Bạn là người yêu thích làm việc vì cộng đồng và sẵn sàng chia sẻ những gì mình có để giúp đỡ người khác? Bạn muốn trải nghiệm những điều thú vị và mới lạ? Bạn muốn phát triển bản thân và kĩ năng của mình? Nếu câu trả lời là có, bạn nên tham gia các hoạt động tình nguyện. Qua bài viết dưới đây, hãy cùng VEO tìm hiểu tình nguyện là gì và những điều nên biết về hoạt động tình nguyện trước khi tham gia nhé!
Tình nguyện là gì
Định nghĩa về tình nguyện của Unesco: “Tình nguyện là hoạt động của một người hoặc một nhóm người sử dụng thời gian, sức lực, kỹ năng, hiểu biết của mình để đóng góp cho cộng đồng, vì những mục đích tốt, từ đó để đạt được các kỹ năng, hiểu biết mới.”
Đôi lúc chúng ta hiểu đơn giản tình nguyện là tự nguyện nhưng thực ra tự nguyện chỉ là một yếu tố nhỏ trong “tình nguyện”. Tự nguyện là tinh thần tự giác tham gia một việc gì đó mang tính chất cá nhân nhiều hơn. Dựa trên tinh thần tự nguyện chúng ta làm những việc có ích cho người khác, cho cộng đồng, đó mới là tình nguyện.
Như vậy, có thể hiểu rằng “Tình nguyện” là hành động tự nguyện dành thời gian, công sức và kỹ năng của mình để giúp đỡ những người hoặc những vấn đề xã hội mà bạn quan tâm mà không màng lợi ích cá nhân hay vật chất.
Độ tuổi thích hợp để tham gia hoạt động tình nguyện
Làm tình nguyện là một cách để chia sẻ yêu thương và giúp đỡ những người hoặc những vấn đề xã hội mà bạn quan tâm. Làm tình nguyện không chỉ mang lại lợi ích cho người được giúp đỡ mà còn cho chính bạn. Bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm những điều mới lạ và thú vị, phát triển bản thân và kỹ năng của mình.
Vậy bạn có thể làm tình nguyện ở độ tuổi nào? Câu trả lời là không có một độ tuổi cụ thể nào để làm tình nguyện. Bạn có thể làm tình nguyện viên ở bất kỳ lứa tuổi nào miễn là bạn có lòng yêu thương và muốn chia sẻ với những người khác. Tuy nhiên, một số hoạt động tình nguyện có thể có yêu cầu về độ tuổi phù hợp cho các tình nguyện viên.
Ví dụ, để trở thành tình nguyện viên online của Liên Hợp Quốc (UNV), bạn phải từ 22 tuổi trở lên cho các nhiệm vụ tình nguyện quốc gia và ít nhất 25 tuổi cho các nhiệm vụ tình nguyện quốc tế. Đây là những hoạt động tình nguyện yêu cầu bạn phải có kinh nghiệm và kiến thức trong các lĩnh vực như nghiên cứu, dịch thuật, giảng dạy, nghệ thuật, thiết kế,…
Với các hoạt động tình nguyện trong nước, độ tuổi thích hợp để tham gia thường là từ cấp 3 trở lên vì đây là độ tuori mà các bạn học sinh đã có đầy đủ nhận thức để lựa chọn tham gia hay không. Với các chương trình tình nguyện ở nước ngoài, hầu hết các hoạt động cũng được đưa ra cho người từ 16 tuổi trở lên.
Lợi ích của hoạt động tình nguyện
Trên thực tế, “cho đi là nhận lại”, tham gia các hoạt động tình nguyện không chỉ mang lại lợi ích cho người được giúp đỡ mà còn có rất nhiều lợi ích cho chính bản thân các bạn trẻ. Dưới đây là một số lí do để bạn không bỏ qua cơ hội này:
Tham gia các hoạt động tình nguyện giúp bạn phát triển kỹ năng và kiến thức
Nếu bạn đang xem xét thử sức ở một lĩnh vực mới thì tham gia hoạt động tình nguyện có thể giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn quan tâm và gặp gỡ mọi người trong lĩnh vực này. Ngay cả khi bạn không có kế hoạch thay đổi nghề nghiệp thì hoạt động tình nguyện cũng sẽ mang đến cho bạn cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ nhiều con người khác trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa… để tìm được con đường phù hợp với bản thân trong tương lai. Bạn cũng có thể áp dụng những kỹ năng đã học được khi làm tình nguyện vào công việc và học tập của mình: kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, lập dự án,…
Tham gia các hoạt động tình nguyện giúp bạn kết nối với mọi người
Một trong những lợi ích rõ ràng nhất của hoạt động tình nguyện là tác động đến cộng đồng. Hoạt động tình nguyện cho phép bạn có cơ hội gặp gỡ và làm quen với nhiều người mới, từ đó mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Bạn cũng có thể tìm được những người bạn đồng điệu, có chung sở thích và đam mê với mình. Ngay cả việc giúp đỡ từ những nhiệm vụ nhỏ nhất cũng có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của con người, động vật và các tổ chức đang gặp khó khăn. Dành thời gian đi tình nguyện sẽ giúp bạn có thêm nhiều người bạn mới, mở rộng mạng lưới và nâng cao kỹ năng xã hội của mình.
