Để hiểu thẻ Title là gì, hiển thị ở đâu trên website là không khó.
Nhưng học để nắm vững cách viết thẻ Title thế nào để đạt được cả 2 mục đích dưới đây thì lại là chuyện khác:
- Title cần chuẩn SEO, giúp trang webpage lên Top Google
- Title phải cuốn hút mạnh, khiến người dùng không thể không nhấp vào trang
Trong bài viết này, tôi sẽ giải thích cặn kẽ những cách thức bạn có thể áp dụng để đạt được hiệu quả nêu trên.
Nhưng trước hết thì tôi cũng nên nêu qua về khái niệm…
Thẻ Title là gì vậy?
Thẻ Title là thẻ nhan đề của trang web (webpage), cung cấp thông tin chủ đề của trang viết về vấn đề gì. Nhiều người quen gọi đây là “tiêu đề”, mặc dù từ đó chưa được chính xác lắm.
Trong phần mã web, thì thẻ này được đặt trong thẻ <head> của mỗi trang webpage, và có cú pháp như sau:
<title> Ví dụ về thẻ Title trang – Vidu.com</title>
Thẻ này đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược SEO website. Việc bị thiếu, lặp lại, hay viết dở nội dung Title đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả tối ưu hóa.
Và tôi chắc rằng bạn không muốn điều đó xảy ra với website của mình, đúng không?
Vậy thì bạn gắng đọc hết bài viết này nhé. Sẽ rất nhiều chi tiết thú vị và hữu ích xung quanh chủ đề này.
Ghi chú: thực ra thẻ title nên gọi là “nhan đề”, và các thẻ heading là “tiêu đề”. Tuy nhiên, hiện nay cách gọi rất phổ biến hiện nay cho cả 2 loại thẻ này đều là “tiêu đề”. Vì vậy trong bài viết này, tôi cũng sử dụng cách này cho các bạn dễ tiếp nhận.
Nội dung thẻ tiêu đề hiển thị ở đâu?
Bạn có thể thấy tiêu đề được hiển thị ở 3 vị trí:
1. Trên thanh bar ở trên cùng của cửa sổ trình duyệt:
2. Trong trang kết quả tìm kiếm, font chữ lớn, kèm đường link màu xanh khá nổi bật để thu hút người dùng nhấp chuột vào trang web:
3. Trên các mạng xã hội như Facebook, khi bạn chia sẻ URL, thường sẽ thấy hiển thị Tiêu đề trang kèm đường link dẫn tới website, cùng mô tả tóm tắt, và ảnh đại diện:
Phân biệt thẻ Title với H1
Thường nhiều người hay gọi cả 2 thẻ này là “tiêu đề”, nên dễ gây nhầm lẫn. Về thực chất thì đây là 2 khái niệm khác nhau, cụ thể:
- Thẻ Title: là tiêu đề của trang web, nằm trong thẻ <head>
- Thẻ H1: thường là tiêu đề của bài viết, đặt bên trong thẻ <body> là phần hiển thị nội dung trang. Theo tôi nên dùng từ “đề mục” cho các thẻ Heading, từ H1 đến H6.
Trong thực tế, nhiều bạn để nội dung thẻ title và h1 giống nhau, nhất là với những trang bài viết. Điều đó cũng không sao. Tuy nhiên, khi cần thì vẫn nên viết nội dung khác nhau để phục vụ mục đích riêng của từng thẻ.
Quay lại nội dung của title.
Với vai trò bao quát như vậy, nội dung tiêu đề là một trong những tiêu chí SEO OnPage quan trọng nhất, mà cũng dễ tối ưu nhất. Hầu hết các website đều được thiết kế cho phép quản trị viên có quyền truy cập CMS (hệ thống quản trị nội dung) để tự viết & chỉnh sửa được nội dung của Title.
Đến đây chắc hẳn bạn đã hiểu rõ thẻ Title là gì. Vấn đề là làm thế nào để ứng dụng cho hiệu quả mà thôi.
Nghĩa là bạn cần nắm được…
Title chuẩn và hay có tác dụng gì?
