Vinh là ở đâu
Giới thiệu khái quát thành phố Vinh
Thành phố Vinh là thủ phủ của tỉnh Nghệ An:Diện tích 104,96 km²Dân số: 435.208 ngườiThành phố Vinh là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh Nghệ An và đã được Chính phủ quy hoạch để trở thành trung tâm kinh tế – văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam.Vinh là thành phố nằm bên bờ sông Lam, phía Bắc giáp huyện Nghi Lộc, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Nghi Xuân, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Hưng Nguyên. Thành phố cách thủ đô Hà Nội 295 km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.424 km, cách thủ đô Viên Chăn (Lào) 400 km về phía Tây.Các đơn vị hành chính bao gồm: 25 phường, xã : Phường Lê Mao, Phường Lê Lợi, Phường Hà Huy Tập, Phường Đội Cung, Quang Trung, Cửa Nam, Trường Thi, Hồng Sơn, Trung Đô, Bến Thuỷ, Đông Vĩnh, Hưng Bình, Hưng Phúc, Hưng Dũng, Vinh Tân, Quán Bàu, Hưng Đông, Hưng Lộc, Hưng Hòa, Hưng Chính, Nghi Phú, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Liên, Nghi Đức.*Các địa danh văn hoá, du lịch: Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh: Công trình Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng vào năm 2000, khánh thành vào 19 tháng 5 năm 2003 đúng dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Phượng Hoàng Trung Đô và đền thờ vua Quang Trung: Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết, nay thuộc thành phố Vinh – tỉnh Nghệ An. Thành được xây vào năm 1788.Công viên Trung tâm:nằm tại trung tâm thành phố, có diện tích: 41.3 ha, địa điểm phía sau Khu Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh Từ thành phố cách 5 km là khu Lưu niệm của đại thi hào Nguyễn Du,cách 15 km là khu di tích Kim Liên – quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh và cách 17 km là bãi biển Cửa Lò – một trong những bãi biển đẹp nổi tiếng của khu vực miền Trung và cả nước.
Thành phố Vinh ngày nay là đô thị loại 1, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Nghệ An, thành phố của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Suốt trong dòng chảy lịch sử của các vương triều phong kiến, với vị trí địa chính trị, địa lịch sử, Vinh trở thành vùng đất “viễn trấn”, chốn “dừng chân’ của các triều đại phong kiến, cũng là nơi danh thắng của đất nước. Trong các cuộc khởi nghĩa giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, nơi đây là cái nôi của các phong trào yêu nước và cách mạng với những tên tuổi đã đi vào sử sách. Từ năm 1788, vùng đất này đã được Hoàng Đế Quang Trung chọn để xây dựng kinh đô mới Phượng Hoàng Trung Đô. Những năm 20 của thế kỷ XX đến cách mạng tháng Tám năm 1945, Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa, là trung tâm phong trào yêu nước, phong trào cách mạng của vùng Bắc Trung bộ.
Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Đảng bộ Vinh được thành lập (tháng 3 năm 1930). Phong trào cách mạng ở Vinh chuyển sang bước ngoặt mới. Một Bến Thủy “đứng đầu dậy trước” trong phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ – Tĩnh. Tiếng trống Xô Viết của công nông Vinh – Bến Thủy, lan tỏa khắp cả nước. Thực dân Pháp đã dìm phong trào trong biển máu, cán bộ đảng viên nhân dân bị giết hại, tù đày, nhưng phong trào vẫn được duy trì, để rồi 15 năm sau, khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Việt Minh liên tỉnh, công nông Vinh – Bến Thủy đã đứng lên giành chính quyền từ tay thực dân phong kiến, góp phần cùng cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc.
Đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Vinh cả hai lần vị san phẳng. Với quyết tâm “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tiêu thổ để kháng chiến”, Vinh là một trong những thành phố triệt để tiêu thổ kháng chiến. Hòa bình chưa bao lâu, Vinh cùng với Miền Bắc xã hội chủ nghĩa lại đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nằm ở vị trí chiến lược trên trục đường Bắc – Nam, Vinh đã phải chịu đựng hàng vạn tấn bom đạn của máy bay, đạn, pháo và tàu chiến Mỹ dội xuống, cả thành phố chỉ còn là đống gạch vụn đổ nát. Nhưng người dân thành phố Vinh vẫn bình tĩnh, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chấp nhận sự mất mát hi sinh, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, cả nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội, đặc biệt sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới (1986), mở cửa và hội nhập quốc tế, thành phố Vinh có những bước phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng phát triển khá đồng bộ, các khu, cụm kinh tế ra đời: Bắc Vinh, Đông Vĩnh, Nghi Phú, Hưng Lộc, Hưng Đông thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nền kinh tế phát triển năng động, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ với mức tăng trưởng cao. Lĩnh vực văn hóa xã hội chuyển biến tích cực. Đời sống mọi mặt của người dân được nâng cao, từng bước vươn lên để xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ vùng Bắc Trung bộ.