1. Chất ectoparasiticides vô hại với tê giác, nhưng nó có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng. Sở dĩ người ta phải bơm chất đó vào sừng tê giác là để ngăn chặn nạn giết tê giác để lấy sừng, do giá sừng tê giác trên thị trường buôn lậu là rất đắt.
Đó là một nỗ lực giải cứu tê giác khi mà chỉ riêng trong năm 2014 đã có tới 1.200 con tê giác chết do nạn săn bắt ở Nam Phi. Nhìn tổng thể, tê giác đang đứng trước nguy cơ diệt chủng trên phạm vi toàn trái đất.
Tê giác gồm 5 chi, có nhiều ở châu Phi và châu Á. Đó là một động vật được cho là “còn sót lại” từ thời tiền sử. Nó cũng là loài mãnh thú to lớn, đầy sức mạnh. Nét nổi bật của tê giác là lớp da bảo vệ của chúng được tạo thành từ các lớp chất keo với độ dày như một bộ áo giáp, và nhất là chiếc sừng mọc trên mũi rất độc đáo. Chiếc sừng ấy tạo thêm sức mạnh cho tê giác nhưng cũng làm hại chúng do bị săn bắn quá dữ dội.
Tê giác trắng.
Tê giác còn được gọi là tê ngưu (con tê cộng với chiếc sừng thành “tê giác”). Không biết từ bao giờ và từ đâu người ta cho rằng sừng tê giác có tác dụng lớn trong việc chữa trị những bệnh nan y. Vì vậy, sừng của động vật này được săn lùng ráo riết, với giá bán cao hơn bất cứ loại sừng động vật nào.
Sừng tê giác có thành phần cấu tạo tương tự tóc và móng tay con người. Vì thế, y học hiện đại cho rằng nó hoàn toàn không có giá trị y học. Nhưng, bất chấp những khuyến cáo khoa học, trên thị trường sừng tê giác vẫn được lén lút mua bán.
Trong 5 loài tê giác hiện xác định được thì tất cả đều có một “tương lai không an toàn”. Để cứu được 5 loài tê giác còn lại trên trái đất khỏi bờ vực tuyệt chủng, nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã tích cực vào cuộc, tuy rằng những nỗ lực ấy không phải lúc nào cũng thành công.
Tê giác Ấn Độ.
Tê giác Ấn Độ: Còn được gọi là tê giác một sừng lớn, chúng sống ở vùng đồi thấp dưới chân dãy núi Himalaya thuộc Nepal và Ấn Độ. Khi trưởng thành, một con tê giác có độ dài toàn thân khỏang 3,5m. Da của chúng gồ ghề nối ghép các miếng lại với nhau trông như một “thảm đinh tán”. Tới nay, còn chừng hơn 2000 con sống trong thế giới tự nhiên.
Tê giác trắng: Sống tập trung ở miền nam châu Phi. Chúng có đôi “môi vuông” và một cái bướu ở phía sau cổ. Đây là quần thể tê giác phổ biến nhất, với số lượng hiện còn khoảng hơn 20.000 con.
Tê giác đen: Sống tập trung ở Đông châu Phi, một phần ở miền Trung châu lục này. Đôi môi của chúng khá nhọn. Da của chúng màu nâu ngả sang đen. Hiện còn khoảng 4.000 con. Tê giác đen sinh nở ít, lại bị săn lùng ráo riết nên nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.
Hiện tại, các quốc gia Kenya, Tanzania, Cameroon, Cộng hòa Nam Phi, Namibia và Zimbabwe. đều đã lên chiến lược bảo vệ chúng. Tê giác đen khi trưởng thành cao khoảng 1,5 mét, chiều dài toàn thân khoảng 3,5m.
Cân nặng của chúng khá khác nhau khi trưởng thành: từ 450kg đến 1.360kg. Tê giác đen có 2 sừng, sừng phía trước to hơn và dài từ 50-70cm. Sừng thứ 2 nhỏ hơn, cá biệt có con có tới 3 sừng.
