Hướng dẫn cách ươm tiêu giống đúng kỹ thuật – tỷ lệ nảy mầm cao. Cách nhân giống tiêu trong bài này sẽ đi sâu vào phương pháp sử dụng hom tiêu (dây tiêu lươn và dây tiêu ác) ươm trong bầu ươm. Vừa bảo đảm được đặc tính giống vừa nâng cao tỷ lệ sống so với các phương pháp nhân giống khác (vd: ươm từ hạt, ươm trên luống hoặc cắm trực tiếp hom tiêu ra trụ…)
A – Các điểm cần lưu ý trước khi nhân giống tiêu
Có bao nhiêu cách nhân giống tiêu?
Hiện tại theo ghi nhận của chúng tôi, có tổng cộng 3 cách nhân giống tiêu, cụ thể như sau
- Ươm từ hạt: Thu hoạch hạt tiêu (từ quả đã chín đỏ) sau đó ươm vào khay nhỏ hoặc luống đất tơi xốp. Cách này ít phổ biến, chủ yếu phục vụ cho mục đích nghiên cứu
- Ghép tiêu: Sử dụng cành ghép lấy từ những giống tiêu năng suất, ghép lên những cây có cùng họ (vd: trầu không, trầu rừng, tiêu lốt, tiêu dại…) Cách này rộ lên trong những năm 2000 ~ 2010, mục đích lợi dụng vào sức sinh trưởng và kháng bệnh của gốc ghép, tuy nhiên không thực sự hiệu quả, chi phí nhân giống cao, kỹ thuật thực hiện phức tạp, nên hiện nay cũng ít phổ biển.
- Ươm tiêu từ hom: Cách này phổ biến nhất (bài viết hôm nay cũng sẽ đi sâu vào cách này). Ưu điểm là chi phí rẻ, thời gian nhân giống nhanh, đặc tính cây bảo đảm 100%. Có thể ươm được cả dây lươn và dây ác
Tiêu lươn là gì? Tiêu ác là gì?
Như đã nêu ở phần trên, kỹ thuật ươm tiêu bằng cách giâm hom có thể áp dụng được cho cả dây lươn và dây ác. Vậy tiêu lươn – tiêu ác là gì?
- Tiêu lươn (dây lươn): Là phần dây tiêu thẳng chưa phân cành, đốt dài nhỏ, các mắt chưa có hoặc ít rễ bám, thường còn màu xanh trên vỏ, chúng có thể là những dây bò trên mặt đất hoặc dây thòng ra từ trụ (do hết chỗ đeo bám).
- Tiêu ác (dây ác): Là phần dây tiêu đã phân cành, vỏ đã chuyển sang màu xám và sần sùi, đốt ngắn mập, các mắt nhiều rễ, thường là những dây chính trên trụ tiêu.
Nên ươm tiêu lươn hay tiêu ác?
Để có câu trả lời chính xác cho câu này, mời bà con cùng điểm qua vài ưu và nhược điểm của 2 loại tiêu kể trên.
- Tiêu lươn – Ưu điểm: Dễ tìm, giá dây tiêu giống rẻ, có thể nhân giống được số lượng nhiều hơn. Nhược điểm: Tỷ lệ nảy mầm không cao, sau khi trồng thì lâu phủ trụ, lâu thu hoạch hơn.
- Tiêu ác – Ưu điểm: Tỷ lệ nảy mầm cao, sau khi trồng thì cây phát triển rất nhanh, thời gian thu hoạch sớm. Nhược điểm: Chi phí nhân giống cao, đôi khi rất khó tìm được giống, phần thân lúc nhân giống đã già, nên dễ tiềm ẩn nấm bệnh, tuổi thọ cây ngắn hơn.
