Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác từ năm 1989 khi USAID triển khai các chương trình hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam thông qua Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Patrick Leahy và Quỹ Trẻ Vô gia cư và Trẻ mồ côi (DCOF). Người khuyết tật tại nhiều nơi của Việt Nam được nhận các dịch vụ phục hồi chức năng, các dịch vụ hỗ trợ chỉnh hình và chất lượng chăm sóc được cải thiện thông qua hỗ trợ về đào tạo bác sĩ và các cán bộ y tế khác.
Hiện nay, USAID đang triển khai các chương trình hỗ trợ toàn diện trong các lĩnh vực như tăng trưởng kinh tế và quản trị nhà nước, giáo dục đại học, y tế (gồm HIV, bệnh lao và các mối đe dọa đại dịch và bệnh tật khác), môi trường và biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học/chống buôn bán các loài hoang dã, hỗ trợ người khuyết tật và những người dễ bị tổn thương khác và cứu trợ thiên tai. USAID đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam vươn tới các thị trường toàn cầu thông qua việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Phối hợp với Chính phủ Việt Nam, USAID tiếp tục thúc đẩy hội nhập thị trường sâu rộng hơn nữa thông qua hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Chúng tôi cũng đã cam kết thực hiện một dự án chung với Chính phủ Việt Nam để loại bỏ đất ô nhiễm tại Sân bay Biên Hòa, điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam sau khi đã hoàn thành dự án Xử lý Môi trường Ô nhiễm Dioxin tại Sân bay Đà Nẵng năm 2018.
Các điểm mốc của của USAID tại Việt Nam
- 1989: Chương trình hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam thông qua Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Patrick Leahy và Quỹ Trẻ Vô gia cư và Trẻ mồ côi.
- 19/11/2000: Dưới sự chứng kiến của của Tổng thống Mỹ William J. Clinton, Trợ lý Giám đốc USAID phụ trách khu vực châu Á và Cận Đông Robert C. Randolph đã cắt băng khánh thành văn phòng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Hà Nội.
- 2001: USAID khởi động Dự án Hỗ trợ Thúc đẩy Thương mại (STAR) để hỗ trợ Việt Nam triển khai Hiệp định Thương mại Song phương.
- 2004: Việt Nam trở thành Quốc gia Trọng điểm thứ 15 của chương trình PEPFAR (Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV/AIDS).
- 2005: Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật được ký kết.
- 2007: Văn phòng Đại diện của USAID Việt Nam được thành lập.
- 2010: Văn phòng Đại diện của USAID Việt nam trở thành Phái đoàn Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam.
- 2013: Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nhất trí thiết lập “Quan hệ Đối tác Toàn diện”, xác định một số lĩnh vực ưu tiên chính được hỗ trợ bởi USAID: Quan hệ thương mại và kinh tế, hợp tác khoa học và công nghệ, hợp tác về môi trường và y tế, và các vấn đề di sản chiến tranh.
- 2013: Chiến lược Hợp tác Phát triển Quốc gia của USAID tại Việt Nam giai đoạn 2014-2018 được phê duyệt.
- 2016: Trong chuyến thăm lịch sử của cựu Tổng thống Obama tới Việt Nam, hai nước cùng nhấn mạnh hợp tác phát triển tiếp tục là động lực trong quan hệ song phương và cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, chống mua bán bất hợp pháp các loài hoang dã và xử lý ô nhiễm dioxin.
- Tháng 5/2017: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại thủ đô Washington và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong các vấn đề an ninh y tế toàn cầu; phòng chống HIV/AIDS, dioxin; biến đổi khí hậu; bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của người khuyết tật; và thương mại. Mời các bạn đọc bản tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo tại đây.
- Tháng 11/2017: Nhận lời mời của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội ngày 11-12/11. Lãnh đạo hai nước thảo luận về những biện pháp để củng cố và mở rộng quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, các lợi ích và mong muốn chung thúc đẩy hòa bình, hợp tác, thịnh vượng và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mời các bạn đọc bản tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo tại đây.
- Tháng 11/2018: Hoàn thành việc xử lý đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng sau khi thực hiện thành công dự án kéo dài 6 năm với tổng kinh phí 110 triệu đô la với sự hợp tác giữa USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam.
- Tháng 12/2019: USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam chính thức khởi động các hoạt động xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa và khu vực xung quanh. Dự án kéo dài 10 năm này dự kiến có tổng kinh phí là 390 triệu đô la và phức tạp hơn rất nhiều so với dự án xử lý dioxin tại Đà Nẵng.
- Tháng 12/2019: USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam ký bản ghi nhận ý định để triển khai một chương trình kéo dài 5 năm với trị giá 65 triệu đô la nhằm hỗ trợ người khuyết tật.
- Tháng 5/2020: Chiến lược Hợp tác Phát triển Quốc gia của USAID tại Việt Nam giai đoạn 2020-2025 được phê duyệt.
- Tháng 8/2021: Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên, Phó Tổng thống Kamala Harris đã công bố các hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID nhằm giúp Việt Nam tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng như những sáng kiến mới nhằm đẩy mạnh phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy một môi trường kinh doanh bao trùm tại Việt Nam, cải thiện giáo dục đại học và tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.
- Ngày 13/5/2022, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power có buổi gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Washington D.C. để thảo luận về tăng cường hợp tác phát triển và những hoạt động hỗ trợ hiện nay của USAID tại Việt Nam nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu và ô nhiễm môi trường, cải thiện giáo dục đại học và giải quyết các vấn đề tồn động sau chiến tranh.