Cơ quan sinh dục nữ gồm: (1) buồng trứng, (2) vòi trứng, (3) tử cung, (4) âm đạo và (5) âm hộ. (6) Tuyến vú cũng được xem là một phần của cơ quan sinh dục nữ (hình).
Cấu tạo và chức năng
Buồng trứng
Buồng trứng được coi là tuyến sinh dục của người nữ. Mỗi người nữ có 2 buồng trứng, nằm ở phía trước khoang chậu, và hai bên tử cung. Trên buồng trứng có một điểm để làm lối ra vào cho các mạch máu và thần kinh gọi là rốn (hilus) buồng trứng.
Mỗi buồng trứng gồm có các phần sau:
Lớp biểu mô mầm bao phủ mặt ngoài của buồng trứng và tiếp nối với lớp trung biểu mô trùm lên mạc treo buồng trứng. Mặc dầu được gọi là biểu mô mầm nhưng nhiệm vụ của chúng không phải là để sản sinh trứng.
Lớp vỏ trắng (tunica albuginea) tạo bởi mô liên kết đặc và không đều nằm ngay dưới lớp biểu mô mầm.
Vùng đệm là một vùng mô liên kết nằm phía dưới lớp vỏ trắng gồm có lớp đặc nằm nông gọi là vỏ (cortex) và lớp lỏng lẻo nằm ở phía sâu hơn gọi là tủy (medulla).
Các nang trứng nằm tại phần vỏ trắng với các tế bào trứng đang ở các giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển và được các tế bào bao quanh. Lúc đầu các tế bào bao quanh này chỉ có một lớp, sau đó chúng phát triển số lượng tạo thành nhiều lớp tế bào và được gọi là các tế bào hạt (granulosa cells). Những tế bào hạt này có nhiệm vụ nuôi dưỡng tế bào trứng đang phát triển và bài tiết estrogen khi nang trứng phát triển.
Nang trứng chín (nang Graaf): là một nang lớn chứa đầy dịch, nang này sẽ vỡ và giải phóng noãn bào cấp II qua quá trình rụng trứng.
Thể vàng (corpus luteum): chứa các phần còn lại của một nang trứng sau khi trứng rụng. Thể vàng sản xuất progesterone, estrogen, relaxin và inhibin. Khi thể vàng thoái hóa sẽ trở thành một tổ chức xơ gọi là thể trắng.
Hình: Các giai đoạn phát triển của nang trứng trong buồng trứng.
Quá trình sinh trứng
Các tế bào sinh trứng phải trải qua quá trình giảm phân để tạo ra các trứng mang bộ nhiễm sắc thể (NST) đơn bội (n= 23).
Ngay từ giai đoạn sớm của bào thai, các tế bào mầm sinh dục nguyên thủy đã di trú từ lớp nội bì của túi noãn hoàng tới buồng trứng và biệt hóa thành noãn nguyên bào (oogonia) mang bộ NST lưỡng bội (2n = 46). Các tế bào này phân chia theo lối nguyên phân để tạo thành khoảng từ 6 đến 7 triệu noãn nguyên bào vào khoảng tháng thứï năm của thai kỳ và sau đó quá trình nguyên phân ngừng lại.
Ngay trước khi sinh đã có rất nhiều noãn nguyên bào bị thoái hóa và chỉ có một số trong chúng phát triển được thành noãn bào cấp I (primary oocyte) mang bộ NST lưỡng bội đã nhân đôi bước vào kỳ đầu của lần phân bào thứ nhất của giảm phân và dừng lại ở đó cho đến thời kỳ dậy thì.
Hình: Cấu tạo của một nang trứng chín.
Trước khi sinh, mỗi noãn bào cấp I được bao quanh bởi một lớp tế bào hạt để tạo thành nang trứng cấp I (primary follicle), những noãn bào nào không hình thành được nang trứng sẽ bị thoái hóa.
Khi chào đời, mỗi bé gái chỉ còn khoảng 2 triệu nang trứng cấp I. Vào tuổi dậy thì số nang trứng này chỉ còn khoảng 400.000 và trong số đó chỉ có khoảng 400 noãn sẽ chín và rụng trong suốt thời kỳ sinh sản của người nữ, số còn lại sẽ bị thoái biến.
Mỗi tháng sẽ có khoảng 1000 nang trứng bắt đầu phát triển. Những nang trứng này sẽ bắt đầu phát triển ở những thời điểm khác nhau, những nang trứng nào phát triển vào thời điểm có những điều kiện horrmon thích hợp nhất sẽ tiếp tục phát triển còn những nang trứng phát triển ở những thời điểm kém thích hợp hơn sẽ bị thoái hóa. Trong mỗi chu kỳ sẽ ở mỗi buồng trứng chỉ còn có từ 6 đến 10 nang trứng phát triển đến giai đoạn tạo hang (antrum) và trong số này cũng chỉ có một nang trứng chín.
Khi nang trứng phát triển (hình 7) sẽ tạo ra một lớp glycoprotein trong nằm giữa noãn bào cấp I và các tế bào hạt gọi là vùng mờ (zone pellucida). Lớp tế bào hạt trong cùng gắn chặt vào vùng mờ và được gọi là vòng tia (corona radiata). Lớp tế bào hạt ngoài cùng nằm trên lớp màng đáy ngăn cách chúng với vùng đệm của buồng trứng, lớp này được gọi là vỏ của nang trứng (theca folliculi). Khi các tế bào hạt bắt đầu bài tiết, dịch của nang trứng tập trung tại vùng hang (antrum) nằm ở trung tâm của nang trứng. Khi đó nang trứng cấp I trở thành nang trứng cấp II (secondary follicle).
