Giới thiệu khái quát huyện Yên Thành
Điều kiện tự nhiên
1. Điều kiện tự nhiên
Huyện Yên Thành nằm ở phía đông bắc tỉnh Nghệ An, trong tọa độ 18055’ đến 190 12’ vĩ độ bắc và từ 105011’ đến 105034’ kinh độ đông. Phía bắc giáp huyện Diễn Châu và huyện Quỳnh Lưu, phía nam giáp huyện Đô Lương và huyện Nghi Lộc; phía đông giáp huyện Diễn Châu; phía tây giáp huyện Nghĩa Đàn và huyện Tân Kỳ.
Hiện nay, Yên Thành có tổng diện tích tự nhiên là 54.571,67 ha, trong đó, đất nông nghiệp là 42.254,79 ha, đất phi nông nghiệp là 9.605,09 ha, đất chưa sử dụng là 2.711,79 ha.
Về địa hình, huyện Yên Thành tựa hình lòng chảo, ba phía bắc, tây, nam là rừng núi và đồi thấp, ở giữa và phía đông là vùng trũng tiếp giáp với huyện Diễn Châu; với chiều dài gần 40 km từ bắc xuống nam, chiều rộng gần 35 km từ đông sang tây. Nơi gần bờ biển nhất là xã Đô Thành (6km). Đỉnh Vàng Tâm với độ cao 544 m, là ngọn núi cao nhất huyện nằm ở phía bắc xã Lăng Thành. Nơi thấp nhất là cánh đồng trũng dọc kênh Biên Hòa, xã Vĩnh Thành, cao 0,2 m so với mực nước biển. Phía bắc huyện là dãy núi Bồ Bồ, phía tây và tây nam là đồi núi có các thung lũng, hang động tạo nên nhiều cảnh quan đẹp.
Từ thế kỷ X trở về trước, vùng đồng trũng huyện Yên Thành thường bị ngập nước. Từ thời Tiền Lê, thời Lý, công cuộc di dân, khai hoang được đẩy mạnh đã tạo lập nên những hương ấp, làng xóm. Đặc biệt, từ thời Trần, vùng biên viễn xưa kia đã trở thành những cánh đồng trù phú, là vựa lúa của vùng, đồng thời cũng là nơi tập trung đông đảo các cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Hệ thống sông ở Yên Thành không nhiều và không có con sông nào lớn, hầu hết là các con sông ngắn và nhỏ. Sông Dinh bắt nguồn từ động Trọc (xã Quang Thành cũ) theo khe Cấy và một nhành từ các làng Đồng Trổ, Đồng Mai theo khe Vằng, hợp lưu với nhau chảy qua xã Tràng Thành sang các làng Long Hồi, Tích Phúc xuống sông Điển. Sông Dền bắt nguồn từ động Huyệt chảy qua xã Phúc Thành, Kẻ Dền đổ xuống sông Sọt. Bàu Sừng bắt nguồn từ động Mồng Gà chảy về các làng Quỳ Lăng, Yên Mã, Thành Đạt, Tiên Bồng đổ xuống sông sở. Khe Nhà Trò, khe Mã Tổ bắt nguồn từ hòn Câu, hòn Sường chảy về các làng Phúc Lộc, Phúc Trạch, Thọ Trường, Lạc Thổ. Ở phía nam, do đồi núi trọc nên không có nguồn ánh sinh thủy chảy đều, chỉ có một số khe và bàu như khe Ngọng. bàu Mậu Long, bàu Chèn, bàu Liên Trì chảy về sông Vũ Giang rồi xuống sông Điển. Khe Cát chảy qua các làng Tràng Sơn, Lương Hội về sông Điển. Sông Điển chảy qua các xã Khánh Thành, Long Thành, Vĩnh Thành hợp lưu với cột Sọt, chảy về sông Bùng ra Lạch Vạn.
Hệ thống nông giang Bắc Nghệ An được khảo sát từ nằm 1927 và tiến hành xây dựng trong những năm 1932 – 1937, đã đưa sông lam từ Bara Đô Lương về tưới cho phần lớn diện tích đồng bằng huyện Yên Thành.
Từ năm 1960 đến nay, đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống Mỹ, huyện Yên Thành đã xây dựng được gần 200 hồ đập lớn, vừa và nhỏ để tưới cho vùng cao, chống úng cho vùng sâu, tưới khoa học cho vùng giữa thành ruộng thâm canh hai, ba vụ.