Tê giác đen chỉ ăn cỏ, các loại lá cây, cành và chồi non. Kể cả cây bụi có gai chúng cũng ăn được. Trên da của tê giác đen, sinh sống và ẩn náu nhiều loại động vật ký sinh. Khoảng đến năm thứ 5, tê giác cái bước vào tuổi sinh sản; trong khi con đực phải đến năm thứ 8 mới trưởng thành.
Cũng giống như những loài tê giác khác, chúng giao phối theo mùa, khi mùa mưa bắt đầu. Sau 15 tháng mang thai, con non mới sinh đã nặng hơn 30kg. 3 ngày sau, chúng đã có thể chạy theo mẹ. Tê giác đen trong môi trường tự nhiên có thể sống đến 40 năm.
Tê giác đen.
Tê giác Sumatra: Sống tập trung tại Đông Nam Á. Loài này cũng có 2 sừng, là loài tê giác có nhiều lông nhất. Do sự săn bắn, giết hại quá dữ dội, hiện loài này chỉ còn khoảng hơn 200 con, đã rơi vào tình thế cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Tê giác Java: Là loài tê giác 1 sừng, dài khoảng 20cm. Chiều dài toàn thân khoảng 3m. Người ta cho rằng, hiện chỉ còn 40 con tê giác Java sống tại một vườn quốc gia nhỏ ở Indonesia. Những nghiên cứu đầu tiên về loài tê giác này xuất hiện vào năm 1787, khi hai con vật bị bắn chết tại Java. Nhà tự nhiên học người Đức Petrus Camper (mất năm 1789) đã coi chúng là một loài riêng biệt.
Tê giác Java là loài động vật sống đơn độc, ngoại trừ những khi giao phối và mẹ cùng con non. Chúng rất thích ngâm mình trong bùn để duy trì cho cơ thể luôn mát mẻ và chống được bệnh tật và sinh vật ký sinh. Vào năm thứ 3, con cái đã thuần thục trong việc sinh sản, còn con đực là vào tuổi thứ 6. Thời gian mang thai của chúng ước lượng khoảng 16-19 tháng. Sau 5 năm chúng mới có thể giao phối lại để sinh lứa tiếp theo.
Tê giác Java.
2. Bác sĩ Nguyễn Xuân Trung cho biết theo các tài liệu của Y học phương Đông, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc “thanh nhiệt lương huyết”. Nhưng nó không phải là thần dược và mãi mãi không phải là thần dược.
Tới nay, ngay cả trong Đông y, người ta cũng không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì nếu xét về hợp chất của sừng tê giác thì cũng có nhiều thảo dược khác thay thế rẻ tiền, dễ tìm. Trong Y học phương Đông có tất cả khoảng một vạn bài thuốc, nhưng không có bài thuốc nào dùng sừng tê giác độc vị.
Sừng tê giác có chữa được ung thư không? Theo Đông y, bệnh này do hàn tích lâu ngày mà sinh ra. Trong khi sừng tê giác là vị thuốc tính hàn nếu dùng điều trị bệnh ung thư thì hàn gặp hàn nên càng tụ lại, do đó dùng sừng tê giác để điều trị chứng này là một việc làm sai lầm.
Tê giác Sumatra.
Còn sừng tê giác có tác dụng bổ dưỡng làm cho người khỏe mạnh hơn không? Thực sự thì nó không có tác dụng bổ huyết, bổ khí, bổ âm, bổ dương nên không làm cho con người khỏe ra và cũng không có chuyện uống sừng tê giác để tăng tuổi thọ. Tuy thế, trên thị trường, sừng tê giác vẫn được săn lùng.
Và cũng từ đó, xuất hiện sừng tê giác giả, làm từ sừng trâu. Nhiều người do quá tin vào công dụng của sừng tê giác, nên đã bỏ ra một số tiền lớn để mua… sừng trâu. Đó là điều rất đáng tiếc.