Trong thời kỳ thiếu niên, các nang trứng cấp I và nang trứng đang phát triển vẫn tiếp tục thoái hóa và không có noãn bào và nang trứng nào được hình thành.
Noãn bào cấp I mang bộ NST 2n sẽ hoàn tất lần phân bào I của giảm phân để tạo ra hai tế bào mang bộ NST đơn bội (n) kép nhưng kích thước không giống nhau, tế bào nhỏ hơn được gọi là thể cực thứ nhất (first polar body) chỉ chứa nhân, còn tế bào lớn hơn được gọi là noãn bào cấp II (secondary oocyte) tiếp nhận hầu hết bào tương.
Sau dậy thì, dưới tác dụng của các hoócmôn FSH và LH của thùy trước tuyến yên, mỗi tháng sẽ có một nang trứng cấp II tiếp tục quá trình giảm phân đến kỳ giữa của lần phân bào II và ngừng lại ở đó. Nang trứng lúc đó trở thành nang trứng chín sẵn sàng để vỡ và giải phóng noãn bào cấp II.
Khi rụng trứng một noãn bào cấp II cùng với thể cực thứ nhất và lớp vòng tia được giải phóng vào khung chậu và được đón vào vòi Fallop. Nếu không được thụ tinh, nõan bào sẽ thoái hóa còn nếu được thụ tinh, nó sẽ tiếp tục hoàn tất quá trình phân bào II của giảm phân để tạo thành 2 tế bào mang bộ NST đơn bội có kích thước không đều. Tế bào lớn hơn được gọi là noãn (ovum) còn tế bào kia được gọi là thể cực thứ hai (second polar body).
Nhân của noãn (n = 23) kết hợp với nhân của tinh trùng (n = 23) qua thụ tinh sẽ hình thành hợp tử lưỡng bội (2n = 46). Thể cực thứ nhất cũng có thể tiếp tục phân chia để tạo thành 2 thể cực nhỏ, những thể cực này sẽ bị thoái hóa.
Vòi trứng (vòi fallope)
Mỗi người nữ có 2 vòi trứng nằm ở hai bên tử cung, có nhiệm vụ đón và chuyển noãn bào sau khi rụng về phía tử cung. Mỗi vòi trứng có chiều dài khoảng 10cm, phần nằm sát với buồng trứng có dạng hình phễu với các tua vòi, một trong số các tua vòi này sẽ bám vào buồng trứng. Phần bóng của vòi chiếm khỏang hai phần ba ngoài của vòi trứng là phần rộng và dài nhất, tiếp theo là phần eo ngắn, hẹp và dày hơn gắn vào phía góc trên ở phía bên của tử cung.
Thành của vòi tử cung có ba lớp, lớp trong cùng được lợp bởi những tế bào biểu mô trụ có lông và các tế bào bài tiết có các vi mao cung cấp chất dinh dưỡng cho trứng, lớp giữa là lớp cơ trơn gốm hai lớp: lớp trong dày hơn, chạy vòng và lớp ngoài mỏng hơn, chạy dọc. Họat động nhu động của lớp cơ này và của các tế bào có lông ở lòng vòi trứng sẽ giúp noãn bào cấp II di chuyển dần về phía lòng tử cung. Phía ngoài cùng là lớp thanh mạc bao quanh vòi trứng.
Thông thường quá trình thụ tinh xảy ra ở khoảng 2/3 ngoài của vòi trứng, trong khoảng 24 giờ sau khi trứng rụng. Hợp tử sẽ trãi qua một số lần phân bào và đến được tử cung khoảng 7 ngày sau khi trứng rụng. Ở thời điểm này nó được gọi là phôi bào (blastocyst)
Tử cung
Hình: Vòi trứng và tử cung.
Tử cung tham gia vào hoạt động kinh nguyệt, là nơi làm tổ của trứng nếu được thụ tinh, nơi phát triển phôi thai, tham gia vào cuộc đẻ và là con đường để cho tinh trùng đi vào thụ tinh cho noãn bào cấp II.
Ở người nữ chưa mang thai, tử cung dài khoảng 7cm, rộng khoảng 5cm và dày khoảng 2cm5. Tử cung có kích thước lớn hơn ở phụ nữ đã mang thai và nhỏ lại ở những người nữ có nồng độ horrmon sinh dục nữ thấp như ở thời kỳ mãn kinh hoặc ở những người nữ có sữ dụng thuốc viên ngừa thai.
Tử cung được chia làm ba phần: phần đáy ở phía trên, phần thân ở giữa và phần cổ mở ra phía âm đạo. Các tế bào tiết ở niêm mạc cổ tử cung bài tiết dịch nhấy của cổ tử cung là một hỗn hợp gồm nước, glycoprotein, các protein huyết thanh, các lipid, các enzyme và các muối vô cơ.
Mỗi người nữ trong độ tuổi sinh sản bài tiết từ 20 đến 60ml dịch nhầy cổ tử cung mỗi ngày. Trong thời gian trứng rụng, dịch loãng và có tính kiềm hơn (pH = 8,5) tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của tinh trùng, ngoài thời kỳ này dịch quánh hơn. Dịch nhầy này cũng đóng vai trò cung cấp nhu cầu năng lượng cho tinh trùng.
