Throughput (Xuất lượng trong sản xuất) là một chỉ số quan trọng giúp theo dõi thời gian hoàn thành mỗi đơn vị sản phẩm để nâng cao hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa tốc độ sản xuất. Throughput được sử dụng để giúp doanh nghiệp biết họ có đang đáp ứng nhu cầu hay không, hay có bât kỳ tắc nghẽn tiềm ẩn nào trong quá trình sản xuất hay không. Vậy Throughput là gì? Throughput khác gì Throughput Time? Làm thế nào để tối ưu Throughput cũng như Throughput time? Tất cả sẽ được trả lời trong bài viết dưới đây.
Throughput là gì? Throughput Time là gì?
Throughput là gì?
Throughput (Xuất lượng) là số lượng sản phẩm hoặc dịch vụ mà một công ty có thể sản xuất và giao cho khách hàng trong một khoảng thời gian xác định. Thuật ngữ này thường được sử dụng để đo lường công suất của nhà máy (trong một đơn vị thời gian), cũng như tốc độ để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Các doanh nghiệp có mức xuất lượng cao có thể nâng cao lợi nhuận và chiếm thị phần lớn hơn bởi điều này cho thấy rằng họ có thể sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh.
Throughput Time là gì?
Throughput Time – Thời gian xuất lượng (TPT) là một chỉ số thuộc phương pháp quản lý tinh gọn Lean, được sử dụng để mô tả thời gian từ khi bắt đầu quy trình đến khi kết thúc quy trình. Nó có thể được đo cho một bước quy trình hoặc cho toàn bộ quy trình. Thời gian xuất lượng là tổng của Thời gian xử lý, Thời gian di chuyển, Thời gian chờ đợi và Thời gian kiểm tra. Việc chia nhỏ TPT thành các yếu tố này cũng giúp xác định cách cải thiện TPT.
Việc xác định Thời gian xuất lượng là rất quan trọng khi phân tích các quy trình kinh doanh. Điều này giúp tìm ra vấn đề cần thực hiện các cải tiến, ví dụ như giảm các sản phẩm dở dang (WIP), giảm thời gian giao hàng hay cải thiện mức độ dịch vụ.
Vậy Throughput Time bao gồm những thành phần nào?
- Thời gian xử lý (Processing time): Đây là khoảng thời gian để chuyển đổi nguyên vật liệu thô thành thành phẩm
- Thời gian kiểm tra (Inspection time): Đây là khoảng thời gian bao gồm thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng và giám sát quá trình ở nhiều giai đoạn, từ nguyên vật liệu, bán thành phẩm, cho tới hoàn thành thành phẩm cuối cùng
- Thời gian di chuyển (Move time): Bao gồm thời gian di chuyển trong khu vực sản xuất (giữa các khu vực làm việc), thời gian vận chuyển, đưa hàng trong chuỗi cung ứng logistic
- Thời gian chờ (Queue time hay Wait time): Là khoảng thời gian rỗi giữa các khoảng thời gian trên.
Bạn có biết: Throughput Time thường bị nhầm lẫn với Lead Time và Cycle Time. Vậy sự khác nhau giữa chúng là gì? Cùng tìm hiểu:
- Leadtime và phương thức rút ngắn thời gian sản xuất
- Cycle Time và cách thức tối ưu hóa chu kỳ sản xuất
Công thức tính Throughput
Throughput (Xuất lượng) được tính bằng công thức:
T = I/F
Trong đó:
- T = Xuất lượng
- I = Hàng tồn kho (Số lượng hàng hóa trong quá trình sản xuất)
- F = Thời gian sản xuất ra một đơn vị hàng tồn kho (Từ lúc bắt đầu cho tới lúc hoàn thành)
Để tính Xuất lượng không khó, tuy nhiên cần phân biệt Xuất lượng cho một dây chuyền, quy trình hay xuất lượng cho toàn bộ nhà máy. Cụ thể:
Cách tính xuất lượng của máy móc – quy trình (Process – Machine Throughput)
Xuất lượng theo quy trình là số lượng đơn vị sản phẩm “Tốt” được sản xuất trong một quy trình (được thực hiện bằng máy) từ khi bắt đầu đến khi kết thúc trong một khoảng thời gian cụ thể. Ví dụ: Nếu chúng ta sản xuất các vật dụng xe đạp, trong đó có một bước trong quy trình là thao tác uốn, thì chúng ta cần phải quan tâm đến xuất lượng (hay công suất) của máy uốn.
Công thức: Xuất lượng = Tổng khối lượng sản phẩm “Tốt” được sản xuất / Thời gian sản xuất
Trong trường hợp này, số lượng đơn vị hàng hóa được sản xuất sẽ bao gồm cả sản phẩm lỗi lẫn sản phẩm bị từ chối. Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khối lượng sản xuất bao gồm: thời gian chết, tốc độ máy, thiếu nguyên liệu thô, lỗi của người vận hành và thiếu đào tạo của người vận hành. Do đó, trong một ca làm việc kéo dài 8 giờ, nếu trong 850 vật dụng được chuyển qua công tác uốn, chỉ có 800 đơn vị tốt được sản xuất, thì tỷ lệ xuất lượng của quy trình này sẽ là:
Xuất lượng của quy trình uốn = 800 đơn vị sản/ 8 giờ = 100 đơn vị mỗi giờ
Cách tính xuất lượng của dây chuyền – nhà máy (Line – Factory Throughput)
Xuất lượng của dây chuyền hoặc nhà máy cũng được thể hiện dưới dạng sản phẩm “Tốt” trên một đơn vị thời gian. Tuy nhiên, việc tính toán xuất lượng dây chuyền đòi hỏi xem xét hiệu quả sản xuất tương đối của từng máy dọc theo dây chuyền.
