Dấu tích cổ xưa nhất của con người sinh sống trên vùng đất này là văn hóa Sơn Vi thời hậu kỳ đá cũ (23.000-11.000 năm cách ngày nay) và tiếp sau là văn hóa Hòa Bình thời đại đá mới (11.000-7.000 năm cách ngày nay). Sang thời đại kim khí (4.000-2.000 năm cách ngày nay), trên địa bàn xứ Đoài phát hiện được hàng loạt di chỉ khảo cổ học giai đoạn Phùng Nguyên (sơ kỳ thời đại đồ đồng); giai đoạn Đồng Đậu (trung kỳ thời đại đồ đồng) và giai đoạn Gò Mun (hậu kỳ thời đại đồ đồng). Giai đoạn văn hóa Đông Sơn (sơ kỳ thời đại đồ sắt), khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên (TCN), di tích được phát hiện rải rác trên địa bàn miền Bắc và Bắc Trung Bộ, trong đó riêng lưu vực sông Hồng và địa bàn xứ Đoài phát hiện được gần 50 di tích. Văn hóa Đông Sơn là sản phẩm tổng hợp, kết tinh và đỉnh cao của toàn bộ các nền văn hóa tiền sử khu vực phía Bắc, cũng là văn hóa của thời đại dựng nước đầu tiên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Quá trình hình thành Nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đã được phản ánh trong sách Việt sử lược: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 TCN) ở bộ Gia Ninh (xứ Đoài) có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang”. Thông tin vô cùng quan trọng này được kiểm chứng bằng nhiều nguồn tư liệu khác, nhất là hàng loạt di chỉ khảo cổ học thời đại kim khí trên địa bàn Bắc Bộ Việt Nam, trong đó địa bàn xứ Đoài là tiêu biểu hơn cả.
Lễ hội tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: MINH HUY
Tổ chức nhà nước lúc này còn hết sức đơn sơ. Đứng đầu nhà nước là Hùng Vương-bậc tù trưởng hay thủ lĩnh. Vua Hùng có thể lúc đầu vốn là tù trưởng của bộ lạc Văn Lang, bộ lạc mạnh nhất với địa bàn trải rộng hai bên bờ sông Hồng từ chân núi Ba Vì đến chân núi Tam Đảo, đã giữ vai trò trung tâm tập hợp các bộ lạc khác và trở thành thủ lĩnh liên minh bộ lạc, rồi chuyển thành người đứng đầu một tổ chức nhà nước sơ khai mà kinh đô và trung tâm nằm ở thượng nguồn châu thổ sông Hồng. Giúp việc cho vua Hùng có các lạc hầu. Nước được chia ra thành 15 bộ (bộ lạc), trong đó các bộ: Văn Lang, Tân Xương, Gia Ninh, Phúc Lộc đều nằm ở khu vực xứ Đoài… Xứ Đoài là vùng đất lõi, là địa bàn nguyên gốc hình thành con người Việt Nam, quốc gia Việt Nam, nơi tôi luyện và kết quyện thành các giá trị đầu tiên của truyền thống dân tộc Việt Nam, của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Năm 179 TCN, cơ đồ của Nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu”, nước ta bước vào thời kỳ Bắc thuộc, trong đó địa bàn xứ Đoài là trung tâm quan trọng nhất để các chính quyền đô hộ triển khai những chính sách áp bức, bóc lột, nô dịch và đồng hóa dã man, tàn bạo. Chính vì thế, nơi đây trở thành địa bàn đi đầu trong các phong trào đấu tranh chống Bắc thuộc.
Cuộc khởi nghĩa nổ ra vào mùa xuân năm 40 của Hai Bà Trưng hội tụ về khu vực cửa sông Hát (Hát Môn, Phúc Thọ) và lan nhanh ra cả nước. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho rằng, tinh thần của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng không chỉ định hướng cho tương lai phát triển của dân tộc Việt Nam mà cho tất cả dân tộc trên thế giới, khi ông long trọng xác nhận tại Đà Nẵng ngày 10-11-2017: “Đó là vào năm 40 sau Công nguyên, khi Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần của người dân trên đất nước này. Đó cũng là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đòi độc lập và phẩm giá của mình. Ngày hôm nay, những nhà yêu nước và anh hùng trong lịch sử của chúng ta giữ câu trả lời đó cho câu hỏi lớn về tương lai và thời đại của chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là ai và sứ mệnh của chúng ta là gì”.
