Khi tìm hiểu về lịch sử, chúng ta thường được nghe nhắc đến những khái niệm như tên húy, tên tự, thụy, hiệu. Vậy những khái niệm đó là gì, và nó có tác dụng gì, ngày nay những khái niệm đó còn được sử dụng hay không, bài viết này, Ngô Hoàng sẽ giải đáp cùng quý vị. Đây cũng là một bài viết được sử dụng cho mục đích tham khảo và phục vụ dự án Phả Ký – Một dự án xây dựng và lưu trữ dữ liệu gia phả các dòng họ Việt Nam do Hoangsoft thực hiện.
Tên húy
Tên húy là tên cha mẹ đặt cho từ lúc còn nhỏ, ta còn gọi là tên tục. Ngày nay là tên khai sinh, tên thường gọi.
Tuy nhiên, trong thực tế, có không ít người nhầm lẫn, cho rằng tên húy là tên cúng cơm. Đó là điều nhầm lẫn thật đáng tiếc!
Tên tự
Để giải thích tường tận, ngọn ngành tên tự thì phải mất nhiều trang giấy. Xin chỉ nói một cách ngắn gọn.
Tự (chữ Hán) dịch sang Việt là chữ. Người xưa đặt tên tự để kiêng gọi tên húy, tên tục. Thường đến lúc con trai 20 tuổi người ta bắt đầu đặt tên tự. Tên tự và tên húy có liên quan với nhau. Đặt tên tự phải bắt nguồn từ tên húy, liên quan đến tên húy.
Ví dụ:
– Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) có tên tự là Doãn Hậu. Đôn và Hậu đều có nghĩa là thành thực.
– Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) tự là Hạnh Phủ. Hạnh là đức hạnh, liên hệ đến Khiêm là nhún nhường. Còn từ Phủ thêm vào để tỏ vẻ tôn kính.
Có nhiều cách đặt tên tự. Các cụ xưa quan niệm rằng tên tự càng bí hiểm bao nhiêu, càng tỏ ra mình trí thức bấy nhiêu. Vì vậy để hiểu được mối quan hệ giữa tên tự và tên húy không hề dễ dàng chút nào.
Tên hiệu
Tên hiệu là tên được đặt cho mình để gọi cho đẹp. Thường thì những người thành danh (thành đạt, có tiếng tăm) thì mới đặt tên hiệu.
Ví dụ: Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên hiệu là Bạch Vân Am Cư Sĩ . Phùng Khắc Khoan (1528-1613), tục gọi là Trạng Bùng, là nhà thơ Việt Nam, làm quan cho nhà Lê trung hưng, có tên hiệu là Nghị Trai và Mai Nham Tử. Nguyễn Du (1766- 1820) có tên hiệu là Thanh Hiên..
Tên thụy
Thụy, thuỵ hiệu hay hiệu bụt hoặc tên hèm, tên cúng cơm là tên được đặt cho những người quá cố, thường là vua chúa, quan to trong triều.
Hiệu ở đây là thụy hiệu, hiệu bụt mà dân gian ta thường gọi là tên hèm, tên cúng cơm. Sau khi đặt tên thụy, khi đến ngày giỗ, người ta thường chỉ xướng tên thụy để mời về thụ hưởng đồ lễ con cháu cúng tế.
Nhìn chung, trong dân dã thường chỉ có tên húy (tên tục, tên thường gọi). Còn tên tự, hiệu, thụy là tên mà các nhà quyền quý, quan lại, trí thức mới đặt. Và trong số này, không phải ai cũng có đầy đủ tên tự, hiệu, thụy.
Nhưng, khi các ông bà, cha mẹ thường dân mất, họ cũng có thể đặt tên tự (cho nam giới), đặt tên hiệu (cho nữ giới) và tên thụy để ghi vào bản các ngày giỗ hay ghi vào gia phả.
(Bài viết có tham khảo từ một số nguồn trên internet, tuy nhiên trong quá trình tham khảo, đã thất lạc các đường dẫn website, chúng tôi sẽ bổ sung các trang web tham khảo, ngay khi có thể).