Có 4 giai đoạn ung thư cổ tử cung, giai đoạn càng cao mức độ càng nghiêm trọng và tiên lượng sống sau 5 năm càng thấp.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020 đã có khoảng 604 000 ca mắc mới và 342 000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung. Khoảng 90% trong số này xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (1). Hầu hết các trường hợp tử vong là do phát hiện muộn, khi bệnh tiến xa di căn hạch và di căn xa tới các cơ quan, đã xâm lấn vào các hạch bạch huyết và các cơ quan trong cơ thể. Do đó, hiểu biết về các giai đoạn ung thư cổ tử cung có thể giúp ích cho phụ nữ mắc bệnh này trong việc chuẩn bị tinh thần, tuân thủ điều trị nhằm tăng tỷ lệ chữa khỏi hoặc tăng tỷ lệ sống sau 5 năm.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào của cổ tử cung (phần dưới của tử cung kết nối với âm đạo).
Virus HPV – virus gây u nhú lây truyền qua đường TD ở người đã được chứng minh có mối liên quan với UTCTC đặc biệt các chủng nguy cơ cao như HPV 16, HPV 18,… Khi phơi nhiễm với HPV, thông thường hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ ngăn chặn virus gây bệnh. Tuy nhiên, virus có thể tồn tại nhiều năm trong cơ thể người nhiễm và góp phần sinh bệnh UTCTC.
Các giai đoạn ung thư cổ tử cung
Giai đoạn ung thư mô tả mức độ lan rộng của ung thư trong cơ thể. Nó giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.
Vậy, ung thư cổ tử cung có mấy giai đoạn? Ung thư cổ tử cung được chia thành 4 giai đoạn theo thứ tự từ I (1) đến IV (4). (2)
Theo quy luật, con số giai đoạn càng thấp thì bệnh ung thư càng ít di căn. Ở giai đoạn cao hơn, chẳng hạn như giai đoạn IV, có nghĩa là một bệnh ung thư tiến triển hơn. Các bệnh nhân ung thư có cùng chẩn đoán giai đoạn thường có tiên lượng và điều trị tương đồng.
Các bác sĩ sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán và khám sức khỏe để tìm ra giai đoạn ung thư, do đó, việc phân giai đoạn có thể không hoàn tất cho đến khi tất cả các xét nghiệm kết thúc. Việc biết được giai đoạn sẽ giúp bác sĩ đề xuất phương pháp điều trị tốt nhất và có thể giúp dự đoán tiên lượng của bệnh nhân, đó là cơ hội hồi phục.
UTCTC thường được phân giai đoạn theo hệ thống phân giai đoạn của Liên Đoàn Sản phụ khoa Quốc tế (viết tắt là FIGO).
Ung thư cổ tử cung giai đoạn I
Ung thư lan từ niêm mạc cổ tử cung vào mô sâu hơn của tử cung và chưa xâm lấn các cơ quan khác.
Giai đoạn IA
UT được chẩn đoán bằng xét nghiệm tế bào học và mô bệnh học. Dựa trên đánh giá hình ảnh học chia thành IA1 và IA2:
- Giai đoạn IA1: Có một vùng ung thư sâu dưới 3mm.
- Giai đoạn IA2: Có một vùng ung thư có độ sâu từ 3mm đến dưới 5mm.
Giai đoạn IB
Trong giai đoạn này, khối u lớn hơn nhưng vẫn chỉ giới hạn ở cổ tử cung; không có sự lây lan xa.
- Giai đoạn IB1: Khối u có chiều sâu từ 5mm trở lên và chiều rộng dưới 2cm.
- Giai đoạn IB2: Khối u có chiều sâu từ 5 mm trở lên và rộng từ 2 đến 4cm.
- Giai đoạn IB3: Khối u có chiều rộng từ 4cm trở lên.
Xem thêm: Ung thư cổ tử cung giai đoạn I (giai đoạn đầu): Triệu chứng và điều trị.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn II
Ung thư đã lan ra ngoài tử cung đến các khu vực lân cận như âm đạo hoặc mô gần cổ tử cung, nhưng vẫn ở bên trong vùng chậu. Ung thư đã không di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Giai đoạn này có thể được chia thành các nhóm nhỏ hơn để mô tả ung thư chi tiết hơn.
Giai đoạn IIA
Khối u giới hạn ở 2/3 trên của âm đạo, chưa lan đến mô bên cạnh cổ tử cung.
- Giai đoạn IIA1: Khối u rộng dưới 4cm.
- Giai đoạn IIA2: Khối u có chiều rộng từ 4cm trở lên.
Giai đoạn IIB
Khối u đã lan đến vùng tham số. Khối u không đến thành chậu.