Tiếc rằng, khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chính quyền Trưng Vương chỉ tồn tại trong khoảng 3 năm. Quốc đô Mê Linh và căn cứ Cấm Khê (hoàn toàn trên đất xứ Đoài) trở thành tâm điểm của cuộc đàn áp đại quy mô của Mã Viện. Hai Bà Trưng và các tướng sĩ đã chiến đấu đến cùng và anh dũng hy sinh. Quê hương, đất nước lại rơi vào ách đô hộ của phương Bắc.
Tròn nửa thiên niên kỷ sau, cuộc nổi dậy của toàn dân do Lý Bí lãnh đạo lấy vùng đất Thái Bình mà trung tâm là thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức (Hà Nội ngày nay) làm địa bàn căn bản, lập nên Nhà nước Vạn Xuân độc lập vào năm 544 và duy trì cho đến năm 602. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, người Việt tự xây dựng cho mình một cơ cấu nhà nước mới theo chế độ tập quyền cao. Lý Nam Đế cùng các tướng văn, tướng võ trụ cột của triều đình Vạn Xuân từ lúc khởi dựng đến khi giao cho Triệu Quang Phục và kể cả khi đã chuyển sang tay Lý Phật Tử, hầu hết đều là người của vùng đất xứ Đoài. Điều hết sức đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên vùng đất lõi của đô thị Hà Nội được Lý Nam Đế là người xứ Đoài chọn làm kinh đô, mà dấu tích còn lại là đầm Vạn Xoan (Xuân), cửa ô Vạn Xuân, chùa Khai Quốc (Trấn Quốc), thành cửa sông Tô Lịch ở Hồ Khẩu… Đất nước Vạn Xuân duy trì được gần 60 mùa xuân thì lại bị rơi vào ách thống trị của nhà Tùy, rồi sau đó là nhà Đường.
Các phong trào đấu tranh yêu nước chống lại ách đô hộ của nhà Đường từ Lý Tự Tiên, Đinh Kiến cho đến Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Thanh… khi đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thì đều lấy chính quyền đô hộ của nhà Đường ở Tống Bình, Đại La làm mục tiêu tấn công chủ yếu và vùng đất Sơn Tây cũ trở thành địa bàn căn bản phát triển lực lượng toàn dân tộc.
Trên cơ sở nền tảng đó, Ngô Quyền-người anh hùng kiệt hiệt đất Đường Lâm (Sơn Tây) mới có thể trở thành con người kết tinh của lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc, vị Tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam, kết thúc vĩnh viễn nghìn năm đô hộ của phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước bằng kỳ tích Bạch Đằng năm 938. Đây là bước tiến rất dài, rất căn bản của lịch sử Việt Nam, mà người xứ Đoài kể từ các thế hệ Hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng cho đến Ngô Quyền đều là những người đi tiên phong và có những đóng góp kiệt xuất.
Lý Công Uẩn sáng lập vương triều Lý (1009-1225), xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền và quyết định dời đô về Thăng Long, trung tâm đất nước. Mùa thu, tháng Bảy năm Canh Tuất (1010), khi viết Chiếu dời đô, ông đã nhận ra rất rõ vị trí thế tựa đời đời của Thăng Long không đâu khác chính là lộ Quốc Oai (xứ Đoài). Bằng tầm nhìn và sự nghiệp thiên niên kỷ, Lý Công Uẩn từ đây đã khéo kéo toàn bộ thiên nhiên, kinh tế, văn hóa và con người xứ Đoài trở thành nguồn lực, thành nội lực hàng đầu cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển kinh đô, làm nên văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt. Xứ Đoài-Hà Tây, đúng như lời một bài hát: “Cửa ngõ Thủ đô, áo giáp chở che ngàn năm bền vững”, không chỉ cho Thăng Long, cho Hà Nội, mà cho đất nước Việt Nam đời đời.
GS, TS, NGND NGUYỄN QUANG NGỌC, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô