Tia UV còn được gọi với cái tên quen thuộc là tia cực tím. Loại tia này có tầm quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể tổng hợp vitamin D tự nhiên, phòng tránh nhiều bệnh tật như còi xương, ung thư ruột kết, vảy nến,… Đồng thời, nó còn giúp tâm trạng hưng phân hơn, ngăn ngừa trầm cảm. Thế nhưng, nếu chúng ta tiếp xúc nhiều với tia UV với cường độ mạnh sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề. Vậy tia UV có ở đâu? Những tác hại của loại tia này đối với sức khỏe như thế nào?
Tia UV là gì?
Theo lý giải của các chuyên gia, tia UV là tia tử ngoại có bước sóng thấp nhưng tần số cao. Mắt của chúng ta không thể nhìn thấy được loại tia này. Tia UV được phân chia thành ba loại lfa tia UVA, UVB và UVC. Trong đó, tia UVC phần lớn đã bị tầng Ozone hấp thụ, vì vậy, tia UV tác động đến cơ thể con người chủ yếu là tia UVA và UVB. Trong đó, tia UVA chiếm đến 95% và tia UVB là 5%.
Như đã nói ở đầu bài viết, tia UV có công dụng kích thích quá trình tổng hợp vitamin D tự nhiên, giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa còi xương và một số bệnh ngoài da. Thế nhưng, khi cơ thể chúng ta thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tia UV có cường độ mạnh, chúng sẽ gây ra không ít tác hại đối với sức khỏe và làn da.
Những tác hại của tia UV
Làm da sạm đen
Sắc tố Melanin càng nhiều thì da sẽ dễ bị đen sạm và không đều màu. Việc sắc tố Melanin tăng lên xuất phát từ quá trình sản sinh các tế bào sắc tố. Quá trình này bị thúc đẩy do tia UV tác động lên khi da bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Đẩy nhanh quá trình lão hóa da
Một trong những tác hại dễ nhận thấy nhất của tia UV đối với cơ thể chính là đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Khi tiếp xúc với tia tử ngoại trong một thời gian dài, biểu bì da sẽ bị thay đổi cấu trúc. Da bị mất nước sẽ trở nên khô hơn, dễ bong tróc, sần sùi. Bề mặt da xuất hiện nhiều nếp nhăn, độ đàn hồi và săn chắc kém, nhiều đốm sắc tố như tàn nhang, thâm nám,… Đây là kết quả của sự hao hụt Collagen do tia UV gây ra.
Ung thư da
Tác hại nặng nề nhất của tia UV chính là gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da như ung thư u hắc tố, ung thư tế bào biểu mô, ung thư biểu mô tế bào có vảy,… Trong đó, chiếm hơn 80% trường hợp ung thư da là ung thư biểu mô tế bào đáy. Bệnh lý này tăng trưởng chậm và hiếm di căn nhưng vẫn gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Ung thư biểu mô tế bào đáy thường được phát hiện ở các vị trí tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như cổ và đầu.
Đục thủy tinh thể và các bệnh về mắt
Ngoài ảnh hưởng đến làn da, tia UV còn tác động xấu đến thị giác. Khi mắt thường xuyên tiếp xúc với tia UV sẽ dễ bị đục thủy tinh thế. Đây là một dạng tổn thương mắt khi thủy tinh thể bị mờ dần, nếu không kịp thời điều trị sớm thì sẽ gây ra mù lòa vĩnh viễn. Bên cạnh đó, loại tia này còn tăng tỷ lệ mắc các bệnh về mắt khác như mộng thịt, ung thư vùng mí mắt, thoái hóa điểm vàng,…
Kích thích hình thành khối u ác tính
Theo như chúng ta biết rằng, các khối u ác tính hình thành từ các tế bào sắc tố, chúng dễ di căn và khiến tăng nguy cơ tử vong. Ở những vị trí thường xuyên tiếp xúc với tia UV trong thời gian dài sẽ dễ hình thành khối u ác tính hơn các nơi khác trên cơ thể. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất nguy cơ hình thành khối u ác tính là nhiều nốt ruồi xuất hiện với kích thước lớn hơn 2mm, ngứa hoặc đau ở các nốt ruồi có trước đó, hoặc nốt ruồi thay đổi màu sắc và kích thước.
Tia UV có ở đâu?
Vậy tia UV có ở đâu? Phần lớn tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Trong tia nắng mặt trời có hơn 10% tia cực tím khi chiếu xuống mặt đất. Loại tia này có thể xuyên qua mây hoặc các bề mặt khác, vậy nên ngay khi ở trong bóng râm, chúng ta vẫn chịu tác động bởi tia UV từ ánh nắng mặt trời chiếu xuống. Bên cạnh ánh nắng mặt trời, tia UV còn tìm thấy ở trong ánh sáng đèn huỳnh quang, đèn Halogen,…
Trong bài là những giải đáp cho thắc mắc tia UV có ở đâu và tác hại của loại tia này đối với sức khỏe. Nói chung, tia UV mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng chúng ta nên tránh để nó tác động trực tiếp trong thời gian dài. Điều này vô tình sẽ mang đến nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe và làn da của bạn. Hy vọng rằng qua các thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe và bảo vệ làn da của mình.
Bảo Vân
Nguồn: Vinmec