Xem thêm: Ung thư cổ tử cung giai đoạn II: Dấu hiệu và điều trị.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn III
Khối u liên quan đến 1/3 dưới của âm đạo và/hoặc đã lan đến thành chậu; gây sưng thận, được gọi là thận ứ nước; ngăn thận hoạt động; và/hoặc liên quan đến các hạch bạch huyết khu vực. Các hạch bạch huyết là những cơ quan nhỏ hình hạt đậu giúp chống lại nhiễm trùng; không có sự lây lan xa. (3)
Giai đoạn IIIA
Khối u liên quan đến 1/3 dưới của âm đạo nhưng nó chưa phát triển vào thành chậu.
Giai đoạn IIIB
Khối u đã phát triển vào thành chậu và/hoặc ảnh hưởng đến thận.
Giai đoạn IIIC
Khối u liên quan đến các hạch bạch huyết khu vực. Điều này có thể được phát hiện bằng cách sử dụng các chẩn đoán hình ảnh hoặc bệnh lý. Thêm chữ “r” viết thường cho biết các xét nghiệm hình ảnh đã được sử dụng để xác nhận sự liên quan của hạch bạch huyết. Chữ “p” viết thường cho biết kết quả bệnh lý được sử dụng để xác định giai đoạn.
- Giai đoạn IIIC1: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết trong xương chậu.
- Giai đoạn IIIC2: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết cạnh động mạch chủ. Các hạch bạch huyết này được tìm thấy ở vùng bụng gần đáy cột sống và gần động mạch chủ, một động mạch chính chạy từ tim đến ổ bụng.
Xem thêm: Ung thư cổ tử cung giai đoạn III: Triệu chứng, tiên lượng và điều trị.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn IV
Giai đoạn IVA
Ung thư đã lan đến bàng quang hoặc trực tràng, nhưng chưa lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
Giai đoạn IVB
Ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Xem thêm: Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối (4): Dấu hiệu và điều trị.
Ung thư cổ tử cung tái phát
Ung thư tái phát là ung thư đã trở lại sau khi điều trị. Ung thư cổ tử cung có thể quay trở lại trong khung chậu nơi nó bắt đầu hoặc lan sang các khu vực khác trên khắp cơ thể, chẳng hạn như phổi, hạch bạch huyết và xương.
Nếu ung thư tái phát, sẽ có một đợt chẩn đoán hình ảnh khác để tìm hiểu về mức độ tái phát. Những chẩn đoán này thường tương tự như những kiểm tra được thực hiện tại thời điểm chẩn đoán ban đầu.
Các triệu chứng ung thư cổ tử cung trong các giai đoạn
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể bao gồm:
- Ra máu bất thường hoặc ra máu nhẹ giữa các kỳ kinh ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
- Xuất huyết âm đạo hoặc ra máu sau mãn kinh.
- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
- Tăng tiết dịch âm đạo, đôi khi có mùi hôi.
Khi ung thư cổ tử cung tiến triển, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện bao gồm:
- Đau lưng, chân hoặc vùng chậu dai dẳng.
- Sụt cân, mệt mỏi, chán ăn.
- Tiết dịch có mùi hôi và khó chịu ở âm đạo.
- Sưng chân hoặc cả hai chi dưới.
Các triệu chứng nghiêm trọng khác có thể phát sinh ở giai đoạn tiến triển tùy thuộc vào cơ quan mà ung thư đã di căn.
Tỉ lệ sống sau 5 năm của từng giai đoạn ung thư cổ tử cung
Có hai cách tính tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư cổ tử cung. Thứ nhất là dựa vào tình trạng di căn của tế bào ung thư và thứ hai là dựa vào giai đoạn ung thư.
Tỷ lệ sống theo tình trạng di căn của các tế bào ung thư
Dựa vào thông tin từ cơ sở dữ liệu SEER do Viện Ung thư Quốc gia (NCI) duy trì, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã cung cấp số liệu thống kê về khả năng sống sót của các loại ung thư khác nhau, trong đó có ung thư cổ tử cung.
Cơ sở dữ liệu SEER theo dõi tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm đối với ung thư cổ tử cung ở Hoa Kỳ, dựa trên mức độ di căn của ung thư. Theo đó, SEER phân nhóm ung thư cổ tử cung thành các giai đoạn khu trú, tại chỗ tại vùng và di căn xa. Tỷ lệ sống sót trung bình của ung thư cổ tử cung là 66%.
Tỷ lệ sống sót theo tình trạng di căn của các tế bào ung thư như sau: (4)
- Khu trú: Giai đoạn này không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung hoặc tử cung. Tỷ lệ sống sót là 92%.
- Tại chỗ tại vùng: Ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung đến các hạch bạch huyết gần đó. Tỷ lệ sống sót là 58%
- Di căn xa: Ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận (như bàng quang hoặc trực tràng) hoặc các bộ phận xa của cơ thể như phổi hoặc xương. Tỷ lệ sống sót là 18%.
Tỷ lệ sống sót theo giai đoạn ung thư cổ tử cung
- Giai đoạn 1: Khoảng 95% sẽ sống sót sau khi phát hiện bệnh ung thư trong 5 năm hoặc hơn sau khi được chẩn đoán.
