Sa Mộc Thảo

Yên hoa là gì

Nhân lúc đêm đến đi dạo, chợt lăn lộn với câu “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” mà ngây ngẩn, vì đột nhiên có bạn bảo, yên hoa là hoa khói, thế chẳng phải ý là, hoa nhiều như khói?

Mặt mình vẽ thành một chữ “ngu ngốc”, quả là cái ý này, lần đầu tiên mình thấy. Cũng bởi chưa thấy ai so sánh hoa và khói với nhau cả, nên mày mò đi thỉnh người giảng tường tận cho mình nghe, và chợt thấy đôi điều thú vị.

Xin nhắc lại cả bài “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”

古 人 西 辭 黃 鶴 樓 煙 花 三 月 下 揚 州 孤 帆 遠 影 碧 空 盡 惟 見 長 江 天 際 流

Cố nhân tây từ Hoàng-hạc lâu, Yên hoa tam nguyệt hạ Dương-châu. Cô phàm viễn ảnh bích không tận, Duy kiến Trường-giang thiên tế lưu.

Tây từ là giả biệt ở phía Tây. Hoàng Hạc Lâu nằm ở phía tây thành Giang Tô, tức Quảng Lăng thời xưa. Bài thơ này rất nổi tiếng vì là của thi tiên Lý Bạch múa bút. Các nhà yêu thơ của ta, trừ Tản Đà ra, ai cũng có thử bút để dịch cả. Chỉ có điều phần đông đều dựa vào Tự điển để dịch, cho nên dịch chưa đạt. Ngôn từ của thi ca đâu có giống ngôn từ của đời thường. Trong bài này có cụm từ « Yên hoa tam nguyệt », ông Ngô Tất Tố dịch « yên hoa » là hoa khói (Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xa dòng), chẳng ai biết « hoa khói » là cái hoa gì, ông bỏ cụm « tam nguyệt » không dịch. Ông Trần Trọng Kim, trái lại, dịch : Tháng ba trẩy xuống Dương châu thuận dòng. Ông Kim dịch cụm Tam nguyệt nhưng bỏ qua Yên hoa. Vậy « Yên hoa tam nguyệt » là gì mà làm khó các dịch giả yêu thơ của chúng ta như vậy ? Xin thưa : Đó là cụm từ để chỉ « ngày đầu xuân, hoa vừa nở rộ ». Không có khói hay tháng ba gì cả.

Để giúp các bạn tiếp cận với bài thơ, tôi xin trích lời 2 bài dịch ra tiếng Pháp, một của giáo sư Hứa Uyên Xung, giáo sư Đại học Bắc Kinh và một của giáo sư Maurice Coyaud, giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học CNRS Pháp phụ trách nhóm chuyên khảo về Trung Hoa, để xem người Tầu và người Tây họ hiểu 2 câu đầu bài thơ này như thế nào. Hứa Uyên Xung (Xu Yuan Zhong) : Mon ami quitte à l’ouest la Tour de Grue dorée Pour descendre à la ville en fleur printanière.

(Bạn tôi rời ở phía tây lầu Hoàng Hạc để đi xuống thành phố đang nở rộ hoa đầu xuân)

Maurice Coyaud : Mon ami me quitte à l’ouest, au pavillon de la Grue Jaune, Fleurs printanières à foison, il descend vers Yangzhou.

(Bạn tôi từ giả tôi ở hướng tây, tại lầu Hoàng Hạc, Hoa đầu xuân nở rộ, anh đi xuống Giang Châu).

Hứa Uyên Xung dịch ra thơ Pháp nên phải bỏ bớt địa danh Giang châu, thay vào đó, là thành phố rộ hoa đầu xuân. Theo tôi, Maurice Coyaud mới là người dịch đúng nhất. Bài này Lý Bạch có ý than thở : « Anh bạn cố tri của tôi đã bỏ tôi ở giữa lầu Hoàng Hạc đang mùa hoa đầu xuân nở rộ để đi xuống Giang Châu, nghĩa là anh đã không ở lại cùng tôi thưởng hoa để múa bút làm thơ », là một câu chí tình với bạn, tiếc là các dịch giả của ta, chỉ dịch thơ theo tự điển (mot à mot) mà không theo nguồn cảm xúc của thơ mà bỏ mất cụm “thi nhãn” của bài thơ, biến một bài thơ hay thành một bài tả cảnh chung chung.

( Theo diễn đàn viethoc)

Thật thi thú …

Cho một ngày cuối tuần nhẹ tênh …