Phần cổ tử cung và dịch nhầy của nó đóng vai trò như một nơi chứa tinh trùng, giúp chúng tránh khỏi môi trường không thuận lợi của âm đạo và tránh được hiện tượng thực bào. Chúng cũng có thể đóng một vai trò nhất định trong việc làm thay đổi khả năng của tinh trùng để chúng có thể thụ tinh cho noãn bào.
Về mặt mô học, tử cung chia làm ba lớp, ngoài cùng là lớp thanh mạc, ở giữa là lớp cơ gồm ba lớp cơ trơn với lớp giữa chạy vòng, lớp trong chạy dọc và lớp ngòai chạy chéo, trong cùng là lớp nội mạc rất giàu mạch máu gồm một lớp biểu mô trụ đơn với các tế bào có lông và tế bào tiết lợp ở phía trong lòng tử cung, phía dưới là lớp đệm khá dầy gồm tổ chức liên kết và các tuyến nội mạc phát triển sâu vào lớp biểu mô và kéo dài tời gần lớp cơ.
Lớp nội mạc được chia làm hai lớp: (1) lớp chức năng, nằm ở phía khoang tử cung, sẽ bong ra khi hành kinh, (2) lớp nền, nằm dưới lớp chức năng, sẽ giúp lớp này hồi phục sau mỗi lần hành kinh.
Tử cung được động mạch tử cung cấp máu. Các động mạch hình cung xuất phát từ động mạch này sẽ sắp xếp vòng quanh tử cung trong lớp cơ và hình thành các nhánh tia đi sâu vào lớp này, trước khi đi vào lớp nội mạc chúng chia thành 2 loại động mạch: (1) các động mạch thẳng cung cấp máu cho lớp nền và (2) các động mạch xoắn ốc cung cấp máu cho lớp chức năng, các động mạch này có những thay đổi đáng kể trong chu kỳ kinh.
Tử cung cần phải được cung cấp một lượng máu lớn để tái phát triển lớp chức năng sau khi hành kinh, phục vụ cho sự làm tổ của trứng sau khi thụ tinh và sự phát triển của bánh nhau.
Âm đạo
Âm đạo với chiều dài khoảng 10cm là nơi tiếp nhận dương vật và tinh dịch trong quá trình giao hợp, thông qua âm đạo tinh trùng sẽ đi vào khoang tử cung qua cổ tử cung. Kinh nguyệt cũng thông qua đây để ra ngoài.
Niêm mạc âm đạo tiếp nối với niêm mạc của tử cung, về mặt tổ chức sau tuổi dậy thì, âm đạo được lợp bởi các tế bào biểu mô lát tầng không bị sừng hóa và mô liên kết thưa tạo thành các nếp nhăn chạy ngang âm đạo. Niêm mạc âm đạo chứa một lượng lớn glycogen, khi bị phân hủy sẽ hình thành các axít hữu cơ tạo nên một môi trường có pH thấp làm ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn, tuy nhiên điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng sống và hoạt động của tinh trùng. Tính chất kiềm của tinh dịch góp phần làm trung hòa độ axít của âm đạo và làm tăng khả năng sống của tinh trùng.
Thành phần cơ ở âm đạo gồm 2 lớp cơ trơn, một lớp chạy vòng ở phía ngoài, một lớp chạy dọc ở phia trong, chúng tạo cho âm đạo có khả năng co giãn rất lớn, tính chất này rất cần thiết cho cuộc đẻ và hoạt động giao hợp.
Ở phía dưới âm đạo, nơi mở ra phía ngoài là lỗ âm đạo, ở đây có thể có một nếp màng nhầy mỏng được tưới máu gọi là màng trinh tạo nên một bở viền quanh lỗ âm đạo làm đóng lại một phần lỗ này.
Âm hộ
Âm hộ là cơ quan sinh dục ngoài của người nữ gồm:
(1) Mu: nằm phía trên âm đạo và lỗ niệu đạo, hình thành do sự nhô lên của tổ chức mỡ phía trên khớp mu và được phủ bởi một lớp da và lông mu.
(2) Môi lớn: tương tự như bìu ở người nam, cũng được phủ bởi một lớp lông mu, chứa nhiều mô mỡ, các tuyến mồ hôi và tuyến bã.
(3) Môi bé: có nhiều tuyến bã nhưng không có tuyến mồ hôi và tổ chức mỡ
(4) Âm vật: là một khối nhỏ hình trụ của mô cương và các dây thần kinh, nằm ở chỗ tiếp nối phía trên của 2 môi bé. Đây là cấu trúc tương tự như dương vật ở nam và có khả năng cương lên khi bị kích thích. Âm vật có một vai trò nhất định trong việc tạo ra kích thích tình dục ở người nữ.
(5) Tiền đình: Tiền đình là phần giữa 2 môi bé, bên trong nó là màng trinh, lỗ âm đạo, lỗ niệu đạo ngoài và nhiều lỗ của các ống tuyến. Mỗi bên của lỗ niệu đạo ngoài là lỗ ống tuyến của các tuyến Sken, mỗi bên của lỗ âm đạo là lỗ ống tuyến của tuyến Bartholin, dịch tiết của các tuyến này sẽ bôi trơn âm đạo trong quá trình giao hợp. Chạy dọc dưới hai môi bé là bóng tiền đình gồm hai tổ chức cương được, nằm hai bên lỗ âm đạo. Tổ chức này sẽ cương lên khi chứa đầy máu, làm hẹp lỗ âm đạo và tạo lực ép lên dưong vật trong quá trình giao hợp.