Yên Thành nằm trong vùng tiểu khí hậu Bắc Trung Bộ. Mùa hè, gió Tây Nam thổi mạnh, không khí nóng nực, nhưng khi có gió Đông Nam (gió Nồm) đưa hơi nước biển lên thì mát mẻ dễ chịu. Mùa thu thường phải chống chọi với những cơn bão lớn. Mùa đông có gió Đông Bắc, mưa dầm kéo dài.
Về giao thông, hiện nay, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện tương đối phát triển. Quốc lộ 7, đoạn đi qua huyện từ xã Vĩnh Thành đến xã Mỹ Thành dài 18 km; tỉnh lộ 538, đoạn đi qua huyện từ xã Hợp Thành về xã Công Thành dài 15 km; tỉnh lộ 534, đoạn đi qua huyện từ xã Sơn Thành đến thị trấn dài 14km; đường Dinh – Lạt từ xã Nhân Thành đi xã Tây Thành dài 21 km. Ngoài ra, còn có 23 tuyến đường liên xã, liên xóm đều đã được đỗ nhựa hoặc bê tông đến từng gia đình. Xe cơ giới đi lại tương đối thuận lợi.
2. Địa lý hành chính
Huyện Yên Thành là vùng đất cổ đã có hàng nghìn năm lịch sử. Thuở các vua Hùng dựng nước, Yên Thành thuộc bộ Việt Thường (Việt Thường là một trong 15 bộ của nước Văn Lang).
Thời Bắc thuộc, Yên Thành được gọi là huyện Hàm Hoan, thuộc quận Cửu Chân đời Triệu, quận Cửu Đức đời Ngô, quận Đức Châu đời Lương, quận Nhật Nam đời Tùy, châu Nam Đức, Đức Châu rồi Hoan Châu đời Đường.
Năm Trinh Quán thứ nhất (627) đời Đường, Hoan Châu được chia thành Diễn Châu và Hoan Châu. Lỵ sở của Diễn Châu đóng ở làng Kẻ Sừng, xã Quỳ Lăng.
Buổi đầu thời kỳ độc lập, nhà Khúc (905 – 907), nhà Ngô (936-965) , vùng Quỳ Lăng vẵn là trung tâm của Châu Diễn.
Thời Tiền Lê, sau khi lên làm vua, Lê Đại Hành đã phong cho hoàng tử Lê Long Toàn làm Đông Thành Vương và cử Long Toàn vào trấn trị Châu Diễm. Sau 15 năm làm Tri Châu và bảy năm xưng vua Ngân Tích Vương mà nhân dân thường gọi là vua Dền, Lê Long Toàn đã lấy vùng kẻ Dền – Công Trung – Tràng Thành làm Lỵ sở, xây dựng nơi đây thành trung tâm kinh tế, quân sự của Châu Diễn. Tên Đông Thành có từ thời Tiền Lê.
Thời nhà Trần, Yên Thành được gọi là Trấn Vọng Giang, là huyện Thổ Thành (thành đất). Thời nhà Hồ gọi phủ Linh Nguyên. Thời thuộc minh gọi là huyện Đông Ngàn. Thời nhà Lê đến đầu đời Nguyễn gọi là huyện Đông Thành của phủ Diễn Châu.
Tên huyện Yên thành ( một số tài liệu chép là huyện An Thành) được dựng đặt từ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829). Tám năm sau, đến năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), chính thức cắt năm tổng Hoàng Trường, Vạn Phần, Thái Trạch, Quan Triều và Cự Lâm lập huyện Yên Thành. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) tách tổng Cự Lâm về huyện Nghĩa Đường (tức huyện Nghĩa Đàn).
Năm Thành Thái thứ 10 (1898), chia lại thành hai huyện Yên Thành và Đông Thành. Huyện Yên Thành ở phía Tây, gồm các tổng Quỳ Trạch (tức tổng Thái Trạch), Quan Hóa (tức tổng Quan Triều), Vân Tụ (tức tổng Vân Lôi), Quan Trung và Vân Hội. Lỵ sở huyện Yên Thành chuyển về làng Phụng Luật (nay thuộc xã Hợp Thành).
Từ năm 1898 đến năm 1945, huyện Yên Thành có 5 tổng, 136 làng xã. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cắt các làng Xuân Lạc (Kẻ Năn), Phượng Kỷ (Kẻ Mưng), Yên Lương, Mỹ Hòa, Trịnh Sơn về huyện Anh Sơn; cắt các làng Trị Nội, Hội Yên về huyện Nghi Lộc.Sau năm 1955, cắt làng Cận Nghĩa Môn về huyện Quỳnh Lưu.