Ví dụ: Nếu dây chuyền quy trình bao gồm ba hoạt động: Hoạt động A, B và C. Trong đó
- Hoạt động A chạy với hiệu suất 90 phần trăm
- Hoạt động B chạy với hiệu suất 93 phần trăm
- Hoạt động C chạy với hiệu suất 92 phần trăm
Như vậy tổng hiệu suất của toàn bộ dây chuyền sẽ là: 0,90 x 0,93 x 0,92 = 0,77 (Hay 77%)
Mỗi hoạt động được liên kết với các hoạt động khác, tốc độ xuất lượng của dây chuyền được “phụ thuộc” bởi xuất lượng của máy chậm nhất (hay máy sản xuất kém nhất). Vì vậy, giả sử xuất lượng thực tế của ba máy là 90, 110 và 100 sản phẩm mỗi giờ, thì xuất lượng của cả dây chuyền sẽ là:
Xuất lượng cả dây chuyền = 90 sản phẩm mỗi giờ x 0,77 = 69 sản phẩm mỗi giờ
Cách tăng Throughput, giảm Throughput Time
Tăng xuất lượng và giảm thời gian xuất lượng là những mục tiêu quan trọng đối với các nhà quản lý công ty. Dưới đây là 4 cách giúp doanh nghiệp tăng Throughput:
1. Xem xét lại quy trình hiện tại
Để thực hiện bất kỳ cải tiến nào, doanh nghiệp cần đánh giá lại hoạt động quy trình đang được thực hiện ra sao. Có ba yếu tố để đánh giá: Con người – Quy trình – Công nghệ.
- Con người: Chính là nhân viên lao động: Doanh nghiệp cần xem xét có đủ người với các kỹ năng cần thiết không? Họ đã được đặt đúng vị trí hay không?
- Quy trình: Doanh nghiệp bạn đã lập bản đồ quy trình chưa? Bạn đã xác định được vấn đề gây tắc nghẽn trong quy trình hoạt động của doanh nghiệp mình chưa?
- Công nghệ: Máy móc thiết bị của doanh nghiệp bạn có được sửa chữa tốt hay không? Công nghệ IT – OT bạn đang sử dụng có phù hợp với nhu cầu hiện tại hay không?
2. Loại bỏ những vấn đề gây tắc nghẽn
Sau khi bạn đã xem xét các quy trình hiện tại, và xác định được vấn đề tắc nghẽn tiềm ẩn, hãy tiến hành loại bỏ các nút thắt cổ chai bằng cách: Tạo các quy trình mới sao cho hợp lý với tình trạng hiện tại của nhà máy, thậm chí có thể loại bỏ hoàn toàn một quy trình và thay thế bằng một quy trình khác. Các giải pháp phù hợp sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: diện tích sàn nhà xưởng còn trống, chi phí thiết bị liên quan… Sử dụng thông tin bạn đã khám phá ở bước một để đưa ra quyết định sáng suốt.
3. Ứng dụng tự động hóa
Các tác vụ thủ công luôn có rủi ro cao do lỗi của con người với chi phí sản xuất và chi phí dành cho chuỗi cung ứng ở mức cao, tốn nhiều thời gian và ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Trong nhiều trường hợp, chỉ cần có công nghệ phù hợp là có khả năng tác động lớn đến năng suất.
Với việc tự động hóa các quy trình của nhà máy, các nhà sản xuất có thể dễ dàng tăng xuất lượng (throughput) và cải thiện chất lượng của cả sản phẩm và điều kiện làm việc.
Tính nhất quán, độ chính xác và loại bỏ các rủi ro tiềm ẩn cũng có thể thực hiện được nhờ tự động hóa.
4. Ứng dụng phần mềm quản lý
Triển khai các phần mềm quản lý như ERP hay MES kết hợp với ứng dụng công nghệ IoT có thể giúp doanh nghiệp giám sát thời gian thực và phân tích dữ liệu tức thì. Điều này hỗ trợ nhanh chóng xác định những điểm tắc nghẽn hoặc tình trạng bất thường trong sản xuất để có thể đưa ra các giải pháp đúng đắn kịp thời. Bên cạnh đó, một trong những lợi ích của ứng dụng phần mềm như hệ thống MES là có thể giúp bảo trì dự đoán, tránh tình trạng downtime (thời gian chết) và nâng cao xuất lượng (throughput) của máy móc cũng nhu toàn bộ nhà máy.
Nâng cao chỉ số Throughput (Xuất lượng) là một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp để cải thiện kết quả kinh doanh. Tuy nhiên để làm được điều này, doanh nghiệp cần ứng dụng nhiều giải pháp khác nhau với mục đích quan trọng nhất là xác định những “nút thắt cổ chai” trong quy trình sản xuất và tháo gỡ nó. Nếu doanh nghiệp của bạn đang cần tìm kiếm một giải pháp công nghệ để tối ưu hóa Throughput, hãy liên hệ ngay Hotline: 092.6886.855 để được tư vấn bởi chuyên gia của chúng tôi.