Event design | Thiết kế sự kiện | Tín Phát

Event design | Thiết kế sự kiện | Tín Phát

Thiết kế sự kiện là gì

1. Thiết kế đồ họa trong tổ chức sự kiện

Thiết kế đồ họa sự kiện là tập hợp các thiết kế sân khấu, thiết kế các ấn phẩm để phục vụ quảng bá cho một sự kiện như: Banner, backdrop, brochure, poster,… Bất kỳ một sự kiện nào cũng cần phải có thiết kế.

Tùy theo tính chất, quy mô, mức độ của sự kiện mà các hạng mục thiết kế cũng khác nhau. Có những sự kiện yêu cầu phải thiết kế cả backdrop, banner, standee, bảng biển, có những sự kiện lại không cần banner, bảng biển. Có những sự kiện cần một sân khấu cầu kỳ, lung linh cùng với cả khu vực cánh gà nhưng cũng có những sự kiện sân khấu yêu cầu đơn giản, trang nhã. Các thiết kế này sẽ là những sản phẩm “đưa” trực tiếp tới mắt của những người tham dự, chính vì vậy nó yêu cầu tính thẩm mỹ cao cùng những đòi hỏi về khắt khe về nội dung, ý nghĩa.

Công tác thiết kế là một công tác quan trọng trong tổ chức sự kiện. Việc thiết kế phải được triển khai ngay khi bạn có ý tưởng và chủ đề của sự kiện. Sau khi có các bản vẽ thiết kế, công tác thi công sản xuất cũng ngay lập tức được bắt đầu. Quá trình thi công là đem những bản vẽ thiết kế ấy chuyển thành sản phẩm để dàn dựng, lắp đặt trong thực tế. Vì vậy, người thiết kế cũng phải bám sát tiến độ để theo dõi kết quả, chất lượng.

Thiết kế đồ họa cho mỗi sự kiện sẽ giúp gia tăng nhận diện thương hiệu, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ như hiện nay. Bất kỳ một thiết kế nào cũng có thể trở thành một background sống ảo của người dùng trên mạng xã hội, là một công cụ để quảng bá mạnh mẽ cho thương hiệu.

Backdrop sự kiệnBackdrop là hạng mục không thể thiếu trong event design.

Để phục vụ một sự kiện, công tác thiết kế thường bao gồm những hạng mục sau:

– Thiết kế nhận diện sự kiện

– Thư mời online

– Cổng chào sự kiện

– Khu vực đón khách (tiểu cảnh, photo booth, backdrop, standee…)

– Sân khấu sự kiện

– Không gian tổ chức sự kiện

– Vật phẩm sự kiện: Ấn phẩm, quà tặng, đồng phục, bằng khen, bảng thưởng, kỷ niệm chương, …

– Thiết kế công cụ truyền thông:

+ Công cụ truyền thông offline: Vé mời, cờ, phướn, poster, bandroll,…

+ Công cụ truyền thông online: Trailer, banner, cover, khung avatar, poster online, …

– Thiết kế visual led sự kiện (hiệu ứng động màn hình led)

2. Các bước thiết kế sự kiện | Step by step | Event design

Tìm hiểu bộ nhận diện thương hiệu

Nhận diện trong sự kiện phải được căn cứ trên nhận diện căn bản của thương hiệu như logo, slogan, tầm nhìn doanh nghiệp. Những yếu tố này sẽ xuất hiện khá nhiều trong các thiết kế, đồng thời việc thấu hiểu về nó cũng giúp người thiết kế bám sát các giá trị của doanh nghiệp.

2.1. Tìm hiểu chủ đề chương trình

Nếu các thiết kế của bạn là để phục vụ một chương trình sự kiện, thì trước khi bắt tay vào làm, bạn nhất định phải nắm được chủ đề, thông điệp truyền thông, các nội dung chính sẽ có trong chương trình sự kiện để chuẩn bị các thiết kế phù hợp và chính xác. Chẳng hạn, chương trình của bạn làm về đại dương thì các thiết kế hướng đến màu xanh lam, hình ảnh thiên nhiên, biển cả được sử dụng nhiều, không gian, bối cảnh cũng ưu tiên tôn vinh đại dương bao la. Nếu chủ đề của chương trình là khánh thành một dự án nhà ở thì các thiết kế sẽ làm nổi bật không gian sống lý tưởng và những tiện ích của khu nhà.

2.2. Thiết kế 2D

Bản thiết kế 2D chi tiết thường là một bản thiết kế 2 chiều, cho biết chiều cao và chiều dài của sản phẩm. Thiết kế 2D thường phải kết hợp với kỹ năng vẽ phác thảo. Thiết kế 2D phù hợp với những ấn phẩm tĩnh như banner, tờ rơi, thư mời, standee,… Người thiết kế sẽ phải nắm vững các phần mềm thiết kế, chẳng hạn như Quark, InDesign, Adobe … Thiết kế 2D thông thường có ưu điểm là tốn ít thời gian, chi phí thấp, đáp ứng nhanh cho công tác sản xuất.

Phối cảnh 3D một sự kiện do Tín Phát tổ chứcPhối cảnh 3D một sự kiện do Tín Phát tổ chức.

2.3. Thiết kế 3D

3D là cụm từ viết tắt của 3 Dimension nghĩa là 3 chiều. Kỹ thuật 3D thường đi liền với khái niệm “đồ họa 3D”, tức là những hình ảnh được dựng nên một cách sống động như thật. Bản vẽ mô phỏng không gian 3D cho cái nhìn chân thực, đa chiều về bối cảnh. Thiết kế 3D thường được thực hiện khi thiết kế sân khấu của sự kiện. Sân khấu 3D được trang trí thành các lớp xếp chéo lên nhau để tạo ra hiệu ứng không gian 3 chiều, qua đó đem lại cảm giác chân thực cho người xem. Để thiết kế bản vẽ 3D, thông thường người thiết kế sẽ phải thực hiện các bước sau:

– Khảo sát vị trí, diện tích, bối cảnh xung quanh của sân khấu. Từ đó, người thiết kế sẽ có những tính toán cụ thể về kích thước các thiết kế, lên phác thảo tổng quan và chi tiết cho từng hạng mục.

– Lên maquette và chọn loại sân khấu: Sau khi khảo sát sơ bộ, người thiết kế sẽ lên maquette, bắt tay vào thiết kế 2D, 3D. Các loại sân khấu, kiểu sân khấu của sự kiện cũng được tạo ra ở bước này.

– Tính toán tỉ lệ sân khấu, cánh gà: Nhờ vào việc tính toán phân chia cẩn thận tỷ lệ sân khấu và cánh gà mà người thiết kế có thể dễ dàng tạo chiều sâu cho sân khấu và thiết kế một không gian hợp lý. Nếu coi nhẹ bước này có thể làm cho tỷ lệ phân chia không hợp lý khiến sân khấu có thể bị mất cân đối, không gian mất tương xứng đối với khán giả.

Thiết kế sân khấu 3D đòi hỏi sự đầu tư nhiều về mặt hình ảnh, hiệu ứng chuyển động của sân khấu. Nhưng cảm xúc mà sân khấu 3D mang lại thì to lớn hơn nhiều so với những sân khấu thông thường khác nhờ độ hoành tráng, đầu tư, mức độ to lớn của sự kiện, …

Những lưu ý khi thiết kế cho các sự kiện.

3. Những lưu ý khi thiết kế cho sự kiện | Event design notes by Tin Phat

3.1. Đáp ứng chuẩn mực thương hiệu

Mỗi một thương hiệu lại có những quy tắc thiết kế riêng. Căn cứ vào định vị thương hiệu, nội dung truyền thông mà các thiết kế nhận diện thương hiệu cũng cần đảm bảo về các tiêu chuẩn khắt khe này.

3.2. Phù hợp văn hóa

Ngoài việc đáp ứng chuẩn mực của thương hiệu, bạn cũng nên chú ý đến nền văn hóa, tín ngưỡng và những thói quen đặc trưng của người dân địa phương từng vùng để có ý tưởng phù hợp với thị hiếu chung của khách hàng. Các thiết kế của phương Tây cũng có bố cục gọn gàng, phân chia không gian, khoảng trống hợp lý. Ngược lại, khi thiết kế cho người Á Đông, người thiết kế còn phải đặc biệt chú ý tới yếu tố phong thủy. Theo đó, họ phải tính toán cả tuổi tác của chủ doanh nghiệp, tuân theo thuyết ngũ hành, thiên địa nhân để sáng tạo ra một thiết kế hài hòa, hội tụ đầy đủ các yếu tố nghệ thuật, ý nghĩa và phong thủy tài vận của gia chủ.

