Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực tài chính, kế toán thì chắc hẳn thuật ngữ tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền đã trở nên quá đỗi quen thuộc trong quá trình học tập cũng như thực hành nghiệp vụ kế toán thường xuyên. Tuy nhiên, nếu là một người mới tiếp cận với lĩnh vực kế toán thì thuật ngữ này có lẽ gây khó dễ không nhỏ trong việc tiếp nhận ý nghĩa của nó. Vậy tỷ giá ghi sổ này trong lĩnh vực kế toán có ý nghĩa ra sao, chúng được áp dụng khi nào và được quy định trong thông tư kế toán mới nhất như thế nào. Hãy cùng theo dõi bài viết để tìm ra câu trả lời cho chính mình nhé!
Nguyên tắc xác định tỷ giá ghi sổ quy định tại thông tư kế toán
Để hiểu được tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền là gì, trước tiên, chúng ta cần dựa theo thông tư hiện hành- TT 200 để xem tỷ giá ghi sổ là gì, tỷ giá này có mấy cách xác định. Dựa theo quy định hiện hành (TT 200/2014/TT-BTC) thì tỷ giá ghi sổ/ tỷ giá xuất quỹ doanh nghiệp bao gồm:
- Tỷ giá ghi sổ theo phương pháp thực tế đích danh
- Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động (tỷ giá bình quân gia quyền sau từng lần nhập, xuất): được xác định trên cơ sở lấy tổng trị giá phản ánh bên Nợ : tổng số lượng ngoại tệ thực có tại thời điểm thanh toán
Như vậy, tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền ở đây là một trong hai cách xác định tỷ giá ghi sổ kế toán.
Điều kiện áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động
Tỷ giá này chỉ được phép áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ, đồng thời, doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính tỷ giá xuất quỹ là phương pháp bình quân gia quyền.
Khi đó, tỷ giá xuất quỹ tính theo phương pháp bình quân gia quyền được tính như sau:
Tỷ giá xuất quỹ= tỷ giá được sử dụng tại bên có tài khoản tiền khi thanh toán tiền bằng ngoại tệ được xác định trên cơ sở lấy tổng giá trị được phản ánh tại bên nợ của các tài khoản 1112 hoặc 1122 / tổng số lượng ngoại tệ thực có tại thời điểm thanh toán.
Trong đó:
- TK 1112: Tiền mặt tại quỹ bằng ngoại tệ
- TK 1122: Tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ
Mô tả nghiệp vụ khi áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền
Bài toán: Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ; mua nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, tài sản cố định nhưng chưa trả tiền ngay cho người bán. Lúc này, số tiền doanh nghiệp nợ nhà cung cấp sẽ ghi sổ sách theo tỷ giá thực tế tại thời điểm mua. Sau này, khi doanh nghiệp thanh toán số nợ nói trên bằng tiền thì lúc này doanh nghiệp phải xuất quỹ tiền mặt bằng ngoại tệ hoặc tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ ra để thanh toán. Tỷ giá dùng để quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam lúc này có thể sử dụng tỷ giá xuất quỹ bình quân gia quyền. Lúc này, kế toán tiến hành hạch toán như sau:
- Khi mua hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ hay tài sản:
- Nợ TK 156/152/153/211: trị giá lô hàng x tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh
- Có TK 331: trị giá lô hàng x tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh
Lưu ý: tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh ở đây được hiểu là: tỷ giá mà kế toán sử dụng để hạch toán và ghi vào sổ sách kế toán khi doanh nghiệp mua hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ hay tài sản. Tỷ giá này thông thường chính là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên giao dịch
- Khi thanh toán nợ cho nhà cung cấp
Khi doanh nghiệp thanh toán khoản nợ cho nhà cung cấp, có thể xảy ra các trường hợp sau:
- (1) Tỷ giá lúc ghi nhận nợ < tỷ giá lúc xuất quỹ để trả nợ. (Ví dụ, lúc mua hàng và ghi nhận khoản nợ với tỷ giá 23.000 đ/USD. Nhưng 1 tháng sau, khi doanh nghiệp trả nợ, tỷ giá lúc xuất quỹ ra để trả theo tính toán của kế toán là 23.500 đ/USD), khi đó doanh nghiệp bị coi là lỗ tỷ giá. Phần lỗ này, kế toán ghi nhận vào chi phí tài chính của doanh nghiệp (TK 635)
- (2) Tỷ giá lúc ghi nhận nợ > tỷ giá lúc xuất quỹ để trả nợ. (Ví dụ, lúc mua hàng và ghi nhận khoản nợ với tỷ giá 23.500 đ/USD. Nhưng 1 tháng sau, khi doanh nghiệp trả nợ, tỷ giá lúc xuất quỹ ra để trả theo tính toán của kế toán là 23.000 đ/USD), khi đó doanh nghiệp được xem là lãi tỷ giá. Phần lãi này, kế toán ghi nhận vào doanh thu tài chính của doanh nghiệp (TK 515).
Lúc này, kế toán hạch toán như sau:
- Nếu lãi tỷ giá
Nợ TK 331: trị giá lô hàng x tỷ giá đã ghi nhận khi mua/tỷ giá lúc ghi nhận nợ
Có TK 1112/1122: trị giá lô hàng x tỷ giá xuất quỹ theo phương pháp bình quân
Có TK 515: trị giá lô hàng x phần chênh lệch lãi tỷ giá
- Nếu lỗ tỷ giá
Nợ TK 331: trị giá lô hàng x tỷ giá đã ghi nhận khi mua/tỷ giá lúc ghi nhận nợ
Nợ TK 635: trị giá lô hàng x phần chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 1112/1122: trị giá lô hàng x tỷ giá xuất quỹ theo phương pháp bình quân
Tóm lại, có thể hiểu một cách đơn giản, tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền là một trong hai cách xác định tỷ giá ghi sổ hay còn gọi là tỷ giá xuất quỹ của doanh nghiệp. Tại đây, kế toán sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình chính là căn cứ theo tỷ giá ngoại tệ trước và sau để trả nợ cho doanh nghiệp.