Tầng sinh môn (perineum)
Vùng tầng sinh môn là vùng hình thoi nằm giữa các nếïp bẹn và mông chứa các cơ quan sinh dục ngoài và hậu môn. Đường thẳng chạy ngang qua ụ ngồi sẽ chia tầng sinh môn ra làm thành tam giác niệu sinh dục ở phía trước với cơ quan sinh dục ngòai và tam giác hậu môn ở phía sau với hậu môn.
Tuyến vú
Tuyến vú là các tuyến mồ hôi đã được biến đổi, nằm phía trên các cơ ngực lớn (pectoralis major muscle) và cơ răng to (serratus anterior muscle) và gắn vào các cơ này bằng một lớp cân sâu.
Mỗi vú gồm một đầu nhú nhiễm sắc tố nhô ra gọi là núm vú (nipple), trên núm có rất nhiều lỗ nhỏ nằm cạnh nhau, đây là những lỗ ngoài của các ống dẫn sữa. Phần da nhiễm sắc tố bao quanh núm vú gọi là quầng vú (areola), quầng vú thô ráp vì chứa nhiều tuyến bã.
Các chuỗi mô liên kết được gọi là các dây chằng treo vú (suspensory ligaments of the breast) hay dây chằng Cooper (Coo-per’s liga-ments) chạy giữa lớp da và lớp cân sâu để nâng đỡ vú. Các dây chằng này lỏng lẻo dần theo tuổi hay do sự căng dãn quá mức sẽ làm ngực chảy xệ xuống.
Trong mỗi vú, tuyến sữa gồm từ 15 đến 20 thùy (lobe), nằm tách nhau bởi các mô mỡ. Số lượng của các mô mỡ này sẽ quyết định kích thước của vú. Mỗi thùy lại được chia thành nhiều tiểu thùy, mỗi tiểu thùy gồm nhiều nang là các tuyến tiết sữa được gắn với nhau bằng tổ chức liên kết. Bao quanh các nang là là các tế bào có hình thoi gọi là các tế bào cơ biểu mô (myoepithelial cells), khi các tế bào này co lại sẽ giúp phóng sữa về phía núm vú. Sữa được sản xuất sẽ đổ vào các xoang chứa sữa (lactiferous sinus), tại đây một sữa sẽ được dự trữ trước khi được đưa ra ngoài nhờ qua các ống dẫn sữa.
Các hoócmôn của buồng trứng
Các estrogen
Tổng hợp và chuyển hóa:
Các estrogen gồm ba loại: (1) 17(-estradiol; (2) estrone và (3) estriol. Tất cả chúng đều là C18 steroid được bài tiết bởi các tế bào hạt và lớp vỏ trong (theca interna) của các nang trứng, thể vàng (corpus lutheum) và bánh nhau.
Estrogen cũng được tạo thành trong hệ tuần hoàn qua quá trình thơm hóa (aromatization) androstenedione. Dưới sự xúc tác của enzyme aromatase andro-stenedione thành estrone và testosterone thành estradiol.
Các tế bào của lớp vỏ trong của nang trứng có nhiều receptor LH. LH hoạt động thông qua AMP vòng để làm tăng quá trình chuyển hóa cholesterone thành androstenedione. Một số androstenedione được chuyển thành estradiol đi vào tuần hoàn.
Lớp vỏ trong của nang trứng cũng cung cấp androstenedione cho các tế bào hạt để tạo thành estradiol bài tiết vào trong dịch nang trứng.
Các tế bào hạt có nhiều receptor FSH. FSH thúc đẩy quá trình bài tiết estradiol qua con đường AMP vòng để làm làm tăng hoạt tính của enzyme aromatase. Các tế bào hạt trưởng thành cũng có các receptor LH và LH cũng kích thích quá trình sản xuất estradiol.
17(-estradiol được bài tiết trong hệ tuần hoàn với lượng tương đương với estrone. Etrone sau đó được chuyển hóa thành estriol chủ yếu ở gan. Trong ba loại estrogen, estradiol có tác động mạnh nhất và etriol có tác động yếu nhất.
Trong hệ tuần hoàn chỉ có khoảng 2% tự do, số còn lại gắn với protein. Trong gan các estrogen bị oxy hóa thành glucuronide và các phức hợp sulfate sau đó được bài tiết vào mật và được tái hấp thu vào máu. Trong nước tiểu có ít nhất 10 chất chuyển hóa khác nhau của estradiol.
Bài tiết và cơ chế tác động:
Hầu hết các estrogen đều do buồng trứng sản xuất, chúng có 2 đỉnh bài tiết: (1) Ngay trước khi rụng trứng và (2) giữa giai đoạn thể vàng, trong nửa sau của chu kỳ kinh.
Estradiol được bài tiết với lượng 36mg/ngày (133mmol/ngày) trong giai đoạn nang trứng sớm (giai đoạn đầu của chu kỳ kinh, 380mg/ngày ngay trước khi rụng trứng và 250mg/ngày vào giữa giai đoạn hoàng thể (bảng).
Sau khi mãn kinh, sự bài tiết estrogen giảm rất nhiều và chỉ còn ở mức rất thấp.
Ở nam mức sản xuất estradiol là 50mg/ngày (180(mmol/ngày).