Hiện nay, huyện Yên Thành có 1 thị trấn và 38 xã.
GIỚI THIỆU TIỀM NĂNG, LỢI THẾ HUYỆN YÊN THÀNH – TỈNH NGHỆ AN ĐỂ VẬN ĐỘNG THU HÚT CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
uyện Yên Thành nằm ở phía bắc của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh và sân bay Vinh 60 km về phía nam; cách QL 1A 12 km về phía đông, cách Ga Sy (ga đường sắt) 9km về phía đông trên đường TL 538 đi QL 1A), cách cảng Cửa Lò 40 km về phía đông nam, cách Hà Nội 290 km về phía bắc.
- TIỀM NĂNG, LỢI THẾ
- Vị trí địa lý
– Huyện Yên Thành nằm ở phía bắc của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh và sân bay Vinh 60 km về phía nam; cách QL 1A 12 km về phía đông, cách Ga Sy (ga đường sắt) 9km về phía đông trên đường TL 538 đi QL 1A), cách cảng Cửa Lò 40 km về phía đông nam, cách Hà Nội 290 km về phía bắc.
– Có 39 đơn vị hành chính (01 thị trấn và 38 xã, trong đó có 18 xã miền núi). Hiện nay đã quy hoạch xây dựng đô thị Vân Tụ để trình cấp thẩm quyền thành lập thị trấn Vân Tụ ở khu vực phía nam huyện (theo QL 7A – tại xã Công Thành).
- Lợi thế tự nhiên – văn hóa xã hội
– Diện tích tự nhiên 54.829 ha; đất nông nghiệp 22.817 ha (trong đó đất trồng lúa nước 13.600 ha), đất lâm nghiệp 20.788 ha, đất phi nông nghiệp 9.928 ha, đất chưa sử dụng 920 ha; phù hợp với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp; nhiều vùng đất rộng lớn có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây cam hàng hóa.
– Là huyện có trình độ thâm canh lúa, năng suất, sản lượng luôn đứng đầu tỉnh Nghệ An (b/q mỗi năm đạt 150 -155 ngàn tấn lúa); ngoài việc sản xuất các loại lúa giống chất lượng cao, nay có thêm một số cây trồng mới đã được khẳng định thương hiệu và nhân rộng sản xuất như: Cam (tại xã Đồng Thành và xã Minh Thành), Nấm Rơm đã được công nhận tiêu chuẩn VIETGAP, lúa Tím thảo dược.
– Tài nguyên khoáng sản: có đá xây dựng (ở các xã Đồng Thành, Trung Thành, Nam Thành, Thịnh Thành, Minh Thành, Tân Thành, Mã Thành…); ngoài ra còn có khoáng sản quý hiếm như vàng (xã Tiến Thành), sắt (Kim Thành, Mã Thành), barits (xã Sơn Thành) và đất sét (xã Sơn Thành, Viên Thành, Hợp Thành…).
– Có Kênh Chính (sông Đào) bắt nguồn từ sông Lam cấp nước cho 3 huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu; Ngoài ra có 232 hồ đập lớn nhỏ ở các xã miền núi là nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, môi trường sinh thái, là cơ sở xây dựng các điểm du lịch sinh thái rừng.
– Là vùng đất khoa bảng(thời phong kiến có 20 vị đỗ đại khoa, tiêu biểu gia đình họ Hồ (xã Thọ Thành) có 3 thế hệ kế tiếp đỗ trạng nguyên; có trạng nguyên khai khoa xứ nghệ Bạch Liêu; nay hàng năm có hơn 1.200 học sinh đỗ vào các trường đại học, có nhiều giáo sư, tiến sĩ trên các lĩnh vực làm việc trong và ngoài nước); là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đậm đặc di tich lịch sử văn hóa (có 198 di tích, trong đó đã công nhận 21 di tích Quốc gia, 36 di tích cấp tỉnh), có nhà thờ công giáo Bảo Nham (tại xã Bảo Thành) kiến trúc độc đáo được ghép bằng các phiến đá lớn cách đây hàng thế kỷ.
– Là quê hương của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu.
– Đang hình thành tua du lịch tâm linh – sinh thái, đồng quê, thu hút du khách trong và ngoài huyện.
