1. Nhân thân là gì?
Nhắc đến nhân thân là chúng ta đang nhắc tới con người với tư cách là một thành viên trong xã hội, mang trong mình những tâm lý và đặc điểm có tính chất xã hội. Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản nhân thân chính là một trong những quyền dân sự gắn liền với bản thân của mỗi người. Nhân thân chỉ được hình thành, thay đổi hoặc chấm dứt cơ quan nhà nước có thẩm quyền như khi chúng ta đi đăng kí kết hôn, khai sinh, khai tử, công nhận quan hệ cha mẹ con, … Nhân thân bao gồm tất cả những đặc điểm của bản thân chúng ta như giới tính, độ tuổi, trình độ văn hoá, giáo dục, cách cư xử, đạo đức, học vấn,… mà các yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi và nhận thức của chúng ta khi tham gia vào các mối quan hệ xã hội. Các quan hệ nhân thân phát sinh từ các quan hệ cá nhân ruột thịt và từ đó làm phát sinh quyền nhân thân và quyền này không thể trao cho người khác, tức nó mang tính chất không thể chuyển giao.
Xem thêm: Quan hệ nhân thân là gì? Đặc điểm của quan hệ nhân thân?
2. Đặc điểm của nhân thân:
Pháp luật dân sự điều chỉnh quan hệ nhân thân, quy định có một số đặc điểm, tính chất cơ bản như sau:
– Mang giá trị tinh thần:
Quan hệ nhân thân theo Luật dân sự quy định có liên quan tới lợi ích tinh thần. Lợi ích tinh thần cũng là những giá trị tinh thần do pháp luật công nhận mà đông đảo người dân tôn trọng như danh dự, địa vị và uy tín,… Tuy nhiên ngoài lợi ích tinh thần ấy thì quan hệ nhân thân còn bao gồm cả kết quả của các hoạt động sáng tạo của con người trong các lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực văn chương, hội hoạ, văn học, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ,… Như vậy quan hệ nhân thân bao gồm cả những giá trị lợi ích về tinh thần liên quan đến quyền tài sản.
– Tính chất phi tài sản:
Quan hệ nhân thân mang tính chất phi tài sản. Nó không xác định được bằng tiền – Giá trị tinh thần của quan hệ nhân thân và tiền tệ không thể trao đổi ngang giá.
– Tính gắn liền với chủ thể:
Quyền nhân thân luôn gắn liền với chủ thể. Pháp luật dân sự thừa nhận quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân mà không chuyển dịch qua chủ thể khác (tính không thể chuyển giao). Các quyền dân sự nói chung và quyền nhân thân nói riêng là do pháp luật công nhận cho mỗi chủ thể dựa trên những điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù. Như vậy thông thường và phổ biến trong các giao dịch dân sự quyền nhân thân không thể là đối tượng của giao dịch dân sự. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt pháp luật cho phép quyền nhân thân có thể được chuyển giao (ví dụ khoản 2 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể tác giả có quyền được chuyển nhượng quyền công bố tác phẩm).
– Tính không thể bị tước bỏ:
Những quyền nhân thân không thể bị giới hạn hay tước đi, kể cả khi pháp luật quy định. Mỗi chủ thể có những giá trị nhân thân khác biệt hơn đều phải bảo hộ giống nhau nếu các giá trị đó bị xâm hại.
– Tính không thể chuyển dịch, chuyển giao:
Về nguyên tắc, khi một cá nhân sinh ra, họ đã có trong mình những quyền nhân thân nhất định. Quyền nhân thân này được pháp luật duy trì và bảo hộ. Quyền nhân thân đầu tiên mà các cá nhân được hưởng khi sinh ra là quyền được đăng ký khai sinh. Do đó, có thể khẳng định, quyền nhân thân không bị phụ thuộc hay chi phối bởi bất cứ yếu tố nào như độ tuổi, trình độ, môi trường sống,… Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, vẫn có một số trường hợp đặc biệt quyền nhân thân được pháp luật quy định có thể chuyển giao, chuyển nhượng; như ví dụ đã nêu trên về quyền chuyển nhượng quyền công bố tác phẩm của tác giả theo pháp luật dân sự.
