Tim nằm bên nào? Làm thế nào để tim luôn khỏe mạnh?

Tim người nằm ở đâu

Trái tim giữ vai trò vô cùng quan trọng, giúp mang máu và oxy đi nuôi cơ thể. Quả tim được bao bọc bởi lồng ngực. Nhiều người thường lầm tưởng rằng tim nằm bên trái ngực nhưng thực tế lại không phải như thế. Những thông tin trong bài viết này sẽ giúp bạn biết chính xác tim nằm bên nào và cách để duy trì một quả tim khỏe mạnh.

Giải đáp thắc mắc: Tim nằm bên nào?

Hình dạng của quả tim tựa như một bàn tay đang nắm chặt lại. Tim người nằm phía trước ngực, nằm trọn trong lồng ngực, trọng lượng khoảng 300g. Vì thế, vị trí chính xác của trái tim là giữa 2 lá phổi, dưới lồng xương sườn, hơi hướng về phía bên trái.

Quả tim nằm hơi lệch về phía trái của xương ức, giữa điểm nối của xương sườn thứ 4 và thứ 5, gần khớp nối của xương sườn với sụn sườn. Phần mặt trước tim nằm sâu gần xương ức, trong khi mặt sau nằm gần thân của các đốt sống. Cạnh phải của tim lệch về phía trước, cạnh trái tim lệch về phía sau.

Trung thất là khoang trung tâm nằm ở vị trí trong lồng ngực, giữa các khoang màng phổi. Trái tim nằm trong khoang giữa trung thất. Trong đó, tim được ngăn cách với các bộ phận khác nhờ màng cứng có tên là màng ngoài tim, nằm trong không gian riêng có tên là khoang màng ngoài tim.

Màng ngoài tim gồm 2 lớp, cấu tạo như một chiếc túi bao quanh tim nhằm bảo vệ tim. Nó tạo ra chất lỏng bôi trơn tim, giữ tim không bị cọ xát với những cơ quan khác. Lớp ngoài của màng ngoài tim bao quanh rễ các mạch máu chính của tim, được dây chằng gắn với cơ hoành, cột sống cùng bộ phận khác của cơ thể. Lớp trong của màng ngoài tim gắn với cơ tim. Hai lớp màng ngoài tim có một lớp chất lỏng bao phủ, cho phép tim chuyển động khi đập.

Cấu tạo và chức năng của tim

Tim là một trong các cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, được tạo ra từ một loại cơ đặc biệt có tên gọi là cơ tim. Tim người có 4 phần bao gồm:

  • Nửa trên: Tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Hai tâm nhĩ này có thành mỏng, có vách liên nhĩ ngăn cách. Nhĩ phải có nhiệm vụ đưa máu đổ về từ tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới xuống tâm thất phải. Nhĩ trái nhận máu từ phổi trở về và đưa xuống tâm thất trái.
  • Nửa dưới: Tâm thất trái và tâm thất phải. Tâm thất có thành dày, có vách liên thất ngăn cách, chịu trách nhiệm bơm máu vào động mạch. Máu được tâm thất phải bơm vào động mạch phổi, từ đây máu nhận oxy và thải khí CO2. Tâm thất trái có vai trò bơm máu lên cung động mạch chủ, từ đó máu sẽ đi khắp cơ thể.

Trong hệ thống tim mạch, tim bơm oxy và máu chứa chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể, duy trì sự sống. Tim đập liên tục khoảng 100.000 lần mỗi ngày, bơm 5 – 6 lít máu mỗi phút. Trong suốt cuộc đời con người, tim hoạt động liên tục và không ngừng nghỉ. Trong trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn, tim đập 50 – 99 lần mỗi phút. Khi con người hoạt động mạnh, gặp vấn đề tâm lý, trong trạng thái tức giận hoặc dùng thuốc thì tim sẽ đập nhanh hơn bình thường.

Nguyên nhân dẫn đến đau tim

Tim giữ vai trò chủ chốt trong cơ thể nên bạn hãy bảo vệ sức khỏe tim mạch. Dưới đây là những nguyên nhân gây đau tim:

  • Lạm dụng thuốc, chất kích thích như methamphetamine, cocain, amphetamine có khả năng làm thu hẹp động mạch vành, giảm máu ở cơ tim, làm đau tim. Cơn đau tim do dùng cocain là một trong những nguyên nhân gây đột tử phổ biến ở người trẻ.
  • Thiếu oxy trong máu: Khi phổi bị suy giảm chức năng hoặc ngộ độc khí CO, cơ tim sẽ không có oxy để hoạt động dẫn đến tổn thương và đau tim.
  • Thói quen xấu: Căng thẳng, nghiện thuốc lá, vận động quá sức… là những thói xấu gây đau tim.
  • Bệnh lý như mạch vành, mỡ máu, tiểu đường là nguyên nhân gây đau tim.

Những bệnh lý liên quan đến tim

Khi đã hiểu rõ chức năng và vị trí tim nằm bên nào, bạn sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì một trái tim khỏe mạnh. Tại Mỹ, bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong không phân biệt giới tính và độ tuổi.

Những bệnh lý phổ biến về tim bao gồm:

  • Rung tâm thất: Nhịp tim đập không đều trong tâm thất.
  • Rung tâm nhĩ: Nhịp tim đập không đều trong tâm nhĩ.
  • Rối loạn nhịp tim: Tim đập bất thường, chẳng hạn như tim đập quá chậm, quá nhanh hoặc đập không đều.
  • Bệnh cơ tim: Cơ tim to ra, dày lên hoặc cứng bất thường.
  • Suy tim: Tim quá yếu, không thể bơm máu đi khắp cơ thể.
  • Hẹp động mạch vành: Tích tụ mảng bám gây hẹp động mạch vành.
  • Nhồi máu cơ tim: Động mạch vành đột ngột tắc nghẽn cắt oxy đến một phần cơ tim dẫn đến đau tim.
  • Viêm màng ngoài tim: Màng bao quanh tim bị nhiễm trùng.
  • Đau thắt ngực.
  • Hẹp van tim, hở van tim.
  • Huyết áp cao, cholesterol cao.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Đột quỵ.

Cách để có một trái tim khỏe mạnh

Nếu mắc bệnh về tim, bạn hãy tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng chỉ định. Bên cạnh đó, bạn cần thay đổi lối sống để trang bị cho mình một quả tim khỏe mạnh. Chúng bao gồm:

  • Tập thể dục: Mỗi ngày, bạn hãy dành 30 phút tập thể dục, 5 lần mỗi tuần. Bạn nên bắt đầu với cường độ thấp rồi tăng dần cường độ và thời gian lên. Bạn có thể chọn các bộ môn yêu thích như yoga, bơi lội, thiền… để luyện tập hàng ngày.
  • Bỏ hút thuốc lá để tránh bị xơ vỡ động mạch vành.
  • Ngủ đủ 7 – 8 tiếng một ngày.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh với rau củ quả, thịt cá, hạn chế ăn muối và chất béo trong thức ăn nhanh để tránh tăng cholesterol, tăng huyết áp, gây hại đến hệ tim mạch.
  • Giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng, thư giãn đầu óc bằng những bài tập nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, một giải pháp hiệu quả giúp giảm stress là dành thời gian đi tán gẫu với bạn bè.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích.

Mong rằng những chia sẻ từ nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn có được lời giải đáp cho thắc mắc tim nằm bên nào trong cơ thể con người. Nhận thức rõ về cấu trúc, chức năng của quả tim sẽ giúp bạn có ý thức giữ gìn, bảo vệ sức khỏe tim mạch, xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp