Gây tê ngoài màng cứng có đau không? Quy trình thực hiện ra sao?

Màng cứng là gì

Gây tê ngoài màng cứng là một thủ thuật được sử dụng phổ biến trong sản khoa, giúp mẹ bầu giảm đau khi chuyển dạ và sinh con. Ngoài ra, gây tê màng cứng cũng giúp giảm đau trong và sau phẫu thuật ở một số loại phẫu thuật lớn nhất định. Gây tê ngoài màng cứng là một thủ thuật tương đối an toàn khi được thăm khám, chỉ định và thực hiện bởi các bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm.

Gây tê ngoài màng cứng là gì?

Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật gây tê trên trục thần kinh trung ương, bác sĩ sẽ đưa các thuốc vào không gian xung quanh các dây thần kinh cột sống (gọi là khoang ngoài màng cứng). Sau khi đưa các thuốc vào đúng khoang ngoài màng cứng, người bệnh sẽ giảm hoặc không còn cảm giác đau. (1)

Gây tê ngoài màng cứng để làm gì?

  • Giảm đau cho quá trình chuyển dạ và sinh con.
  • Giảm đau sau mổ cho một số cuộc phẫu thuật lớn.

Lợi ích của phương pháp gây tê ngoài màng cứng là gì?

  • Hơn 50% thai phụ chọn phương pháp giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng khi sinh con. Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau phổ biến nhất trong quá trình chuyển dạ và sinh con.
  • Phương pháp gây tê ngoài màng cứng khá an toàn cho chuyển dạ và sinh con, giảm đau hiệu quả, sản phụ vẫn có thể di chuyển trên giường bệnh và rặn sinh bé.
  • Việc gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp sản phụ có thể nghỉ ngơi trong quá trình chuyển dạ, không mất sức khi thời gian chuyển dạ kéo dài, giúp sản phụ không phải ám ảnh bởi những cơn đau thắt từng cơn khi chuyển dạ.
  • Các thuốc được sử dụng trong khoang ngoài màng cứng hầu như không đi qua nhau thai nên không ảnh hưởng đến thai nhi.

Gây tê ngoài màng cứng hoạt động như thế nào?

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp vô cảm được bác sĩ lựa chọn hàng đầu giúp sản phụ đẻ không đau.(2)

Tủy sống nằm trong ống của cột sống, được bao bọc bởi 3 lớp màng: màng bên ngoài là màng cứng, màng giữa là màng nhện, màng trong gọi là màng nuôi.

Tủy sống được ví như đường cao tốc kết nối các dây thần kinh phân bố khắp cơ thể đến não. Các thuốc tê được sử dụng trong khoang ngoài màng cứng sẽ ức chế liên tục dẫn truyền cảm giác đau về sừng sau tủy sống làm cho bệnh nhân giảm được cơn đau rất nhiều phụ thuộc vào liều lượng và nồng độ thuốc tê bác sĩ Gây mê hồi sức chỉ định.

Gây tê ngoài màng cứng có đau không?

Bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ sử dụng một bộ dụng cụ chuyên dùng để thực hiện thủ thuật gây tê ngoài màng cứng, có sử dụng thuốc gây tê tại chỗ vùng đi kim nên trong suốt quá trình làm thủ thuật hầu như sản phụ sẽ không đau hoặc chỉ đau thốn nhẹ vùng lưng.

Sau đó, bác sĩ sẽ luồn dây ống thông gọi là catheter vào khoang ngoài màng cứng, sợi dây này rất mềm và mảnh. Dây catheter này sẽ được cố định kỹ ở sau lưng và sẽ được rút ra khi sinh em bé xong. Thuốc sẽ được đưa vào khoang ngoài màng cứng thông qua catheter này.

Tùy vào thời điểm cuộc chuyển dạ hoặc vị trí, loại phẫu thuật cần phải lưu catheter ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc, liều lượng, nồng độ khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng.

Gây tê ngoài màng cứng có gây đau lưng không?

Khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ thao tác ở vị trí vùng lưng của sản phụ. Vì vậy, nhiều người sẽ nghĩ rằng gây tê ngoài màng cứng có thể gây đau lưng. Thực tế, đau lưng do gây tê ngoài màng cứng tương đối ít gặp, nếu có sẽ tự giới hạn trong 2-3 ngày sau đó.

Một số trường hợp có bệnh lý về cột sống dẫn đến việc gây tê ngoài màng cứng khó khăn sẽ có nguy cơ đau lưng cao hơn. Triệu chứng đau lưng này sẽ biến mất trong vài ngày, việc gây tê ngoài màng cứng không gây ra đau lưng lâu dài hay mạn tính.

Hơn 50% những sản phụ sau khi sinh bị đau lưng dù có gây tê ngoài màng cứng hay không có thể do nhiều nguyên nhân như giãn các dây chằng vùng cột sống thắt lưng, biến đổi cột sống khi mang thai hoặc do các tư thế sinh hoạt khi mang thai,… Do đó sản phụ cần cân nhắc các ích lợi của gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ khi được các bác sĩ chỉ định thực hiện thủ thuật này.

Những rủi ro có thể gặp phải khi gây tê ngoài màng cứng

Bất kỳ cuộc gây tê nào cũng sẽ có những rủi ro, tuy nhiên lợi ích mà kỹ thuật gây tê gây mê đem lại cao hơn khi bác sĩ Gây mê hồi sức cân nhắc chỉ định trên người bệnh. Việc gây tê gây mê giúp người bệnh an tâm, không bị sang chấn tâm lý khi mổ, khi chuyển dạ và sớm hồi phục sau phẫu thuật.

