Lãi là gì? Đặc điểm và mức lãi suất theo quy định của pháp luật?

Lãi là gì

Khi vay tài sản, người vay thường phải trả thêm một phần giá trị ngoài phần vốn gốc ban đầu. Giá trị tăng thêm so với phần tài sản vay ban đầu ( nợ gốc) được gọi là lãi. Khi bên cho vay chuyển quyền sử dụng tiền cho người vay đồng nghĩa họ hi vọng có được lượng tiền lớn hơn trong tương lai. Vì vậy, có thể hiểu lãi được coi là một trong những vấn đề được quan tâm nhất của các bên trong các hợp đồng vay tài sản và được pháp luật quy định cụ thể.

Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

– Cơ sở pháp lý: Bộ luật dân sự 2015.

1. Lãi là gì?

– Bộ luật dân sự 2015 và các Bộ luật dân sự trước đây chỉ quy định về việc trả “lãi” của vay cho bên cho vay khi các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy bên định mà không đưa ra khái niệm về “lãi”. Các nhà làm luật có lẽ nghĩ rằng “lãi” là một trong những thuật ngữ thông dụng, dễ hiểu nên đã sử dụng trong bản Bộ luật Dân sự – văn bản có giá trị pháp lý chung nhất, cao nhất điều chỉnh các mối quan hệ có tính chất tư – mà không cần sự giải thích, định nghĩa nào hết. Từ đó, có thể hiểu : lãi là toàn bộ những giá trị sinh ra từ tài sản thông qua hoạt động cho vay, được tính dựa trên thời hạn vay, lãi suất và số tiền vay.

– Lãi suất cho vay được áp dụng đối với khoản nợ gốc và trong thời gian cho vay theo thỏa thuận của các bên. Đặc biệt, khi các bên thỏa thuận về lãi suất mà bên vay trả nợ đúng hạn thì có một loại lãi suất duy nhất được áp dụng đó là lãi suất cho vay áp dụng trên nợ gốc trong thời hạn vay.

– Về nguyên tắc, lãi suất cho vay cụ thể sẽ do các bên tự thỏa thuận, điều này được công nhận tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc trả lãi suất nhưng không có thỏa thuận cụ thể về mức lãi suất áp dụng thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

Xem thêm: Lãi chậm trả và lãi quá hạn? Cách tính lãi suất chậm trả và quá hạn?

2. Đặc điểm và mức lãi suất theo quy định của pháp luật:

* Đặc điểm của lãi:

– Thứ nhất, lãi suất xuất hiện chủ yếu trong các hợp đồng vay tài sản: Có thể thấy lãi suất có thể xuất hiện trong các quan hệ vay tài sản hoặc kinh doanh thương mại và là cơ sở để tính lãi. Tuy nhiên, lãi suất chủ yếu vẫn được tồn tại trong các hợp đồng vay bởi lẽ đây là cơ sở chủ chốt để tính được lãi – mục tiêu của hợp đồng vay. Các loại hợp đồng khác như đồng cho thuê, đầu tư thì việc tính lãi còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như phần góp sức… còn riêng đối với hợp đồng vay thì lãi suất là cơ sở chính để tính lãi, lãi suất có thể do hai bên tự thoả thuận hoặc tuân theo quy định của pháp luật.

– Thứ hai, lãi suất là điều khoản tuỳ nghi hoặc có thể là điều khoản thông thường: Điều khoản tuỳ nghi là điều khoản do các bên tự thoả thuận mà pháp luật không bắt buộc phải có trong một hợp đồng dân sự. Khi tiến hành giao kết hợp đồng các bên còn có thể thoả thuận để cụ thể thêm một số điều khoản khác nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được thực hiện đầy đủ, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Xét lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là điều khoản tuỳ nghi vi Trường hợp hai bên muốn cụ thể mức lãi suất áp dụng, hoàn toàn có cụ thể hoá trong hợp đồng vay tài sản. Do trong giao dịch dân sự, yếu tố thoả thuận giữa các bên luôn được tôn trọng.

Tuy vậy, đối với trường hợp hai bên không thoả thuận về mức lãi suất. đối với hợp đồng vay có lãi thì sẽ áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 468 để tính mức lãi suất áp dụng. Trường hợp này lãi suất trở thành điều khoản thông thường.

– Thứ ba, lãi suất không tồn tại một cách độc lập: Bản chất của lãi suất là một tỉ lệ nhất định mà bên vay phải trả cho bên cho vay dựa vào số tiền vay gốc trong một thời hạn nhất định. Do đó, sẽ không thể có tỉ lệ đó nếu như không tồn tại số tiền gốc mà các bên thoả thuận được trong hợp đồng vay tài sản.

– Thứ tư, lãi suất được tính dựa trên số vay gốc và thời hạn vay (thời gian vay): lãi suất tỉ lệ thuận với vốn gốc và thời hạn vay. Do đó, tương ứng với số nợ gốc nhiều hay ít, thời hạn vay dài hay ngắn mà các bên có thể thoả thuận mức lãi suất cho phù hợp.

* Cách tính lãi suất theo quy định của pháp luật:

+ Trần lãi suất cho vay áp dụng đối với hợp đồng vay tài sản không là hợp đồng tín dụng

Đối với hợp đồng vay tài sản không là hợp đồng tín dụng hoặc chịu sự quản lý của pháp luật chuyên ngành khác (nếu có), nhằm ngăn ngừa hiện tượng cho vay nặng lãi, bên cho vay lợi dụng lãi suất để thu lời bất chính thì các nhà làm luật đã đưa ra một trần lãi suất mà các bên tham gia hợp đồng vay tài sản thoả thuận.

