Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam là một hội Phật giáo xuất hiện ở Nam Bộ vào năm 1934, do đức tôn sư Minh Trí sáng lập. Ông tên thật là Nguyễn Văn Bồng (1886 – 1958) người làng Tân Mỹ, Tổng An Thạnh Thượng, Sa Đéc (Đồng Tháp). Thuở nhỏ, ông mồ côi cha mẹ, được chị nuôi dưỡng, cho đi học trường làng. Nhờ vậy sau này ông có điều kiện tìm hiểu về Nho học và y học. Năm 1905, ông lập gia đình nhưng không quên con đường tự tu, tự giác, tự ngộ, tự độ. Với phương châm lấy sự giáo hóa của Phật làm sự giáo hóa cho mình và theo tôn chỉ từ bi, bác ái, tự giác, giác tha… Năm 29 tuổi, ông lên đường thực hiện lý tưởng. Năm 1919, ông mượn nghề hốt thuốc để vừa chữa bệnh cứu đời vừa hoằng truyền giáo lý. Giáo lý của đức Phật đã được ông cụ thể hóa bằng phương pháp thực hành. Không lâu sau ngày thành lập, Phật tử khắp miền Hậu Giang tôn ông là Đức tôn sư. Bên cạnh việc chữa bệnh, hoằng truyền giáo lý, Đức tôn sư còn có những hoạt động xã hội khác như việc xây cầu, đắp đường, dựng trạm y tế khoa Nam dược, phục vụ thiết thực cho sức khỏe của người dân.
Tịnh Độ tông là tông phái Phật giáo dùng pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh. Pháp môn này được ông chọn làm phương pháp tu hành vì nó dễ áp dụng đối với mọi người. Cư sĩ là người tu tại gia không bắt buộc từ bỏ gia đình, xuống tóc. Tuy nhiên trong Hội vẫn có người xuất gia. Ông nêu bật tôn chỉ “Phước Huệ song tu” nghĩa là cùng lúc thực hành tu Phước và tu Huệ. Theo ông, đạo đức phải được xem là nền tảng của xã hội. Các chùa ở địa phương được đặt tên thống nhất chữ đầu là Hưng chữ cuối là Tự, ở giữa thay đổi tên riêng, là địa danh của vùng. Từ khi thành lập, Tịnh Độ cư sĩ Phật hội Việt Nam đã có gần 200 ngôi chùa toàn miền Nam, chùa nào cũng có phòng hốt thuốc bên cạnh.
Đức tôn sư Minh Trí viên tịch ngày 22 tháng 8 âm lịch. Mộ được đặt tại Hưng Minh tự (quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh). Từ đây, Hưng Minh tự được xem là Tổ đình của Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam.
Tôn sư Minh Trí, người sáng lập Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là một hội Phật học. Đường hướng tu hành và cách tổ chức sinh hoạt có nét riêng. Trong việc tổ chức và xây dựng cơ sở thờ tự, cũng được Đức tôn sư Minh Trí đề ra theo một quy cách chung. Trên 200 ngôi chùa khắp miền Nam có tên chùa đều được đặt thống nhất chữ đầu là Hưng, chữ cuối là Tự, ở giữa là địa danh nơi cất chùa. Như ở Gia Định có Hưng Gia Tự. Riêng tổ đình Hưng Minh Tự thì chữ giữa được chọn tên Đức tôn sư Minh Trí, người sáng lập hội.
Trong ngôi chùa của Tịnh độ Cư sĩ Phật học hội có sự khác biệt với ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Bắc tông. Nếu như trong ngôi chùa theo Phật giáo Bắc tông, ngoài vị Phật được thờ ở vị trí trung tâm tại chính điện, còn thờ cả các La Hán, Bồ tát, các vị thần… Trong khi đó chùa thuộc Tịnh độ Cư sĩ Phật học hội chỉ thờ duy nhất đức Phật A Di Đà trên chính điện, vì theo quan niệm A Di Đà là vị Phật ngự ở cõi Tịnh thổ, Tây Phương cực lạc. Những ai có tâm thành, cầu nguyện danh hiệu của ngài sẽ được vãng sinh về cõi ấy sau khi chết. Tịnh độ tông là tông phái đi theo tôn chỉ và mục đích này.