Training là gì? Vì sao phải tiến hành training cho người mới và training trong ngành Nhà hàng – Khách sạn bao gồm những hoạt động gì? Hãy cùng Chefjob tìm hiểu kỹ hơn các vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Training là thuật ngữ không mấy xa lạ với những ai đã và đang đi làm. Thông thường khi bạn vừa vào làm việc tại một đơn vị nào đó, bạn sẽ tham gia các buổi training hoặc với người đi làm lâu năm, thỉnh thoảng vẫn được training. Vậy training là gì?
Training là gì?
Training có nghĩa là đào tạo, dùng để chỉ khóa đào tạo ngắn hạn, trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng và rèn luyện kỹ năng đã có sẵn. Training thường được tổ chức khi đơn vị mới tuyển nhân viên, hoặc là 1 dự án nào đó có sự thay đổi so với ban đầu.
Training là đào tạo, trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng và rèn luyện kỹ năng sẵn có cho nhân viên – Ảnh: Internet
Một nhân viên mới muốn làm việc thành thạo thì họ phải được training. Việc training mất nhiều hay ít thời gian phụ thuộc vào bản thân của nhân viên đó hoặc do trình độ của người đào tạo.
Vì sao phải training?
Việc training cho nhân sự là điều bắt buộc để sàng lọc, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng, phù hợp với văn hóa và yêu cầu công việc. Vì:
– Đối với nhân sự mới, họ chưa hiểu rõ quy trình làm việc của đơn vị, chưa biết mình sẽ làm việc như thế nào, cùng với ai. Họ cũng chưa quen với văn hóa đơn vị và đồng nghiệp. Do đó, training là điều cần thiết để giúp ứng viên thích nghi với môi trường mới, hiểu được mình cần làm gì, làm như thế nào để hoàn thành công việc và làm quen đồng nghiệp của mình. Thông thường, việc training sẽ được diễn ra trước khi bạn được nhận vào làm hoặc ngay sau khi nhận vào làm, sau thời gian training (tùy thuộc từng đơn vị và tính chất công việc mỗi vị trí), nếu ứng viên không phù hợp sẽ không được chọn.
Training là việc cần thiết để giúp nhân viên mới thích nghi với công việc, môi trường làm việc mới – Ảnh: Internet
– Đối với nhân viên đang làm việc tại đơn vị cũng vẫn cần được training để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn. Khi nhận một dự án mới, lượng công việc mới, các yêu cầu mới từ khách hàng hay những quy định mới, các cấp Quản lý sẽ tiến hành training cho nhân viên để phổ biến những thay đổi đó.
Training cho nhân viên là việc quan trọng để xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng, phù hợp với các định hướng, chiến lược kinh doanh của đơn vị. Việc training áp dụng ở hầu hết mọi lĩnh vực, trong đó có ngành Nhà hàng – Khách sạn. Với tính chất đặc thù, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo ở từng dịch vụ, mang đến cho khách hàng sự hài lòng cao nhất, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt khách hàng, các đơn vị nhà hàng, khách sạn phải thường xuyên tổ chức training cho nhân viên.
Training trong nhà hàng, khách sạn
Training trong nhà hàng, khách sạn chủ yếu được tiến hành dưới hình thức Cross – training (đào tạo chéo). Cross – training nghĩa là gì? Cross – training nghĩa là đào tạo chéo nhân viên giữa các vị trí trong 1 bộ phận (Bàn – Bar – Banquet…) hay giữa các bộ phận trong 1 khách sạn (Lễ tân – F&B – Buồng phòng…). Chẳng hạn như nhân viên Phục vụ bàn bàn sẽ được đào tạo chéo nghiệp vụ Banquet và ngược lại… Quản lý nhà hàng, khách sạn sẽ chọn các nhân viên có tiềm năng phát triển để tham gia khóa Cross – training.
Hình thức đào tạo chéo được áp dụng phổ biến trong ngành Nhà hàng – Khách sạn, nhân viên các bộ phận sẽ đào tạo, hướng dẫn chéo với nhau – Ảnh: Internet
Các phương pháp Cross – training gồm:
– Đào tạo On – job – training (Đào tạo cầm tay chỉ việc): Một nhân sự sẽ được một người chuyên về lĩnh vực đó đào tạo kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến công việc. cách đào tạo này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định (2 – 3 tháng) tùy theo chính sách của nhà hàng, khách sạn và có quá trình giám sát, kiểm tra, đánh giá.
-Đào tạo tập trung: Một người có chuyên môn đảm nhận đào tạo cho nhiều người cùng lúc, cần có kế hoạch và sự chuẩn bị về nội dung đào tạo, cơ sở hạ tầng… phục vụ cho việc training cả về lý thuyết lẫn thực hành.
– Đào tạo trực tuyến: Người hướng dẫn và người được hướng dẫn tương tác qua ứng dụng công nghệ, đảm bảo sự tiện lợi, linh động, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thích hợp với một số bộ phận như: Đặt phòng, Sales, Marketing…
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về training là gì. Nếu bạn đang có ý định tìm việc ngành Nhà hàng – Khách sạn và chuẩn bị ứng tuyển, hãy tìm hiểu sơ bộ về nhà hàng, khách sạn cũng như công việc mình sẽ làm để quá trình training đạt hiệu quả.