Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định. Vậy Ủy ban nhân dân là gì? Ủy ban nhân dân có những nhiệm vụ như thế nào? Sau đây, Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.
Căn cứ Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định như sau:
“Điều 8. Ủy ban nhân dân
1. Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
2. Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.”
Ủy ban nhân dân là một cơ quan hành chính nhà nước của hệ thống hành chính Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là cơ quan thực thi pháp luật tại các cấp tỉnh, huyện và xã. Các chức danh của Ủy ban nhân dân được Hội đồng nhân dân cấp tương ứng bầu ra và có nhiệm kỳ trùng với nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thường là phó bí thư Đảng ủy Đảng Cộng sản Việt Nam cấp tương ứng. Ủy ban nhân dân các cấp có các cơ quan giúp việc như: Sở (cấp tỉnh), Phòng (cấp huyện), Ban (cấp xã).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đây là chính quyền của các địa phương cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có từ 9 đến 11 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, 1 ủy viên thư ký và các ủy viên khác. Thường trực Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, và ủy viên thư ký. Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp tỉnh là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Trên danh nghĩa, vị trí này do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định bằng bầu cử theo hình thức bỏ phiếu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thường đồng thời là một Phó Bí thư Tỉnh ủy. Chủ tịch Ủy ban nhân dân của hai thành phố trực thuộc trung ương lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ đồng thời là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ủy ban nhân dân cấp thành phố trực thuộc tỉnh, quận, huyện, thị xã: Đây là chính quyền của các địa phương cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã. Ủy ban nhân dân cấp huyện có từ 7 đến 9 thành viên, gồm Chủ tịch, 2-3 Phó Chủ tịch và các ủy viên. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp huyện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, trên danh nghĩa là do Hội đồng nhân dân huyện sở tại lựa chọn. Thông thường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện sẽ đồng thời là một Phó Bí thư Huyện ủy.
Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn: Đây là chính quyền của các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Ủy ban nhân dân cấp xã là cấp chính quyền địa phương cấp cơ sở, gần dân nhất ở Việt Nam. Ủy ban nhân dân cấp xã có từ 3 đến 5 thành viên, gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các ủy viên(thường là chỉ huy trưởng BCH quân sự và Trưởng công an xã). Thường trực Ủy ban nhân dân cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch. Người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Về danh nghĩa, người này do Hội đồng nhân dân của xã, thị trấn hay phường đó bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu kín. Thông thường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường hay thị trấn sẽ đồng thời là một Phó Bí thư Đảng ủy của xã, thị trấn hay phường đó. Ủy ban nhân dân xã, phường hay thị trấn hoạt động theo hình thức chuyên trách.
Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, sở dĩ như vậy là vì:
- Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Hội đồng nhân dân dưới hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả bầu cử các thành viên của Ủy ban nhân dân phải được sự phê chuẩn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp. Kết quả bầu cử các thành viên của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Hội đồng nhân dân có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.
- Ủy ban nhân dân là cơ quan chịu trách nhiệm chủ yếu trong viêc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Trong các kỳ họp, Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định các chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Căn cứ vào các nghị quyết đó, Ủy ban nhân dân tiến hành họp, bàn bạc cụ thể và phân công tổ chức thực hiện để các chủ trương của Hội đồng nhân dân đi vào thực tế cuộc sống ở địa phương.
- Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo trước Hội đồng nhân dân cấp mình và trước cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trực tiếp. Ủy ban nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân cấp trên và sự thống nhất lãnh đạo của Chính phủ.
Với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, Ủy ban nhân dân là cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, chấp hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp cũng như những văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Để thực hiện việc quản lý, chỉ đạo điều hành công việc hàng ngày của Nhà nước ở địa phương, Ủy ban nhân dân phải nắm được nhân lực, vật lực cũng như những tiềm năng khác của địa phương. Do đó, chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân khác so với hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội:
- Hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng đối với mọi đối tượng.
- Hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân mang tính thống nhất. Ủy ban nhân dân quản lý hành chính nhà nước ở địa phương trên cơ sở chấp hành các quyết định các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên dưới sự quản lý thống nhất của Chính phủ.
- Hoạt động quản lý của Ủy ban nhân dân chỉ giới hạn trong phạm vi một địa phương, một vùng nhất định. Văn bản quản lý của Ủy ban nhân dân phải phù hợp với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp cũng như văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên mới có giá trị thực hiện.
Vì vậy, Ủy ban nhân dân có vị trí, vai trò hết dức quan trọng ở địa phương. Ủy ban nhân dân có trách nhiệm phải tổ chức thực hiện Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, chỉ đạo hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ trên, Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương trong phạm vi quyền hạn của mình do luật định. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân được quyền ban hành các quyết định, chỉ thị và tổ chức thực hiện các văn bản đó.
Như vậy, thông qua bài viết trên, Luật Hoàng Anh đã chỉ ra các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu của Ủy ban nhân dân.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
Luật Hoàng Anh