Thanh tịnh là một cảnh giới của nhân sinh cũng chính là sự tu hành của mỗi người trong kiếp nhân sinh. Khi tâm thanh tịnh, mọi thứ đều hoàn hảo, không vướng bụi trần, ô nhiễm. Thanh tịnh là gì? Làm sao để có tâm thanh tịnh? Mời quý vị theo dõi bài viết này để hiểu sâu sắc hơn về điều này.
1. Thanh tịnh là gì?
Mặc dù được nhắc đến khá thường xuyên trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng hiểu rõ thanh tịnh là gì?. Theo Đại từ điển Tiếng Việt, thanh tịnh được xếp vào tính từ, chỉ sự tĩnh mịch, vắng vẻ, yên lặng, không có tiếng động (cảnh thanh tịnh ở chùa), không có sự xao động. Thanh tịnh cũng được hiểu là sự trong trắng, thuần khiết, không gợn bẩn.
Thanh tịnh là sự trong sạch, thuần khiết, không xáo động
Thanh tịnh thường đi với từ Tâm hoặc từ chỉ địa điểm ví dụ nơi thanh tịnh, cảnh chùa thanh tịnh. Điều này là do tư tưởng của Phật giáo đã ảnh hưởng tới quan niệm nhân gian về cách dùng từ có hơi hướng đạo Phật.
Theo quan niệm của Phật giáo, thanh tịnh là một cảnh giới nhân sinh cũng là một tánh mà người theo Phật, học Phật cần tu hành trên con đường tâm linh. Vậy, tâm thanh tịnh là gì? Tâm thanh tịnh chính là tâm đã được gạn lọc khỏi những gì xấu xa, ô nhiễm, không vướng bụi trần, trong sạch và thuần khiết.
Sự trong sạch, thuần khiết chính là Thanh tịnh, được kết tinh bởi Thân thanh tịnh và Tâm thanh tịnh, cũng chính là sự trong sạch của ba nghiệp căn bản là Thân, Khẩu và Ý. Thanh Tịnh chính là cảnh giới mà khi đó bên trong Tâm không còn sự vọng động của tham sân si, không còn vướng bận một niệm nào, bên ngoài là sự tịch tĩnh, dường như bất động.
Sự trong sạch, thuần khiết chính là Thanh tịnh
Hòa Thượng Tuyên Hóa từng nói: “Ba nghiệp thanh tịnh tức là Thánh nhân; Ba nghiệp chẳng thanh tịnh tức là phàm phu”. Như vậy, thanh tịnh cũng chính là “quả” được cảm thành từ Thập nghiệp thiện bao gồm 3 nghiệp thiện của Thân, 4 nghiệp thiện của Khẩu và 3 nghiệp thiện của Ý.
- Ba nghiệp thiện của Thân bao gồm không sát sanh (sát sinh), không trộm cướp (trộm cắp) và không tà dâm.
- Bốn nghiệp thiện của Khẩu (khẩu là miệng) là như tướng vọng ngữ (không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời đôi chiều cũng không nói lời thô ác); Nghi tâm (lời chưa chắc chắn hay còn hoài nghi thì không nói ra); Vô nghĩa (Không nói lời vô nghĩa, không có chủ đích); phi thời (nói không đúng thời điểm, lời nói nên hợp hoàn cảnh và thời điểm); Tương ưng ác pháp (Lời châm biếm, dè bỉu khiến người nghe khó chịu, sân hận, phiền não đều không nên nói ra).
- Ba nghiệp lành của Ý chính là không tham lam, không sân hận và không si mê tà kiến. Tức là giữ cho ý được trong sạch, không bị Tam độc và tà kiến chiếm lĩnh.
Theo quan niệm của đạo Phật, thanh tịnh là quả được cảm thành từ thập thiện nghiệp
2. Thân tịnh – Khẩu tịnh – Ý tịnh – Hành động tịnh
Trong phần nội dung trên, chúng tôi đã phân tích, lý giải giúp quý vị hiểu rõ Thanh tịnh là gì. Đó chính là sự trong sạch, vắng lặng một cách gần như tuyệt đối về mọi phương diện từ trong ra ngoài, cụ thể là:
Thứ nhất là Thân tịnh
Thân tịnh có nghĩa là thân thể phải luôn giữ được sự sạch sẽ, diện mạo trong sạch nhưng không có nghĩa là phải tô son điểm phấn lòe loẹt hay chải chuốt quá nhiều; Quần áo luôn thay giặt, gọn gàng, không rách rưới, hôi hám nhưng cũng đừng quá cầu kỳ kiểu cách, lòe loẹt xa hoa; Ăn uống giản dị, thanh đạm, tránh xa rượu chè, sát sanh, hút sách cũng chẳng đắm chìm trong cao lương mỹ vị; Nơi ăn chốn ở phải sạch sẽ, hợp vệ sinh, cần “đủ” không cần xa hoa.
