Thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) bên bờ hồ Tây về phía Đông Nam có một tòa nhà gọi là viện Châu Lâm – nơi ở của người Chiêm Thành, bên cạnh là chùa Châu Lâm (tên nôm là chùa Bà Đanh) để người Chiêm thực hiện nghi thức tín ngưỡng.
Năm 1893, tại khu vực viện và chùa Châu Lâm một nhà tư bản Pháp lập một nhà in lấy tên Xnay-đe (Schneider) ở một mỏm đất tốt gọi là “mỏ Phượng” (Phượng chủy), người Pháp xây dựng một tòa nhà to làm biệt thự cho chủ nhà in. Năm 1907 rời nhà in đi nơi khác lấy địa điểm này xây dựng một trường học có quy mô nhất nhì Đông Dương.
Ngày 9/12/1908 Phủ Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập trường Lycée du Protectorat (Thành Chung bảo hộ) trên cơ sở sát nhập trường Thông ngôn Hà Nội và trường Thành Chung Nam Định. Ban đầu trường có cả cấp tiểu học và trung học cơ sở, năm 1924 mở thêm ban tú tài bản sứ, năm 1931 chuyển thành trường trung học bảo hộ. Tên trường đã phần nào nói lên ý định của người Pháp, song người dân Hà Nội không gọi đúng tên ấy mà gọi là trường Bưởi vì trường ở gần vùng Bưởi.
Trường Bưởi được xây dựng sớm nhất ở miền Bắc nước ta theo kiểu kiến trúc Pháp. Sau hơn 100 năm tồn tại đến nay ngôi trường vẫn giữ được dáng vẻ uy nghi cổ kính bên hồ Tây lịch sử. Trong nền giáo dục Việt Nam đây là ngôi trường có bề dày lịch sử đã và đang góp phần đào tạo cho đất nước rất nhiều nhà văn hóa, lịch sử, cách mạng trí sĩ lỗi lạc. Trong thời kỳ trước cách mạng tháng Tám năm 1945, tại ngôi trường này đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn với lịch sử thời kỳ cận đại của dân tộc. Có thể kể ra một số phong trào tiêu biểu của sinh viên như: Phong trào hưởng ứng phong trào Đông Kinh nghĩa thục; Phong trào đòi để tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh năm 1926; Phong trào ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp năm 1936; Phong trào truyền bá chữ quốc ngữ năm 1938; Phong trào cứu đói, ủng hộ gia nhập học sinh cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh năm 1943-1944-1945. Ngoài ra, nhiều học sinh của trườngBưởi sau này trở thành những nhà cách mạng chuyên nghiệp, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc vì hạnh phúc của nhân dân, trong số những người ấy, trước tiên phải kể đến các đồng chí: Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Đỗ Ngọc Du và nhiều giáo viên, học sinh của Trường sau này trở thành các đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước hoặc Văn nghệ sĩ nổi tiếng, như các đồng chí: Thủ tướng Phạm văn Đồng, Đại tướngVõ Nguyên Giáp, Trịnh Đình Cửu, Giáo sư Tôn Thất Tùng, nhà văn Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Phan Chánh, nhà thơ Xuân Diệu, cùng nhiều tướng lĩnh, các nhà khoa học đầu ngành của đất nước…. Trong số những học sinh tiêu biểu của Trường Chu Văn An cũng còn phải kể đến LS. AHLLVT. Bác sỹ Đặng Thùy Trâm và Liệt sỹ, anh hùng LLVT phi công Vũ Xuân Thiều; Ngoài ra còn có hai học sinh trường Bưởi sau này trở hành lãnh tụ của cách mạng Lào, đó là: Kaysone Phomvihane – Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Souphanouvong – hoàng thân, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào..
Với những lý do như trên, nên Trường PTTH Chu Văn An đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Quyết định xếp hạng là Di tích – lịch sử văn hóa theo Quyết định số 76/2004/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2004.
