Mất tờ rời bảo hiểm xã hội khiến người lao động không thể chốt sổ BHXH, không làm được thủ tục nhận BHXH một lần và nhiều chế độ khác. Vậy người lao động khi không may làm mất tờ rời sổ bảo hiểm xã hội cần phải làm thế nào? Tất cả sẽ được EBH chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Cơ quan BHXH giải quyết mất tờ rời sổ BHXH cho người lao động
1. Tờ rời bảo hiểm xã hội là gì?
Tờ rời bảo hiểm xã hội (BHXH) gắn liền với sổ bảo hiểm xã hội ghi quá trình đóng BHXH của người tham gia quá trình nhận hưởng các chế độ BHXH. Tờ rời BHXH gồm tờ rời hàng năm và tờ rời chốt sổ. Trong đó:
Tờ rời hàng năm: được cấp sau mỗi năm người lao động đóng BHXH; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tờ rời hàng năm là cơ sở để xác nhận quá trình tham gia BHXH; BHTN đã được đơn vị người lao động nộp đủ tiền tính đến 31/12 của năm tài chính.
Tờ rời chốt sổ: được cấp khi người tham gia ngừng đóng để bảo lưu thời gian đóng BHXH; BHTN di chuyển ngoài địa bàn Tỉnh và để giải quyết các chế độ BHXH; BHTN.
Như vậy, có thể thấy tờ rời bảo hiểm xã hội là giấy tờ quan trọng trong việc xác định đầy đủ quá trình tham gia đóng BHXH của người lao động. Do đó, nếu thiếu tờ rời này người lao động sẽ không đủ điều kiện cần thiết để hưởng một số chế độ như BHXH 1 lần hoặc trợ cấp thất nghiệp… theo quy định.
2. Mất tờ rời bảo hiểm xã hội phải làm thế nào?
Pháp luật quy định sổ bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bìa sổ và tờ rời) là giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần và nhiều hồ sơ hưởng chế độ BHXH khác hay khi chốt sổ BHXH. Trường hợp mất tờ rời bảo hiểm xã hội người lao động phải làm thủ tục xin cấp lại tờ rời bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ xin cấp lại tờ rời sổ bảo hiểm xã hội
2.1 Hồ sơ xin cấp lại tờ rời sổ bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 27, văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam hướng dẫn cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH thì trường hợp mất tờ rời bảo hiểm xã hội người lao động chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:
(1) Người tham gia chuẩn bị: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
(2) Đơn vị: Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Người lao động nộp hồ sơ theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 31 Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam. Cụ thể:
-
Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH.
-
Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH: nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc.
2.1.1 Cấp lại tờ rời BHXH mất bao lâu?
Hiện nay Pháp luật quy định về thời gian trả tờ rời BHXH không quá 10 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ xin cấp lại tờ rời sổ BHXH theo đúng quy định.
Trường hợp cơ quan BHXH cần xác minh lại quá trình tham gia BHXH ở Tỉnh khác hoặc tại nhiều đơn vị nơi người lao động làm việc và đóng BHXH thì thời gian giải quyết cấp lại tờ rời không quá 45 ngày làm việc đồng thời phải có văn bản thông báo cho người lao động được biết.
2.2 Trường hợp không mất tờ rời sổ BHXH mà không có do đơn vị cũ chưa chốt sổ
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 48, Bộ Luật lao động 2019 quy định:
“3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
Mặt khác tại Khoản 5, Điều 21, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu rõ:
“Người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng Bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định trên, nếu đơn vị/ doanh nghiệp cũ chưa chốt sổ xác nhận thời gian đóng BHXH thì người lao động liên hệ đơn vị cũ để yêu cầu được chốt sổ, in bổ sung tờ rời xác nhận thời gian đóng BHXH.
Như vậy, mất tờ rời bảo hiểm xã hội người lao động sẽ không thể làm thủ tục hưởng nhiều chế độ BHXH, do đó cần lưu ý phải xin cấp lại tờ rời BHXH để đảm bảo lợi ích. Trường hợp nếu chưa rõ các thủ tục xin cấp lại tờ rời BHXH người lao động có thể đến trực tiếp tại cơ quan BHXH để được hướng dẫn chi tiết.
Bảo hiểm xã hội điện tử eBH mong rằng những chia sẻ trong bài viết trên đây có thể mang lại cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích nhất.