Việc tối ưu hóa tiêu đề có tác dụng cơ bản:
- Góp phần tăng thứ hạng trang web của bạn, cùng với những yếu tố SEO khác.
- Tăng tỉ lệ người dùng nhấp vào trang của bạn. Tỉ lệ này gọi là CTR (Click Through Rate). CTR càng cao thì nghĩa là người dùng “thích” trang, do đó trang của bạn dễ được cỗ máy tìm kiếm thăng hạng.
- Góp phần tăng lượng truy cập vào trang, đọc nội dung, và làm theo điều bạn mong muốn như: điền form, gọi điện, đặt hàng… Nghĩa là đem đến cho bạn lợi ích thực sự.
- Dễ nhận biết trên trình duyệt, nhất là khi người dùng mở nhiều tab trên cùng trình duyệt, họ sẽ lần vết trang của bạn.
- Có thể Hiển thị Title trang theo webpage khi bạn chia sẻ URL trên một số mạng xã hội như Facebook, Twitter… Đồng thời, bạn có thể tối ưu các thẻ title riêng trên chính những trang mạng xã hội đó, để tối đa lợi ích của mình.
Cách viết Title chuẩn SEO và cuốn hút người đọc
Tôi muốn tách biệt 2 ý chính để nhấn mạnh: (1) chuẩn SEO, và (2) hấp dẫn người đọc.
Title chuẩn SEO là thế nào?
Tiêu đề trang cần được viết theo những quy tắc nhất định gọi là chuẩn SEO, để tăng tính thân thiện với công cụ tìm kiếm (như Google). Như vậy, cùng với những yếu tố SEO khác, Title chuẩn góp phần đưa trang của bạn lên Top Google.
Thẻ title cần đáp ứng được những yêu cầu sau để đảm bảo tính chuẩn SEO:
- Độ dài nội dung thẻ title: thường bị giới hạn 600 pixel chứ không theo số ký tự. Google thường cho hiển thị khoảng 50-70 ký tự đầu tiên, tùy theo loại tìm kiếm và thiết bị người dùng đang sử dụng. Bạn nên viết tiêu đề trong khoảng 50-65 ký tự là vừa phải.
- Nếu tiêu đề bỏ trống, không có ký tự nào: Google sẽ dùng thuật toán tự tạo ra tiêu đề cho trang của bạn khi hiển thị trên trang kết quả. Có thể sẽ chỉ là tên website hay domain của bạn. Theo cách này, bạn sẽ không kiểm soát được nội dung tiêu đề và do vậy tính lôi cuốn sẽ không cao.
- Nếu tiêu đề dài quá, thì khi hiển thị trên trang kết quả Google, sẽ bị xén bớt và thay bằng dấu ba chấm (…) ở cuối. Như ví dụ trong hình dưới: dấu 3 chấm thay cho từ “Lan” của “Thái Lan” bị vượt quá độ dài.
- Ngược lại, nếu tiêu đề ngắn quá, Google tự động bổ sung vào cuối một cụm từ mặc định (tên miền, tên website…), tương tự như trường hợp tiêu đề bỏ trống. Trong ví dụ dưới đây, kết quả thứ 1 và 3 có thêm tên miền Zing.vn và Vntrip.vn cuối nội dung tiêu đề.
Để giúp bạn kiểm tra trực quan, tôi viết 1 tool xem trước tiêu đề trên trang kết quả tìm kiếm.
- Chứa từ khóa chính của trang: Về nguyên tắc, mỗi trang webpage nên tập trung cho 1 từ khóa nào đó cần làm SEO. Từ khóa này phải được đưa vào thẻ Title, nhưng chỉ nên xuất hiện 1 lần, và tối đa không quá 2 lần. Nếu tiêu đề không chứa từ khóa chính, nghĩa là đã bị “lỗi SEO”. Nhưng khi bạn dùng quá 2 lần, thì dễ bị bắt lỗi spam. Từ khóa được đặt ở ngay đầu tiêu đề là lý tưởng nhất. Còn nếu điều đó không khả thi, thì đặt càng gần đầu tiêu đề càng tốt cho SEO. Về ảnh hưởng của vị trí từ khóa trong thẻ Title đến thứ hạng của trang, bạn có thể tham khảo thêm thử nghiệm của Tiến sĩ Marie Haynes trong bài viết Is the order of keywords in the title tag important? An SEO experiment. Tôi tạm dịch là: Vị trí của từ khóa trong thẻ Title có quan trọng không? Một thử nghiệm SEO.
