CỔNG THÔNG TIN TIẾP NHẬN VÀ GIẢI ĐÁP THÔNG TIN CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP VÀ TỔ CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỒ HỒ CHÍ MINH (CỔNG THÔNG TIN 1022)
1. Cổng thông tin 1022 được Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo thực hiện và giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đơn vị chủ trì, cùng 86 đơn vị với 625 đầu mối (Sở ngành, Ủy ban nhân dân 24 quận/huyện và các đơn vị quản lý/sở hữu/duy tu hạ tầng) tham gia giải quyết xử lý các sự cố do người dân, tổ chức và doanh nghiệp phản ánh. Nhiệm vụ của các đơn vị tham gia vận hành Cổng thông tin 1022 thực hiện theo Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành tại Quyết định số 1478/QĐ-UBND ngày 04/5/2020 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Cổng thông tin 1022 phục vụ tiếp nhận 24/7 các phản ánh của người dân; cho phép người dân theo dõi được quá trình xử lý; nhận được thông báo về kết quả xử lý sau khi hoàn tất giải quyết xử lý sự cố; người dân đối chiếu thực tế xử lý và tiếp tục phản ánh lại hệ thống trong trường hợp thực tế sự cố chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chất lượng.
3.Cổng thông tin 1022 cung cấp 05 phương thức sau:
– Tổng đài 1022: cung cấp thông tin sự cố qua hình thức gọi điện thoại đến số tổng đài 1022.
– Mobile App “Tổng đài 1022” (phiên bản trên Android và trên iOS), cho phép chụp hình và chọn địa điểm xảy ra sự cố trên bản đồ để phản ánh.
– Cổng thông tin điện tử: Truy cập cổng thông tin https://1022.tphcm.gov.vn Để phản ánh về sự cố.
– Hộp thư điện tử (email): Gửi thông tin phản ánh đến hộp thư điện tử 1022@tphcm.gov.vn
– Mạng xã hội Fanpage: tại địa chỉ https://www.facebook.com/1022.tphcm.gov.vn
4. Cổng thông tin 1022 tiếp nhận thông tin trên 12 lĩnh vực:
– Hạ tầng giao thông: tiếp nhận thông tin các sự cố về sụt lún mặt đường; hố “tử thần”; hư hỏng mặt đường; ổ gà ổ voi; hư hỏng hoặc mất biển báo giao thông…
– Cấp nước: tiếp nhận thông tin liên quan sự cố bể ống cấp nước; nước tràn ra mặt đường.
– Thoát nước: tiếp nhận thông tin; các trường hợp ngập nước; hệ thống thoát nước bị nghẹt; cống bể; mất nắp cống; nắp cống gập ghềnh, sụp cống; nắp hố ga hư hỏng…
– Chiếu sáng: tiếp nhận thông tin các sự cố về gãy/đổ cột đèn chiếu sáng; rò rỉ điện; đèn không sáng; đèn sáng ngày, tắt đêm; đèn sáng, tắt liên tục; mất đèn chiếu sáng…
– Cây xanh: tiếp nhận thông tin cây bật góc ngã; cành nhánh gãy; cây bị chặt phá; cây rỗng mục chết khô; cây bị xe đụng ngã; cây nghiêng bật gốc.
– Điện lực: tiếp nhận các sự cố gãy đổ cột điện; đứt cáp điện; sợi cáp điện trùng, võng; cáp treo không đúng độ cao quy định; tủ cáp ngã/đổ/nghiêng, sụp/lún; chập cháy sợi cáp, thiết bị điện trên đường phố, khu vực công cộng;…
– Viễn thông: tiếp nhận các sự cố gãy đổ cột điện; đứt cáp viễn thông, cáp điện; cáp viễn thông, cáp điện trùng, võng gần sát mặt đường; cáp treo không đúng độ cao quy định; tủ cáp viễn thôngngã/đổ/nghiêng, sụp/lún hầm cống cáp; nắp hầm cáp gập ghềnh…
– Giao thông công cộng: Phản ánh thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt và tra cứu thông tin về xe buýt…
– Tài nguyên môi trường: tiếp nhận thông tin liên quan ô nhiễm không khí, môi trường; rác thải; nước thải; vệ sinh đường phố, vỉa hè, kênh rạch;…
– Trật tự xã hội: tiếp nhận thông tin liên quan đến lĩnh vực trật tự đô thị xã hội, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè; trật tự xây dựng, xây dựng sai phép.
– Y tế: tiếp nhận thông tin liên quan đến lĩnh vực Y tế được kết nối với Sở Y tế và các đơn vị sự nghiệp y tế công lập (bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, bệnh viện chuyên khoa tuyến thành phố, trung tâm chuyên ngành và y tế dự phòng tuyến thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, bệnh viện tuyến quận, huyện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện).
– Khu chế xuất, khu công nghiệp: tiếp nhận thông tin liên quan xảy ra trong các Khu chế xuất, Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố liên quan đến lao động, doanh nghiệp, môi trường, quy hoạch và xây dựng./.