Tham gia các hoạt động tình nguyện giúp bạn cải thiện sức khỏe
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hoạt động tình nguyện có một số lợi ích sức khỏe tâm thần, giảm nguy cơ trầm cảm và giảm căng thẳng tổng thể. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng việc giúp đỡ người khác mang lại niềm vui vô cùng. Càng cho nhiều, chúng ta càng hạnh phúc. Hoạt động tình nguyện còn giúp bạn duy trì sự năng động và linh hoạt của cơ thể, đặc biệt khi bạn tham gia vào các hoạt động liên quan đến vận động.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về 10 lợi ích bất ngờ của hoạt động tình nguyện
Những khó khăn có thể gặp khi tham gia hoạt động tình nguyện
Tham gia hoạt động tình nguyện là một cách để chia sẻ yêu thương và giúp đỡ những người cần. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng để làm điều này. Có những khó khăn mà các tình nguyện viên có thể gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
Thiếu nguồn lực và hỗ trợ
Một trong những khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn lực và hỗ trợ. Nhiều tổ chức tình nguyện hoạt động với kinh phí eo hẹp và thiếu nhân lực. Điều này khiến cho các tình nguyện viên phải làm việc với áp lực cao và thiếu thiết bị cần thiết. Hơn nữa, không phải ai cũng hiểu và ủng hộ công việc của các tình nguyện viên. Có những người cho rằng họ chỉ làm việc vì danh tiếng hoặc lợi ích cá nhân.
Tình huống khẩn cấp
Một khó khăn khác là gặp phải những tình huống khẩn cấp và bất ngờ. Các tình nguyện viên có thể phải đối mặt với những hoàn cảnh đau thương, bạo lực hoặc tai nạn trong khi giúp đỡ những người khác. Họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh hoặc xung đột chính trị. Điều này đòi hỏi các tình nguyện viên phải có sự linh hoạt, sáng suốt và kiên cường để vượt qua.
Sự cam kết
Một khó khăn nữa là duy trì sự nhiệt huyết và cam kết. Các tình nguyện viên có thể gặp phải sự mất niềm tin, nản lòng hoặc căng thẳng khi không nhận được kết quả mong muốn hay gặp phải sự chê bai hay chỉ trích từ xã hội. Họ cũng có thể bị sao nhãng bởi công việc hay cuộc sống cá nhân của mình. Để duy trì được sự nhiệt huyết và cam kết, các tình nguyện viên cần có mục tiêu rõ ràng, niềm tin vào giá trị của công việc mình làm và sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Các kĩ năng cần thiết khi tham gia tình nguyện
Tình nguyện là một công việc đòi hỏi nhiều kĩ năng khác nhau ở người tham gia. Dưới đây là một số kĩ năng quan trọng mà các tình nguyện viên cần có:
Kĩ năng giao tiếp
Làm tình nguyện viên có nghĩa là phải liên lạc với nhiều người khác nhau, từ những người cần giúp đỡ cho đến những người hỗ trợ. Các tình nguyện viên cần biết cách lắng nghe, thấu hiểu và trao đổi với những người này một cách tôn trọng và thân thiện. Họ cũng cần biết cách sử dụng các phương tiện giao tiếp khác nhau, từ điện thoại cho đến email hay mạng xã hội.
Kĩ năng hợp tác
Làm tình nguyện viên thường là làm việc theo nhóm. Các tình nguyện viên cần biết cách phối hợp với các thành viên khác trong tổ chức hoặc dự án của mình. Họ cần biết cách chia sẻ ý kiến, góp ý và nhận xét một cách xây dựng. Họ cũng cần biết cách giải quyết các xung đột hoặc bất đồng nếu có.
Kĩ năng tự quản
Làm tình nguyện viên có thể không có sự giám sát hay chỉ dẫn rõ ràng từ ai. Các tình nguyện viên cần biết tự quản lý thời gian, công việc và tài nguyên của mình. Họ cần biết xác định ưu tiên, lập kế hoạch và thực hiện các bước hành động. Họ cũng cần biết tự kiểm tra và đánh giá kết quả của công việc mình làm.
Kĩ năng sáng tạo
Làm tình nguyện viên có thể gặp phải những vấn đề mới hoặc khó khăn không lường trước. Các tình nguyện viên cần biết sử dụng sự sáng tạo để giải quyết các vấn đề này. Họ cần biết suy nghĩ ra các giải pháp mới hoặc hiệu quả hơn cho những hoàn cảnh khác nhau. Họ cũng cần biết thích ứng và linh hoạt với những thay đổi hay bất trắc.
Bạn có thể xem thêm Những kĩ năng cần thiết khi tham gia tình nguyện: Định nghĩa và ví dụ cụ thể
Lời kết
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về hoạt động tình nguyện. Và nếu bạn đang có ý định trở thành tình nguyện viên nhưng chưa biết tìm kiếm các tổ chức tình nguyện uy tín thì bạn có thể tham khảo ngay:
- 5 tổ chức tình nguyện uy tín tại TP Hồ Chí Minh
- 4 tổ chức tình nguyện tại Hà Nội
- Những tổ chức tình nguyện quốc tế giúp bạn vi vu khắp nơi