3.3. Cập nhật công nghệ

Các công nghệ mới không chỉ giúp cho công tác thiết kế dễ dàng hơn mà còn là nền tảng cho những hiệu ứng lung linh, bắt mắt. Hiện nay, có nhiều công nghệ mới được đưa vào sử dụng trong thiết kế như: 3D mapping, công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, tạo nên những hiệu ứng mới lạ cho sự kiện. Các công nghệ 3D nếu được kết hợp với khả năng trang trí, dàn dựng khéo léo của con người sẽ làm từng chi tiết của sân khấu được sắp đặt với những kích thước to nhỏ, khoảng cách gần xa hợp lý. Điều này giúp đánh lừa được thị giác người nhìn với hình ảnh sống động hơn và ngỡ như thật.

3.4. Cẩn thận trong thao tác

Công cụ làm việc của người thiết kế bao giờ cũng được đầu tư với công năng tốt. Trong quá trình làm việc, do đặc thù các file thiết kế có dung lượng nặng lại thường xuyên phải chỉnh sửa, thay đổi thiết kế, chính vì vậy, người thiết kế phải cẩn thận trong việc lưu trữ dữ liệu. Hãy chú ý để hồ sơ thiết kế đầy đủ các file ảnh máy tính, file vector dùng cho in ấn với đầy đủ định dạng file cần thiết: GIF, JPG, PSD, EPS.

3.5. Chú thích rõ ràng về bản vẽ

Bản vẽ là xuất phát từ ý tưởng của người thiết kế, theo góc nhìn của người thiết kế. Nhưng khi bổ bản vẽ để thi công lại là góc nhìn của những người sản xuất. Do vậy, trong quá trình thiết kế bộ nhận diện thương hiệu người thiết kế nên chuẩn bị đầy đủ layout thiết kế ở cả 3 mặt: Mặt đứng, mặt cắt và mặt nằm ngang của bản vẽ. Ngoài ra, có một việc làm cũng không thể quên đó là chú thích đầy đủ, rõ ràng trên bản vẽ. Đặc biệt là về vật liệu, những lưu ý để không phá hỏng thiết kế,… đều cần được note lại rõ ràng trên bản vẽ để những người thi công có thể hiểu và thực hiện.

Yếu tố cần có của người làm thiết kế sự kiện4. Tín Phát đánh giá các yếu tố cần có của người làm thiết kế sự kiện | Event designer

Những người tham gia tổ chức và thiết kế sự kiện cần có năng lực chuyên môn, năng khiếu nghệ thuật đi cùng với những phẩm chất đạo đức nhất định. Bản thân nghề thiết kế cho sự kiện cũng là một công việc nhiều áp lực và đòi hỏi người thiết kế phải đáp ứng những thay đổi cùng yêu cầu khắt khe trong từng chương trình. Thiết kế cũng không đơn giản là chỉ ngồi vẽ mà người thiết kế còn là người trực tiếp tham gia các công tác sản xuất, nghiệm thu sản phẩm thực tế.

Về cơ bản thì có thể thấy 9 yếu tố cần có của nghề thiết kế cho sự kiện như sau:

4.1. Ý tưởng sáng tạo

Không phải tự nhiên mà có một thuật ngữ khi nói về nghề thiết kế đó là “năng khiếu”. Những người có năng khiếu về nghệ thuật, khả năng tưởng tượng, khả năng phác thảo, vẽ giỏi và có cái nhìn sắc sảo về nghệ thuật là những người có thể tham gia vào đội ngũ thiết kế.

Sáng tạo là đòi hỏi hàng đầu của người thiết kế. Sự sáng tạo sẽ khơi nguồn cho những ý tưởng táo bạo. “Sự sáng tạo không là gì ngoài một tinh thần dám bứt phá.” – Torrie T Asai. Có đôi khi, một thiết kế xuất sắc lại là những thiết kế phá bỏ các rào cản, quy tắc thiết kế thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn không tự tin về điều này thì hãy đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc căn bản để thiết kế của mình khoa học và thẩm mỹ.

4.2. Khả năng phác thảo

Sau khi có ý tưởng, công việc của người thiết kế phải làm sao để có thể đưa ý tưởng ấy trình bày lại bằng các bản vẽ để người khác có thể hiểu và thực hiện. Đây chính là lúc yêu cầu bạn phải có khả năng phác thảo.

Tiểu thuyết gia người Mỹ Charles Bukowski từng nói: “Người trí thức nói điều đơn giản theo cách phức tạp. Người nghệ sĩ nói điều phức tạp theo cách đơn giản”.