Trải qua bao năm tháng tồn tại, Trường Bưởi xưa nay là Trường chu Văn An vẫn giữ được nhiều nét mang đậm dáng vẻ của Trường Bưởi xưa. Trường Chu Văn An tọa lạc trên một khu đất đẹp khá rộng lớn ở sát hồ Tây trong khuôn viên đất có diện tích trên 42.000m2, trường đã được UBND Thành phố giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để xây dựng trường PTTH chất lượng cao Chu Văn An. Trường PTTH chất lượng cao Chu Văn An được tọa lạc ở vị trí đắc địa, mặt trước nhìn ra phố Thụy Khuê bên cạnh, phía bên phải là Hồ Tây mênh mang sóng nước, cùng hệ thống cây cổ thụ và cây xanh tỏa bóng mát, môi trường trong sạch, yên tĩnh rất phù hợp với cảnh quan sư phạm. Các công trình kiến trúc của trường bao gồm: Nhà bát giác (nhà hiệu bộ) – là nơi làm việc của Ban giám hiệu nhà trường, các dãy nhà A, B, C là các phòng dạy và học đó là các công trình do Pháp xây dựng vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Ngoài ra còn có các công trình khác xây dựng sau này: Nhà thể chất, sân vận động.
Nhà bát giác tọa lạc ở vị trí đẹp sát với hồ Tây tách biệt hẳn với các dãy nhà A, B, C trong khuôn viên của trường. Công trình này trước đây dùng làm nơi ở và làm việc cho hiệu trưởng, hiện nay là nơi làm việc của hiệu trưởng và nhà trưng bày truyền thống của trường. Nhà bát giác có bố cục mặt bằng gồm các khối mặt bằng hình lục giác và chữ nhật đan xen nhau cao hơn hai tầng và có một tầng thấp nửa nổi, nửa chìm so với mặt bằng phía ngoài nhà. Tầng một của công trình gồm hai phòng hình chữ nhật, một phòng hình bát giác, một phòng lục giác và sảnh cầu thang kết hợp lối đi. Để vào nhà có ba lối phụ và một lối chính. Lối đi chính tiếp cận cả nhà thông qua sảnh rộng có lối giành cho ô tô lên xuống từ hai phía. Từ sảnh chính dẫn vào phòng bát giác có 7 mặt tường được bố trí các cửa sổ rộng. Đối xứng với cửa vào chính phía hai bên là cửa đi hai cánh nối thông với một hành lang trong rộng gần 2m. Phòng bát giác rộng có cửa ra vào ban công lớn ở phía ngoài, từ ban công này có thể nhìn bao quát toàn bộ không gian hồ Tây. Mặt bằng tầng hai của nhà bát giác cũng có bố cục mặt bằng tương tự như tầng một, duy chỉ phòng bát giác được thay bằng sân trời có cửa ra vào. Từ vị trí của sân trời này có thể khẳng định công năng của sân phục vụ cho việc ngồi ngắm toàn cảnh hồ Tây từ trên cao. Mặt ngoài công trình nhà bát giác được trang trí nghệ thuật khá công phu, các mặt đứng đều được trang trí các bức phù điêu đắp nổi bằng thạch cao trộn rơm, đề tài của các mảng trang trí này là đường kỷ hà, các phào góc, hoa cúc các vòm cuốn hết sức mềm mại. Trên bề mặt các tường được soi các đường chỉ âm có chiều rộng, chiều sâu từ 3 – 4cm tạo thành những đường gần chạy song song với nhau theo chiều ngang của nhà. Đáng chú ý hơn cả là hình trang trí đắp nổi hình các cô gái phương tây búi cao với khuôn mặt đẹp, nụ cười mỉm xinh xắn được đặt chính giữa các khuôn cửa và cửa ra vào tạo sự sống động cho ngôi nhà cổ.
Có thể nói công trình nhà bát giác là công trình kiến trúc cổ nổi trội nhất mang phong cách kiến trúc Pháp rất cân đối, hài hòa, có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao lại kề cận với mặt nước hồ Tây đã tô điểm thêm cho cảnh quan sư phạm cho ngôi trường mang tên nhà giáo Chu Văn An.