Giống như các steroid khác, estrogen kết hợp với các protein receptor nội bào tạothành phức hợp kết hợp với DNA thúc đẩy quá trình sao mã của các gene để tổng hợp nên các protein mới là thay đổi chức năng của tế bào.
Bảng: Tốc độ sản xuất trong 24 giờ của các horrmon steroid ở các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh.
Tác động lên cơ quan sinh dục nữ:
Các estrogen thúc đẩy quá trình phát triển của các nang trứng và tăng cường sự vận động của vòi trứng.
Trong chu kỳ kinh estrogen gây ra những thay đổi có tính chu kỳ của nội mạc tử cung, cổ tử cung và âm đạo như sẽ trình bày ở phần dưới.
Estrogen làm tăng lượng máu tới tử cung và có một vai trò quan trọng đối với hệ thống cơ trơn của tử cung.
Ở người nữ trước tuổi dậy thì và bị cắt buồng trứng tử cung nhỏ và các cơ tử cung bị teo và không hoạt động. Estrogen làm tăng số lượng cơ tử cung và các protein co (contractile protein) trong các tế bào cơ.
Dưới ảnh hưởng của estrogen cơ tử cung trở nên dê ùhoạt động và dễ bị kích thích hơn. Tử cung đã chịûu ảnh hưởng của estrogen sẽ nhạy cảm hơn với oxytocin.
Điều trị dài ngày với estrogen sẽ làm phì đại nội mạc tử cung, khi việc điều trị ngừng lại sẽ làm bong lớp nội mạc gây ra tình trạng xuất huyết qua âm đạo. Đôi khi tình trạng xuất huyết cũng xảy ra trong quá trình điều trị khi estrogen được sử dụng điều trị trong một thời gian dài.
Tác động lên các cơ quan nội tiết:
Estrogen làm giảm bài tiết FSH. Trong một số trường hợp các estrogen ức chế bài tiết LH (feedback âm) và trong một số trường hợp khác chúng làm tăng bài tiết LH (feedback dương). Các estrogen có thể làm tăng kích thước của tuyến yên.
Hiệu quả trên tính cách:
Estrogen gây ra biểu hiện động dục (estrous) ở động vật và làm tăng ham muốn tình dục ở người. Tác động này gây ra do tác động trực tiếp của estrogen lên các neuron nhất định ở vùng dưới đồi (hypothalamus)
Tác động trên tuyến vú:
Estrogen làm phát triển hệ ống của tuyến vú và làm vú phát triển ở người nữ trong tuổi dậy thì.
Estrogen cũng làm tăng sắc tố ở quầng vú, tuy nhiên hiện tượng này xảy ra rõ hơn trong lần mang thai đầu tiên
Tác động lên các đặc điểm giới tính phụ:
Những thay đổi trên cơ thể của người nữ ở tuổi dậy thì cùng với sự phát triển của vú, tử cung và âm đạo một phần do tác dụng của estrogen và một phần đơn giản là do không có các androgen của tinh hoàn.
Người nữ có vai hẹp và hông rộng cùng với sự phân bố mỡ ở ngực và mông tạo nên vóc dáng đặc trưng của người nữ.
Ở người nữ thanh quản vẫn duy trì cấu trúc như ở thời kỳ tiền dậy thì nên giọng nói vẫn cao. Lông trên cơ thể ít hơn nhưng tóc nhiều hơn so với người nam. Lông mu mọc kiểu phía trên bằng. Sự phát triển lông mu và lông nách của người nữ chủ yếu do tác dụng của androgen chủ yếu do tuyến thượng thận bài tiết hơn là do estrogen.
Các tác động khác:
Người nữ bình thường chỉ giữ nước, muối và tăng cân nhẹ trước khi hành kinh. Hiện tượng giữ nước và muối không những do estrogen mà còn do andosterone gia tăng bài tiết trong giai đoạn thể vàng.
Estrogen làm tuyến bã bài tiết nhiều dịch hơn nên trái ngược với tác động của testosterone và ngăn cản mụn phát triển.
Các estrogen làm giảm đáng kể cholesterol trong huyết tương và qua đó ức chế quá trình xơ vữa động mạch qua đó làm cho tỷ lệ nhồi máu cơ tim và các biến chứng khác của bệnh xơ vữa động mạch ở người nữ trước tuổi mãn kinh.
Progesterone
Tổng hợp và chuyển hóa:
Progesteronelà một C21 steroid được bài tiết bởi thể vàng, bánh nhau và một phần nhỏ do nang trứng bài tiết. Đây là một chất trung gian quan trọng trong quá trình tổng hợp steroid ở tất cả các mô bài tiết horrmon steroid do đó có một lượng nhỏ progesterone đi vào máu từ tinh hoàn và vở thượng thận.
Trong tuần hoàn chỉ có 2% progesterone ở trạng thái tự do, phần còn lại gắn với các protein.
Progesterone có thời gian bán hủy ngắn và được chuyển thành pregnanediol ở trong gan, chất này sẽ liên kết với acid glucuronic và được bài tiết trong nước tiểu.
Bài tiết:
Ở người nam nồng độ progesgterone vào khoảng 0,3ng/mL (1nmol/L). Ở người nữ nồng độ này vào khoảng 0,9ng/mL (3nmol/L) trong giai đoạn nang trứng của chu kỳ kinh. Sự khác nhau này là do sự bài tiết một lượng nhỏ progesterone bởi các tế bào trong các nang trứng. Các tế bào ở lớp vỏ (theca) của nang trứng cung cấp pregnenolone cho các tế bào hạt, sau đó tế bào hạt chuyển chất này thành progesterone. Vào cuối giai đoạn nang trứng sự bài tiết progesterone bắt đầu gia tăng.