- Đặt cho mỗi trang một tiêu đề duy nhất, không bị trùng với trang khác. Điều đó giúp Google nhận biết rõ hơn chủ đề của từng trang, tránh đánh lỗi trùng lặp nội dung, và nhờ đó tăng tỉ lệ CTR.
Ghi chú: thỉnh thoảng bạn cũng có thể thấy có trường hợp mặc dù đã có thẻ Title đầy đủ nội dung, nhưng theo quy định và khi thấy cần thiết, Google vẫn có thể tự thay đổi tiêu đề trang webpage của bạn khi hiển thị lên trang kết quả tìm kiếm. Nếu bạn phát thiện ra trang của mình bị như vậy, thì nên kiểm tra lại xem có cần tối ưu không.
Title thế nào để hấp dẫn người dùng?
Đứng theo quan điểm của người đọc, tiêu đề phải thể hiện độ thân thiện và hấp dẫn. Nghĩa là phải xét theo góc nhìn của con người bằng xương bằng thịt, chứ không phải áp dụng cho máy móc.
Nguyên tắc là: hãy tập trung cho người đọc, đừng quá để tâm tới Google.
Tôi muốn phân tích kỹ hơn một chút về tâm lý và hành vi của người dùng trong trường hợp này.
Sau khi thực hiện tốt title chuẩn SEO nêu trên, giả sử (và hy vọng) rằng trang của bạn đã lên Top Google, nghĩa là bạn đã xuất hiện trước mắt người dùng – đã “lên đỉnh”.
Giờ thì sao?
Người dùng sẽ lướt nhanh các kết quả từ trên xuống, trên 2 yếu tố chính: Tiêu đề và Mô tả tóm tắt. Tiêu đề đủ hay, họ có thể nhấp ngay chuột vào xem. Cũng nhiều khi họ xem tiếp thêm mô tả tóm tắt trước khi quyết định vào (trang của bạn), hay sẽ kéo xuống kết quả tiếp theo (đối thủ của bạn).
Tình huống lúc này rất giống với trong thực tế: Khách hàng tiềm năng đang đi ngang qua ngó nghiêng cửa hàng của bạn. Việc cần làm là dùng lời hay ý đẹp để mời chào khách ghé vào thăm. Nếu không, họ sẽ rảo bước sang cửa hàng tiếp theo.
Lên được Top mới là 1 việc, còn có kéo người dùng vào trang web hay không lại là 1 việc khác không kém phần quan trọng. Cỗ đã dọn, bạn có “ăn” được hay không, thì phải nhờ vào Title và Description, cùng một số tiêu chí khác nữa (ngày cập nhật bài viết, điểm đánh giá…).
Rõ ràng, Title có đủ hấp dẫn hay không có ảnh hưởng rất lớn đến việc người dùng có vào trang web của bạn hay chuyển sang đối thủ. Tiêu đề là yếu tố đầu tiên được trao cơ hội, và lĩnh trọng trách kéo người đọc vào trang của bạn.
Vậy phải làm sao để tận dụng cơ hội ngàn vàng đó?
Bạn cần phải viết tiêu đề đó thật hay, thật hấp dẫn, nếu phù hợp thì cần pha thêm chút kích thích hay giật gân nữa. Cái này trong quảng cáo vẫn hay gọi là “giật tít” để lôi kéo người dùng.
Một số tiêu chí cần xem xét áp dụng bao gồm:
Tiêu đề phải là một cụm từ có ý nghĩa.
