấy mẫu ra khỏi mũi, cho ngay vào ống đựng dung dịch có sẵn của nhà sản xuất.
Đối với kit test lấy mẫu dịch mũi:
- Tương tự với lấy dịch tỵ hầu, bạn cũng ngồi ở tư thế đầu ngửa ra phía sau khoảng 70 độ. Đưa vào lỗ mũi thứ nhất đến độ sâu khoảng 2cm thì xoay que 3 lần, giữ yên khoảng 10 giây. Sau đó, dùng ngay que lấy mẫu này đưa vào lỗ mũi còn lại rồi cho vào ống chứa dung dịch đệm.
Bước 4: Tách chiết mẫu
Sau khi đã cho que lấy mẫu vào dung dịch đệm, bạn xoay và miết đầu que vào thành, đáy ống nhiều lần, ngâm trong 1 phút. Dùng tay bóp hai thành ống ép vào đầu que để có được nhiều dung dịch nhất.
Tiếp đến, đậy chặt nắp nhỏ giọt và lắc mạnh ống rồi cho dung dịch vào ô nhận mẫu (S) trên khay test. Bạn đợi khoảng 15 đến 30 theo hướng dẫn của nhà sản xuất rồi đọc kết quả.
Bước 5: Đọc kết quả
Khi đã hiểu được ký hiệu vạch C và T trong test Covid là gì, bạn sẽ dễ dàng đọc được kết quả. Nếu khay test hiện cả hai vạch C và T thì mẫu dịch dương tính, nếu chỉ thể hiện vạch C thì âm tính. Trường hợp chỉ thể hiện vạch T thì mẫu thử thất bại.
Một số lưu ý trước và sau khi test
Phương pháp test nhanh dễ dàng thực hiện, mọi người dân đều có thể tự kiểm tra tình trạng có hay không nhiễm Covid-19 với thao tác đơn giản. Các chuyên gia y tế khuyến cáo bạn phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và chọn mua kit test được cơ quan y tế cấp phép lưu hành.
Khi thực hiện test nhanh với kit test lấy mẫu dịch tỵ hầu, que lấy mẫu được đưa sâu vào bên trong mũi nên người được test sẽ có cảm giác “thốn”, đau rát, chảy nước mắt. Do đó, nhiều người có tâm lý thực hiện qua loa, không đưa que vào sâu nên lấy dịch không đủ, nên kết quả không đúng.
Với kit test lấy mẫu dịch mũi, que test chỉ đi vào sâu khoảng 2cm nên mang lại cảm giác đỡ khó chịu hơn nhưng nếu thực hiện quá nhanh, lượng dịch lấy ra cũng không đủ. Vì vậy, nên thực hiện test ở cả 2 mũi trên cùng 1 que. Khi đưa que vào mũi 2cm, bạn nên xoay que 3 lần và giữ yên 10 giây để dịch thấm đủ vào lớp bông trên que.
Bộ kit test đã qua sử dụng có thể mang virus gây bệnh, do đó, sau khi thao tác, đọc kết quả, bạn nên cho chúng vào nhiều lớp túi, buộc chặt miệng túi rồi để ở nơi cố định rồi thông báo cho cơ sở y tế đến thu gom, xử lý theo quy định.
Đặc biệt, người dùng kit test cần đọc kết quả trong thời gian quy định của nhà sản xuất. Thời gian này có thể khác nhau giữa các loại kit test. Nếu bạn đọc kết quả sau thời gian quy định, các thể hiện vạch C và vạch T sẽ không còn chính xác. Nhiều trường hợp 2 vạch C và T trong test covid xuất hiện sau thời gian quy định tạo nên dương tính giả.