- Dân số – lao động – việc làm – dạy nghề
– Dân số hơn 29 vạn người, cần cù, có trình độ dân trí khá cao.
– Lao động trong độ tuổi 14,7 vạn người, bình quân mỗi năm có gần 4.000 người bổ sung vào lực lượng lao động, trong đó đang làm việc ở nước ngoài 13.700 người, còn lại lao động trong nước ở các vùng miền hơn 22 ngàn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 47%; đây là nguồn nhân lực cho các dự án có sử dụng lao động trong và ngoài huyện.
– Có 01 trường Trung cấp nghề kỹ thuật công – nông nghiệp đạt tiêu chuẩn đào tạo của Tổng cục Dạy nghề, đặt tại thị trấn; hàng năm đào tạo cho ra trường hàng trăm lao động có trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật gồm các ngành nghề: cơ khí, hàn, điện, may mặc và các nghề theo đặt hàng của các doanh nghiệp; đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng ngàn lao động nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, mây tre đan….
- Kết cấu hạ tầng kỹ thuật
* Về giao thông:
– Có tuyến đường QL 7A nối từ QL 1A đi nước Lào chạy qua 5 xã vùng phía nam huyện.
– Có các đường tỉnh lộ như: TL 538 chạy ngang qua trung tâm kinh tế chính trị huyện, nối từ QL 1A đến QL 7A (22 km); đường TL 534 từ cảng Cửa Lò – qua huyện Nghi Lộc – đến QL 7A về thị trấn Yên Thành.
– Ngoài ra hệ thống giao thông tuyến huyện, tuyến xã cơ bản đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đi lại thuận lợi.
* Hệ thống điện:
> Có trạm biến áp 110 kv tại xã Bắc Thành; và trạm biến áp 35 kv tại thị trấn cung cấp nguồn điện ổn định sinh hoạt, sản xuất.
> 39 xã, thị trấn và 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia.
* Hệ thống cấp nước sạch
24/39 xã có nhà máy nước sạch bảo đảm sinh hoạt, trong đó nhà máy nước thị trấn công suất 2000 m3 /ngày, đêm, nay được đầu tư nâng cấp công suất 5000 m3 /ngày, đêm. .
II . CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP; ĐIỂM CÔNG NGHIỆP ĐÃ VÀ ĐANG THỰC HIỆN THU HÚT ĐẦU TƯ
- Các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch
1.1. Cụm công nghiệp thị trấn:
– Vị trí: tại thị trấn Yên Thành, diện tích 11 ha; ở dọc bờ nam Kênh Chính cách QL 1A 12 km, cách Ga Sy (ga đường sắt) 9 km về phía đông, cách QL 7A 8 km về phía nam; đây là cụm công nghiệp được hưởng cơ chế đầu tư của Chính phủ. Bố trí các dự án sản xuất theo công nghệ sạch như may mặc, điện tử. Khi được lấp đầy, sẽ mở rộng thêm 20 ha dọc bờ bắc Kênh Chính.
– Thu hút đầu tư: + Công ty TNHH MLB TENERGY Nhật Bản, may mặc hàng xuất khẩu, thuê 4 ha đất, sử dụng 1.000 lao động, vốn đầu tư 05 triệu USD, sản xuất từ năm 2013.
+ Đã ký biên bản ghi nhớ với 2 nhà đầu tư Nhật Bản sẽ đầu tư tại cụm công nghiệp thị trấn 2 nhà máy may mặc, chế biến đồ gỗ cao cấp, dự kiến thuê 4 ha diện tích.
– Tiếp tục giới thiệu quy hoạch kêu gọi đầu tư.
1.2. Cụm công nghiệp Tràng Kè – xã Mỹ Thành:
– Vị trí: tại xã Mỹ Thành, dọc QL 7A, diện tích 50 ha đất đồi núi, cách QL 1A 25 km về phía đông – nam. Bố trí các dự án đầu tư công nghiệp, chế biến nông – lâm sản.
– Thu hút đầu tư: đang giới thiệu quy hoạch kêu gọi dầu tư.
- Các điểm công nghiệp
2.1. Điểm nghiệp Công Thành A và Công Thành B
– Vị trí: tại khu quy hoạch đô thị Vân Tụ – xã Công Thành, diện tích 45 ha, trên QL 7A đi nước bạn Lào về phía tây, cách QL 1A 18 km về phía đông – nam. Bố trí các dự án sản xuất công nghiệp, dịch vụ và chế biến nông sản.