Các hợp đồng vay tài sản chịu sự điều chỉnh của BLDS 2015 thì mức trần lãi suất được quy định như sau:

– Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác (Khoản 1 Đ468)

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ. (Khoản 2 Đ468).

Lãi suất cho vay được xác định theo phần trăm tính từ ngày vay cho đến ngày trả nợ. Các bên phải thoả thuận và xác định trong hợp đồng về mức lãi suất áp dụnng (lãi suất cố định/biến động). Nếu lãi suất trong hạn được xác định là lãi suất biến động (lãi suất thay đổi) thì cần xác định rõ biên độ dao động và cơ sở để xác định biên độ dao động.

– Có thể hiểu rằng, nếu trong trường hợp pháp luật điều chỉnh về một lĩnh vực cụ thể có quy định khác về lãi suất đó cho quan hệ vay tài sản sẽ áp dụng quy định đó. Việc áp dụng quy định chuyên ngành để điều chỉnh không chỉ gói gọn trong các quan hệ tín dụng mà có thể là quan hệ vay tài sản theo chính sách xã hội,…

Như vậy, thì BLDS đã hướng dẫn trong quan hệ tín dụng nói chung và HĐTD nói riêng thì sẽ áp dụng quy định liên quan trong lĩnh vực tín dụng để điều chỉnh. Đồng thời, ý kiến trên viện dẫn thực tế rằng quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng hiện chưa làm rõ về việc có áp mức trần lãi suất cụ thể hay không, nếu có thì là bao nhiêu? Vì vậy xuất hiện ý kiến cho rằng đối với những vấn đề không quy định trong pháp luật chuyên ngành thì sẽ sử dụng quy định chung. Cụ thể, Luật các TCTD không quy định thì sẽ các HĐTD cũng sẽ áp dụng giới hạn lãi suất là 20%/năm.

– Lãi suất chậm trả nợ gốc: Lãi suất quá hạn là tỉ lệ phần trăm tính trên nợ gốc mà bên vay phải trả cho bên cho vay tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất quả hạn thường cao hơn lãi suất đúng hạn do được áp dụng đối với người vay vi phạm nghĩa vụ về thời hạn. Sau thời hạn mà bên vay không trả hoặc trà hết số tiền vay thi bên cho vay có quyền tính lãi dựa trên lãi suất quá hạn theo đúng như thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

– Lãi suất chậm trả nợ gốc trong hợp đồng vay tài sản không là hợp đồng tín dụng

Trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất thì mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điểm c, khoản 2, Điều 5 Nghị quyết 01/2019). Do đó mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản là không quá 150% x 20%/năm = 30%/năm.

Trường hợp các bên không thoả thuận về mức lãi suất này thì lãi suất quá hạn = lãi suất trong hạn x 150% (K5 Đ466).

* Hợp đồng vay tài sản không lãi: Lãi trong trường hợp trả đúng hạn

Đối với hợp đồng vay tài sản như đã nêu ở trên thì bên vay có chỉ có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã vay trong thời hạn thoả thuận (trường hợp có thoả thuận về thời hạn cho vay) hoặc trong thời gian hợp lý mà bên cho vay thông báo trước. Trường hợp này, bên vay đã thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản đã vay đúng theo kỳ hạn đã thoả thuận, vậy nên, bên vay không phải tra bất kỳ lãi nào.

– Lãi trong trường hợp quá hạn

Trường hợp các bên thoả thuận không cần trả lãi mà bên vay vi phạm nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã vay theo đúng thời hạn thoả thuận (không trả hoặc trả không đầy đủ) thì áp dụng quy định tại Khoản 4 Điều 466 BLDS 2015: Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Điều khoản này có mở rộng thêm trường hợp khác là “trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác” nhưng ta đang xem xét trường hợp các bên không có bất kỳ thoả thuận nào về lãi suất cả khi giao kết hợp đồng lẫn khi có sự vi phạm về nghĩa vụ trả nợ.

Trường hợp bên cho vay yêu cầu, thì bên vay có nghĩa cụ phải trả cho bên vay phần lãi tương túng với phần nợ gốc quá hạn. Lãi suất được tính theo đoạn đầu của Khoản 4 Điều 466 (dẫn chiếu tối khoản 2 Điều 468) . mức lãi suất cố định bằng 10%/năm. Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn = số tiền chậm trả x thời gian chậm trả nợ gốc x 10%.

* Hợp đồng vay tài sản có lãi

– Hợp đồng vay tài sản không là hợp đồng tín dụng

+ Lãi trong trường hợp trả đúng hạn: Lãi suất được các bên thoả thuận với nhau. Hai bên có nghĩa vụ tuân thủ đúng với những thoả thuận khi giao kết hợp đồng. Khi Bên vay trả lãi đúng trong kỳ hạn đã thoả thuận thì Bên vay chỉ phải trả số tiền lãi tương ứng với thời hạn và lãi suất thoả thuận. Cụ thể: Lãi trong hạn = Lãi suất thoả thuận x thời hạn vay x số tiền vay.

Trường hợp hai bên không thoả thuận cụ thể về lãi suất cho vay thì sẽ áp dụng Khoản 2 Điều 468, theo đó: Lãi trong hạn = 10%/năm x thời hạn vay x số tiền vay

Trường hợp có tranh chấp về lãi trong hạn mà hai bên trước đó đã thoả thuận mức lãi suất cao hơn mức trần 20%/năm, thì căn cứ vào đoạn 2, Khoản 1 Điều 468 BLDS 2015 “trường hợp lãi suất theo thoả thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Khi đó, lãi suất được công nhận là 20%/năm, công thức tính lãi như sau:

Lãi trong hạn = 20%/năm x thời hạn vay x số tiền vay