Thật thú vị và hạnh phúc khi được chứng kiến sự lớn lên và phát triển qua từng ngày của bé yêu. Mới tháng trước thôi ba mẹ còn ồ lên sung sướng khi bé lẫy lần đầu tiên thì bây giờ ba mẹ đã có chút lo lắng, sao chưa thấy bé trườn, bò?
Trong các mốc phát triển vận động của bé từ lẫy, trườn/bò, ngồi đến biết đi thì trườn là bước đệm chuyển giao quan trọng, chấm dứt những ngày tháng bé chỉ “đặt đâu nằm đấy”.
Khuyến khích bé trườn và giúp bé tập trườn không chỉ giúp bé phát triển kỹ năng vận động mà còn nhiều tác dụng ba mẹ không ngờ tới.
Bé mấy tháng thì biết trườn?
Thông thường vào khoảng 7-9 tháng, khi các cơ thân trên của bé phát triển đủ khỏe để kéo toàn bộ cơ thể về phía trước bé sẽ bắt đầu trườn.
Trườn là việc bé kết hợp tay phải với chân trái, tay trái với chân phải để di chuyển, bé sử dụng 2 bên cơ thể đều như nhau. Khi trườn bụng bé vẫn chạm xuống sàn.
Tùy vào tốc độ phát triển vận động của mỗi bé và môi trường xung quanh, các bé có thể biết trườn sớm hoặc muộn hơn. Cũng có những bé trốn trườn/bò và chuyển thẳng sang giai đoạn tập đi.
Tuy nhiên, ba mẹ nên lưu ý mỗi mốc phát triển đều có vai trò quan trọng riêng, nó giúp bé củng cố sức mạnh, tăng sự dẻo dai của các cơ để tạo nền tảng cho bước phát triển tiếp theo.
Vì thế, chắc chắn ba mẹ sẽ không muốn bé yêu của mình bỏ qua bất cứ bước nào mà ảnh hưởng đến sự hoàn thiện kỹ năng sau này của bé.
>> Dấu hiệu trẻ sắp biết bò?
>> Em bé mấy tháng biết ngồi?
Tác động của trườn đối với sự phát triển của bé
Khi bé yêu của ba mẹ khám phá ra việc di chuyển bằng cách trườn, các bé đã bước sang một giai đoạn mới của sự phát triển não bộ.
Giai đoạn phát triển các tế bào thần kinh này sẽ tạo tiền đề cho những hình thức vận động sắp tới trong năm đầu đời của bé. Việc trườn tác động rất lớn đến sự phát triển của bé:
- Khi trườn bé học được cách phối hợp giữa chân tay và thân trên để vào tư thế chuẩn bị trườn.
- Bé củng cố sức mạnh của cánh tay và bàn tay, chân và bàn chân và tìm ra cách sử dụng những bộ phận này cho việc bò, leo trèo và bước đi sau này.
- Trườn giúp bé phát triển các nhóm cơ ở bàn chân.
- Bé nhận ra được rằng cơ thể mình có 2 phía bên trái và bên phải, bé học được cách cân bằng 2 bên khi di chuyển.
- Trườn là một trong những hoạt động đầu tiên mà bé sử dụng cả não trái và não phải.
- Khi trườn não bé nhận được hàng trăm tín hiệu từ các bộ phận trên cơ thể để xác định vị trí của chân, tay, bụng, từ đó phối hợp di chuyển.
- Khi bé thấy đồ chơi ở khoảng cách xa, bé sẽ trườn đến đó. Trườn giúp bé phát triển kỹ năng quan sát và phán đoán ở những khoảng cách khác nhau.
- Bé học được khái niệm về không gian và thời gian. Đồ chơi đó cách bé bao xa và mất bao lâu để trườn đến lấy.
- Trườn còn giúp bé mang lại rất nhiều niềm vui. Các bé có thể trườn đi theo ba mẹ, đi lấy đồ chơi yêu thích.. giúp tăng khả năng chơi tự lập của bé. Các bé chưa biết di chuyển sẽ dễ bị buồn chán hơn và thường cần tới cha mẹ nhiều hơn.
>> Trẻ bò thụt lùi
Khi trườn bé sử dụng cả hai bên não trái và não phải
Ba mẹ tập trườn cho bé như thế nào?