– Thu hút đầu tư: Nhà máy chế biến tinh bột sắn – thuộc Công ty máy động lực & máy nông nghiệp Việt Nam, thuê 07 ha, vốn đầu tư 04 triệu USD, công suất 200 tấn tinh bột/ngày, sử dụng 150 lao động, hoạt động ổn định từ năm 2003 đến nay.
– Tiếp tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cụm công nghiệp và kêu gọi đầu tư.
2.2. Điểm công nghiệp Cửa Nương – xã Đồng Thành
– Vị trí: tại đồng Cửa Nương – xã Đồng Thành, diện tích 25 ha, cách thị trấn 4 km, nằm trên 2 tuyến đường Dinh – Lạt từ Yên Thành đi huyện Tân Kỳ và trên tuyến đường 22 từ Yên Thành đi QL 48 đến huyện Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa). Thu hút các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản.
– Thu hút đầu tư: Công ty cổ phần Tây Nghệ – Yên Thành, xây dựng nhà máy sản xuất gạch tuynel tại cụm công nghiệp Cửa Nương – Đồng Thành, công suất 40 triệu viên/năm, thuê 10 ha, sử dụng 150 lao động, vốn đầu tư 2,0 triệu USD; đã hoạt động từ tháng 9/ 2014.
2.3. Điểm công nghiệp Sơn Thành
– Vị trí: tại xã Sơn Thành, diện tích 30 ha, nằm kề tỉnh lộ 534; cách QL 7A về phía Bắc 3 km, cách QL 1A về phía Nam 7 km, được quy hoạch bố trí các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng gạch tuynel, sản xuất đồ gốm, sứ.
– Thu hút đầu tư: Công ty BMC (thuộc bộ Công Thương), thuê 12 ha đất tại xã Sơn Thành để xây dựng nhà máy sản suất gạch tuynel, vốn đầu tư 7 triệu USD, sử dụng 200 lao động; đã giải phóng mặt bằng, đang tiến hành xây dựng.
III. THU HÚT ĐẦU TƯ NGOÀI CÁC CỤM, ĐIỂM CÔNG NGHIỆP
- Công ty Globe Farm Hàn Quốc thuê đất trồng chuối xuất khẩu tại xã Viên Thành 200 ha, sử dụng 200 lao động, vốn đầu tư 03 triệu USD. Hiện tại đã thuê 51 ha đất để trồng chuối.
- Tập đoàn sữa TH, thuê đất rừng trồng cây dược liệu tại các xã Lăng Thành, Mã Thành, Tân Thành, Kim Thành, diện tích 2.400 ha. Vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, đang thực hiện giải phóng mặt bằng.
- Công ty cổ phần phân phối khí đốt Ga Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh, thuê 1 ha đất tại xã Tăng Thành xây dựng nhà máy chế biến bánh gỗ xuất khẩu, từ sản phẩm lâm nghiệp, vốn đầu tư 35 tỷ đồng, hiện đang xây dựng.
- Công ty hợp tác kinh tế Việt – Lào, thuê 1.200 ha đất khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng tại 2 xã Tân Thành và Tiến Thành, vốn đầu tư 120 tỷ đồng; đang thực hiện giải phóng mặt bằng.
- Có 9 công ty được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thách khoáng sản (đá xây dựng thông thường) tại các xã có mỏ đá; Ngoài ra tại các điểm tiểu thủ công nghiệp ở một số xã nhiều doanh nghiệp, hộ các thể trong huyện thuê đất, đầu tư các lĩnh vực tin học – điện tử, sản xuất đồ mộc, khách sạn, nhà hàng…
III. CÁC DỰ ÁN SINH THÁI – TÂM LINH ĐANG XÂY DỰNG
- Dự án Khu du lịch sinh thái – tâm linh Rú Gám, trong khu rừng nguyên sinh, địa điểm tại xã Xuân Thành, cách thị trấn Yên Thành 1,5 km. Quy mô 110 ha, xây dựng 51 hạng mục, trong đó có 02 Thiền viện Trúc lâm Yên Thành tăng và ni; thuộc nguồn vốn xã hội hóa.
- Dự án xây dựng Tượng đài đồng chí Phan Đăng Lưu – nhà cách mạng tiền bối của Đảng gắn công viên. Vị trí: tại thị trấn Yên Thành
- Dự án xây dựng Đền thờ 72 liệt sỹ cách mạng bị thực dân Pháp xử bắn thời kỳ 1930 – 1931, tại Tràng Kè – xã Mỹ Thành.