Thứ nhì là Khẩu tịnh
Khẩu tịnh có nghĩa là cái miệng thanh tịnh, luôn ghi nhớ và thực hành 4 nghiệp thiện của Khẩu cụ thể là:
- Lời nói luôn luôn chân thành, giữ được sự chân thật trong từng câu từ, không thêm không bớt, không nói lời chua ngoa, không nói lời cay đắng.
- Lời nói không thể hiện sự suồng sã, bỡn cợt như bướm hoa, luôn phải giữ được sự thành thật, chân thành.
- Không nói lời hỗn hào, đặc biệt là với Cha Mẹ, Ông Bà, bề trên
- Không nói lời thô ác như hùm beo, sấm sét
- Không nói lời hiềm nghi, đôi chiều làm sai đi bản chất của sự vật, sự việc dẫn đến những hiểu lầm.
- Không nói dối, nói thêu dệt ảnh hưởng tới mọi người, mọi vật xung quanh
Nói tóm lại, lời nói luôn ôn tồn, điềm tĩnh, đúng sự thật, đúng lúc đúng chỗ, không hại người cũng chẳng ảnh hưởng tới thân.
Khẩu tịnh – Không nói lời gian dối, đôi chiều, thâm hiểm, thô ác
Thứ ba là Ý tịnh
Ý là khởi nguồn cho mọi sự, chi phối đến tất thảy mọi thứ cho nên Ý phải tịnh thì khẩu tịnh, hành động tịnh từ đó đời sống mới được thanh tịnh. Ý tịnh có nghĩa là ý nghĩ không bị vẩn đục bởi tham lam giận dữ, si mê, nghi hiềm, không bị dục vọng xúi dục, không bị chi phối bởi các tính xấu trong ta. Ý trong sáng như pha lê, tĩnh mịch như mặt hồ phẳng lặng.
Thứ tư là Hành động thanh tịnh
Hành động thanh tịnh được hiểu là hành động không vì cái lợi của bản thân ta, không xuất phát từ ý không tịnh, luôn đường hoàng, ngay thẳng. Ví dụ như không vì nghèo mà sinh ra hành động trộm cắp, không vì giàu mà hiếp nghèo, không ỷ đông mà bắt nạt kẻ yếu… Hành động thanh tinh là hành động không có bất kỳ ý niệm đen tối, vụ lợi nào trong lúc làm việc.
Thanh tịnh là không gợn nhiễu, lắng đọng bên ngoài, tĩnh mịch bên trong
3. Thanh tịnh giúp cuộc sống luôn bình an
Có một sự thật là, khi bạn tin vào điều gì thì bạn thường sẽ gặp được điều đó. Nội tâm bạn luôn thanh tịnh, bạn sẽ cảm nhận thấy thế giới bên ngoài cũng thanh tịnh như vậy. Khi ánh mắt của bạn thanh tịnh, bạn sẽ thấy được mỹ cảnh bên ngoài, tâm hồn thuần tịnh là “duyên” để bạn gặp được tình cảm chân thành.
Người thanh tịnh tâm không vướng bận
Khi mọi thứ đều trong sạch, thuần khiết thì hành sự không chần chừ cũng không có sự do dự. Không vướng bận về những được mất nhất thời, không bận lòng vì nhân tình thế thái biến chuyển không ngừng. Cần phải nhấn mạnh rằng, thanh tịnh là không vướng bận chứ không phải là buông xuôi, mặc kệ.
Tâm thanh tịnh chẳng còn phiền não
Phàm đã là người ở kiếp nhân sinh, ai chẳng phiền não, ai chẳng có lúc gặp chuyện bất như ý, gặp người khiến mình phải khổ đau, suy nghĩ. Người có tâm thanh tịnh sẽ không đắm mình trong những cảm xúc tiêu cực khi gặp những điều đó, ngược lại người chưa thanh tịnh luôn khổ đau, phiền não, dày vò không thôi.