B – Chi tiết kỹ thuật ươm tiêu giống bằng cách giâm hom
Chuẩn bị đất và bầu ươm tiêu
Sử dụng đất thịt tơi xốp, trộn thêm trấu và phân chuồng xay mịn (loại phân chuồng đã hoai). Sao cho hỗn hợp đất ươm bầu vừa có độ mịn nhưng vẫn đảm bảo thoát nước tốt nhất. Sau đó dùng loại túi ươm 10-12 (đối với tiêu lươn) hoặc túi ươm 14-16 (đối với tiêu ác) đóng bầu và ở vị trí khô ráo, bằng phẳng. Phía trên cần có lưới che nắng, xung quanh thông thoáng, nhưng đủ kín gió. Khi xếp bầu ươm chiều dài tùy ý, nhưng chiều rộng không nên quá 1,2m. Nếu có nhiều luống ươm, nên chừa lối đi ít nhất 60cm để thuận tiện cho việc đi lại, chăm sóc, tưới tiêu…
Thời điểm cắt hom tiêu và bảo quản dây tiêu
Thích hợp nhất là khoảng tháng 11 đến hết tháng 1 Âm Lịch. Giai đoạn này đang là mùa khô nên cây không đi nhiều đọt non, tỷ lệ sống khi giâm hom sẽ cao hơn, ngoài ra nấm bệnh giai đoạn này cũng ít. Nên chọn ngày khô ráo nhưng không nắng quá gắt để cắt dây tiêu. Sau khi cắt xong nếu thuận tiện thì nên tiến hành cắt thành hom để ươm ngay, trường hợp chưa thực hiện được hoặc phải vận chuyển đi xa, thì nên bó thành bó lớn, phía ngoài bọc kỹ bằng bao, bạt, vải… giữ độ ẩm vừa đủ tránh để tiêu héo hoặc ngậm nước quá cũng không tốt
Cách cắt hom và cắm hom tiêu giống
Dây tiêu giống cần chọn những dây không quá non, không quá già, thường gọi là dây tiêu bánh tẻ. Tiêu lươn cắt hom 1-3 mắt. Tiêu ác cắt hom 3-5 mắt. Cắt bằng kéo cắt cành loại sắc, không làm dập vết cắt. Sau khi cắt xong thì ngâm với dung dịch kích rễ theo liều lượng và hướng dẫn đúng trên bao bì sản phẩm.
Trước khi cắm hom, cần tưới đẫm bầu ươm, khi cắm nên cắm dứt khoát, không nhổ lên cắm lại nhiều lần. Tiêu lươn mỗi bầu cắm 3 hom, tiêu ác mỗi bầu cắm 1-2 hom. Sau khi cắm thì tưới lại cho đẫm và duy trì độ ẩm vừa phải cho đến khi tiêu nảy mầm (khoảng 10-20 ngày)
Chăm sóc tiêu giống
Từ lúc cắm hom đến khi xuất vườn thường khoảng 3-6 tháng, trong thời gian này cần thường xuyên dọn cỏ trên luống và lối đi, duy trì độ ẩm tránh tiêu bị khô mầm. Định kỳ 10-15 ngày phun các loại thuốc chống nấm bệnh, sâu bọ chích hút. Bổ sung thêm các loại phân bón lá cho cây phát triển nhanh. Khoảng 1-2 tuần trước khi đem tiêu đi trồng, cần tiến hành tập nắng cho tiêu, để cây cứng cáp và đảm bảo tỷ lệ sống cao.
Như vậy vừa rồi chúng ta đã cùng nhau điểm qua các bước trong kỹ thuật ươm tiêu, nhân giống dây tiêu. Bà con còn vướng mắc hoặc cần giải đáp thêm, xin để lại bình luận ở phần bên dưới bài viết. Trong trường hợp bà con không có thời gian để hoặc gặp những khó khăn trong quá trình ươm tiêu mà vẫn có nhu cầu mua tiêu giống. Hãy liên hệ và ủng hộ vườn ươm của chúng tôi theo thông tin sau
Tìm kiếm : ky thuat uom tieu, cách ươm tiêu giống, ky thuât ươm tiêu ac, cach uom tieu, cách ươm tiêu ác, kỷ thuật ươm tiêu lươn, cach uom tieu luon, kỹ thuật ươm tiêu giống, kỹ thuật cắt dây tiêu, uom tieu