Cẩn Ngôn

Vọng ngữ là gì

Hôm trước trong bài “Chia sẻ tâm tình bằng lời nói”, tôi có đề cập đến Vọng Ngữ là tội ghê gớm nhất trong ngũ giới của nhà Phật. Thế thì Vọng Ngữ là gì? Lời nói mà không hợp với sự thật là Vọng (妄), lời nói làm cho người khác hiểu đó là Ngữ (語).

Theo nhà Phật, vọng ngữ giới hay giới vọng ngữ có các hình thái: tự mình nói vọng ngữ, xui người nói vọng ngữ, phương tiện vọng ngữ, duyên vọng ngữ, cách vọng ngữ, nghiệp vọng ngữ, thân vọng ngữ, tâm vọng ngữ…chung quy đều là nối dối, nghĩa là không thấy mà nói thấy, thấy mà nói không thấy, có nói không, không nói có, dựng chuyện, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống…

HDVNN bất cứ ai cũng đều biết câu “uso mo houben”, mặc dầu cũng là nói dối nhưng người Nhật cho rằng nó không thuộc về vọng ngữ, bởi lẽ nó trong khuôn khổ không vi phạm giá trị đạo đức? Tôi không biết, nhưng tôi biết các thương gia Nhật rất giỏi về “Uso mo houben”.

Vọng ngữ là sự giả đối và là hành vi không đạo đức. Mặc dầu tự mình biết rỏ điều ấy không đúng sự thật, vì muốn dối gạt người, bất kể xuất phát từ có mục đích rấp tâm hại người hay chỉ là đùa giỡn, mang đến sự thị phi cho người khác đều là hành vi đê tiện. Mặc dầu là dối gạt người, nhưng xét về mặt bản chất chính là dối gạt mình vậy, bởi muốn gạt người trước phải lừa mình vậy.

Tôi thường bắt gặp đâu đó trong các kinh Phật dạy rằng: Ðối với người phải thành thật, đó chẳng những là điều tối yếu nhập đạo mà làm người chính đáng ở đời cũng phải thành thật.

Nhưng cũng tùy hoàn cảnh, tùy tình huống khi mà Mèo cũng có thể trở thành Sư Tử vậy, nên ở đây tôi không có ý xui dại các bạn là “chưa đánh mà khai”, có nghĩa là sự “thành thật” mang tính chủ quan của chính các bạn vô hình chung dẫn đến tội “vọng ngữ” mà các bạn không nhận ra vậy. Thôi thì không biết thì không có tội ! nhưng công đạo nằm trong lòng của mỗi một con người, mà khuôn khổ của luật pháp không đạt tới được. Nguyên nhân cốt lỏi của vọng ngữ không ngoài mưu cầu danh lợi, tham lam, hay là vì mưu sinh. Trong giới hạn của nghề HDV, tôi nghĩ đó là vì mưu sinh vậy. Thế thì chỉ vì mưu sinh thật sự có cần phải chà đạp lên nhau mà sống, đố kỵ và vọng ngữ nhau mà sống mãi hay không?

Đấu tranh sinh tồn là bản năng của bất cứ một sinh vật nào trên hành tinh này không kể con người, động vật, sinh vật hay côn trùng…đều không có ngoại lệ. Tùy thời, tùy hoàn cảnh mà các hình thái khác nhau, các bạn có thể là một con Sói cô độc, hay một con Chuột nhắt chui ở một xó xỉnh nào đấy trong góc bếp, hoặc “Gà què ăn quẩn cối xay”…cũng không sao, cũng không ai phê phán các bạn. Chỉ cần có thể sống, lo được cho bản thân và gia đình thế là quý lắm rồi.

Nhưng trong đời sống cũng hoàn toàn giống như những biến đổi của giới tự nhiên, “cây muốn lặng mà gió chẳng muốn đừng”, biển lặng bình yên biết đâu ẩn dưới đáy sâu là núi lửa hay sóng thần cuồng nộ trực trào! Thay vì vọng ngữ, hãy học cách đấu tranh của bầy Chó hoang hay bầy Linh Cẩu sẵn sàng đương đầu, và nói chuyện phải trái với Sư Tử. Tôi không hề hoang tưởng với những câu giáo điều như “chính nghĩa thắng gian tà” hay “tà luôn thắng chính”… để xui các bạn phải làm một cuộc đấu tranh hay đại loại như thế. Bởi tôi chỉ muốn sống “bình yên” và đó cũng là “giới hạn” (ranh giới) của tôi. Khi giới hạn của tôi bị xâm phạm và tôi đã phát tín hiệu cảnh báo và không được tôn trọng. Vậy thì sống có gì vui? Chết có gì sợ? Đập nồi dìm thuyền thì đã sao nào? Vì miếng cơm manh áo của vợ dại, con thơ (ai có vợ trẻ hay đẹp thì có thể sửa câu này), ta hát khúc bi tráng như Kinh Kha một đi không trở lại:

Các bạn đừng nghĩ là tôi không sợ gì cả. Thú thật tôi có nhiều cái sợ lắm. Sống trong thời loạn lạc, tôi hiểu giá trị của sinh mệnh đáng quý như thế nào. Tôi không phải là một người gan dạ, chả thế mà cứ hay bị người đời, thân có, lạ có cười chê ngoài quán cà phê đó hay sao? Nhưng nếu như các bạn thấy tôi đứng trước một tay Mỹ đen cao vòi vọi hơn 2m, tay cầm bình sửa bắt nó bú thì các bạn sẻ thấy tôi dũng cảm như thế nào! Dĩ nhiên là nó không dám bú, thì tôi bú chụt chụt và nhè ra cho nó xem…và thế là nó phải trả tiền lại cho tôi vì cái tội bán sửa đểu. Đó là cuộc đấu tranh sinh tồn đầu tiên giành cho con trai tôi giữa vùng đất xa xôi trong cái mùa đông tuyết giá lạnh lẽo và cô độc ấy, và tôi cứ cảm giác mình như là sư tử bố “…tổ cha chúng mày, ông không bú được làm sao con trai ông bú đây? Bọn đểu cáng, con tao có làm sao tao quậy lung lay nhà trắng”. Bây giờ nghĩ lại cũng thấy sợ sợ, “ngộ nhỡ” (ai cũng sợ chữ ngộ nhở)…, thì sao? Nhưng mà các bạn ah: Nhân tâm vốn là rất mềm yếu, cần được bảo hộ, cần được khích lệ, cần có thời gian trưởng thành. Nhưng khi “ Tâm ” có thể tìm thấy được một lý do để kiên cường , nó lại trở thành thứ cứng rắn vô cùng.

Đứng trước tay Mỹ đen, tôi không hề run sợ, bởi tôi có động lực đấu tranh. Nhưng cái mà tôi sợ nhất, chính là vọng ngữ vậy. Vọng ngữ mang đến cho tôi nhiều điều thị phi, vọng ngữ làm tôi mất anh, mất em, mất bạn bè và mất những người thân thương mà tôi yêu quý nhất. Vọng ngữ thật đáng sợ, nó tàn phá tâm hồn chúng ta và khi đối diện với nó biện pháp tích cực nhất cũng là tiêu cực nhất của người công chính, chính là im lặng và chịu sự khinh nhục trong cô độc.

Ở đây tôi không dám mạn đàm về giáo lý của nhà Phật, hay giáo điều về vọng ngữ, chỉ có đôi lời chia sẽ với các anh chị em HDV trong CLB. Không cần phải nói sự thật khi các bạn không muốn nói. Nhưng khi cần phải nói, có thì nói có, không thì nói không. Nếu như không hiểu được bản chất của vấn đề khi lổ tai của mình chỉ nghe loáng thoáng, thì đừng nói theo suy diễn và cảm tính của mình, có khi vô tình các bạn sẻ phạm vào tội vong ngữ vậy.

Các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng phát triển Facebook là một nơi để người ta bày tỏ quan điểm hay kết giao bạn bè rất tốt. Tôi thật sự rất ngu về vi tính, học mãi mà chẳng thông, nên chỉ đành nghe nói lại, tuy nhiên cũng mong các bạn chú ý ngôn từ, cũng không nên mượn nơi này làm nơi đả kích nhau, nói xấu nhau mà mắc tội vọng ngữ vậy.

Đi chùa là để cầu an,

Nhà thờ là để bình an Thiên Đường,

Tội gì vọng ngữ sầu vương ?

Thị phi mất bạn, nghiệp vương thân mình.

Ai ơi nhớ lấy giữ mình,

Giữ tâm chi niệm yên vui gia đình.

NMN

oṃ śuri śuri mahā śuri śuśuri svāhā

Sài gòn 05 tháng 11 năm 2003

Nguyễn Minh Nghĩa