- Dự án xây dựng Đền thờ Liệt sỹ huyện Yên Thành, tại Hòn Thàng – xã Tăng Thành.
- CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ
- Cơ chế tỉnh Nghệ An
– Thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa liên thông,đại đặt tại Sở Kế hoạch & Đầu tư; đơn giản, thuận tiện, ít đầu mối, đúng pháp luật.
– Hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, san nền.
– Xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào: đường điện, đường giao thông.
– Hỗ trợ đào tạo lao động
– Các loại thuế liên quan, tiền thuê đất theo quy định.
- Cơ chế huyện Yên Thành
– Phối hợp nhà đầu tư để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục thuê đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
– Giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tự.
– Đào tạo nghề cơ bản ban đầu. Phối hợp nhà đầu tư tuyển dụng lao động.
– Phối hợp xây dựng hạ tầng: điện, giao thông, nước sạch, thoát nướ đến chân công trình.
– Bảo đảm an ninh trật tự cho nhà đầu tư hoạt động.
- TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ DO UBND TỈNH GIAO
-Thực hiện tốt công tác quy hoạch.
– Thực hiện xúc tiến đầu tư thông qua hội nghị gặp gỡ giới thiệu cơ hội đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương.
-Thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư khi họ quyết định đầu tư tại Yên Thành nên đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư
- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
- Đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch – Đầu tư tạo mọi điều kiện ưu tiên giới thiệu các nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn, quyết định đầu tư vào huyện Yên Thành, các dự án thuộc ngành nghề:
– Chế biến sản phẩm nông nghiệp – lâm nghiệp, chăn nuôi; xây dựng nhà máy thức ăn gia súc ở cụm công nghiệp Tràng Kè (Mỹ Thành); điểm công nghiệp Cửa Nương (Đồng Thành); điểm công nhiệp Công Thành A và B.
– Đầu tư dự án phát triển cây ăn quả như cam ở xã Đồng Thành và xã Minh Thành.
– May mặc xuất khẩu, lắp ráp điện tử, dịch vụ… tại cụm công nghiệp Thị trấn; điểm công nghiệp Công Thành A và B.
- Đề UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp Công Thành A và B để huyện sớm hoàn thành kế hoạch thành lập thị trấn Vân Tụ (thị trấn 2), tạo tiền đề thu hút đầu tư phát triển thị trấn thương mại dịch vụ vùng phía nam huyện.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Yên Thành đang hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững và luôn là địa chỉ tin cậy đối với các nhà đầu tư.
UBND HUYỆN YÊN THÀNH
Giới thiệu lịch sử huyện Yên Thành
Huyện Yên Thành, được thành lập tách ra từ huyện Đông Thành, Phủ Diễn Châu, từ năm Minh Mệnh thứ 18 (1837). Phủ Diễn Châu tức Châu Diễn, là một bộ phận của bộ Hoài Hoan, một trong 15 bộ của của nước Văn Lang thời vua Hùng Dựng nước. Dưới thời Bắc thuộc, Diễn Châu thuộc huyện Hàm Hoan đời Hán, quận cửu Đức đời Ngô, quận cửu Chân Đời Lương, quận Nhật Nam đời Tuỳ, châu nam Đức, Đức Châu rồi Hoan Châu, đời Đường. Năm Trịnh quán I (627) đời Đường, phía bắc Hoan Châu gọi là Diễn Châu. Tên Diễn Châu bắt đầu được gọi từ đó. Diễn Châu có lúc gọi là quận Long Tri gồm 7 huyện: Trung Nghĩa; Hoài Hoan; Long Tri; Tứ Nông; Võ lung; Võ Dung; và Võ Kim, trị sở đóng tại Quỳ Lăng (Lăng thành).
Huyện Yên Thành, được thành lập tách ra từ huyện Đông Thành, Phủ Diễn Châu, từ năm Minh Mệnh thứ 18 (1837). Phủ Diễn Châu tức Châu Diễn, là một bộ phận của bộ Hoài Hoan, một trong 15 bộ của của nước Văn Lang thời vua Hùng Dựng nước.
