Xét nghiệm VS là một loại xét nghiệm máu lắng, không phải là xét nghiệm chuyên biệt cho riêng bệnh lý nào nhưng được áp dụng phổ biến để tầm soát và chẩn đoán nhiều bệnh. Cùng các chuyên gia MEDLATEC tìm hiểu rõ hơn nhé.
16/07/2019 | Ý nghĩa lâm sàng của các xét nghiệm chức năng tuyến giáp11/07/2019 | Xét nghiệm viêm gan A cần thực hiện khi nào và bao nhiêu tiền?11/07/2019 | Xét nghiệm ALP là gì và khi nào cần thực hiện xét nghiệm ALP
1. Xét nghiệm VS là gì?
Xét nghiệm VS là xét nghiệm đo độ lắng của hồng cầu, bằng cách đưa máu đã được chống đông vào cột ống nghiệm đặc biệt có chia vạch trong thời gian 1h và 2h.
Chiều cao cột huyết tương còn lại biểu thị dưới dạng mm sẽ thể hiện tốc độ lắng hồng cầu, bởi nó phụ thuộc vào số lượng hồng cầu và nồng độ các protein trọng lượng phân tử cao trong máu.
Các protein này thay đổi trong máu dẫn tới tình trạng kết tụ khác nhau của hồng cầu. Tế bào hồng cầu lắng càng nhanh, nghĩa là tốc độ kết tụ càng nhanh chỉ ra tình trạng viêm và hoại tử.
Do đó, xét nghiệm VS không đặc hiệu trên lâm sàng bởi nó cho biết có sự hiện diện của viêm mà không xác định được vị trí và nguyên nhân gây viêm. Do đó, xét nghiệm VS thường được chỉ định cùng các xét nghiệm phát hiện viêm khác để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Xét nghiệm VS là xét nghiệm kiểm tra tốc độ máu lắng
2. Ý nghĩa của xét nghiệm VS
Như đã trình bày ở trên, xét nghiệm VS không đặc hiệu cho chẩn đoán bệnh nào mà giúp phát hiện một cách sợ bộ tình trạng rối loạn sinh học liên quan đến phản ứng viêm của cơ thể. Do đó, xét nghiệm VS được chỉ định tầm soát trong nhiều bệnh, như “tín hiệu” của triệu chứng viêm.
Ngoài ra, xét nghiệm VS cũng được chỉ định để theo dõi tình trạng viêm nhiễm, bệnh lý ác tính như: Nhồi máu cơ tim cấp, sốt thấp cấp…
Một số trường hợp dùng xét nghiệm VS để theo dõi các bệnh lý xác định (Ví dụ bệnh nhiễm trùng điều trị bằng kháng sinh, bệnh tự miễn điều trị bằng corticoid…). Khi chỉ số VS bình thường dần phản ánh tình trạng bệnh đang được cải thiện.
Trong bệnh đau xơ cơ do thấp, cần theo dõi tốc độ lắng hồng cầu định kỳ bằng xét nghiệm VS để quyết định liều prednisolon cần sử dụng.
Như vậy, tùy theo bệnh lý cũng như chẩn đoán của bác sỹ mà cần thực hiện xét nghiệm VS như một phương pháp chẩn đoán, hỗ trợ chẩn đoán, chẩn đoán phân biệt hay theo dõi quá trình điều trị bệnh.
Xét nghiệm VS theo dõi tình trạng viêm nhiễm
3. Kết quả xét nghiệm VS cho thấy điều gì?
3.1 Giá trị VS bình thường
Giá trị VS xét nghiệm được nằm trong khoảng dưới đây được coi là bình thường:
Với người lớn
+ Nam giới dưới 50 tuổi: Nhỏ hơn 15 mm/h.
+ Nữ giới dưới 50 tuổi: nhỏ hơn 20 mm/h
+ Nam giới trên 50 tuổi: Nhỏ hơn 20 mm/h.
+ Nữ giới trên 50 tuổi: nhỏ hơn 30 mm/h.
Với trẻ em
Trẻ sơ sinh đến trẻ dậy thì: 3 – 13 mm/h.
3.2. Chỉ số VS tăng cao
Chỉ số VS cao nằm ngoài phạm vi trên được gọi là VS tăng cao.
Khi chỉ số VS tăng không quá cao, có thể trong các trường hợp sau: Đang mang thai, bệnh thấp cấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận, giang mai, Lupus ban đỏ hệ thống, thiếu máu nặng, bệnh lao, bệnh tuyến giáp.
Chỉ số VS tăng do nhiễm trùng
Khi chỉ số VS tăng cao rõ rang do các bệnh sau:
– Nhiễm trùng do vi khuẩn.
– Bệnh cấp tính như viêm ruột thừa, viêm phổi.
– Bệnh mạn tính như viêm xương, apxe, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
– Phản ứng viêm mạn tính như: Bệnh viêm động mạch thái dương, viêm đa khớp mạn tính tiến triển, viêm hồi đại tràng chảy máu, đau xơ cơ do thấp.
– Bệnh khối u và ung thư như: Đau tủy xương, u lympho.
– Bệnh nhồi máu cơ tim cấp.
– Do nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng.
– Thiếu máu nặng.
3.3. Chỉ số VS giảm
Chỉ số VS máu giảm do các nguyên nhân thường gặp sau:
– Giảm albumin máu.
– Thiếu hụt yếu tố V.
– Thiếu máu hồng cầu hình liềm.
– Suy tim xung huyết.
– Bệnh đa hồng cầu tiên phát.
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số VS
Ngoài yếu tố bệnh lý trên, các yếu tố bệnh lý khác cũng ảnh hưởng đến chỉ số VS mà bác sỹ cần loại trừ như:
– Viêm khớp dạng thấp trẻ em.
– Viêm nội mạc tử cung.
– Viêm cân mạch có tăng bạch cầu ưa toan.
– Viêm gan tự miễn.
– Viêm viêm quầng da do nhiễm Streptococcus pyogen.
– Nhiễm trùng phổi.
– Viêm tuyến giáp bán cấp.
– Viêm ngoại tâm mạc.
– Xơ hóa sau phúc mạc.
– Tổn thương da do nhiễm nấm Blastomyces.
– Viêm mạch máu dị ứng.
– U nhầy nhĩ trái, phải.
– Viêm xương tủy.
– Viêm vùng chậu.
– Bệnh mô liên kết.
Nhìn chung, xét nghiệm VS có thể giúp phát hiện những bệnh lý mà triệu chứng lâm sàng khó phân biệt, nhận dạng. Tuy nhiên, để đưa ra chẩn đoán chính xác, cần kết hợp kết quả xét nghiệm VS với loại xét nghiệm khác phù hợp với bệnh.
5. Xét nghiệm VS thực hiện thế nào?
Xét nghiệm VS cần lấy mẫu bệnh phẩm là máu từ người thực hiện xét nghiệm.
Với người lớn, quá trình lấy máu như sau: sát trùng, sau đó băng quanh cánh tay khu vực chuẩn bị lấy máu, cắm kim tiêm vào tĩnh mạch nối với ống để lấy máu, khi đủ lượng máu cần thiết sẽ rút kim tiêm, dán băng urgo tránh chảy máu.
Lấy máu xét nghiệm VS
Với trẻ em, cũng cần tiến hành sát trùng và dùng kim tiêm lấy máu nhưng không cần dùng dây co giãn buộc quanh cánh tay.
Mẫu máu sau khi lấy sẽ được cho vào lọ thủy tinh chân không để bảo quản và đưa đến phòng thí nghiệm thực hiện phân tích đo tốc độ máu lắng VS.
6. Cần làm gì trước khi xét nghiệm?
Với xét nghiệm máu lắng này, bạn không cần kiêng ăn mà duy trì ăn ở mức bình thường. Chỉ cần tránh xét nghiệm sau 1 bữa ăn nhiều chất đạm như thịt đỏ, hải sản… có thể làm mỡ máu cao và làm sai lệch kết quả.
Nếu trẻ cần lấy máu thì nên giúp bé có tâm lý thoải mái, không sợ hãi để dễ dàng lấy máu hơn.
Sau khi lấy máu, người bệnh có thể có cảm giác chóng mặt, choáng váng hoặc chảy máu nhẹ, những dấu hiệu này sẽ sớm biến mất. Nếu có bất cứ biến chứng nào, hãy báo cho bác sỹ xét nghiệm để được kịp thời xử lý nhé.
Trên đây là một số thông tin về xét nghiệm VS, tầm quan trọng, quá trình thực hiện và phân tích kết quả. Nếu có thắc mắc cần hỗ trợ về xét nghiệm VS, tư vấn kết quả hay vấn đề sức khỏe, hãy liên hệ với MEDLATEC. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc của các bạn!