Trong giai đoạn thể vàng, thể vàng bài tiết một lượng lớn progesterone và buồng trứng gia tăng bài tiết progesterone lên gấp 20 lần dẫn đến sự gia tăng nồng độ progesterone trong huyết thanh, ở mức cao nhất nồng độ này đạt đến 18ng/mL (60nmol/L).
Tác động:
Progesterone chịu trách nhiệm cho những thay đổi trong nội mạc tử cung để phục vụ cho việc mang thai và những thay đổi có tính chu kỳ của cổ tử cung và âm đạo. Horrmon này có tác động đối kháng với estrogen trên cơ tử cung, làm giảm khả năng kích thích và giảm sự nhạy cảm của cơ tử cung với oxytocin. Progesterone còn làm giảm số lượng receptor estrogen trong nội mạc tử cung và làm tăng tốc độ chuyển 17(-estradiol thành loại estrogen kém hoạt động hơn.
Ở vú, progesterone kích thích sự phát triển của các thùy và nang tuyến. Nó làm biệt hóa các tổ chức ống tuyến trước đó đã được chuẩn bị bởi estrogen và hỗ trợ cho chức năng bài tiết của vú trong giai đoạn tiết sữa.
Tác động feedback của progesterone khá phức tạp, nó tác động lên cả vùng dưới đồi và tuyến yên. Lượng lớn progesterone sẽ ức chế bài tiết LH và có khả năng ức chế tác động của estrogen. Chích progesterone có thể ngăn cản hiện tượng rụng trứng ở người.
Progesterone là một chất sinh nhiệt và làm tăng thân nhiệt vào thời điểm rụng trứng. Progesterone cũng kích thích hô hấp nên phân áp CO2 phế nang ở giai đoạn thể vàng thấp hơn so với người nam.
Progesterone liều cao làm tăng natri trong nước tiểu (natriuresis), có lẽ do ức chế tác động của aldosterone trên thận. Horrmon này không có vai trò gì trong quá trình đồng hóa.
Các chất có tác dụng giống progesterone được gọi là các gestagen hay progestin hoặc progestational agents. Chúng được sử dụng với estrogen tổng hợp để làm thuốc ngừa thai dạng uống.
Relaxin
Relaxin là một horrmon polypeptide có tác dụng làm giãn khớp mu và các khớp khác của khung chậu. Horrmon này cũng làm giãn và mềm cổ tử cung trong thai kỳ và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đẻ. Nó cũng ức chế sự co bóp của tử cung tạo thuận lợi hơn cho việc làm tổ của trứng và có lẽ cũng có một vai trò nhất định trong sự phát triển của tuyến vú.
Ở phụ nữ không mang thai, relaxin được thấy ở hoàng thể và nội mạc tử cung trong giai đoạn bài tiết của chu kỳ kinh. Ở người nam relaxin được thấy trong tinh dịch do tuyến tiền liệt bài xuất.
Trong quá trình mang thai bánh nhau bài tiết nhiều relaxin hơn để tiếp tục làm giãn cơ trơn tử cung, giãn rộng khớp mu và có thể cũng góp phần vào việc làm giãn rộng cổ tử cung trong cuộc đẻ.
Chu kỳ kinh
Mỗi chu kỳ kinh gồm có 2 chu kỳ diễn ra song song: (1) chu kỳ buồng trứng trong đó diễn ra quá trình phát triển và thoái hóa của các noãn bào và (2) chu kỳ tử cung gồm những thay đổi của lớp nội mạc tử cung.
Những thay đổi trong chu kỳ kinh được thực hiện thông qua tác động của các hoócmôn FSH và LH của thùy trước tuyến yên dưới ảnh hưởng của hoócmôn GnRH của vùng dưới đồi.
Vai trò của các hormon
Chu kỳ tử cung và chu kỳ buồng trứng được điều khiển bởi GnRH (gonadotropin releasing horrmon) của vùng dưới đồi.
GnRH kích thích giải phóng các horrmon FSH (follicle stimulating horrmon: horrmon kích thích nang trứng) và LH (luteinizing horrmon: horrmon dưỡng thể vàng) của thùy trước tuyến yên.
FSH kính thích phát triển các nang trứng và khởi đầu cho việc bài tiết các estrogen của các nang trứng.
LH kích thích cho các nang trúng phát triển thêm, tăng cường bài tiết estrogen, điều khiển quá trình rụng trứng, tạo thành hoàng thể và kích thích bài tiết progesteron, estrogen, relaxin và inhibin từ tổ chức này.
Nồng độ trung bình của các estrogen trong máu sẽ ức chế vùng dưới đồi giải phóng GnRH và thùy trước tuyến yên giải phóng FSH và LH. Sự ức chế này chính là cơ sở tác dụng của thuốc viên ngừa thai.
Progesteron được bài tiết chủ yếu bởi thể vàng, hoạt động phối hợp cùng với các estrogen để chuẩn bị nội mạc tử cung cho trứng đã thụ tinh làm tổ và chuẩn bị tuyến vú cho việc tổng hợp và bài tiết sữa. Nồng độ cao của progesterone cũng ức chế bài tiết GnRH và LH.
Inhibin do các tế bào hạt của các nang trứng đang phát triển và thể vàng bài tiết. Có tác dụng ức chế bài tiết FSH và cả LH nhưng yếu hơn.