Dưới thời Bắc thuộc, Diễn Châu thuộc huyện Hàm Hoan đời Hán, quận cửu Đức đời Ngô, quận cửu Chân Đời Lương, quận Nhật Nam đời Tuỳ, châu nam Đức, Đức Châu rồi Hoan Châu, đời Đường. Năm Trịnh quán I (627) đời Đường, phía bắc Hoan Châu gọi là Diễn Châu. Tên Diễn Châu bắt đầu được gọi từ đó. Diễn Châu có lúc gọi là quận Long Tri gồm 7 huyện: Trung Nghĩa; Hoài Hoan; Long Tri; Tứ Nông; Võ lung; Võ Dung; và Võ Kim, trị sở đóng tại Quỳ Lăng (Lăng thành). Được quyền tự chủ, các triều đại Ngô (939-967); Đinh (968-980) vẫn chọn Quỳ Lăng làm lỵ sở Châu Diễn. Thời triều Lê (980-1009) lỵ sở Châu Diễn chuyển về Kẻ Dền, Công Trung Thượng (xã Văn Thành).
Sách “Đại Nam nhất thống chí” thì đây là cơ sở của hoàng tử con vua Lê Đại Hành và Lê long Ngân (còn có tên là Long Toàn, Lê Ngân Tích), được phong làm Đông Thành Đại Vương, đã chọn kẻ Dền đắp thành xưng đế. Với ý đồ xây dựng Châu Diễn làm vùng cát cứ lâu dài; (ở kẻ Dền vẫn còn dấu tích của thành vua Dền, như nền thành, tường thành, hào nước bao quanh, các xã lân cận còn có tên là Triều Nha, Hậu Nha, Triều Đường, Thượng Thành, Hạ thành, bến tàu Voi, đồng lùm Hoa, kho Vàng, kho tiền…mang đậm dấu vết một triều đô cũ.)
“Núi Mã Yên (Yên Ngựa) xã hương Khê, huyện Yên Thành, một ngọn núi cao, trong đám núi trông như hình yên ngựa; sườn núi có một hố sâu, rộng đến vài trượng, gọi là huyệt Vương Mẫu. Tục truyền con vua Lê Đại Hành giữ Phủ Diễn Châu ( châu lỵ đóng ở Công Trung) có táng mộ bà mẹ ở đây, khi nhà Lý cướp ngôi nhà Lê, Lê Hoàng tử bèn giữ châu tự xưng làm đế. Nhà Lý đánh không nổi, phải ngầm mượn người đào mộ ấy lên, rồi sau mới dẹp tan được” (Đại nam nhất thống chí quyển 14-15 trang 53)
Trên dãy Mã yên vẫn còn dấu tích của Động Huyệt và những huyền thoại về kẻ Dền. Tháng 11 năm 1041 vua Lý Thái tổ cử Lý Nhật Quang vào làm tri châu Nghệ An, Lý Nhật Quang đã dừng chân tại Công Trung Đông và Tràng Thành Nam để nghiên cứu nơi thành lập trị sở (Nghệ An) sau đó mới lên đặt tri sở tại Mượu xã Bạch đường (Anh Sơn) Từ đây cũng bắt đầu cuộc di dân từ bắc vào khai phá đồng ruộng, lập làng. ở Công Trung Đông; Tam toà, Hợp thành và Tràng Thành Nam Hoa Thành còn đền thờ Lý Nhật Quang, năm thiên thành thứ 3 đời vua Lý Thái Tông (1036), nhập Hoan Diễn Thành châu Nghệ An, thời Trần gọi là huyện Thổ Thành, vua Trần Duệ Tông năm Long khánh thứ 2 (1374) đổi làm lộ Diễn Châu. Vua Trần Thuận Tông năm Quang Thái thứ 10 (1379) đặt là trấn Vọng Giang.
Nhà Trần vẫn tiếp tục phái thân vương Trần Quốc Khang vào trấn trị Diễn Châu. Mùa xuân năm 1270 Tĩnh Quốc đại Vương Trần Quốc Khang (anh vua Trần Thánh Tông) được phong làm vọng Giang phiêu kỵ đô thượng tướng quân, đã tiếp tục xây dựng kẻ Dền lỵ sở Châu Diễn. Trần Quốc Khang đã mở mang trị sở, ý đồ chuẩn bị để xưng đế “Xây dựng phủ đệ, lang vũ vòng quanh lộng lẫy quá mức thường, vua nghe tin sai người đến xem, Tĩnh quốc sợ, nên tô tượng phật để thờ, nay là chùa Thông” (đại việt sử ký toàn thư, tập II của Ngô Sỹ Liên, Hà nội 1971 trang 41).