Người đọc không có nhiều thời gian để xem kỹ, và họ cũng chẳng muốn như vậy. Họ chỉ lướt qua các “ứng viên” xem anh nào có khả năng cung cấp thông tin họ đang cần. Do đó, một tiêu đề đơn điệu, mờ nhạt… sẽ rất khó chiếm được cảm tình. Và họ sẽ đi tiếp xuống “cửa hàng” tiếp theo đang vẫy gọi.
Vậy việc tối thiểu cần làm là phải viết được 1 tiêu đề có ý nghĩa rõ ràng.
Ví dụ: “tour du lịch châu u giá rẻ”, “bán cây cảnh văn phòng”, “hướng dẫn chơi golf cơ bản”…
Người đọc cần hiểu nội dung chính của trang qua tiêu đề, chứ không phải chỉ là một “mớ chữ” lộn xộn. Đây là điều tối thiểu thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu người đọc.
Tiêu đề đáp ứng yêu cầu này thì mới được xem là dễ đọc dễ hiểu, chứ chưa được đến mức gọi là hay. Và hầu hết chúng ta đều có thể đạt mức này, nếu chịu bỏ chút thời gian và suy nghĩ nghiêm túc về việc này.
Trên mức cơ bản này, giờ mới là lúc bạn thể hiện tài “văn hay chữ tốt”, hay chí ít cũng là sự bay bổng trong câu chữ, phát huy óc tưởng tượng phong phú, và khả năng giao tiếp qua ngôn từ (ai có chỉ số EQ cao sẽ có lợi thế, và những người làm quảng cáo rất có kinh nghiệm vụ này.
Tiêu đề phải khái quát được nội dung chính của trang
Tiêu đề là bản tóm tắt ngắn gọn nội dung của toàn trang. Cần nêu thẳng vào vấn đề!
Tiêu đề cần giới thiệu và định hướng được người đọc đến nội dung chính của trang. Nếu không, kể cả đã vào trang rồi, thì họ vẫn có thể thoát ra ngay khi phát hiện thấy “lạc đề”, và hành vi đó sẽ đem đến bất lợi cho bạn. Google đánh tụt hạng với trang có tỉ lệ thoát trang quá cao.
Do đó, trước khi viết hoặc tối ưu thẻ Title, bạn nên tìm hiểu trang đó nằm ở đâu trong cấu trúc của toàn website. Từ đó có định hướng về nội dung và cách viết tiêu đề cho phù hợp.
Với những website lớn, nhiều nghìn trang con, thì việc tối ưu hóa và cá biệt hóa thẻ Title của từng trang con là việc không đơn giản. Tuy nhiên điều đó vẫn rất cần thiết. Bạn cần phác thảo ra sơ đồ tổng thể của website và vị trí từng trang còn trong kiến trúc đó. Từ đó sẽ có phương án hợp lý để khái quát nội dung cho từng trang con, và có Title phù hợp.
Tiêu đề trang cần có gì đó “mê hoặc” người lướt web
Viết đúng công thức vẫn chưa đủ. Mà phải viết thật lôi cuốn, để người đọc không thể không vào xem. Như vậy mới hết “trách nhiệm” của phần tiêu đề.
Đạt được mức độ này thì không dễ, nhất là với người chưa quen với công việc viết lách và sáng tạo nội dung.
Tuy vậy, chúng ta đều có thể học và nâng cao kỹ năng. Vừa làm vừa học hỏi, sửa chữa và tinh chỉnh. Dần dần sẽ tiến bộ!
Bất cứ khi nào bạn bối rối, hoặc không nhớ hết các quy tắc viết Title, thì chỉ cần nhớ:
Mục đích của tiêu đề là trả lời câu hỏi, giải quyết vấn đề của người dùng.
Hình dung họ mong muốn gì, và viết tiêu đề gãi đúng vào chỗ ngứa đó.
Điều này không chỉ áp dụng cho tiêu đề cho trang web, mà còn cho tiêu đề trên Facebook, Youtube, quảng cáo…
Về kỹ thuật viết tiêu đề thì có nhiều lắm. Có tác giả còn tổng hợp cả vài chục, thậm chí cả trăm cách. Như vậy thì chẳng nhớ nổi, nói gì đến làm theo.