Cho dù yêu cầu và nội dung thể hiện của logo có dào dạt đến đâu thì hình thức thể hiện nó cũng chỉ có hạn. Vì vậy, ở bước phác thảo này, người thiết kế phải thể hiện được logo một cách đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện. Việc phác thảo tốt sẽ giúp ý tưởng được hiện thực hóa một cách uyển chuyển, mềm mại và dễ hiểu đối với mọi người.

4.3. Tính khả thi

Tính sáng tạo luôn phải đi kèm với yếu tố khả thi. Người thiết kế có thể thỏa sức sáng tạo muôn vàn cách thức thể hiện ý tưởng của mình nhưng một điều quan trọng không kém đó chính là việc các ý tưởng ấy liệu có khả năng triển khai trong thực tế được hay không. Nếu bạn cứ vẽ mây vẽ gió, tưởng tượng ra những điều phi thực tế, không thể trở thành hiện thực, vậy thì tính sáng tạo ấy cũng không thể phát huy mà trở thành những thiết kế viển vông, là chiếc “bánh vẽ” trên giấy. Chính vì vậy, người thiết kế luôn phải tính toán sáng tạo trên cơ sở khả năng thực hiện, mức tài chính cho phép.

Một thiết kế xuất sắc là thiết kế có giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, truyền tải được những thông điệp, ý nghĩa của sự kiện và đảm bảo mức chi phí thấp nhất. Bởi sau khi các thiết kế hoàn chỉnh thì những bản vẽ này sẽ được chuyển đến quá trình thi công sản xuất, lắp đặt các sản phẩm thực tế. Vậy nên những thiết kế không rút quá nhiều ngân sách của doanh nghiệp mà lại đem đến hiệu quả cao thì chính là những thiết kế thành công nhất. Để làm được điều này thì người thiết kế luôn phải tính toán tính khả thi xuyên suốt các thiết kế của mình.

4.4. Khả năng sử dụng phần mềm

Để thực hiện việc thiết kế, những người designer phải sử dụng rất nhiều phần mềm từ đơn giản đến phức tạp như chỉnh sửa ảnh Photoshop, thiết kế 2D AI, thiết kế 3D: AutoCad, 3DSmax, Sketchup, quay dựng Premiere,… cùng vô vàn các phần mềm khác. Yêu cầu bắt buộc đối với những người thiết kế đó là phải sử dụng thành thạo các công nghệ trên. Chưa kể đó, những nhân viên thiết kế này cũng thường xuyên phải học tập, thực hành cập nhật những phần mềm mới ra đời, những công nghệ và tính năng mới cập nhật để phục vụ cho quá trình thiết kế hiện đại cải tiến từng ngày.

4.5. Khả năng thuyết trình

Người thiết kế cũng cần phải thuyết trình về sản phẩm và ý tưởng của mình, đặc biệt là khi làm việc với các đối tác doanh nghiệp, tổ chức. Thiết kế là một lĩnh vực rất đặc biệt. Cũng giống như một đám mây trên trời nhưng mỗi đứa trẻ sẽ liên tưởng đến một hình thù khác nhau. Thiết kế cũng vậy, cùng là một hình ảnh nhưng tư duy mỗi người là khác biệt, do đó, mỗi người sẽ cách tưởng tượng và ý hiểu riêng về tác phẩm của bạn. Chính vì vậy, người thiết kế cần phải diễn đạt để mọi người hiểu về ý tưởng nội dung trong những ấn phẩm của mình đồng thời thuyết phục được các đối tượng khán giả đi theo quan điểm đó.

Người thiết kế coi thiết kế của mình như một đứa con tinh thần sẽ biết phải nói gì, làm gì để trình bày và thuyết phục mọi người tin theo mình.

4.6. Tính nhẫn nại

Như đã nói, mỗi người có cách quan sát riêng. Cùng là một thiết kế không tránh khỏi có người khen người chê. Vì vậy mà người thiết kế cũng cần lắng nghe và nhẫn nại. Tránh trường hợp nóng nảy hay phản biện vội vàng dễ khiến đối phương cảm thấy không được tự nhiên.