Các giai đoạn của chu kỳ kinh
Chu kỳ kinh được tính từ ngày có kinh đầu tiên và kéo dài từ 24 đến 35 ngày, trung bình là 28 ngày, được chia làm 4 giai đoạn: (1) giai đoạn hành kinh, (2) giai đoạn trước rụng trứng, (3) giai đoạn rụng trứng và (4) giai đoạn sau rụng trứng.
Giai đoạn hành kinh:
Kéo dài từ ngày thứ nhất đến thứ 5. Trong giai đọan này tại 2 buồng trứng có khỏang 20 nang trứng cấp II bắt đầu lớn dần. Dịch của nang trứng do các tế bào hạt bài tiết và rĩ ra từ các mao mạch tập trung lại trong hang và làm hang lớn dần lên trong khi đó noãn bào vẫn nằm sát bờ của nang trứng đang phát triển.
Tại tử cung lớp chức năng của nội mạc tử cung bị bong ra, chảy máu, hiện tượng này xảy ra do lượng progesteron và estrogen giảm mạnh làm co thắt các động mạch xoắn của lớp chức năng trong nội mạc tử cung dẫn đến sự hoại tử của lớp này.
Dịch kinh khoảng 50 – 150 ml gồm máu, dịch nhấy, các tế bào biểu mô và dịch tổ chức xuất phát từ nội mạc tử cung sẽ đổ từ trong khoang tử cung đi qua cổ tử cung và âm đạo để ra ngoài. Ở thời điểm này nội mạc tử cung rất mỏng vì chỉ còn lại lớp nền.
Giai đoạn trước rụng trứng:
Kéo dài từ ngày thứ 6 đếïn ngày thứ 13 của chu kỳ 28 ngày, đây là giai đoạn có thời gian thay đổi nhiều nhất trong 4 giai đoạn của chu kỳ kinh và qua đó sẽ làm cho chu kỳ kinh trở nên dài hoặc ngắn hơn so với thời gian 28 ngày.
Tại buồng trứng dưới ảnh hưởng của FSH, cácn nang trứng tiếp tục phát triển và bắt đầu bài tiết estrogen và inhibin, vào khoảng ngày thứ 6, một nang trứng sẽ phát triển nổi trội hơn các nang khác, lượng estrogen và inhibin do nang này bài tiết sẽ làm giảm lượng FSH do đó sẽ làm các nang trứng kém phát triển hơn thoái hóa. Nang trứng còn lại sẽ phát triển thành nang trứng chín (nang Graaf) và tiếp tục lớn lên cho đến khi đường kính đạt khoảng 20mm nổi rộp lên trên bề mặt buồng trứng và sẵn sàng cho việc rụng trứng.
Sự bài tiết estrogen ngày một gia tăng dưới ảnh hưởng của sự gia tăng nồng độ LH. Estrogen là horrmon chính yếu trong giai đoạn này nhưng vẫn có một số lượng nhỏ progesterone được bài tiết bởi nang trứng chín trong vòng một hai ngày trước khi rụng trứng.
Hình: Các biến đổi của horrmon, nang trứng, nội mạc tử cung và thân nhiệt trong chu kỳ kinh.
Tại tử cung, estrogen được giải phóng trong máu sẽ kích thích tái sinh lớp nội mạc, các tế bào của lớp nền sẽ trãi qua quá trình nguyên phân để tạo nên lớp chức năng mới, khi lớp nội mạc dày lên, các tuyến nội mạc ngắn và thẳng bắt đầu phát triển, các tiểu động mạch cuộn xoắn và kéo dài lên lớp chức năng. Bề dày của nội mạc khi đó khoảng 4 đến 6 mm. Với những biến đổi này của tử cung, giai đoạn trước rụng trứng còn gọi là giai đoạn tăng sinh.
Giai đoạn rụng trứng:
Xảy ra vào ngày thứ 14 của chu kỳ kinhì 28 ngày. Nang Graaf bị phá vỡ, giải phóng noãn bào cấp II vào khoang chậu và sau đó vào vòi trứng. Trong khi rụng, noãn bào cấp II vẫn duy trì vùng mờ và lớp vòng tia. Như vậy mất gần 20 ngày cho một nang trứng cấp II trở thành một nang trứng chín.
Quá trình này xảy ra do nồng độ cao của các estrogen ở cuối giai đoạn trước rụng trứng tác dụng kích thích ngược (positive feedback) trở lại vùng dưới đồi bài tiết GnRH và thùy trước tuyến yên bài tiết LH, GnRH sẽ kích thích thùy trước tuyến yên tiết FSH và bài tiết thêm LH. Sự tăng cao nồng độ LH đột ngột làm phá vỡ nang trứng chín và giải phóng nõan bào cấp II.
Các dấu hiệu báo hiệu hiện tượng rụng trứng gồm (1) gia tăng thân nhiệt (khoảng 0,2 – 0,3oC, tương ứng với 0,4 đến 0,6oF) do sự tăng nhẹ nồng độ progesteron trước khi trứng rụng, (2) dịch cổ tử cung loãng hơn, (3) cổ tử cung giãn nhẹ và mềm hơn, đôi khi có cảm giác đau ở buồng trứng.
Tác dụng kích thích ngược của estrogen lên vùng dưới đồi và thùy trước tuyến yên sẽ không xảy ra nếu ở cùng thời điểm đó cũng có mặt progesterone.