Vậy cần tổng hợp lại thành nhóm, để đỡ quên.
Dưới đây là một số cách mà cá nhân tôi đã ứng dụng được ít nhiều trong cách viết Title của mình. Hy vọng bạn có thể tham khảo được những cách làm phù hợp nhé.
- Sử dụng các con số dễ tạo sự nổi bật khi người dùng lướt qua nhiều tiêu đề. Ví dụ: “5 địa điểm du lịch đẹp nhất phía Bắc”, “3 kỹ thuật chơi golf cơ bản”, “6 loại cây cảnh bonsai để bàn đẹp nhất”…
- Đặt câu hỏi, theo cấu trúc tiếng Anh 5W 1H, ví dụ như “du lịch Quảng Ninh có gì?”, “cách bón phân cho cây cảnh thế nào”, “chiều dài gậy golf thế nào là hợp lý?”…
- Dùng đại từ “tôi”, hay tên người nổi tiếng: “Tôi bỏ hút thuốc hoàn toàn sau 2 tuần, và đây là…”, “Mê selfie, Sơn Tùng MTP khoái loạt điện thoại nào”
- Thêm những cụm từ gây chú ý để người đọc click vào bài viết. Nhóm này rất đa dạng, và quan trọng là bạn biết dùng đúng và đắt những cụm từ mang tính hài hước (cười té ghế), cường điệu (tuyệt đỉnh, vi diệu, đẳng cấp), kích thích cảm xúc (không cưỡng nổi, nổi da gà, mãn nhãn), khêu gợi sự tò mò (lần đầu hé lộ, vén màn bí mật, bí ẩn đằng sau, bí mật thất truyền…), đe dọa (đừng hối tiếc, sai lầm này sẽ giết chết…), hứa hẹn lợi ích (bôi vào là hết đau, nói tiếng Anh lưu loát sau khóa học).
- Sử dụng nghệ thuật ngôn ngữ: phép ẩn dụ (cáo mượn oai hùm), so sánh đối lập (càng lên mạng nhiều, càng… ngu!; dân văn phòng hầu hết lười tập thể dục), chơi chữ (Thanh Hóa: đầu tư từ đâu?).
- Sử dụng phù hợp một số ký tự đặc biệt, định dạng chữ HOA, để tạo sự khác biệt. Có thể dùng những ký tự phổ biến như các dấu gạch ngang “-”, dấu thăng “#”, dấu và “&”… Nếu cầu kỳ hơn, bạn có thể sử dụng ký tự trong bộ mã chuẩn (Unicode character), theo hướng dẫn tại đây. Như trong bài viết này này chẳng hạn, tôi đã thêm 2 ký tự đặc biệt (✔ ♬) trong tiêu đề bài này, bạn có để ý thấy không?
Trong thực tế, bạn hoàn toàn có thể áp dụng kết hợp nhiều cách thức nêu trên để tạo hiệu ứng tối đa cho tiêu đề của mình.
Tóm lược
Bài này tôi đã giải thích về khái niệm Thẻ Title là gì, xuất hiện ở đâu, và cách viết tiêu đề trang sao cho chuẩn SEO và lối cuốn người đọc. Xin nhắc lại các tiêu chí gồm:
- Độ dài tiêu đề: nên trong khoảng 60-70 ký tự
- Có chứa từ khóa chính, và chỉ 1 lần
- Là một cụm từ có ý nghĩa, khái quát được nội dung của trang
- Hấp dẫn được người đọc, bằng cách áp dụng sáng tạo những thủ pháp…
Việc viết một Tiêu đề đúng và hay không phải là dễ, tuy nhiên hiệu quả mà nó mang lại là rất lớn cho người làm SEO website. Và tôi nghĩ bạn và tôi nếu quyết tâm đều có thể luyện được.
Bài viết cũng đã khá dài. Tôi xin dừng lại tại đây. Chúc bạn thành công!