Hai dãy nhà ba tầng A và B xây dựng từ thời Pháp gồm có 36 phòng dùng làm các lớp học, các phòng học khang trang, hành lang rộng, trần cao cùng hệ thống đèn chiếu sáng và hệ thống quạt gió đầy đủ tiện nghi cho các lớp học nhìn ra hồ Tây, các cầu thang đều làm bằng gỗ lim. Tầng dưới nhà A là phòng trực của ban giám hiệu nhà trường, cạnh đó là phòng tiếp khách quốc tế và phòng máy tính và hệ thống nghe nhìn.
Dãy nhà C một tầng gồm có bốn phòng học đẹp và rộng thoáng mát được sửa chữa nâng cấp trong thời gian gần đây.
Sân trường rộng rãi, mát mẻ cùng hệ thống các cây cổ thụ tạo cảnh quan môi trường sư phạm khá độc đáo, dưới các gốc cây cổ thụ đặt các ghế đá, ghế xi măng của các cựu học sinh của các khóa trước tặng nhà trường để học sinh, giáo viên ngồi nghỉ, ngồi đọc sách khá văn minh và tiện lợi.
Cơ sở vật chất của trường về quy mô và thiết bị cho giáo viên và học sinh khá hoàn chỉnh từ các phòng dạy học vật lý, hóa học, sinh học, xưởng thực tập, rèn, nguội, mộc, vườn trồng cây thí nghiệm, sân vận động, nhà trú mưa nắng, nhà ăn, phòng nội trú, nhà để xe… đâu đâu cũng ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ. Có thể nói khung cảnh sư phạm của trường PTTH Chu Văn An vào loại đẹp nhất trong các trường PTTH trong toàn quốc.
Cũng như các cơ quan đơn vị khác trong cả nước, Trường Bưởi – Chu Văn An cũng bị chi phối bởi cuộc kháng chiến của dân tộc. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, n và ước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trường Bưởi đổi tên Trườngg Chu Văn An, giáo sư Dương Quảng Hàm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học Chu Văn An. Nhưng, nền độc lập nước nhà chưa tồn tại được bao lâu, thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta.Ngày 19/12/1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong những năm tháng này nhà trường phải đi sơ tán nhưng vẫn đảm bảo việc dạy và học tốt. Thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, cuối năm 1947 trường Chu Văn An mở trở lại. Học sinh Chu Văn An tham gia đoàn kháng chiến Hà Nội, hoạt động bí mật: ném truyền đơn, in báo nhựa sống, tuyên truyền chống giặc bắt lính… một số giặc tra tấn dã man tại nhà tù Hỏa Lò.
Sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 trường Chu Văn An chuyển từ phố Cửa Bắc về phố ThụyKhuê. Sau khi ổn định trường đã tổ chức các hoạt động thi đua học tập, lao động, làm bích báo, tổ chức học sinh đi mít tinh biểu tình diễu hành đón Bác về Thủ đô. Nhà trường đã tổ chức các hoạt động tích cực động viên hàng ngàn học sinh ngày chủ nhật đi lao động XHCN làm đường Thanh Niên, tham gia chống bão năm 1956, cứu đê Mai Lâm, tổ chức phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ v.v…Hoạt động của hiệu đoàn học sinh Chu Văn An là một trong những hiệu đoàn mạnh nhất lúc bấy giờ.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, trường Chu Văn An đã nhiều lần thay đổi địa điểm sơ tán: thôn Đông Tảo, xã Cấp Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên rồi đến Mỹ Đức, Thanh Oai, Hà Tây. Khắc phục mọi khó khăn của chiến tranh của giặc Mỹ: Học sinh các lớp đội mũ rơm đi học vẫn duy trì việc dạy tốt, học tốt; không ít học sinh đã lên đường nhập ngũ, họ là phi công, pháo thủ, những anh bộ đội cụ Hồ chân đồng vai sắt vượt Trường Sơn đi chiến đấu góp phần giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong số đó có nhiều học sinh của Trường đã anh dũng chiến đấu và hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân, trong số năm đó trước tiên phải kể đến bác sỹ, anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Thùy Trâm (sinh năm 1942) là học sinh khóa 1958 đã phục vụ tại chiến trường Quảng ngãi, anh dũng hy sinh ngày 22-6-1970 và anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều ( sinh năm 1945) đã lập nhiều chiến công bảo vệ bầu trời Thủ đô và anh dũng hy sinh năm 1972 khi cảm tử lao vào máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ.