Sau khi rụng trứng, nang trứng xẹp xuống và máu chảy từ chỗ rách của nang trứng vào trong nang sẽ làm thành một cục máu, cục máu này sẽ được hấp thu bởi các tế bào còn lại của nang trứng, nang trứng khi đó sẽ tăng kích thước lên, thay đổi hình dạng để tạo thành thể vàng dưới ảnh hưởng của LH. Dưới tác dụng kích thích của LH, thể vàng sẽ vài tiết progesterone, estrogen, relaxin và inhibin.
Giai đoạn sau rụng trứng:
Kéo dài 14 ngày tính từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 28 của chu kỳ 28 ngày, đây là chu kỳ hằng định nhất, kéo dài từ khi trứng rụng cho đến khi bắt đầu ký kinh sau. Sau khi trứng rụng, LH được bài tiết sẽ kích thích phần còn lại của nang trứng phát triểìn thành thể vàng.
Nếu noãn bào cấp II không đuợc thụ tinh sau 2 tuần thể vàng sẽ thoái hóa thành sẹo gọi là thể trắng. Sự sụt giảm progesterone và estrogen do sự thoái hóa thể vàng sẽ dẫn đến sự hành kinh.
Sự sụt giảm của các horrmon progesterone, estrogen và inhibin sẽ kích thích giải phóng GnRH, FSH và LH, chúng sẽ kích thích các nang trứng phát triển và bắt đầu cho một chu kỳ kinh mới.
Do vai trò của thể vàng trong giai đoạn sau rụng trứng nên giai đoạn này cũng còn được gọi là giai đoạn thể vàng.
Tại tử cung, dưới ảnh hưởng của progesterone và estrogen do thể vàng bài tiết nội mạc tử cung dày lên với sự phát triển và cuộn xoắn của các tuyến nội mạc, tăng tiết glycogen và phát triển hệ thống mạch máu trên bề mặt của lớp nội mạc, gia tăng lượng dịch tổ chức. Những thay đổi này đạt tới mức tối đa sau một tuần tính từ khi rụng trứng để chuẩn bị cho quá trình làm tổ của trứng đã thụ tinh, tương ứng với thời gian trứng di chuyển trong vòi trứng từ khi rụng cho tới khi đến được lòng tử cung. Do những biến đổi ở tử cung, giai đọan này của chu kỳ kinh còn được gọi là giai đoạn bài tiết.
Dậy thì và bắt đầu hành kinh
Ở người nữ, nồng độ LH, FSH và estrogen ở giai đoạn trước dậy thì rất thấp. Trong độ tuổi 7, 8, trẻ nữ trãi qua một sự gia tăng bài tiết các androgen của tuyến thượng thận dẫn đến sự phát triển của hệ lông ở mu và nách.
Sự dậy thì được khởi phát với sự gia tăng LH và FSH trong giấc ngủ. Trong giai đoạn tiếp theo của thời kỳ dậy thì, LH và FSH được bài tiết suốt ngày. Sự gia tăng nồng độ của các horrmon này sẽ kích thích buồng trứng bài tiết estrogen dẫn tới sự phát triển các đặc điểm sinh dục phụ của người nữ.
Khi mới sinh vú của cả trẻ nam và nữ đều kém phát triển. Trong thời kỳ dậy thì, dưới tác dụng của estrogen và progesterone vú của trẻ nữ bắt đầu phát triển. Sự nhú lên của vú là biểu hiện bên ngoài đầu tiên của dậy thì. Hệ thống ống tuyến bắt đầu phát triển , sự tích tụ mỡ xảy ra, quầng vú và núm vú phát triển và sẫm hơn.
Estrogen và progesterone cũng kích thích sự phát triển của vòi trứng, tử cung và âm đạo. Lần hành kinh đầu tiên (menarche) xảy ra ở khoảng độ tuổi 12.
Mãn kinh
Ở phụ nữ trong độ tuổi khoảng từ 40 đến 50, buồng trứng bắt đầu đáp ứng kém với các hoócmôn sinh dục của thùy trước tuyến yên làm nồng độ progesterone và estrogen giảm do đó các nang trứng không trải qua được quá trình phát triển bình thường dẫn đến giai đọan mãn kinh.
Những thay đổi trong việc giải phóng GnRH và sự giảm đáp ứng với GnRH của các tế bào thùy trước tuyến yên trong việc bài tiết LH cũng góp phần vào thời kỳ mãn kinh.
Một vài phụ nữ có cảm giác phừng mặt, ra nhiều mồ hôi, nhức đầu, rụng tóc, đau cơ, khô âm đạo, mất ngủ, suy nhược, lên cân, tính khí thất thường.
Sau khi mãn kinh , buồng trứng, vòi trứng, tử cung, âm đạo, cơ quan sinh dục ngoài và vú nhỏ lại. Sự sụt giảm nồng độ estrogen trong thời kỳ này cũng kéo theo tình trạng loãng xương. Tuy nhiên sự ham muốn tình dục ở người nữ không giảm theo những biến đổi này do chịu ảnh hưởng của andrrogen của thuyến thượng thận.
Hoạt động sinh sản của người nữ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định từ khi bắt đầu hành kinh cho đến khi mãn kinh. Khả năng thụ tinh cũng giảm dần theo tuổi, có lẽ là theo thời gian sự rụng trứng không còn diễn ra đều đặn, khả năng phục vụ của vòi trứng, tử cung cho sự phát triển của phôi non cũng giảm.