Vệ sinh lao động là gì? Quy định pháp luật về vệ sinh lao động?

Vệ sinh lao động là gì

Lao động là vấn đề quan trọng, gắn liền với thực tiễn lợi ích không chỉ của các cá nhân trực tiếp tham gia lao động, mà còn đối với các cá thể hưởng thành quả lao động. Chính vì vậy, vệ sinh lao động có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt. Bài viết dưới đây sẽ phân tích để làm rõ vệ sinh lao động là gì? Quy định pháp luật về vệ sinh lao động?

1. Khái niệm vệ sinh lao động:

1.1. Vệ sinh lao động là gì?

– Vệ sinh lao động là các biện pháp đảm bảo môi trường làm việc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người lao động và giữ vệ sinh môi trường chung.

– Lao động là hoạt động tạo ra sản phẩm, của cải vật chất. Con người tham gia lao động để sử dụng năng lực về thể chất, trí tuệ của mình để tạo ra thành phẩm lao động. Nó có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các chủ thể tham gia hoạt động lao động cũng như sự phát triển của xã hội.

+ Lao động giúp tạo lập ra của cải vật chất, phục vụ nhu cầu sống của con người. Nó được xem là nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của nguồn “cầu”. Đời sống của con người ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng hàng hóa của con người ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, các hoạt động sản xuất để tạo nên thành phẩm ngày càng nhiều.

+ Lao động giúp xây dựng xã hội. Mọi nguồn lực, thành tựu trong đời sống xã hội ngày hôm nay đều do lao động mà nên. Có lao động mới có tài sản, mới tạo ra động lực để phát triển kinh tế.

+ Lao động là cơ sở thiết yếu để con người thỏa mãn được các nhu cầu trong đời sống thường nhật. Như phân tích ở trên, có lao động mới có kinh tế. Có kinh tế thì mới phục vụ được các nhu cầu lợi ích cho bản thân.

1.2. Vai trò, ý nghĩa của vệ sinh lao động:

– Để hoạt động lao động đạt được giá trị cao nhất, phát huy hết vai trò của nó, người sử dụng lao động và người lao động cần phải tuân thủ theo những quy định, nguyên tắc nhất định. Đặc biệt là các quy định xoay quanh vấn đề vệ sinh lao động. Vệ sinh lao động có vai trò, ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với hoạt động sản xuất ra sản phẩm lao động, cũng như lợi ích của người tham gia lao động.

+ Vệ sinh lao động giúp người lao động được làm việc trong một môi trường an toàn, bảo đảm chất lượng. Nó giúp người lao động hạn chế đến mức tối đa những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình tham gia lao động.

+ Vệ sinh lao động giúp các công ty, xí nghiệp, chủ doanh nghiệp quản lý, tuân thủ tốt yêu cầu bảo vệ môi trường mà Nhà nước đưa ra. Thực tế, bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định cho môi trường. Vậy nên, khi đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nhất định về vệ sinh lao động mà Nhà nước đưa ra, doanh nghiệp sẽ tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường, giúp hoạt động kinh doanh diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.

+ Vệ sinh lao động giúp đảm bảo sản phẩm lao động được sản xuất ra đạt yêu cầu cao về chất lượng. Yêu cầu về vệ sinh an toàn lao động được tuân thủ, người dùng sẽ yên tâm khi sử dụng sản phẩm; đồng thời, đây cũng là một trong những cách thức bảo vệ quyền và lợi ích của người dùng một cách tối ưu nhất.

Xem thêm: Lập phương án về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động

2. Quy định của pháp luật về vệ sinh lao động:

2.1. Nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động:

Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 đã đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về vệ sinh lao động. Cụ thể như sau:

– Theo quy định tại Điều 5 Luật an toàn vệ sinh lao động, doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tuân thủ theo những nguyên tắc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động như sau:

+ Thứ nhất, phải bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.

+ Thứ hai, tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.

+ Thứ ba, tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.

2.2. Quyền và nghĩa vụ về an toàn vệ sinh lao động của người lao động:

– Điều 6 luật này đã đưa ra những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ về an toàn vệ sinh lao động của người lao động. Cụ thể:

+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động. Họ được quyền yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo bảo điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động. Người lao động được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống. Trong quá trình làm việc, người lao động được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cùng với đó, họ được phép từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình.

+ Người lao động phải có nghĩa vụ chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Họ phải sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Đồng thời, người lao động phải báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2.3. Quyền và nghĩa vụ về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động:

– Điều 7 Luật an toàn vệ sinh lao động quy định về quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động. Cụ thể:

+ Người sử dụng lao động có quyền: Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động; Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật; Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.

+ Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ chính sau đây: Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động; Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật; Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động….

– Ngoài ra, Luật an toàn vệ sinh lao động còn quy định về quyền và nghĩa vụ của các cơ quan tổ chức Nhà nước khác trong việc việc bảo vệ an toàn vệ sinh lao động.