Xem thêm: Quy định về quyền và nghĩa vụ nhân thân của vợ chồng
3. Phân loại quan hệ nhân thân:
Như đã phân tích ở trên, trong pháp luật dân sự có thể chia quan hệ nhân thân thành 2 nhóm chính: Quan hệ nhân thân gắn với tài sản và Quan hệ nhân thân không gắn với tài sản:
– Quan hệ nhân thân gắn với tài sản: là nhóm các quan hệ xuất phát từ các giá trị tinh thần ban đầu, thông qua hoạt động sáng tạo, các chủ thế sẽ được hưởng các lợi ích vật chất từ việc chuyển giao, chuyển quyền đối với quyền nhân thân trên.
– Quan hệ nhân thân không gắn với tài sản: Các quan hệ nhân thân không gắn với tài sản đó là các quan hệ nhân thân xuất phát từ giá trị tinh thần và các giá trị tinh thần này không có nội dung kinh tế và hoàn toàn không thể chuyển giao được.
Xem thêm: Quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể của cá nhân
4. Phân biệt nhân thân và thân nhân:
Hiện nay có rất nhiều người không hiểu hay có những khái niệm hết sức mơ hồ trong khi phân biệt giữa nhân thân và thân nhân. Vậy sự nhân thân và thân nhân có đặc điểm gì khác nhau:
– Nhân thân là những quy định của luật pháp đối với một người hình thành do các sự kiện sanh, tử, hôn nhân hay từ những quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như xác định họ tên, ngày sinh, giới tính, quê quán, quan hệ huyết thống, vợ chồng, gia đình, công việc, tiền án, tiền sự, vv. của người đó. Mỗi người có quyền nhân thân, nghĩa là các quyền dân sự gắn liền với nhân thân của từng cá nhân không thể chuyển giao sang người kia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (theo quy định tại Điều 25 – Bộ luật dân sự 2015) . Do đó nhân thân là quyền dân sự gắn liền với bản thân của người mà đã tự xác lập hoặc bổ sung, sửa đổi hay kết thúc bởi những quyết định của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngoài ra nhân thân cũng là yếu tố được xem xét làm tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ trong các vụ án hình sự; hoặc cũng là yếu tố xem xét quan trọng trong tuyển dụng một số ngành nghề đặc thù như công an, cảnh sát,…
– Thân nhân là người thân có quan hệ đặc biệt, thân thiết đến cá nhân khác đó. Thân nhân có thể xác định bằng những quan hệ huyết thống, sở thích và một số quan hệ đặc biệt khác. Thông thường ta vẫn bắt gặp trong các văn bản pháp lý thuật ngữ thân nhân, ở đây muốn đề cập đến quan hệ giữa cha mẹ với con, giữa anh chị em với nhau,…
Ví dụ theo quy định pháp luật thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm:
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng;
+ Con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Xem thêm: Quyền nhân thân giữa vợ và chồng theo Luật hôn nhân và gia đình
5. Phân biệt quyền nhân thân và quan hệ nhân thân:
– Quyền nhân thân: Là một trong các quyền dân sự được pháp luật quy định và bảo hộ tại Điều 24 và Điều 51 Bộ luật dân sự về quyền nhân thân. Do vậy quyền nhân thân có sự quan hệ trực tiếp đến cá nhân ngay lúc người ta mới ra đời và kết thúc khi cá nhân mất. Mỗi cá nhân đều bình đẳng về quyền nhân thân. Quyền nhân thân là cơ sở căn bản tạo nên quan hệ nhân thân.
– Quan hệ nhân thân: Là quan hệ xã hội liên quan đến giá trị nhân thân của cá nhân, tổ chức. Bao gồm: quan hệ nhân thân gắn liền với tài sản như quyền tác giả, quyền sáng chế,… và quan hệ nhân thân không gắn liền với tài sản như họ tên, quốc tịch, uy tín, danh dự,… Quan hệ nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định và về nguyên tắc thì không thể dịch chuyển cho chủ thể khác, phát sinh trên nền tảng quy phạm pháp luật – là thoả thuận giữa người với nhau xác lập một quyền nhân thân của cá nhân hoặc tập thể, là những quy định của quyền nhân thân được quy định tại Bộ luật dân sự, phù hợp với từng điều kiện pháp lý và khả năng chủ thể. Theo đó có những quy định về quyền nhân thân mới làm phát sinh quan hệ nhân thân.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật Dân sự năm 2015