HIỂU SAO CHO ĐÚNG VỀ: DẤU ẤN UNG THƯ (TUMOR MARKERS)?

HIỂU SAO CHO ĐÚNG VỀ: DẤU ẤN UNG THƯ (TUMOR MARKERS)?

Tumor marker là gì

I. Dấu ấn ung thư là gì và có giúp chẩn đoán xác định ung thư?

· Nhiều bệnh ung thư liên quan đến sự sản xuất bất thường một số phân tử có thể định lượng được trong huyết thanh. Các phân tử này gọi là Dấu ấn ung thư hay chất chỉ điểm ung thư (Tumor markers).

· Các Dấu ấn ung thư này vẫn được sản xuất với nồng độ thấp ở các mô bình thường. Điểm khác biệt là, riêng các khối u sẽ sản xuất chúng với số lượng lớn. Do đó, ta có thể phân biệt u lành với u ác (ung thư) hoặc phát hiện ung thư qua việc xét nghiệm máu tìm các chất này.

· Một số Dấu ấn ung thư đặc hiệu với chỉ một loại ung thư, tuy nhiên, số khác lại tăng trong nhiều loại ung thư khác nhau.

· Phần lớn các Dấu ấn ung thư cũng tăng trong các bệnh “không phải ung thư khác”. Ví dụ: CEA có thể tăng gây dương tính giả trong: viêm phổi, khí phế thũng, viêm gan, viêm loét dạ dày tá tràng, polyp trực tràng, bệnh vú lành tính…

Kết luận:

· Cho tới thời điểm hiện tại, xét nghiệm Dấu ấn ung thư không thể sử dụng đơn độc để chẩn đoán xác định có ung thư hay không, mà phải phối hợp với thăm khám lâm sàng và những xét nghiệm chuyên sâu khác.

· Xét nghiệm này thật sự hữu ích trong việc đánh giá hiệu quả điều trị và dự đoán diễn biến bệnh. Ví dụ: theo dõi bệnh nhân K vú trong hoặc sau điều trị, nếu kết quả xét nghiệm CA 15-3 tăng cao có nghĩa: bệnh đang tiến triển xấu hoặc tái phát.

II. Một số các Dấu ấn ung thư thường sử dụng:

1. CEA

· Giới hạn bình thường: 0-10 ng/ml.

· CEA là một thành phần của màng nhày đại trực tràng.

· Tăng trong K đường tiêu hoá như: K thực quản, dạ dày, gan, tuỵ, đại trực tràng, vú, buồng trứng, cổ tử cung, tuyến giáp.

· Có thể tăng không nhiều trong polyp đại tràng, viêm ruột non, viêm tuỵ, suy thận mạn.

2. AFP

· Giới hạn bình thường: 0-7 ng/ ml.

· AFP huyết tương tăng trong K tế bào gan nguyên phát, K tế bào mầm (tinh hoàn).

· Giá trị chính của AFP là theo dõi tiến trình bệnh và hiệu quả điều trị K tế bào gan nguyên phát, K tinh hoàn sau điều trị phẫu thuật, xạ trị hoặc hoá trị liệu.

· AFP huyết tương có thể tăng trong viêm gan, xơ gan.

3. PSA

· Giới hạn bình thường: Ở những người < 50 tuổi: PSA < 2,5 ng/ml. Những người > 50 tuổi: PSA < 5 ng/ml.

· PSA huyết tương tăng trong K tuyến tiền liệt; có thể tăng trong u phì đại, viêm tuyến tiền liệt.

· PSA có giá trị trong tầm soát K tuyến tiền liệt, thường được sử dụng kết hợp với chụp trực tràng, siêu âm và sinh thiết (biopsy) ở những đàn ông trên 50 tuổi.

4. CA 125

· Giới hạn bình thường: 0-35 U/ ml.

· CA 125 huyết tương tăng trong K buồng trứng, K cổ tử cung; có thể tăng trong các bệnh lý thanh dịch như cổ trướng, viêm màng tim, viêm màng phổi, viêm màng bụng,…

· CA 125 có vai trò chủ yếu trong chẩn đoán K buồng trứng, đánh giá sự thành công của điều trị và theo dõi tiến trình của bệnh.

5. CA 15-3

· Giới hạn bình thường: 0-32 U/ ml.

· CA 15-3 huyết tương tăng trong K vú, có thể tăng trong u vú lành tính, viêm gan, viêm tuỵ.

· CA 15-3 là một marker hữu ích để theo dõi tiến trình bệnh ở bệnh nhân K vú di căn. Xét nghiệm này không phù hợp cho việc chẩn đoán vì độ nhạy quá thấp khi K vú chưa có di căn.

6. CA 72-4

· Giới hạn bình thường: 0-5,4 U/ ml.