Trước những ý kiến chê bai, góp ý, người thiết kế phải tiếp thu với thái độ tích cực. Ngoài ra, họ cũng cần kiên nhẫn khi phải chỉnh sửa bản vẽ nhiều lần. Những khách hàng khó tính thậm chí yêu cầu chỉnh sửa thiết kế rất nhiều lần thậm chí là đập đi xây lại và điều đó rất dễ khiến những người thiết kế cảm thấy nản lòng và chán chường, hậu quả là các lần chỉnh sửa sau đôi khi còn xấu hơn thiết kế ban đầu.

4.7. Hiểu biết các vật liệu

Trong quá trình làm việc, người thiết kế cũng phải tìm hiểu và lựa chọn các vật liệu để thi công sản xuất. Vật liệu thực tế như đã nói ở trên, phải đảm bảo được tính khả thi và có chi phí phù hợp. Có thể thấy, những vật liệu bằng gỗ có độ bền cao, dễ cắt gọt tạo kiểu. Những vật liệu bằng nhôm mềm dẻo, nhẹ nhàng, dễ uốn cong, dát mỏng, các vật liệu bằng da, inox, đá, cũng được cân nhắc sử dụng tùy vào đặc tính của sản phẩm. Những vật liệu này có thể được dùng khi dựng sân khấu hay làm bảng biển ngoài trời, trong các phương tiện đi lại hoặc dùng trong tổ chức sự kiện quy mô lớn.

Đối với công tác in ấn thì có hàng trăm loại giấy khác nhau để bạn có thể lựa chọn. Trong đó, người thiết kế cần phải chú ý đến những loại giấy sau:

– Giấy Couche là loại giấy in thông dụng bậc nhất hiện nay, có bề mặt nhẵn mượt và sáng chắc, giấy có độ chắn sáng tốt, rất ngấm mực, bám mực. Giấy Couche thường được dùng để in offset các sản phẩm như: card visit, poster, catalogue, tờ rơi, tờ gấp…

– Giấy Ford với đặc tính không tráng phủ, bề mặt mịn, nhám, không chói, có độ bám mực tốt và cũng thường được sử dụng trong in tờ rơi.

– Giấy Decal là loại giấy dùng để in Decal, có bề mặt láng bóng, được tráng sẵn keo và có lớp giấy bảo vệ để dính.

– Giấy Bristol là loại giấy một mặt nhẵn, một mặt xốp, loại giấy này có các đặc tính bám mực tốt, độ mịn cao.

– Giấy Duplex là loại giấy một mặt trắng nhẵn, một mặt thô tối màu, giấy khá dày và không ăn mực.

– Giấy Ivory là giấy có mặt trắng, độ mịn và độ sáng cao, một mặt giấy được tráng bóng, mặt còn lại có màu trắng nhám.

Tùy thuộc vào loại ấn phẩm và mức tài chính cho phép, người thiết kế sẽ cân nhắc và lựa chọn loại giấy phù hợp nhất cho việc in ấn các thiết kế của mình.

Ngoài ra, mỗi một ấn phẩm lại có những kiểu loại, chất liệu riêng: Standee có standee chữ X, standee cuốn, standee mô hình, standee để bàn, chất liệu có thể bằng nhựa hoặc thép; Backdrop có backdrop màn hình Led, backdrop in trên PP, backdrop in trên Hiflex, backdrop bằng mica, backdrop bằng vải, giấy,… Thật đáng ngạc nhiên là từng sản phẩm nho nhỏ trong sự kiện lại có rất nhiều chủng loại, chất liệu và người thiết kế càng hiểu rõ về chúng sẽ càng tối ưu hóa được công năng của bộ ấn phẩm thiết kế.

4.8. Tính cẩn thận

Cẩn thận là đức tính cần thiết trong quá trình thiết kế của người làm nghề. Tính cẩn thận được thể hiện xuyên suốt trong quá trình làm việc của người thiết kế. Từ việc tìm hiểu về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của công ty, chủ đề, cho đến việc đo đạc hiện trường, tính toán tỷ lệ, chuẩn bị các công cụ, tư liệu cần có cho việc thiết kế.

Tính cẩn thận còn thể hiện trong quá trình làm việc. Người thiết kế luôn phải lưu tâm đến công tác lưu trữ file dữ liệu, các sản phẩm dù đã hoàn thiện hay chưa hoàn thiện đều phải được lưu trữ cẩn thận để dùng cho trường hợp phải chỉnh sửa file thiết kế hay chuyển tiếp từ nơi này sang nơi khác hoặc dùng để làm dữ liệu về sau. Khi thiết kế cho doanh nghiệp, người thiết kế có thể phải bàn giao file giữa chừng hoặc giao lại toàn bộ file thiết kế cho đối tác, chính vì vậy việc phân loại dữ liệu và lưu một cách hệ thống là rất quan trọng.