Với gây tê ngoài màng cứng, thuốc đưa vào khoang ngoài màng cứng tương đối an toàn nhưng vẫn có thể gặp một số tác dụng phụ, biến chứng ít gặp như sau: hạ huyết áp, ngộ độc thuốc tê, tụ máu ngoài màng cứng, nhiễm trùng, thủng màng cứng..

Các bác sĩ và điều dưỡng gây mê hồi sức luôn theo dõi sát sao người bệnh, sản phụ bằng các phương tiện theo dõi hiện đại để phòng ngừa, sớm phát hiện, xử trí các bất thường nếu có khi thực hiện thủ thuật này.

Tác dụng phụ của gây tê ngoài cứng sau sinh

Một số ít thai phụ sau khi sinh con có sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng có thể gặp những tác dụng phụ như

  • Đau đầu
  • Khó khăn tạm thời khi đi đứng hay vận động (còn tác dụng của thuốc tê trong khoang ngoài màng cứng, phục hồi hoàn toàn sau vài giờ)
  • Vết bầm nhỏ hơi đau ở vị trí gây tê, biến mất sau 1 – 2 ngày.

Đối tượng nào không nên gây tê ngoài màng cứng?

Tùy thể trạng cơ địa, bệnh nền của mỗi người mà bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ chỉ định gây tê ngoài màng cứng. Người bệnh có những yếu tố sau có thể không được gây tê ngoài màng cứng:

  • Dị ứng thuốc tê
  • Rối loạn đông máu
  • Nhiễm trùng huyết
  • Nhiễm trùng vùng da vùng thắt lưng

Bài viết liên quan: Gây mê là gì? 7 kỹ thuật gây mê thường gặp và các lưu ý cơ bản

Quy trình gây tê ngoài màng cứng

Với những trường hợp có thể được chỉ định gây tê ngoài màng cứng giảm đau trong chuyển dạ, bác sĩ chờ cổ tử cung sản phụ giãn ra 3-4cm sẽ bắt đầu thực hiện gây tê ngoài màng cứng. Trong suốt quá trình gây tê và sau gây tê, mẹ bầu và em bé được theo dõi liên tục.

Sau gây tê, sản phụ giảm cảm giác đau nhưng vẫn cử động hai chân bình thường. Thai phụ vẫn ý thức được và tỉnh táo trong suốt quá trình chuyển dạ và sinh con. Dưới đây là quy trình gây tê ngoài màng cứng diễn ra theo 8 bước:

  • Bước 1: Sản phụ nằm nghiêng hoặc ngồi
  • Bước 2: Sản phụ được sát trùng vùng lưng
  • Bước 3: Bác sĩ tiêm thuốc tê tại chỗ vào vùng thắt lưng của sản phụ
  • Bước 4: Bác sĩ đi kim Tuohy vào vùng thắt lưng, xác định đúng khoang ngoài màng cứng bằng test mất sức cản, luồn ống thông vào khoang ngoài màng cứng sau đó rút kim và cố định ống thông
  • Bước 5: Bác sĩ tiêm thuốc test xác định đúng khoang ngoài màng cứng
  • Bước 6: Bác sĩ đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng để giảm đau cho sản phụ
  • Bước 7: Trong suốt cuộc sinh, sản phụ được truyền thuốc vào khoang ngoài màng cứng bằng phương pháp tự điều khiển (PCEA) được BS cài đặt sẵn theo phác đồ
  • Bước 8: Sản phụ sinh xong, bác sĩ rút ống thông nhẹ nhàng không đau

Khoa Gây mê hồi sức BVĐK Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ chuyên gia hàng đầu Việt Nam thành thạo phương pháp gây tê ngoài màng cứng, gây mê gây tê chuyên sâu trong tất cả các lĩnh vực Chấn thương Chỉnh hình, Sản phụ khoa, Hỗ trợ sinh sản, Tiêu hóa, Nhi khoa… Ngoài ra, bệnh viện còn quy tụ những chuyên gia từng tiên phong trong các kỹ thuật chuyên sâu ở lĩnh vực gây tê gây mê như: mổ não tỉnh, gây tê mặt phẳng cơ dựng sống ESP trong mổ tim không đau…

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được đầu tư máy móc trang thiết bị y tế hiện đại nhất và an toàn cho người bệnh như máy bơm thuốc tê, thuốc mê tự động, máy đo độ giãn cơ khi gây mê, máy sưởi ấm cho từng bệnh nhân…

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Khoa Gây mê hồi sức hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể đặt hẹn trực tuyến qua các cách sau đây:

  • Gọi tổng đài 0287 102 6789 – 0287 300 6858 (TP HCM) hoặc 1800 6858 – 024 7106 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng.
  • Đăng ký hẹn khám bệnh với bất kỳ bác sĩ nào mà mình tin tưởng tại đường link: https://tamanhhospital.vn/danh-cho-khach-hang/dat-lich-kham/
  • Gửi tin nhắn trên Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc Fanpage Tiết niệu – Nam học BVĐK Tâm Anh
  • Nhắn tin qua Zalo OA của BVĐK Tâm Anh.

Gây tê ngoài màng cứng là một phương pháp phổ biến được bác sĩ gây mê hồi sức lựa chọn cho sản phụ khi sản phụ yêu cầu giảm đau trong chuyển dạ. Trước khi gây tê ngoài màng cứng, sản phụ được bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ càng cũng như theo dõi suốt quá trình chuyển dạ, sinh nở để cùng sản phụ vượt cạn một cách trọn vẹn nhất.