Trường Chu Văn An rất vinh dự được nhiều lần Bác Hồ đến thăm và nói chuyện, lần nào Bác cũng cho thầy trò những lời giáo huấn vô cùng quý báu. Đặc biệt, trong lần về thăm trường ngày 31/12/1958 Bác đã ân cần dạy bảo: “Tương lai đẹp đẽ là của tất cả mọi người. Mọi người phải cố gắng, các cháu phải là chủ nhân tương lai của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”.
Thực hiện lời giáo huấn ân tình của Bác Hồ kính yêu, lòng tin yêu của Đảng và nhà nước, thầy trò trường Bưởi (Chu Văn An) luôn phấn đấu thi đua dạy tốt và học tốt. Rất nhiều năm trường Chu Văn An là đơn vị tiên tiến, xuất sắc, chi bộ Đảng là tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, công đoàn và đoàn thanh niên nhà trường luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành giáo dục Thủ đô. Năm học 2009-2010, trường là đơn vị lá cờ đầu của khối trung học phổ thông Hà Nội.
Trường Chu Văn An có đội ngũ giáo viên nhiệt tình yêu nước, các tri thức lớn giảng dạy đã hun đúc lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ học sinh. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), Giáo sư Dương Quảng Hàm là những vị hiệu trưởng Việt Nam đầu tiên có tác phẩm tiếng Pháp: Những bài học về lịch sử Việt Nam dùng cho các trường Việt Pháp. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn vừa là giáo sư toán học, vừa là giáo sư sử học. Thời kỳ kháng chiến còn có viện sĩ, thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn giảng dạy môn lịch sử Việt Nam. Thật hiếm có ngôi trường nào ở nước ta có vinh dự, may mắn như trường Chu Văn An được giảng dạy bởi các thầy nổi tiếng như vậy đã có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ học sinh trưởng thành từ mái trường này. Nhiều người ở cương vị lãnh đạo Nhà nước như: cố Thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng, cố Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch v.v…nhiều người đã trở thành những người hoạt động xã hội, nhà khoa học, văn nghệ sỹ nổi tiếng như: nghệ sỹ Trung Kiên, Trần Hiếu, Tô Phương Lan…nhiều người đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc như: thầy giáo Dương Quảng Hàm, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Doãn Hào… Các thế hệ học sinh, các anh hùng Nguyễn Văn Thản, Đào Đức Thông, Nguyễn Văn Chư, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Đình Phúc.
Các thế hệ học sinh đã làm rạng rỡ tên trường, nhiều học sinh giỏi Thành phố, quốc gia, quốc tế như: Nguyễn Khánh Trọng, Nguyễn Hùng Sơn, Phạm Hữu Tiệp, Nguyễn Trung Hà…
Với những thành tích trên nhà trường đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng:
Huân chương lao động hạng Ba năm 1964
Huân chương lao động hạng Nhì năm 1992
Huân chương lao động hạng Nhất năm 2000
Đặc biệt, năm 2010, Trường Chu Văn An – Trường Bưởi xưa – đã vinh dự đón nhận Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.(Theo Quyết định số 1538/QĐ-CTN ngày 11/9/2010 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Ngoài ra,nhiều thầy, cô giáo trong trường đã vinh dự được nhận huân huy chương kháng chiến và huy chương vì sự nghiệp giáo dục. Cùng với tiến trình của lịch sử, các thế hệ thầy trò trường PTTH Chu Văn An nối tiếp nhau khẳng định và phát huy truyền thống: Yêu nước, cách mạng, dạy tốt, học giỏi.
Phát huy truyền thống yêu nước, dạy giỏi, học giỏi của các thế hệ giáo viên và học sinh trường Bưởi năm xưa, hiện nay, trường PTTH Chu Văn An vẫn là cơ sở đào tạo chất lượng cao, có uy tín trong ngành giáo dục cả nước, nhiều học sinh của nhà trường đã làm rạng danh cho nền khoa học và giáo dục nước nhà.
Trường PTTH Chu Văn An đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích – lịch sử văn hóa tại Quyết định số 76/2004/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2004./.
Admin Tây Hồ