Cuộc tấn công bất ngờ
7 giờ 55 ngày 7.12.1941, lực lượng hùng hậu 183 máy bay của hải quân đế quốc Nhật bất ngờ tấn công căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu cảng, gần TP.Honolulu trên đảo Oahu, tiểu bang Hawaii. Vào thời điểm đó, Mỹ vẫn giữ tính trung lập trong Thế chiến 2 và hoàn toàn không chuẩn bị cho cuộc tấn công này.
Các máy bay cất cánh từ 6 tàu sân bay Nhật mở đợt tấn công đầu tiên nhắm vào các nhà chứa máy bay và những chiếc máy bay đậu trên đường băng, đồng thời thả ngư lôi xuống các tàu chiến đang neo tại cảng. Chỉ trong 5 phút, 4 chiến hạm Mỹ bị trúng bom. Một quả bom rơi vào kho đạn của tàu USS Arizona khiến con tàu phát nổ và chìm cùng hơn 1.000 thủy thủ. Đợt tấn công nặng nề hơn xảy ra sau đó khoảng 90 phút với 170 máy bay Nhật.
Các máy bay bị hư hại sau cuộc tấn công ngày 7.12.1941
Mặc dù hoàn toàn bất ngờ nhưng nhiều quân nhân Mỹ cũng đã kịp chống trả. Nổi bật là “anh nuôi” Doris Miller trên chiến hạm USS West Virginia, người đã giúp đưa hạm trưởng bị thương đến nơi an toàn, sau đó sử dụng khẩu súng máy phòng không bắn rơi nhiều máy bay địch dù không được huấn luyện cho nhiệm vụ này, theo tư liệu của Bảo tàng Chiến tranh đế quốc (Anh). Sau khi chiến hạm bị chìm, ông Miller giúp cứu mạng nhiều đồng đội bị thương. Một năm sau đó, ông Miller được trao huân chương cao quý thứ hai trong hải quân vì hành động dũng cảm. Tên ông được đặt cho một tàu khu trục vào năm 1973 và sắp tới là tàu sân bay hạt nhân hiện đại nhất của hải quân Mỹ.
Những người góp công nổi bật trong sự kiện còn có hai phi công Kenneth Taylor và George Welch đã lái máy bay bắn hạ tổng cộng 7 máy bay địch và được nhận huân chương cao thứ hai của không lực lục quân Mỹ.
Chỉ trong 2 giờ, gần 20 tàu chiến Mỹ bị chìm hoặc hư hại, hơn 300 máy bay bị phá hủy và 2.403 quân nhân, dân thường thiệt mạng, số người bị thương hơn 1.100. Nhiều tàu chiến đã được sửa chữa và quay trở lại chiến đấu trong các trận đánh sau đó. Đặc biệt, cả 3 tàu sân bay của Hạm đội Thái Bình Dương đều không có mặt tại Trân Châu cảng vào thời điểm cuộc tấn công xảy ra và về sau đóng vai trò then chốt trong chiến dịch đáp trả của quân đội Mỹ.
Thuyền nhỏ cứu một thủy thủ bơi ra từ tàu USS West Virginia đang cháy
Hải quân Mỹ
Bước ngoặt của Thế chiến 2
Trận Trân Châu cảng được cho là cột mốc then chốt của Thế chiến 2. Trong hơn 2 năm của cuộc chiến tranh, Mỹ chủ yếu hỗ trợ Anh và không can thiệp vào cuộc chiến vì lo ngại tác động của cuộc đại suy thoái và những ký ức mất mát trong Thế chiến 1.
Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nhật trong nhiều năm trước đó, cộng với diễn biến trong Thế chiến 2, khiến cuộc tấn công Trân Châu cảng gần như là sự kiện không thể tránh khỏi, theo Mạng truyền hình History.
Sự bành trướng của đế quốc Nhật tại Trung Quốc và Đông Dương, cộng với việc nước này gia nhập liên minh với Đức và Ý đã để lại hậu quả là những đòn cấm vận xăng dầu và kinh tế từ Mỹ. Tính đến cuối năm 1941, Mỹ gần như chấm dứt mọi quan hệ thương mại, tài chính với Nhật, theo bách khoa toàn thư Britannica.
(Nguồn: History, Britannica)
Cuộc chiến tại châu Âu mở ra thời cơ chiến lược để Nhật chinh phạt thuộc địa của các nước châu Âu như Đông Dương, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines.
Vào tháng 5.1940, Mỹ biến Trân Châu cảng làm căn cứ chính cho Hạm đội Thái Bình Dương. Người Mỹ không nghĩ rằng Nhật sẽ tấn công Hawaii đầu tiên vì khoảng cách xa xôi, do đó thiếu sự phòng vệ cần thiết.
Trong khi đó, cuộc tấn công Trân Châu cảng sẽ giúp Nhật gây bất ngờ và đánh sập tinh thần của hải quân Mỹ, ngăn lực lượng này đáp trả khi quân Nhật chinh phạt các mục tiêu ở châu Á – Thái Bình Dương.
Cuộc tấn công nhìn thoạt qua có vẻ là thành công của Nhật, nhưng trên thực tế đã không đạt được mục tiêu là phá hủy hoàn toàn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Các bể chứa dầu, kho vũ khí và xưởng sửa chữa của Mỹ vẫn được bảo vệ cùng 3 tàu sân bay. Đặc biệt, cuộc tấn công này còn chính thức đưa Mỹ vào Thế chiến 2 và là chất xúc tác giúp người dân Mỹ đoàn kết trong cuộc chiến.
Đô đốc Isoroku Yamamoto, kiến trúc sư trưởng của cuộc đánh úp Trân Châu cảng, đã viết trong cuốn nhật ký của ông: “Tôi sợ tất cả những điều chúng ta đã làm sẽ đánh thức gã khổng lồ và lấp đầy nó bằng sự quyết tâm kinh khủng”.
Ngày 8.12.1941, Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt phát biểu tại quốc hội và tuyên bố chiến tranh chống Nhật. 6 tháng sau đó, Mỹ phục thù khi khiến Nhật hứng chịu thất bại đau đớn tại trận Midway. Hơn 3 năm sau đó, Thế chiến 2 kết thúc sau sự kiện Mỹ thả 2 quả bom hạt nhân xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật.
Xác định nơi rải tro cốt của người ra lệnh tấn công
Gần 80 năm sau trận Trân Châu cảng, Giáo sư Hiroaki Takazawa tại Đại học Nihon (Nhật Bản) đã định vị được nơi rải tro cốt của cựu Thủ tướng Hideki Tojo, người đã ra lệnh tấn công vào năm 1941. Một tháng sau khi chiến tranh kết thúc, ông Tojo tìm cách tự sát, nhưng không thành công. Tháng 11.1948, ông bị tuyên án tử vì tội ác chiến tranh và bị xử tử vào ngày 23.12 cùng năm. Sau nhiều năm tìm tòi các tài liệu được giải mật của Mỹ, Giáo sư Takazawa hồi tháng 6 xác định tro cốt của ông Tojo đã được một máy bay quân đội Mỹ rải xuống Thái Bình Dương, cách TP.Yokohama khoảng 48 km, theo AP. Ông Tojo là nhân vật gây tranh cãi khi được một số người bảo thủ cho là yêu nước, trong khi những người phương Tây chỉ trích vì kéo dài cuộc chiến.