- Giai đoạn 2: Gần 70% sẽ sống sót sau khi phát hiện bệnh ung thư của họ trong 5 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.
- Giai đoạn 3: Hơn 40% sẽ sống sót sau khi mắc bệnh ung thư từ 5 năm trở lên sau khi được chẩn đoán.
- Giai đoạn 4: Khoảng 15% sẽ sống sót sau khi mắc bệnh ung thư từ 5 năm trở lên sau khi được chẩn đoán.
Các phương pháp chẩn đoán giai đoạn ung thư cổ tử cung
Nếu sinh thiết cho thấy có ung thư, bác sĩ có thể yêu cầu một số chẩn đoán hình ảnh nhất định để xem liệu ung thư đã lan rộng hay chưa.
Các chẩn đoán hình ảnh, đánh giá giai đoạn ung thư cổ tử cung bao gồm:
Soi bàng quang, soi tử cung và khám dưới gây mê
Phương pháp này thường được thực hiện ở những phụ nữ có khối u lớn và không cần thiết đối với ung thư được phát hiện sớm.
Trong nội soi bàng quang, một ống soi nhỏ có thấu kính và đèn chiếu sáng được đặt vào bàng quang qua niệu đạo. Điều này cho phép bác sĩ kiểm tra bàng quang và niệu đạo của người bệnh để xem liệu ung thư có phát triển vào những khu vực này hay không?. Các mẫu sinh thiết có thể được lấy ra trong quá trình soi bàng quang và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Nội soi bàng quang có thể được thực hiện dưới gây tê tại chỗ, song một số bệnh nhân có thể cần gây mê toàn thân.
Nội soi trực tràng là một cuộc kiểm tra trực tràng qua một ống chiếu sáng để tìm sự lây lan của ung thư cổ tử cung vào trực tràng của người bệnh.
Bác sĩ cũng có thể khám phụ khoa trong khi bệnh nhân đang được gây mê để tìm xem liệu ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung hay chưa.
Chẩn đoán hình ảnh
Các kiểm tra này có thể cho biết liệu ung thư đã di căn hay chưa, từ đó giúp bác sĩ có thể quyết định kế hoạch điều trị.
X-quang ngực
Chụp X-quang ngực để xem liệu ung thư đã di căn đến phổi hay chưa.
Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT thường được thực hiện nếu khối u lớn hơn hoặc nếu có lo ngại về sự lây lan của ung thư.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp MRI xem xét các phần mô mềm của cơ thể cho hình ảnh hiển thị tốt hơn các chẩn đoán hình ảnh khác. Bác sĩ sẽ quyết định chẩn đoán hình ảnh nào là tốt nhất để áp dụng trong tình huống của bệnh nhân.
Chụp cắt lớp phát xạ Positron (quét PET)
Đối với chụp PET, một dạng đường phóng xạ nhẹ (FDG) được tiêm vào máu và chủ yếu thu thập trong các tế bào ung thư.
Thông thường chụp PET được kết hợp với chụp CT bằng một máy đặc biệt có thể thực hiện cả hai cùng một lúc (chụp PET/CT). Điều này cho phép bác sĩ so sánh các khu vực có hoạt độ phóng xạ cao hơn trên chụp PET kết hợp với hình ảnh trên chụp CT giúp đánh giá tình trạng di căn của bệnh, đặc biệt với ca bệnh nghi ngờ di căn trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác. Đây là loại hình chụp PET thường được sử dụng nhất ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung.
Chụp niệu đồ tĩnh mạch
Chụp niệu đồ tĩnh mạch (còn được gọi là hình ảnh chụp đường tĩnh mạch, hoặc IVP) là một hình chụp X-quang của hệ tiết niệu được thực hiện sau khi một loại thuốc cản quang đặc biệt được tiêm vào tĩnh mạch.
Xét nghiệm này có thể tìm thấy trong đường tiết niệu do sự lây lan của ung thư cổ tử cung. Phát hiện phổ biến nhất là ung thư đã làm tắc nghẽn niệu quản (ống nối thận với bàng quang). Hiện nay kỹ thuật IVP ít được sử dụng do hình ảnh mà CT và MRI mang lại đã giúp cho bác sĩ đánh giá được các bất thường trong đường niệu.
Xác định giai đoạn ung thư cổ tử cung là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định cách điều trị ung thư và xác định mức độ thành công của việc điều trị. Ở Việt Nam, việc điều trị ung thư chủ yếu tuân theo chỉ định của bác sĩ chứ không phải bệnh nhân lựa chọn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có hiểu biết về giai đoạn ung thư cổ tử cung mình đang mắc phải sẽ giúp chủ động hơn trong việc tiếp nhận các phương pháp điều trị, chẳng hạn như làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ của điều trị hoặc chủ động trong việc quan sát, ghi lại các triệu chứng mắc phải. Điều này sẽ hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong việc tìm ra giải pháp cá thể hóa, nâng cao hiệu quả điều trị.