Bởi tâm thanh tịnh giúp ta có cái nhìn thoáng rộng, không so đo được mất hay buồn vui nhất thời. Những phiền não, bất như ý trong cuộc sống như những nhánh sông, con suối nhỏ, dẫu có lúc đục ngầu nhưng cuối cùng sẽ được tẩy tịnh trong dòng sông lớn – đó chính là bản chất của thanh tịnh là gì.
Tâm thanh tịnh giúp ta gạt bỏ phiền não, tham – sân – si
Thanh tịnh giúp ta thoát khỏi tà ác là người lương thiện
Nội tâm không thanh tịnh bản chất là một sự khổ bởi tâm luôn phiền nhiễu bởi các ý niệm không tốt đẹp, bị tham – sân – si, tà kiến chiếm lĩnh. Người thanh tịnh có được sự lương thiện, luôn vui vẻ, tường hòa. Hành động của người thanh tịnh đường đường chính chính, không thẹn với lòng, chẳng ngại với người, chẳng cầu được báo đáp cũng chẳng sợ soi xét.
Tâm thanh tịnh nhìn đời, nhìn người thấy ai cũng chan hòa, yêu thương, thiện lương như cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa, vầng trăng sáng trên bầu trời. Đó chẳng phải là cảnh giới mà chúng ta đều mong cầu.
Người thanh tịnh vô cầu, tự tại
Vô cầu có nghĩa là không cầu mong, giống như một căn phòng trống. Một căn phòng chất đầy đồ chắc hẳn sẽ bí bách, không khí khó lưu thông, ánh sáng cũng ít ỏi. Ngược lại, căn phòng trống thì luôn tràn ngập ánh sáng, không khí lưu thông tốt. Người có nội tâm thanh tịnh giống như một căn phòng trống, không có tạp vật hay rác thải, không bị các ý niệm làm cho ô nhiễm, thống khổ.
Người có tâm thanh tịnh sẽ có được sự thong dong tự tại, không bị dục vọng bức bách, không khổ não vì những mong cầu của chính mình.
4. Lời khuyên giúp bạn giữ tâm thanh tịnh
Phật dạy rằng, tâm thanh tịnh thì trí tuệ thản đãng, phúc phần vì thế cũng tăng thêm, mới có thể giác ngộ, giải thoát. Trong cuộc sống, để giữ được sự thanh tịnh cho mình, bạn nên ghi nhớ 5 lời khuyên này:
Thứ nhất, ngăn ngừa mọi dục vọng, không để tham dục quá sâu. Để có thể làm được điều này, bạn cần biết kiềm chế dục vọng bằng cách suy xét, nhìn nhận “lòng tham” của bản thân và dùng ý chí để dập tắt nó.
Thứ hai, rèn luyện sự thanh tịnh về thân – khẩu – ý – hành động. Một hành động, ý nghĩ được lặp đi lặp lại sẽ thành thói quen. Bạn cần rèn luyện mỗi ngày để có ý tịnh, khẩu tịnh, thân tịnh, hành động thanh tịnh.
Dập tắt mọi dục vọng của bản thân là cách để thân – khẩu – ý được thanh tịnh
Thứ ba, tri kiến (sự hiểu biết) chính là điều mà mỗi chúng ta đều cần có để dẹp bỏ tham sân si, tôi luyện tâm thanh tịnh. Hãy học hỏi không ngừng để kiến thức rộng mở, trí tuệ thông suốt, bản lĩnh của bạn cũng vì thế mà tăng thêm.
Cuối cùng bạn hãy đọc, tìm hiểu và tu tập theo Phật. Phật giáo là một trong các tôn giáo lớn nhất hiện nay, chủ trương hướng con người sống tích cực, không mong cầu vật chất, không làm nghiệp ác, giải thoát khổ đau, tránh khỏi sinh tử luân hồi khi lìa đời.
Giáo Pháp nhà Phật có tính ứng dụng cao trong đời sống thực tiễn vì thế bạn có thể đọc, tìm hiểu và huân tập lời Phật dạy về quy luật nhân quả, sinh tử nghiệp báo để hiểu rõ nhân tình thế thái, quán chiếu và sửa đổi bản thân tốt đẹp hơn.
Chắc hẳn đến đây bạn đã hiểu rõ Thanh tịnh là gì và công năng diệu dụng của Thanh tịnh với mỗi chúng ta, với cuộc sống kiếp nhân sinh. Hãy khởi ý thanh tịnh, chăm thân thanh tịnh, nói lời thanh tịnh, hành động tịnh để có được sự bình an trong tâm hồn và cuộc sống nhiều hạnh phúc, may mắn!