· CA 72-4 huyết tương tăng trong K dạ dày, có thể tăng trong xơ gan, viêm tuỵ, viêm phổi, thấp khớp.

· Được sử dụng để theo dõi và hiệu quả điều trị K dạ dày.

7. CA 19-9

· Giới hạn bình thường: 0-33 U/ ml.

· CA 19-9 huyết tương tăng trong các K đường tiêu hoá như K gan (thể cholangiom), đường mật, dạ dày, tuỵ và đại trực tràng.

· CA 19-9 huyết tương cũng có thể tăng trong viêm gan, viêm tuỵ, đái tháo đường, xơ gan, tắc mật.

· Vai trò chủ yếu của CA 19-9 là phát hiện sớm sự tái phát và theo dõi hiệu quả điều trị các K đường tiêu hoá như nêu trên.

8. CT (Calcitonin) hoặc hCT (Human Calcitonin)

· Giới hạn bình thường: 0,2 – 17 pg/ ml.

· CT là một hormon peptid được bài tiết bởi tế bào parafolliculaar C của tuyến giáp.

· CT đặc hiệu cho chẩn đoán và theo dõi ung thư vùng tuỷ tuyến giáp (C-cell carcinoma).

· CT huyết tương tăng trong K tuyến giáp; có thể tăng trong suy thận mạn, bệnh Paget.

9. TG (Thyroglobulin)

· Giới hạn bình thường: 1,4 – 78 ng/ ml.

· TG huyết tương tăng trong K tuyến giáp, có thể tăng trong u lành tuyến giáp.

10. β2-M (β2-Microglobulin)

· Giới hạn bình thường: 0 – 2000 µg/ L.

· β2-M huyết tương tăng trong K hệ lympho như:

· U lympho (lymphoma) hoặc đa u tuỷ xương (multiple myeloma),

· U lympho Hodgkin (Hodgkin lymphoma),

· U lympho không Hodgkin (No-Hodgkin lymphoma).

· β2-M huyết tương cũng tăng trong nhiễm khuẩn, một số bệnh miễn dịch nhất định. Vì β2-M bài tiết chủ yếu theo đường thận nên nồng độ của nó trong huyết tương và nước tiểu có thể thay đổi theo bệnh lý của cầu hoặc ống thận.

11. β-hCG

· Giới hạn bình thường: 0 – 5 U/ L.

· β-hCG được sử dụng để chẩn đoán, theo dõi hiệu quả điều trị u tế bào mầm nhau thai và tinh hoàn, cũng được sử dụng chẩn đoán u tế bào mầm ngoài sinh dục.

· β-hCG và hCG huyết tương tăng trong K tế bào mầm như K tinh hoàn ở nam và K nhau thai (choriocarcinoma) ở nữ; trong quá trình thai nghén bình thường, chửa trứng hoặc dùng thuốc chống co giật, an thần, chống Parkinson

12. SCC (SCCA)

· Giới hạn bình thường: 0- 3 µg/ L.

· SCC không phù hợp cho mục đích tầm soát ung thư tế bào vẩy vì độ nhạy và độ đặc hiệu thấp.

· Tuy nhiên, SCC có thể được sử dụng để theo dõi tiến trình bệnh và đánh giá đáp ứng điều trị K tế bào vẩy (K cổ tử cung, thực quản) nguyên phát và tái phát.

· SCC huyết tương cũng có thể tăng trong tắc nghẽn phổi, hen.

13. MCA

· Giới hạn bình thường: 0-15 U/ ml.

· MCA hữu ích cho theo dõi di căn ở bệnh nhân ung thư vú.

· MCA không sử dụng cho chẩn đoán hoặc tầm soát K vú vì độ nhạy và độ đặc hiệu thấp.

· MCA huyết tương cũng có thể tăng trong bệnh tuyến vú lành tính, khi có thai hoặc bệnh gan mật.

14. MSA

· Giới hạn bình thường: 121-128,9 U/ml.

· MSA huyết tương tăng theo giai đoạn của ung thư vú, được sử dụng để theo dõi diễn biến của bệnh và đánh giá đáp ứng đối với điều trị bằng hormon và hoá trị liệu.

· MSA huyết tương cũng tăng trong các ung thư khác như K phổi, K đại tràng, K tuỵ, K tuyến (adenocarcinogen),…

· MSA huyết tương cũng tăng nhẹ trong u vú lành tính.

15. CYFRA 21-1

· 0 – 3,3 U/ L.

· CYFRA 21-1 huyết tương tăng trong K phổi (tế bào không nhỏ), bàng quang (dấu ấn lựa chọn 2).

· CYFRA 21-1 được sử dụng để chẩn đoán đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi diễn biến của K phổi tế bào nhỏ; nó cũng được sử dụng để theo dõi diễn biến K bàng quang.

· CYFRA 21-1 huyết tương cũng có thể tăng trong một số bệnh phổi, thận