Việc trườn có tác dụng rất tốt đến sự phát triển của bé. Tuy nhiên, ba mẹ cũng không nên lo lắng và thúc ép nếu bé chưa biết trườn. Ba mẹ hãy dùng các cách sau để khuyến khích bé tập trườn nhé:
– Thường xuyên tập tummy cho bé
Bé có thể bắt đầu tập tummy ngay từ khi từ viện về nhà. Tập tummy giúp cơ cổ, cơ vai và cơ lưng của bé cứng cáp hơn. Việc tăng cường sức mạnh và khả năng kiểm soát các cơ này rất quan trọng cho động tác trườn của bé.
Các nghiên cứu cho thấy các bé được tập tummy nhiều hơn thường biết trườn và bò sớm hơn các bé khác (theo Lobo và Galloway 2012).
– Khuyến khích bé trườn đến đồ chơi yêu thích
Ba mẹ sử dụng đồ chơi mà bé thích như xúc xắc, xe ô tô.. để ở ngoài tầm tay của bé một chút để khuyến khích bé di chuyển đến.
Khi bé gần chạm tới đồ chơi, ba mẹ di chuyển đồ chơi xa hơn từng chút để bé lại tiếp tục trườn đến. Ba mẹ nhớ khen thưởng cho nỗ lực của bé bằng việc cho bé chơi đồ chơi đó.
– Mặc cho bé quần áo thích hợp
Ba mẹ hãy mặc cho bé quần áo vừa vặn, thoải mái để khuyến khích bé di chuyển, khám phá trong giờ chơi.
Chất liệu quần áo nên mềm mại, co giãn để giảm ma sát với sàn nhà khi bé bắt đầu di chuyển. Những bộ đồ body dài tay hoặc ngắn tay rất thích hợp cho các bé tập trườn, bò.
– Ba mẹ tránh bế ẵm, cho bé ngồi xe đẩy quá nhiều
Việc bế ẵm hoặc ngồi xe đẩy quá nhiều sẽ hạn chế sự phát triển các cơ của bé. Các bé cần được di chuyển tự do xung quanh khu vực chơi để có thể học được cách trườn, bò.
Các bé tập tummy từ sớm sẽ biết trườn sớm hơn
– Cho bé tập luyện trước gương
Hầu hết các bé đều thích thú khi thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong gương. Ba mẹ hãy để gương cách bé một khoảng để bé thấy, bé sẽ hào hứng di chuyển về phía trước. Tuy nhiên gương rất dễ vỡ nên ba mẹ hãy chú ý an toàn cho bé nhé.
– Cùng bé tập động tác trườn
Ba mẹ đặt bé nằm sấp trên sàn, đặt 2 bàn tay chặn vào sau gót chân của bé, đồng thời hơi đẩy chân bé gấp về phía trước. Tay của ba mẹ lúc này như 1 điểm tựa để bé tự đẩy về phía trước. Ba mẹ dần dần cho bàn chân bé tiếp xúc với mặt sàn, để bé có thể chủ động tự đẩy người lên.
Để thu hút bé trườn về phía trước, ba mẹ có thể đặt một món đồ chơi màu sắc, phát ra âm thanh hoặc ánh sáng trước mặt bé, lưu ý không nên để xa bé quá.
Như vậy, trườn là một khâu rất quan trọng trong chuỗi phát triển vận động của bé vào những năm đầu đời. Giúp bé thực hiện đầy đủ các mốc vận động để phát triển thể chất, não bộ tốt nhất, ba mẹ tham khảo ngay POH Acti nhé!
POH Acti giúp ba mẹ “lấp lỗ hổng” để bé sẵn sàng tốt nhất cho mốc vận động tiếp theo giúp bé các mốc nhạy cảm về vận động đến sớm, tránh hiện tượng trốn, chậm… ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của bé.
POH Acti có sự tư vấn chuyên sâu 1-1 bởi giảng viên giúp giáo dục từ sớm đạt hiệu quả tối ưu.
Tham khảo ngay khóa Giáo dục từ sớm POH Acti tại: POH Acti: Phát triển giác quan, vận động & ngôn ngữ con yêu.
Nguồn: Parentingscience.com