Vị trí địa lý, truyền thống lịch sử
Tam Hiệp là xã nằm ở phía nam huyện Phúc Thọ, bên hữu ngạn sông Đáy, phía bắc và tây bắc giáp các xã Tam Thuấn và Ngọc Tảo, phía nam giáp xã Hiệp Thuận, phía đông giáp với huyện Đan Phượng và phía tây giáp các xã Hương Ngải, Phú Kim huyện Thạch Thất. Xã có diện tích tự nhiên 526,89ha, dân số hơn 12.000 người. Xã được thành lập sau Cách mạng tháng 8/1945 gồm 5 thôn (làng) là Thượng Hiệp, Đại Điền, Hòa Thôn, Hiệp Cát và Mỹ Giang, chia thành 8 cụm dân cư.
Tam Hiệp liền kề với Quốc lộ 32 – trung điểm giữa thị xã Sơn Tây và thủ đô Hà Nội. Theo dòng sông Đáy có thể xuôi về Sấu Giá (Hoài Đức) hoặc ngược tới sông Hồng sang tỉnh Vĩnh Phúc để đến những địa bàn trọng yếu của vùng Đông Bắc. Như vậy, xã có một vị trí chiến lược có tầm quan trọng về kinh tế – xã hội, chính trị và quốc phòng, an ninh.
Là một địa phương được hình thành và phát triển sớm trong nền văn minh châu thổ sông Hồng, chịu ảnh hưởng tinh hoa của vùng xứ Đoài “địa linh nhân kiệt” nên Tam Hiệp đã hội tụ nhiều giá trị quý báu của nền văn hóa vật thể và phi vật thể, đóng góp xứng đáng vào nền văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Nhân dân trong xã sống chất phác lao động siêng năng, sáng tạo. Từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, nhân dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ cho thu nhập khá, đời sống sinh hoạt ngày càng được cải thiện, nâng cao; luôn phát huy tinh thần đoàn kết giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương. Toàn xã có 22 Mẹ Việt Nam anh hùng, 164 liệt sỹ, 72 thương binh, 26 bệnh binh.
Tam Hiệp có sự đa dạng, đan xen về tôn giáo song cư dân chủ yếu theo 2 tôn giáo chính: Đạo Phật và Đạo Thiên Chúa. Đồng bào lương – giáo sống hòa thuận, có truyền thống gắn bó, đoàn kết, luôn tích cực sống tốt đời, đẹp đạo. Xã Tam Hiệp có 10 chùa, 07 đình, 01 đền, 01 nhà nguyện trong đó 6 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 1 di tích xếp hạng cấp thành phố.
Năm 2014, xã Tam Hiệp vinh dự đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2015, được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen về thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới; nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến cấp huyện.
Hệ thống chính trị
Đảng bộ xã Tam Hiệp hiện có 358 đảng viên, sinh hoạt ở 15 chi bộ trực thuộc, trong đó có 08 chi bộ cụm dân cư, 04 chi bộ sự nghiệp, 01 chi bộ cơ quan, 01 chi bộ Hợp tác xã Nông nghiệp, 01 chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân. Phát huy truyền thống lịch sử, những năm qua, Đảng bộ huyện không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đổi mới công tác cán bộ và giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW 4 (khóa XI), Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Với cách làm chặt chẽ, nghiêm túc, đến nay trên địa bàn xã, nhiều tồn tại, hạn chế hoặc một số khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành cơ bản được khắc phục. Các mặt kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng đạt kết quả tốt, hầu hết các chỉ tiêu được giao đều đạt hoặc vượt.
Các tổ chức chính trị – xã hội từ MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày càng phát huy vai trò, hoạt động hiệu quả ở cấp cơ sở. Trên địa bàn có 4 trường học (mầm non Tam Hiệp, mầm non tư thục Bình Minh, TH Tam Hiệp và THCS Tam Hiệp) và 17 doanh nghiệp.
Tình hình kinh tế – xã hội
Trong những năm gần đây, kinh tế của Tam Hiệp có những bước phát triển khá, tăng trưởng bình quân đạt mức cao và ổn định. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất toàn xã ước đạt 396,5 tỷ đồng, tăng hơn 52 tỷ so với cùng kỳ 2014, trong đó, TTCN – XDCB chiếm hơn 73%, TMDV hơn 17%; nông nghiệp chiếm 9,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm.
Công tác xây dựng nông thôn mới gắn với dồn điền đổi thửa có bước bứt phá. Trong quá trình triển khai thực hiện xã có cách làm hay, phù hợp, huy động được cả sức người, sức của trong nhân dân để xây dựng chương trình nông thôn mới. Chỉ sau hơn 3 năm thực hiện ( 2011 – 2014 ), Tam Hiệp đã về đích chương trình nông thôn mới với 16/19 tiêu chí đạt và 3 tiêu chí cơ bản đạt. Trong quá trình triển khai, xã đã huy động hơn 275 tỷ đồng để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo.
Chính quyền và hệ thống chính trị xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện xã có 15 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 27,5 ha và 36,6 ha hoa màu, rau các loại cho thu nhập khá, 23 công ty, doanh nghiệp và 175 hộ cá thể đăng ký hoạt động kinh doanh và 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Nhờ có nghề làm thú nhồi bông, may mặc, in thêu, chế biến nông sản (muối cà dầm tương), đời sống của người dân trên địa bàn xã Tam Hiệp được nâng cao từng ngày. Bởi vậy, phát triển ngành nghề là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của địa phương.