Hệ số Gini
Khái niệm
Hệ số Gini hay còn gọi là hệ số Lorenz trong tiếng Anh gọi là: Gini coefficient.
Hệ số Gini, mang tên nhà khoa học người Italia, C. Gini (1884- 1965), là thước đo bất bình đẳng được sử dụng phổ biến nhất.
Về mặt hình học, hệ số này được xác định bằng cách lấy diện tích hình A (Hình minh họa) được xác định bởi đường Lorenz và đường chéo Line of equality- đường bình đảng tuyệt đối chia cho diện tích nửa hình vuông có chứa đường Lorenz đó (A+ B) (B là diện tích phần còn lại nằm dưới đường Lorenz).
Về công thức, hệ số Gini (g) được tính như sau:
g= A/ (A+ B)
Bởi vì mỗi cạnh của hình vuông là 1 đơn vị (100%) nên diện tích (A+ B) luôn bằng 1/2, khi đó hệ số Gini được tính bằng:
g= 2A
Ý nghĩa của hệ số
Căn cứ vào hệ số Gini, người ta chia quốc gia thành ba nhóm bất bình đẳng thu nhập. Nếu hệ số Gini nhỏ hơn 0,4 thì quốc gia có mức độ bất bình đẳng thấp, hệ số Gini từ 0,4 đến 0,5 là quốc gia có mức độ bất bình đẳng trung bình và quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao khi hệ số Gini lớn hơn 0,5.
Hiện nay trên thế giới xu hướng bất bình đẳng ở mức cao tập trung chủ yếu ở các nước châu Mỹ Latinh và châu Phi (đặc biệt ở khu vực miền Nam châu Phi).
Nhóm quốc gia có tình trạng bất bình đẳng thấp tập trung ở Đông Nam Á, các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi của Đông Âu và Trung Á, và đa số các nước có nền kinh tế thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Các quốc gia có mức bất bình đẳng thu nhập trung bình tập trung chủ yếu ở Đông Á.
Ưu điểm và hạn chế
Hệ số Gini khắc phục được hạn chế của đường Lorenz là hệ số này đã lượng hóa được mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Nó cho phép so sánh mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các quốc gia, khu vực và vùng.
Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp này cũng có những hạn chế bởi vì diện tích A có thể như nhau (nghĩa là nhận được hệ số Gini giống nhau) nhưng độ phân bố các nhóm dân cư có mức thu nhập khác nhau là không giống nhau, do đó hình dạng của đường Lorenz là khác nhau.
Điều này đặc biệt đúng khi các đường Lorenz giao nhau, làm cho hệ số Gini trở thành một thước đo không hoàn toàn nhất quán. Điểm thứ hai là không cho phép phân tách hệ số Gini theo các phân nhóm (chẳng hạn như nông thôn, thành thị hay các vùng trog một nước) rồi sau đó “tổng hợp lại” để rút ra hệ số Gini quốc gia.
Đường Lorenz cũng là một trong những công cụ biểu đạt mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập được sử dụng trong kinh tế học. Là cách biểu thị bằng hình học hàm phân bố xác suất cộng dồn của một phân bố xác suất thực nghiệm cho trước về thu nhập hay của cải.
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế công cộng, TS. Vũ Cương, PGS.TS. Phạm Văn Vận, 2012, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)