Tính cẩn thận còn được thể hiện trong quá trình theo dõi công tác thi công, tổ chức sự kiện. Theo đó, người thiết kế phải đảm bảo sản phẩm thi công có bám sát thực tế và có đúng với bản vẽ hay không. Nói cách khác, việc “bổ” bản vẽ để thi công diễn ra thế nào thì người thiết kế phải giám sát, kiểm tra và báo cáo tình hình đồng thời tính toán phương án xử lý thích hợp. Trong quá trình làm việc và chuyển từ thiết kế sang thi công, họ phải cân nhắc kỹ yếu tố phát sinh thực tế so với dự toán ban đầu, quan sát kết cấu vật liệu thi công để công đoạn này diễn ra thuận tiện đúng tiến độ và chất lượng.

4.9. Theo sát tiến độ dự án

Để đảm bảo việc thi công diễn ra đúng tiến độ và chất lượng, người thiết kế nên tham gia lên dự toán, xem kết cấu công trình và lựa chọn các vật liệu thực tế. Sau khi có các thiết kế, bản thân họ phải tiến hành giám sát đảm bảo thi công đúng tiến độ và chất liệu đặc biệt là trong công tác in ấn. In ấn vốn là công đoạn tốn kém. Hệ thống máy in công nghiệp mới cho ra số lượng sản phẩm lớn một cách nhanh chóng nhưng cũng khiến rủi ro tăng cao. Nếu như hệ màu hay tỉ lệ màu không chuẩn hay công tác gia công không cẩn thận có thể khiến cho các sản phẩm in ấn không đẹp mắt, không đảm bảo tính thẩm mỹ. Do vậy, trách nhiệm của người thiết kế ở đây là cần phải giám sát, kiểm tra sản phẩm, in, test hình ảnh, màu sắc, sản phẩm test sau khi gia công, tránh trường hợp sản phẩm thực tế bị chênh màu so với các bản vẽ thiết kế.

Để có thể thực hiện tốt công tác thiết kế thì ngay từ khi lên ý tưởng chương trình, bộ phận thiết kế đã phải tham gia và nắm được những ý tưởng chính để từ đó bắt đầu có sự chuẩn bị thiết kế các ấn phẩm cho sự kiện. Ngoài ra, họ cũng cần cập nhật liên tục các thay đổi của sự kiện hay doanh nghiệp để có sự nắm bắt và điều chỉnh kịp thời.

Clip minh họa ý tưởng thiết kế một sự kiện:

Người thiết kế là bộ óc sáng tạo của mỗi sự kiện nhưng cũng là người rất vất vả. Thiết kế không có nghĩa chỉ ngồi bàn vẽ mà cũng phải lăn lộn nhiều nơi để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho công trình của mình. Chính những sản phẩm mà họ làm ra sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của sự kiện. Người xem có mãn nhãn hay không, có thấy thú vị hay không cũng là nhờ họ. Những người thiết kế bằng tất cả cái tâm và theo đuổi nó với tinh thần miệt mài vì sản phẩm sẽ đem lại những giá trị tốt đẹp cả về thẩm mỹ nghệ thuật và ý nghĩa của sản phẩm.

Thiết kế đồ họa cho sự kiện là phần thiết yếu đem lại vẻ đẹp cho cả sự kiện, phục vụ tốt công tác truyền thông đồng thời lưu lại ấn tượng tốt đẹp đối với những người tham dự. Tuy nhiên, những người làm thiết kế thường chỉ chuyên phụ trách một loại hình nhất định. Do vậy cần có sự chuyên môn hóa công việc và phân giao trách nhiệm rõ ràng để họ có thể toàn tâm toàn ý, phát huy năng lực và sở trường của bản thân trong công việc. Trường hợp đội ngũ nhân sự không thể đáp ứng được một đầu mục công việc nào đó, doanh nghiệp có thể cân nhắc thuê agency thiết kế. Công tác này cũng phải được xác định và thực hiện từ sớm để các bên có thời gian chuẩn bị. Chúc bạn và doanh nghiệp sẽ tìm ra phương án thích hợp và có được những thiết kế đồ họa ấn tượng, chất lượng nhất cho sự kiện của mình.

BBT Tín Phát