Lột mặt chiêu trò “cày view” trên YouTube và mạng xã hội

Lột mặt chiêu trò “cày view” trên YouTube và mạng xã hội

View ảo youtube là gì

Video View ảo youtube là gì

Một số ca sĩ còn chi tiền thuê hàng trăm bạn trẻ ôm hoa, ôm thú nhồi bông, chưng băng rôn, khẩu hiệu, ảnh chân dung của mình để hoạt náo không gian biểu diễn của họ. Mục đích là phô trương thanh thế, nâng tầm ảnh hưởng của ca sĩ, đồng thời tranh giành thị phần “công chúng yêu thần tượng” hòng tìm chỗ đứng trong giới showbiz.

“Cày view”. Ảnh minh họa:Báo Thể thao và Văn hóa

Thời nay, nhiều ca sĩ cũng không từ bỏ bất cứ chiêu thức nào để tìm cách tiến thân, nổi tiếng một cách nhanh chóng, trong đó có công nghệ “cày view”. Cày view được hiểu là tìm mọi cách để làm gia tăng lượt xem các video trên nền tảng YouTube. Cày view xuất hiện nhiều nhất ở các MV (music video)-video âm nhạc dưới dạng phim/câu chuyện ngắn kết hợp âm nhạc và hình ảnh bắt mắt, sinh động. Với sự xuất hiện của nhiều MV, các fan của những “ngôi sao” đua nhau kêu gọi cày view để quảng bá và giúp MV lọt top trending cho các thần tượng mau chóng nổi tiếng.

Có nhiều cách cày view, như: Cày view thủ công, cày view trên nhiều thiết bị, cày view trên nhiều trình duyệt, cày view tự động bằng phần mềm. Có ca sĩ còn chi tiền cho cả đội fan hùng hậu thuê hàng dàn máy tính ở các quán internet để cày view, bật cùng MV ở tất cả máy tính nhằm cày được số lượt view “khủng” nhất cho mình.

Nhờ chiêu trò đó, dễ hiểu tại sao chỉ trong vòng vài ba ngày, có MV thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu lượt view. Cá biệt, có ca sĩ trẻ vừa chân ướt chân ráo bước vào thị trường giải trí, nhờ lập trình sẵn công nghệ cày view mà vừa hôm qua ra mắt sản phẩm MV mới thì hôm sau có tới cả triệu lượt view.

Một thị trường âm nhạc sẽ trở nên bát nháo nếu chỉ căn cứ vào chỉ số lượt xem thuần túy trên mạng xã hội. Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu âm nhạc, không phải các ca khúc thu hút hàng triệu view là thước đo chuẩn để đánh giá về chất lượng của một nhạc phẩm. View trên YouTube chỉ là một kênh đánh giá đơn thuần về số lượng lượt xem chứ không nói lên giá trị của một sản phẩm âm nhạc. Vì thực tế có không ít ca khúc “làm mưa làm gió” một thời trên YouTube, nhưng một thời gian sau lại nhanh chóng chìm vào quên lãng. Mặt khác, nếu chỉ dựa vào view mà đánh giá tầm ảnh hưởng của ca sĩ và ca khúc thì chẳng khác nào như thổi bóng bóng, dễ nở nhanh tàn.

Không riêng ở Việt Nam, vấn nạn cày view để “nuôi danh ảo, kiếm tiền thật” cũng xảy ra ở Trung Quốc. Mới đây, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) khẳng định 90% số lượt xem của một số chương trình nổi tiếng trên các kênh video ở nước này là giả. Trung Quốc là thị trường smartphone lớn nhất thế giới với hơn 800 triệu người dùng, từ đó hình thành mô hình kinh doanh “click farm”-“trang trại cày view ảo” ra đời với các công cụ “cày cuốc” chính là smartphone.

Giới chức và truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ hành vi khuyến khích người hâm mộ thao túng các bình luận trên mạng xã hội, tạo các chủ đề trực tuyến để lèo lái dư luận hay sử dụng phần mềm can thiệp nhằm tăng lưu lượng truy cập dữ liệu để thổi phồng các ngôi sao trong giới giải trí. Ngoài ra, cơ quan chức năng của nước này cũng đã thông báo loại bỏ “Bảng xếp hạng quyền lực minh tinh”-một trong những “chiến trường ảo” mà các fan thể hiện tình yêu và sự ủng hộ của họ đối với các ngôi sao giải trí. Mục đích là nhằm thiết lập lại các giá trị đạo đức, văn hóa xã hội và làm sạch môi trường giải trí ở đất nước tỷ dân này.

Trông người lại ngẫm đến ta. Thời gian qua, thị trường giải trí Việt cũng xuất hiện nhan nhản những “ngôi sao ảo” nhờ công nghệ cày view, mà như có người ví von chua chát là “lên mạng gặp thần tượng”. Nhưng các cơ quan chức năng ở ta chưa có động thái quyết liệt để chấn chỉnh, ngăn chặn chiêu trò “thuê cò cày view” đang có nguy cơ làm vẩn đục môi trường văn hóa lành mạnh. Thật đáng lo thay!

CHÍNH NGÔN