Trần Quốc Khang đã xây dựng kẻ Dền, chùa Thông như là một đế đô, bao gồm chợ búa, làng xã, trại lính và đắp con đường từ kẻ Dền lên Chùa Thông gọi là đường Vua.
Đời nhà Hồ, Hồ Hán Thương đổi tên làm phủ Linh Nguyên (1403) thời thuộc Minh gọi là huyện Đông Ngàn.
Năm 1428, sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi chia nước làm 5 đạo, Diễn Châu thuộc đạo Hải Tây
Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đời Lê Thánh Tông phủ Diễn Châu thuộc thửa tuyên Nghệ An, phủ Diễn Châu lúc này gồm 2 huyện Đông thành và Quỳnh Lưu. Huyện Đông thành bao gồm cả huyện Yên Thành, Diễn Châu và một số xã của Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Nghi Lộc ngày nay. Lỵ sở Phủ Diễn Châu chuyển từ Kẻ Dền (Công Trung) về Thành Trài (Đông Lũy) Diễn Hồng.
Thời nhà Lê, huyện Đông thành và huyện Quỳnh Lưu đều do phủ Diễn Châu kiêm lý. Đến thời Tây Sơn Quang Trung, Nguyễn Huệ đổi Nghệ An thành trấn Nghĩa An, phủ Diễn Châu thuộc trấn Nghĩa An, phủ lỵ dời về làng Tiền Lý (Diễn Ngọc).
Năm 1802 Gia Long đổi Nghĩa An thành Nghệ An, phủ Diễn Châu vẫn gồm 2 huyện Đông thành và Quỳnh Lưu. Huyện Đông thành gồm 7 tổng: Cao Xá; Vạn Phần; Quan Trung; Quan Triều; Thái Trạch; Vân Tụ; Hoàng Trường. Gồm 242 xã và thôn động.
Mùa xuân năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) từ huyện Đông thành tách ra thành 2 huyện: Đông thành và Yên Thành, theo hướng Đông Tây; huyện Yên Thành ở về phía Bắc, trị sở đóng tại Yên Lý (gần chợ huyện xã Diễn Yên). Huyện Đông thành đóng ở phía nam, trị sở đóng tại làng Cao Xá, xã Diễn Thành, huyện nào cũng có núi, có đồng bằng và có biển.
Huyện Yên Thành gồm các tổng: Hoàng Trường, Vạn Phần, Thái Trạch, Quan Triều và Cự Lâm do phủ Diễn Châu thống hạt. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) trích tổng Cự Lâm lập huyện Nghĩa Đàn.
Năm Tự Đức thứ 4 (1851), bởi chức tri huyện Yên Thành đóng ở Yên Lý mà do tri phủ Diễn Châu kiêm nhiếp cả 2 huyện.
Năm Thành Thái thứ 10 (1898) Thực dân Pháp và chính quyền nhà Nguyễn nhận thấy chia 2 huyện theo chiều đông tây, thì địa dư từ tây sang đông quá dài, bề ngang lại hẹp nên chia lại hai huyện theo chiều Nam Bắc. Huyện Đông thành về phía đông, huyện Yên thành về phía Tây, đều thuộc Phủ Diễn Châu
Huyện Yên Thành gồm các tổng: Quỳ Trạch (tức Thái trạch); Quan Hoá (tức quan triều) Vân Tụ; Quan Trung và lập thêm tổng Vân Hội, lỵ sở Yên thành chuyển về làng Phụng Luật xã Hợp thành.
Từ năm 1919, bỏ cấp phủ, đổi huyện Đông thành, phủ Diễn Châu ngang cấp với huyện Yên Thành.
Từ năm 1898 đến năm 1945 huyện Yên thành có 5 tổng 136 làng xã; sau cách mạng tháng Tám năm 1945 cắt các làng Xuân Lạc (kẻ Năn), Phượng Kỷ (trại lạ) Quỳ Hậu (kẻ Mưng), Yên Lương, Mỹ hoá, Trịnh Sơn (kẻ rọc) về Anh Sơn; cắt Trị Nội; Hội Yên về Nghi Lộc. Sau năm 1955 cắt phía bắc Nghĩa Môn, làng Cận về Quỳnh Lưu.
Sau khi giành lại chính quyền vào ngày 28/8/1945, Yên thành đã xây dựng chính quyền nhà nước địa phương phát triển vững chắc, đến nay huyện Yên Thành có 38 xã và 1 thị trấn, 12 thị tứ, với số dân là 275.165 người (theo số liệu thống kê đến ngày 31 tháng 12 năm 2008).